Nhiễm trùng thận - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nhiễm trùng thận, hay còn gọi là viêm đài bể thận, là hậu quả của nhiễm trùng niệu đạo và nhiễm trùng bàng quang do vi khuẩn hoặc virus. Nhiễm trùng thận ít phổ biến hơn nhiễm trùng niệu đạo nhưng lại nghiêm trọng hơn. Nhiễm trùng lặp đi lặp lại sẽ tạo sẹo, làm tổn thương thận và tệ nhất là khiến bạn bị suy thận. Để biết thêm chi tiết về bệnh, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Nhiễm trùng thận - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Nhiễm trùng thận, hay còn gọi là viêm đài bể thận, là hậu quả của nhiễm trùng niệu đạo và nhiễm trùng bàng quang do vi khuẩn hoặc virus. Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu trước khi nước tiểu được thải ra ngoài cơ thể. Vi khuẩn hoặc virus chui vào bàng quang từ niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể) gây nhiễm trùng bàng quang và niệu đạo, sau đó tấn công thận gây ra bệnh nhiễm trùng thận.

Nhiễm trùng thận ít phổ biến hơn nhiễm trùng niệu đạo nhưng lại nghiêm trọng hơn. Nhiễm trùng lặp đi lặp lại sẽ tạo sẹo, làm tổn thương thận và tệ nhất là khiến bạn bị suy thận.

2. Triệu chứng và dấu hiệu

Khi bị nhiễm trùng thận, trong giai đoạn đầu bạn có thể không có triệu chứng hoặc dấu hiệu nào của bệnh. Nếu có triệu chứng thì phổ biến nhất là sốt và đau lưng.

Các triệu chứng khác bao gồm: ớn lạnh, tiểu thường xuyên và đau khi tiểu, buồn nôn, đau xương sườn hoặc đau cạnh sườn, tiểu gấp đột ngột và nôn mửa.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bạn cần đi khám càng sớm càng tốt nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên hay cảm thấy bất thường ở bụng dưới. Bạn phải cấp cứu ngay nếu đau bụng dữ dội hoặc tiểu tiện ra máu và đau rát. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân

Nhiễm trùng thận gây ra do vi khuẩn hoặc virus từ niệu đạo bị nhiễm trùng đi đến thận bằng cách đi ngược vào niệu quản hoặc theo máu trong tĩnh mạch. Mặc dù rất nhiều vi khuẩn và virus có thể gây nhiễm trùng thận, nhưng vi khuẩn Escherichia coli thường là nguyên nhân chính.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Bệnh nhiễm trùng thận (viêm đài bể thận) thường xảy ra ở phụ nữ và người cao tuổi. Những người đã từng đặt ống thông tiểu, mắc bệnh tiểu đường hoặc đường tiểu bị tắc nghẽn do sỏi hoặc tuyến tiền liệt bị phình ra cũng có thể bị nhiễm trùng thận.

Yếu tố khiến nguy cơ nhiễm trùng thận tăng bao gồm:

  • Giới tính: phụ nữ thường mắc nhiễm trùng thận hơn nam giới. Niệu đạo phụ nữ ngắn hơn nhiều so với nam giới do đó vi khuẩn dễ dàng xâm nhập bàng quang hơn, từ đó dễ dàng lây lan đến thận;
  • Tắc nghẽn ở đường tiết niệu: bất cứ căn bệnh nào làm bạn không thể tiểu hết lượng nước tiểu trong mỗi lần đi tiểu như sỏi thận, cấu trúc bất thường trong hệ thống tiết niệu hoặc phì tuyến tiền liệt ở nam giới đều làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng thận của bạn;
  • Hệ thống miễn dịch bị suy yếu do một số bệnh như HIV, tiểu đường hoặc một số loại thuốc chống đào thải khi bạn vừa được ghép tạng có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng thận của bạn;
  • Sử dụng ống thông nước tiểu; Mắc bệnh trào ngược nước tiểu vào thận.

5. Điều trị

Những phương pháp nào dùng để điều trị nhiễm trùng thận (viêm đài bể thận)?

Nếu bị nhiễm trùng thận (viêm đài bể thận), bạn cần được nhập viện và điều trị bằng thuốc kháng sinh tiêm trực tiếp qua tĩnh mạch để tiêu diệt vi khuẩn. Sau khi các triệu chứng đã cải thiện, bạn sẽ được uống kháng sinh trong vòng 3 đến 4 tuần.

Thuốc và dịch giúp giảm đau cũng sẽ được truyền qua tĩnh mạch nếu bạn gặp tình trạng mất nước. Đối với bệnh nhiễm trùng niệu đạo tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng liều thấp kháng sinh hằng ngày trong vòng vài tuần để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan đến thận.

Nếu sỏi thận là nguyên nhân gây nhiễm trùng, bác sĩ chuyên khoa niệu có thể tiến hành tán sỏi bằng sóng xung, laser hoặc phẫu thuật để lấy sỏi ra.

Người trưởng thành sau khi điều trị phải tiếp tục thử nước tiểu đều đặn sau đó để tránh bệnh tái phát. Nếu tình trạng nhiễm trùng xuất hiện lại, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn dùng thuốc kháng sinh trong vòng 14 ngày. Nếu bệnh tiếp tục tái phát, thời gian dùng thuốc kháng sinh có thể tăng lên 6 tuần.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm trùng thận (viêm đài bể thận)?

Bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng thận từ bệnh sử, khám lâm sàng các triệu chứng chẳng hạn như sốt, đau lưng…

Nếu nghi ngờ bạn đã bị nhiễm trùng thận, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm nước tiểu cùng xét nghiệm máu để tìm sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu và máu của bạn. Ngoài ra, siêu âm hoặc chụp CT thận cũng có thể giúp tìm ra thận có nhiễm trùng hay không.

6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Bạn có thể kiểm soát nhiễm trùng thận dễ dàng nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:

  • Không để cơ thể bị mất nước, nhưng không được uống rượu bia;
  • Nước lọc và nước ép nam việt quất (cranberry) có thể làm một số loại khuẩn không thể bám vào thành trong của bàng quang, giúp bạn tránh bị tái nhiễm trùng;
  • Không nhịn tiểu quá lâu. Bạn cũng nên tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục để tránh vi khuẩn xâm nhập qua đường tình dục;
  • Giữ vùng kín sạch sẽ;
  • Nếu bị sỏi thận, bạn cần loại bỏ sỏi thận ra khỏi cơ thể. Bạn cũng phải xét nghiệm tuyến tiền liệt định kỳ và điều trị nếu tuyến tiền liệt bị phù;
  • Bạn không nên tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng vì thấy khỏe hơn, trừ khi đó là hướng dẫn của bác sĩ;
  • Không sử dụng thảo dược hoặc thực phẩm chức năng bán ở ngoài mà không hỏi bác sĩ vì một số thảo dược có thể bắt thận làm việc nhiều hơn.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Nhiễm trùng thận, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:19/09/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM