Em bé thông minh Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây sẽ giúp các em hiểu được nội dung, ý nghĩa của truyện "Em bé thông minh" và một số đặc điểm tiêu biểu của nhân vật thông minh trong truyện. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Em bé thông minh Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

- Tóm tắt truyện "Em bé thông minh": Có ông vua nọ, vì muốn tìm người hiền tài nên đã cho một viên quan đi dò la khắp cả nước. Viên quan ấy đến đâu cũng ra những câu đố oái oăm, hóc búa để thử tài. Một hôm, viên quan thấy hai cha con đang làm ruộng bèn hỏi một câu rất khó về số đường cày con trâu cày được trong một ngày. Ông bố không trả lời được, cậu con trai nhanh trí hỏi vặn lại khiến viên quan thua cuộc. Biết đã gặp được người tài, viên quan nọ về bẩm báo với vua. Vua tiếp tục thử tài, bắt dân làng đó phải làm sao cho trâu đực đẻ ra trâu con. Bằng cách để cho nhà vua tự nói ra sự vô lí trong yêu cầu của mình, cậu bé đã cứu dân làng thoát tội. Cậu tiếp tục chứng tỏ tài năng bằng cách giải các câu đố tiếp theo và được nhà vua ban thưởng rất hậu. Vua nước láng giềng muốn kéo quân sang xâm lược nhưng trước hết muốn thử xem nước ta có người tài hay không bèn cho sứ giả mang sang một chiếc vỏ ốc vặn thật dài và đố xâu sợi chỉ qua. Tất cả triều đình không ai giải được lại tìm đến cậu bé. Với trí thông minh khác người, lại sống gần gũi với thực tế, cậu bé vừa chơi vừa giải đố, kết quả là tránh được cho đất nước một cuộc chiến tranh. Nhà vua thấy thế bèn xây dinh thự ngay cạnh hoàng cung để cậu ở cho tiện việc hỏi han đồng thời phong cho cậu làm Trạng nguyên.

- Truyện có thể chia thành bốn phần:

+ Đoạn 1: Từ đầu → tâu vua: Vua tìm người hiền tài và em bé giải câu đố của quan.

+ Đoạn 2: → với nhau rồi: Em bé giải câu đố của vua lần một.

+ Đoạn 3: → rất hậu: Em bé giải câu đố của vua lần hai.

+ Đoạn 4: Còn lại: Em bé giải câu đố của sứ giả nước ngoài.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Giới thiệu truyện "Em bé thông minh"

- Ngày xưa có một “ông vua nọ sai một viên quan” đi tuyển chọn người tài ra giúp nước là việc làm tích cực. Cách tuyển chọn thì “Viên quan ấy đã đi nhiều nơi, đến đâu quan cũng ra những câu đố oái oăm”. Việc tuyển chọn rộng rãi, không ưu tiên cho một địa phương nào và cho một ai. Cách tuyển chọn thì chỉ “ra những câu đố oái oăm” mà không có một hình thức nào khác.

2.2. Diễn biến của truyện "Em bé thông minh"

- Thử thách 1: Thấy hai cha con một nông dân đang cày ruộng, đập đất, quan hỏi: “Này, lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?”. Thực ra câu hỏi chẳng khó để trả lời nếu biết trước, đằng này quan hỏi một cách bất ngờ. Vả lại đi cày thuê thì cũng chẳng ai tính đường cày đề trả công cho nên “người cha đứng ngẩn ra chưa biết trả lời thế nào” thì cũng chẳng có gì lạ. Trong lúc người cha đang lúng túng thì cậu bé lên tiếng hỏi lại rằng “ngựa của ông một ngày đi được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi một ngày cày được mấy đường”.

=> Quan “há hốc mồm sửng sốt”, “thầm nghĩ, nhất định nhân tài ở đây rồi”, và về tâu với vua mọi sự. Cậu bé có được thành công trong lần thử thách đầu tiên là nhờ ở tài phán đoán và ứng xử nhanh.

- Thử thách 2: Vua sai ban cho làng ba thúng gạo nếp, ba con trâu đực, và “ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau phải đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội”. Về phía dân làng, khi nhận được lệnh ấy “thì ai nấy đều tưng hửng và lo lắng, không hiểu thế là thế nào”. Họ không hiểu lệnh ấy của vua cũng đúng thôi. Chẳng lẽ nhà vua không biết trâu đực không thể sinh con! Bởi vậy mà họ đang lúng túng và lo lắng, “coi đây là một tai họa”.

=> Cậu bé cũng giải quyết được thử thách này và khiến vua phải bật cười.

- Thử thách 3: Lần thử thách thứ ba, vua sai mang con chim sẻ đến và bắt hai cha con phải nấu thành ba mâm cỗ. Cậu bé bèn trao cây kim may cho sứ giả và yêu cầu nhà vua cho rèn một cây dao để xẻ thịt chim. Tới lần ứng xử thứ ba này nhà vua “mới phục hẳn”.

=> Cả ba lần ứng xử, cậu bé đều bộc lộ tư chất bạo dạn, tự tin kèm với sự nhanh trí, thông minh hiếm thấy. Nhà vua đã ban thưởng rất hậu cho hai cha con.

- Thử thách 4: Lần này truyện kể lại một thử thách lớn có liên quan đến chiến tranh hay hòa bình giữa nước ta và nước láng giềng. Nước này đã chuẩn bị và có ý tiến đánh nước ta, chỉ ngại nước ta có nhiều người tài. Họ bèn sai sứ giả mang vỏ ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu và muốn được nhìn thấy ai đó xâu sợi chỉ qua ruột ốc. Khi nghe quan đến và kể xong mọi sự, cậu bé bèn ca lớn lên:

“Tang tình tang! Tình tính tang

Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng

Bên thời lấy giấy mà bưng

Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang

Tang tình tang..."

→ Tính chất oái oăm của câu đố ngày một tăng tiến. Đối tượng ra câu đố cũng ngày một cao hơn, điều đó càng làm nổi bật sự thông minh hơn người và tài trí của em bé.

+ Những cách giải đố của em bé rất lí thú:

  • Đẩy thế bị động về người ra câu đố.
  • Làm cho người ra câu đố thấy cái phi lí.
  • Dựa vào kiến thức đời sống.
  • Người đọc bất ngờ trước cách giải giản dị, hồn nhiên của người giải.

→ Em bé có trí tuệ thông minh hơn người. Qua bốn lần thử thách, ba lần cậu bé đã dùng phép đối chứng trực tiếp, hay “gậy ông đập lưng ông” để thắng người thách đố. Còn lần bốn thì cậu đã áp dụng phương pháp quan sát thực tế, hay kinh nghiệm đã có để mách nước đi cho vua quan.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Đề cao trí thông minh của em bé, của người lao động.

+ Đề cao kinh nghiệm dân gian.

+ Ý nghĩa hài hước, mua vui, tạo nên tiếng cười trong cuộc sống hằng ngày.

- Về nghệ thuật:

+ Truyện cổ tích về kiểu nhân vật thông minh, tình huống bất ngờ, gây cười.

+ Cách dẫn dắt sự việc cùng mức độ tăng dần của các thử thách, tạo nên tiếng cười sảng khoái cho người đọc.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về nhân vật "Em bé thông minh" trong truyện cùng tên "Em bé thông minh".

Gợi ý trả lời:

Sau khi học truyện "Em bé thông minh", em rất ngưỡng mộ và khâm phục nhân vật em bé trong truyện. Em bé khoảng chừng bảy tám tuổi, con của một nhà nông dân bình thường nhưng rất mạnh dạng và nhanh trí. Em không hề rụt rè, nhút nhát như những đứa bé khác cùng tuổi mà dám đối thoại với viên quan và cả nhà vua. Em bé đã giải được những câu đố oái oăm, hóc búa đầy bất ngờ của viên quan, nhà vua và xứ thần nước láng giềng rất khâm phục em. Câu đố xâu sợi chỉ qua ruột con ốc vặn dài của sứ thần nước láng giềng làm cho các ông trạng, đại thần, nhà thông thái đều lắc đầu bó tay nhưng em bé thì vừa chơi vừa hát câu giải đố một cánh dễ dàng. Em mong mọi trẻ em đều thông minh, nhanh nhẹn như em bé.

Câu 2: Em hãy liệt kê những sự kiện chính trong truyện "Em bé thông minh".

Gợi ý trả lời:

- Vua sai cận thần đi tìm người tài giỏi giúp nước.

- Cận thần gặp hai cha con đang cày ruộng, hỏi câu hỏi oái oăm.

- Cậu bé đã trả lời bằng một câu đố lại.

- Quan về tâu vua, vua tiếp tục ra câu đố dưới hình thức lệnh vua ban.

- Em bé đã tìm cách đối diện vua và giải được câu đố.

- Vua quyết định thử tài em bé lần 3 bằng cách đưa một con chim sẻ bắt dọn thành 3 cỗ thức ăn.

- Em bé giải đố bằng cách đố lại.

- Nước láng giềng muốn xâm chiếm bờ cõi, bèn dò la tìm người tài bằng một câu đố.

- Vua quan đều không giải được phải nhờ đến em bé mới giải được.

- Em bé được phong là trạng nguyên.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được truyện cổ tích về nhân vật thông minh - kiểu nhân vật rất phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới.

- Cảm nhận được truyện đề cao trí khôn và sự thông minh của con người, cụ thể trong truyện là qua hình thức giải câu đố. Từ đó, tạo nên tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên trong đời sống hằng ngày.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM