Ôn tập tiếng Việt Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em củng cố những kiến thức về tiếng Việt đã học ở học kì 1.Từ đó, các em sẽ có kĩ năng sử dụng từ ngữ đúng trong văn nói và văn viết, biết vận dụng danh từ, động từ, tính từ trong bài văn nghị luận,... Mời các em cùng tham khảo nhé!

Ôn tập tiếng Việt Ngữ văn 6

1. Nội dung ôn tập

- Cấu tạo từ tiếng Việt:

+ Từ là đơn vị nhỏ nhất dùng để đặt câu.

+ Phân loại theo tiêu chí cấu tạo: từ đơn và từ phức:

  • Từ đơn gồm một tiếng.
  • Từ phức gồm hai tiếng trở lên và được phân thành từ ghép, từ láy.

- Nghĩa của từ:

+ Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, tính chất,...).

+ Thường có nghĩa gốc và nghĩa chuyển:

  • Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác.
  • Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở từ nghĩa gốc.

- Phân loại từ theo nguồn gốc: có hai loại:

+ Từ thuần Việt.

+ Từ mượn bao gồm từ mượn tiếng Hán (từ gốc Hán, từ Hán Việt), từ mượn các ngôn ngữ khác.

- Lỗi dùng từ thường gặp:

+ Lặp từ.

+ Lẫn lộn các từ gần âm.

+ Dùng từ không đúng nghĩa.

- Từ loại và cụm từ:

+ Danh từ:

  • Là những từ chỉ người, sự vật, khái niệm,...
  • Danh từ có thể kết hợp với các từ chỉ số lượng ở phía trước, các từ này, ấy, đó,... ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm danh từ.

  • Chức vụ điển hình trong câu của danh từ là chủ ngữ. Khi làm vị ngữ, danh từ cần có từ "là" đứng trước.

  • Danh từ tiếng Việt được chia thành hai loại lớn là danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật. Danh từ chỉ đơn vị nêu tên đơn vị dùng để tính đếm, đo lường sự vật. Danh từ chỉ sự vật nêu tên từng loại hoặc từng cá thể người, vật, hiện tượng, khái niệm,...

+ Cụm danh từ:

  • Cụm danh từ là loại tổ hợp từ do danh từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.

  • Cụm danh từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có cấu tạo thích hợp hơn một mình danh từ, nhưng hoạt động trong câu giống như một danh từ.

  • Cụm danh từ có ba phần: phần trước, phần trung tâm và phần sau.

  • Trong cụm danh từ có các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho danh từ các ý nghĩa về số và lượng.

  • Trong cụm danh từ có các phụ ngữ ở phần sau nêu lên đặc điểm của sự vật mà danh từ biểu thị hoặc xác định vị trí của sự vật ấy trong không gian hay thời gian.

+ Động từ:

  • Động từ là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật.
  • Động từ thường kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng,... để tạo thành cụm động từ.
  • Chức vụ điển hình trong câu của động từ là vị ngữ. Khi làm chủ ngữ, động từ sẽ mất khả năng kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng,...
  • Trong tiếng Việt có hai loại động từ, đáng chú ý là: Động từ tình thái (thường đòi hỏi động từ khác đi kèm); Động từ chỉ hoạt động, trạng thái (không đòi hỏi động từ khác đi kèm).

+ Cụm động từ:

  • Cụm động từ là loại tổ hợp từ do động từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành. Nhiều động từ phải có các từ ngữ phụ thuộc đi kèm, tạo thành cụm động từ mới trọn vẹn.
  • Cụm động từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có cấu tạo phức tạp hơn một mình động từ, nhưng hoạt động trong câu giống như một động từ.
  • Mô hình cụm động từ có ba phần: phần trước, phần trung tâm và phần sau.

  • Trong các cụm động từ: Các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho động từ các ý nghĩa: quan hệ thời gian, sự tiếp diễn tương tự, sự khuyến khích hoặc ngăn cản hành động, sự khẳng định hoặc phủ định hoạt động,... Các phụ ngữ ở phần sau bổ sung cho động từ các chi tiết về đối tượng, hướng, địa điểm, thời gian, mục đích, nguyên nhân, phương tiện và cách thức hoạt động.

+ Tính từ:

  • Tính từ là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái.
  • Tính từ có thể kết hợp với các từ đã, đang, sẽ, cũng, vẫn,... để tạo thành cụm tính từ. Khả năng kết hợp với các từ hãy, chớ, đừng của tính từ rất hạn chế.
  • Tính từ có thể làm vị ngữ, chủ ngữ trong câu. Tuy vậy, khả năng làm vị ngữ của tính từ hạn chế hơn động từ.
  • Có hai loại tính từ đáng chú ý là: Tính từ chỉ đặc điểm tương đối có thể kết hợp với các từ chỉ mức độ. Tính từ chỉ đặc điểm tuyệt đối không thể kết hợp với các từ chỉ mức độ.

​+ Cụm tính từ:

  • Mô hình của cụm tính từ có ba phần: phần trước, phần trung tâm và phần sau.
  • Trong các cụm tính từ: Các phụ ngữ ở phần trước có thể biểu thị quan hệ thời gian; sự tiếp diễn tương tự, mức độ của đặc điểm, tính chất; sự khẳng định hay phủ định,... Các phụ ngữ ở phần sau có thể biểu thị vị trí; sự so sánh; mức độ; phạm vi hay nguyên nhân của đặc điểm, tính chất,...

+ Số từ:

  • Số từ là những từ chỉ số lượng và thứ tự của sự vật. Khi biểu thị số lượng sự vật, số từ thường đứng trước danh từ. Khi biểu thị số thứ tự, số từ đứng sau danh từ.
  • Cần phân biệt số từ với những danh từ chỉ đơn vị gắn với ý nghĩa số lượng.

+ Lượng từ:

  • Lượng từ là những từ chỉ lượng ít hay nhiều của sự vật.
  • Dựa vào vị trí trong cụm danh từ, có thể chia lượng từ thành hai nhóm: Nhóm chỉ ý nghĩa toàn thể. Nhóm chỉ ý nghĩa tập hợp hay phân phối.

+ Chỉ từ:

  • Chỉ từ là những từ dùng để trỏ sự vật, nhằm xác định vị trí của sự vật trong không gian hoặc thời gian.
  • Chỉ từ thường làm phụ ngữ trong cụm danh từ. Ngoài ra, chỉ từ còn có thể làm chủ ngữ hoặc trạng ngữ trong câu.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy đặt 5 câu có sử dụng cụm tính từ.

Gợi ý trả lời:

- Hôm nay tôi rất vui mừng vì được mẹ dẫn đi chơi.

- Cô ấy vô cùng buồn bã vì anh ấy đã bỏ đi.

- Tôi rất yêu thích cái màu xanh lè ấy.

- Cô ấy đã rất hạnh phúc khi được tặng quà sinh nhật.

- Bố tôi đã tặng mẹ tôi một cành hồng đỏ thắm.

Câu 2: Em hãy đặt 5 câu có sử dụng cụm động từ.

Gợi ý trả lời:

- Cậu bé vẫn chạy lon ton ngoài sân trường.

- Anh ấy đã đấm vào mặt một ông cụ già.

- Chị tôi đã chạy rất nhanh đến nơi hẹn.

- Chúng tôi đang nhảy dây ngoài sân trường.

- Bố tôi đã đi công tác rồi.

Câu 3: Em hãy chữa lỗi dùng từ sai trong những câu sau:

(1) Thầy giáo đã truyền tụng cho chúng tôi những kiến thức bổ ích.

(2) Anh ấy có một yếu điểm là nói nhỏ.

(3) Cô giáo tôi có cách giảng bài rất phong lưu.

Gợi ý trả lời:

(1) Thầy giáo đã truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức bổ ích.

(2) Anh ấy có một khuyết điểm là nói nhỏ.

(3) Cô giáo tôi có cách giảng bài rất phong phú.

Câu 4: Điền các từ kiêu căng, kiêu hãnh vào chỗ trống dưới đây cho phù hợp:

(1)...........: tự cho mình là tài giỏi hơn mà khinh người khác.

(2)...........: có vẻ tự hào, hãnh diện về giá trị cao quý của mình.

Gợi ý trả lời:

(1) Kiêu căng

(2) Kiêu hãnh

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hệ thống toàn bộ kiến thức đã học về tiếng Việt trong học kỳ I.

- Kỹ năng sử dụng tiếng Việt đúng, hiệu quả. Củng cố, hệ thống hoá kiến thức.

- Giáo dục ý thức học tập thường xuyên, tự giác. Củng cố kiến thức về tiếng Việt phần từ loại và cấu tạo từ.

Ngày:04/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM