Bệnh viêm cầu thận mạn tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm cầu thận mạn tính là một tập hợp các bệnh về thận, đe dọa tính mạng nhưng chưa có cách chữa trị. Chính vì thế cần phải chẩn đoán và điều trị sớm để có cơ hội lành bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo!

Bệnh viêm cầu thận mạn tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh viêm cầu thận mạn tính là gì?

Viêm cầu thận mạn tính là một tập hợp các bệnh về thận, trong đó các cầu thận, cụm vòng của các mao mạch được tìm thấy trong vỏ quả thận có chức năng loại bỏ chất thải dưới dạng nước tiểu, dần dần bị hư hại theo thời gian.

Viêm cầu thận mạn tính là một tình trạng kéo dài. Bệnh này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận mạn tính cũng như bệnh thận giai đoạn cuối.

Viêm cầu thận mạn có chữa được không?

Viêm cầu thận mạn tính là căn bệnh đe dọa tính mạng nhưng hiện tại không có cách chữa trị. Tuy nhiên, nếu bạn được chẩn đoán và điều trị sớm thì có cơ hội lành bệnh.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh viêm cầu thận mạn tính là gì?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm cầu thận mạn tính là:

Đi tiểu quá mức; Có máu lẫn trong nước tiểu; Nước tiểu có bọt: bạn có thể thấy nước tiểu sủi bọt khi đi tiểu; Tăng huyết áp; Chảy máu cam thường xuyên; Thường xuyên mệt mỏi, đau nhức và chuột rút cơ bắp, tình trạng này trở nặng vào ban đêm; Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu bao gồm da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt; Chán ăn và giảm cân; Da khô, có hoặc không có ngứa; Khó ngủ; Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, cảm giác đầy hơi bụng; Khó thở và ho.

Trong trường hợp bệnh nặng, bạn có thể gặp các triệu chứng thần kinh như:

Kém tỉnh táo; Buồn ngủ, thờ ơ; Mê sảng; Lú lẫn.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm cầu thận mạn tính?

Các yếu tố gây ra bệnh viêm cầu thận mạn tính bao gồm:

Bệnh thận đái tháo đường: tiểu đường mất kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng như gây tổn thương lớn đến thận; Xơ hóa cầu thận khu trú: các sẹo của mô thận ảnh hưởng đến chức năng và gây ra hội chứng hư thận; Bệnh lý thận IgA: tình trạng các kháng thể IgA tích lũy trong mô thận gây tổn thương mô; Lupus ban đỏ hệ thống: kháng thể trong lupus ban đỏ hệ thống có thể tấn công các mô thận và làm hỏng chức năng thận; Các cá nhân mắc viêm cầu thận cấp tính nhiều lần có thể mắc bệnh viêm cầu thận mạn tính; Bệnh có yếu tố di truyền, vì xảy ra nhiều hơn ở một số gia đình; Hệ thống miễn dịch bất thường có thể dẫn đến viêm cầu thận mạn tính: miễn dịch bất thường có thể dẫn đến tổn thương mô thận thông qua một loạt các cơ chế; Không kiểm soát được cao huyết áp có thể gây tổn hại cho thận, lâu dài có thể gây ra bệnh viêm cầu thận mạn tính.

Nguyên nhân gây viêm cầu thận mạn tính vẫn chưa được xác định trong khoảng 25% trên tổng sốtrường hợp.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm cầu thận mạn tính?

Viêm cầu thận mạn tính có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cầu thận mạn tính?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cầu thận mạn tính, chẳng hạn như:

Yếu tố di truyền; Hội chứng Alport; Viêm cầu thận cấp tính có thể tiến triển thành mạn tính nếu không được điều trị kịp thời; Viêm mạch, đây là tình trạng viêm động mạch bất thường; Hút thuốc trong thời gian dài; Tiếp xúc với dung môi hydrocarbon như sơn, nhiên liệu (xăng dầu, các sản phẩm dầu khí), khí thải xe cộ, keo và chất kết dính, dung môi hữu cơ, một số loại bình xịt và thuốc trừ sâu, có thể làm tăng nguy cơ. Do đó, nếu bạn làm các ngành nghề liên quan đến hội họa, in ấn, bảo dưỡng xe, sửa chữa, chế tạo, chữa cháy, hóa chất và dược phẩm hữu cơ, liên tục tiếp xúc với khí thải động cơ, thì có nguy cơ cao mắc bệnh này; Tiền sử bệnh ung thư: ung thư có thể ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm thận; Rối loạn tự miễn dịch như hội chứng Goodpasture và lupus ban đỏ hệ thống; Tiểu đường không kiểm soát được và lâu dài; Nhiễm trùng, chẳng hạn như gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cầu thận mạn tính. Bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể bao gồm viêm nội tâm mạc do vi khuẩn (nhiễm khuẩn tim) và nhiễm trùng hậu liên cầu. Nhiễm virus có thể bao gồm HIV, viêm gan B và C, v.v.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kĩ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh viêm cầu thận mạn tính?

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm cầu thận mạn tính có thể bao gồm:

Xem xét bệnh án; Khám sức khỏe tổng thể; Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), mức đường huyết và chỉ số HbA1c, nồng độ creatinine trong máu, nồng độ urea nitrogen (BUN) và creatinine; Xét nghiệm máu đặc biệt để phát hiện các chức năng miễn dịch bất thường như tự kháng thể và các kết quả kiểm tra bổ sung; Phân tích protein nước tiểu trong vòng 24h: lượng protein và máu có thể có tăng trong nước tiểu; Chụp X-quang; Siêu âm thận; Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ quét ổ bụng; Chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tiêm tĩnh mạch (IVP): phương pháp này sử dụng thuốc nhuộm tương phản để phát hiện những bất thường ở thận; Sinh thiết thận; Quy trình nhuộm kháng thể, xét nghiệm phân tử và các nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử.

Nhiều tình trạng lâm sàng khác có thể có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung để loại trừ các điều kiện lâm sàng khác để đi đến một chẩn đoán chính xác.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm cầu thận mạn tính?

Hiện nay, chưa có thuốc chữa trị viêm cầu thận mạn tính. Việc điều trị tùy thuộc vào tình trạng ở mỗi người và nguyên nhân gây bệnh tiềm ẩn. Hầu hết các biện pháp điều trị đều tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh:

Sử dụng các loại thuốc điều trị cao huyết áp và thay đổi chế độ ăn uống bằng cách giảm lượng natri và kali; Duy trì cân bằng nước và điện giải; Duy trì đủ lượng protein trong cơ thể; Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng các phương pháp điều trị khác nhau; Uống thuốc lợi tiểu để điều trị bọng mắt và sưng, phù nề.

Nếu nguyên nhân của viêm cầu thận mạn tính là do rối loạn tự miễn dịch thì bác sĩ sẽ xem xét phương pháp điều trị bằng huyết tương đã tinh chế để giảm số lượng các tự kháng thể có khả năng gây hại. Nếu bệnh được gây ra bởi sự bất thường trong hệ thống miễn dịch thì bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc corticosteroid và thuốc ức chế miễn dịch. Nếu tổn thương thận có nguy cơ tiến triển thành bệnh thận giai đoạn cuối thì bạn cần phải lọc thận tiết niệu hoặc thậm chí ghép thận. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để hiểu rõ hơn về điều kiện và giảm các yếu tố nguy cơ.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm cầu thận mạn tính?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

Hạn chế ăn muối để ngăn chặn hoặc giảm thiểu ứ dịch, sưng và cao huyết áp; Giảm tiêu thụ chất đạm và kali để làm chậm sự tích tụ chất thải trong máu; Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh; Kiểm soát lượng đường trong máu nếu mắc bệnh tiểu đường; Bỏ thuốc lá.

Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm cầu thận mạn tính, nếu có bất kì dấu hiệu và triệu chứng nào như trên, các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Chúc các bạn điều trị thành công!

Ngày:08/10/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM