Bệnh tiểu không tự chủ ở nam giới - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tiểu không tự chủ là tình trạng nước tiểu bị rò rỉ, bài tiết không kiểm soát, còn được gọi là tiểu són hay tiểu không kiểm soát. Đây không phải là một bệnh lý mà là triệu chứng của vấn đề ở đường tiết niệu, thường gặp ở nam giới, nhất là khi đã lớn tuổi. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

Bệnh tiểu không tự chủ ở nam giới - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Tiểu không tự chủ là tình trạng nước tiểu bị rò rỉ, bài tiết không kiểm soát, còn được gọi là tiểu són hay tiểu không kiểm soát. Đây không phải là một bệnh lý mà là triệu chứng của vấn đề ở đường tiết niệu, thường gặp ở nam giới, nhất là khi đã lớn tuổi.

Nước tiểu được tạo ra từ thận và dự trữ trong bàng quang. Sau đó, chúng theo niệu đạo dẫn từ bàng quang qua tuyến tiền liệt và dương vật rồi thải ra ngoài. Xung quanh niệu đạo có một vòng cơ có tên là cơ vòng niệu đạo (urinary sphincter).

Khi bàng quang chứa đầy nước tiểu, các tín hiệu thần kinh truyền đến để cơ vòng này thắt chặt lại và lúc đó cơ bàng quang vẫn đang giãn. Các dây thần kinh và cơ hoạt động cùng nhau để giữ cho nước tiểu không bài tiết ra ngoài.

Khi bạn đi tiểu, các tín hiệu thần kinh truyền đến cơ trong thành bàng quang khiến chúng co bóp. Điều này giúp nước tiểu được “tống” ra khỏi bàng quang đến niệu đạo. Trong lúc cơ bàng quang co bóp, cơ ở niệu đạo sẽ giãn ra và giúp nước tiểu dễ dàng được bài xuất ra ngoài cơ thể.

Tiểu không tự chủ có thể xảy ra vì nhiều lý do, khiến nước tiểu được bài tiết ra ngoài không như ý muốn, chẳng hạn như:

  • Bàng quang co bóp quá mạnh hoặc không đúng lúc;
  • Cơ xung quanh niệu đạo không hoạt động như bình thường;
  • Quá trình làm rỗng bàng quang có vấn đề hoặc bàng quang quá đầy;
  • Niệu đạo bị chặn.

Ngoài ra, còn nhiều lý do khác có thể gây tiểu không tự chủ, chẳng hạn như do bệnh lý khác hoặc phẫu thuật.

2. Triệu chứng

Tiểu không tự chủ có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài (mạn tính). Trường hợp xuất hiện tình trạng này trong thời gian ngắn thường là do các vấn đề sức khỏe hoặc phương pháp điều trị gây ra.

Các tình trạng tiểu không tự chủ mạn tính gồm có nhiều loại khác nhau, như:

  • Tiểu són áp lực (stress incontinence) là tình trạng nước tiểu bị bài tiết ít một khi bạn hắt hơi, ho, cười, nâng một đồ vật, thay đổi tư thế hay làm gì gây áp lực lên bàng quang.
  • Tiểu són cấp kỳ hay tiểu gấp (urge incontinence) mô tả trạng thái bạn có cảm muốn đi tiểu mạnh đến mức không thể vào nhà vệ sinh kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi bàng quang co bóp lúc không cần thiết hay ngay cả khi trong bàng quang chỉ có một lượng nhỏ nước tiểu. Bàng quang tăng hoạt cũng có thể gây ra tiểu són cấp kỳ.
  • Tiểu són khi giãn bàng quang (overflow incontinence) xảy ra khi bạn có nhu cầu đi tiểu nhưng chỉ có thể bài tiết một lượng nước tiểu rất ít, sau đó nước tiểu lại rò rỉ ra ngoài.
  • Tiểu không tự chủ hoàn toàn (total incontinence) là tình trạng nước tiểu luôn bị rò rỉ ra ngoài, không kiểm soát được. Tình trạng này xảy ra khi cơ vòng không còn hoạt động.
  • Tiểu không tự chủ chức năng (functional incontinence) xảy ra khi bạn không vào nhà vệ sinh kịp thời để đi tiểu tiện. Điều này thường do có gì đó cản trở hoặc bạn không thể tự mình đi đến nhà vệ sinh.

3. Nguyên nhân

Một số vấn đề về sức khỏe và lối sống có thể gây ra tình trạng tiểu són, bao gồm:

  • Vấn đề ở tuyến tiền liệt. Phì đại tuyến tiền liệt lành tính hoặc ung thư tuyến này có thể chặn đường đi của niệu đạo. Khi đó, bàng quang phải hoạt động nhiều hơn để bài tiết nước tiểu ra ngoài. Điều đó khiến thành bàng quang trở nên dày và yếu đi khiến quá trình làm rỗng bàng quang khó khăn hơn.
  • Ung thư tuyến tiền liệt hoặc một số phương pháp điều trị căn bệnh này, như xạ trị hoặc phẫu thuật, có khả năng làm ảnh hưởng đến dây thần kinh soát bàng quang và dẫn đến tiểu không tự chủ.
  • Một số bệnh lý. Đa xơ cứng là một căn bệnh có thể gây tổn thương dây thần kinh truyền tín hiệu đến bàng quang. Nhiều bệnh lý khác cũng gây ảnh hưởng tương tự, như đái tháo đường, đột quỵ, bệnh Alzheimer, Parkinson.
  • Phẫu thuật. Phẫu thuật ruột, lưng dưới hay tuyến tiền liệt đều có khả năng gây ra vấn đề ở bàng quang. Nguyên nhân thường là do một số dây thần kinh đường tiết niệu bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Tuổi tác. Cũng giống như các cơ bắp khác trong cơ thể, cơ bàng quang cũng yếu đi theo thời gian, từ đó gây ra tiểu són.
  • Béo phì hoặc lười tập thể dục. Khi bạn không thường xuyên vận động, trọng lượng cơ thể có nguy cơ tăng lên. Mỗi khi cân nặng tăng lên, bàng quang cũng chịu nhiều áp lực hơn. Điều này có thể khiến cơ thể đi vệ sinh nhiều hơn bởi vì khó giữ được nước tiểu trong thời gian dài.
  • Ho mạn tính. Khi bạn mắc bệnh, dị ứng hay các vấn đề khác gây ho cũng làm tăng áp lực lên cơ bàng quang và sàn chậu. Nếu các cơ này yếu, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc giữ nước tiểu trong bàng quang.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu. Đôi khi, nhiễm trùng xảy ra tại một phần của đường tiết niệu, kích thích bàng quang và gây tiểu không tự chủ.
  • Táo bón. Khi phân cứng hoặc không được đào thải ra ngoài, các dây thần kinh đến hệ thống tiết niệu có thể bị ảnh hưởng và gây tiểu són.

Uống rượu hoặc uống một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc gây nghiện, thuốc trị cảm lạnh không kê đơn hay thuốc giảm cân cũng có thể khiến tình trạng tiểu không tự chủ trở nên nghiêm trọng hơn. Các tác nhân này dù không gây ra vấn đề nhưng có khả năng làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tiểu không tự chủ ở nam giới?

Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe và hỏi về các triệu chứng cũng như bệnh sử của bạn. Xét nghiệm nước tiểu cũng cần được tiến hành. Thông thường, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán về nguyên nhân gây tiểu không tự chủ dựa vào các điều trên.

Nếu nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng hoặc tình trạng tiểu không tự chủ có thể do nhiều vấn đề gây ra, bạn sẽ cần thực hiện nhiều xét nghiệm khác theo chỉ định.

Những phương pháp điều trị tiểu không tự chủ ở nam giới

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào loại tiểu không tự chủ đang mắc phải và mức độ ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống. Người bệnh có thể cần sử dụng thuốc, thực hiện các bài tập đơn giản hoặc kết hợp cả hai. Một số ít người sẽ cần trải qua phẫu thuật.

Nhiều trường hợp, tình trạng tiểu không tự chủ có thể kiểm soát được nhờ vào thay đổi lối sống. Bạn hãy thử:

  • Hạn chế tiêu thụ thức uống có chứa caffeine, chẳng hạn như trà hay cà phê, cũng như đồ uống có gas, như soda;
  • Hạn chế uống rượu, không nên uống quá 1 ly mỗi ngày Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ để chống táo bón;
  • Không hút thuốc;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Thực hiện thử các bài tập sàn chậu đơn giản, như Kegels;
  • Lên lịch trình sử dụng nhà vệ sinh theo giờ cố định mỗi ngày, mặc trang phục dễ cởi và không để nhiều chướng ngại vật trên đường đến nhà vệ sinh Khi đi tiểu, hãy cố gắng tập luyện tiểu hai lần, tức là cố gắng bài tiết nước tiểu càng nhiều càng tốt sau đó thư giãn một lúc rồi tiếp tục đi tiểu;
  • Ghi chép lại nhật ký đi vệ sinh để theo dõi các triệu chứng và thời điểm đi tiểu không tự chủ.

Nếu bạn gặp phải triệu chứng đi tiểu không tự chủ, đừng ngại trao đổi với bác sĩ. Hầu hết trường hợp mắc phải tình trạng này đều được chữa trị khỏi.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Tiểu không tự chủ ở nam giới, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM