Kể chuyện tưởng tượng Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết cách xây dựng và kể một câu chuyện tưởng tượng. Từ đó, các em có thể kể chuyện một cách sáng tạo, sinh động. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Kể chuyện tưởng tượng Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung về kể chuyện tưởng tượng

- Ví dụ: Đoạn văn kể tóm tắt truyện "Bánh chưng, bánh giầy":

"Vua Hùng Vương thứ sáu muốn tìm trong số hai mươi người con trai một người thật tài đức để nối ngôi nên đã ra điều kiện: không nhất thiết là con trưởng, ai làm vừa ý nhà vua trong lễ Tiên vương sẽ được truyền ngôi.

Các lang đua nhau sắm lễ thật hậu, thật ngon. Lang Liêu, người con trai thứ mười tám, rất buồn vì nhà nghèo, chỉ quen với việc trồng khoai trồng lúa, không biết lấy đâu ra của ngon vật lạ làm lễ như những lang khác. Sau một đêm nằm mộng, được một vị thần mách nước, chàng bèn lấy gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn làm thành hai thứ bánh, loại hình tròn, loại hình vuông dâng lên vua cha. Vua thấy bánh ngon, lại thể hiện được ý nghĩa sâu sắc nên lấy hai thứ bánh ấy lễ Trời, Đất và lễ Tiên vương, đặt tên bánh hình tròn là bánh giầy, bánh hình vuông là bánh chưng và truyền ngôi cho Lang Liêu.

Từ đó, việc gói bánh chưng và bánh giầy cúng lễ tổ tiên trở thành phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt Nam".

=> Trong đoạn văn trên chi tiết "sau một đêm nằm mộng, được một vị thần mách nước" là chi tiết thần kì do người kể tưởng tượng ra. Còn hình ảnh bánh chưng và bánh giầy là chi tiết được kể dựa trên hai loại bánh có thật trong đời sống.

- Kết luận:

+ Truyện tưởng tượng là những truyện do người kể nghĩ ra bằng trí tưởng tượng của mình, không có sẵn trong sách vở hay thực tế, nhưng có một ý nghĩa nào đó.

+ Truyện tưởng tượng được kể ra một phần dựa vào những điều có thật, có ý nghĩa, rồi tưởng tượng thêm cho thú vị và làm cho ý nghĩa thêm nổi bật.

2. Luyện tập

Câu 1: Theo em, khi kể chuyện tưởng tượng cần chú ý những gì?

Gợi ý trả lời:

- Nội dung câu chuyện phải có ý nghĩa nhất định. Để xác định được ý nghĩa của câu chuyện, cần tự giải đáp các câu hỏi: Những điều ta sắp kể nhằm chứng minh hoặc khẳng định điều gì? Nó gợi cho người đọc những suy nghĩ và tình cảm như thế nào?

- Nắm được cốt chuyện và những chi tiết chính. Cốt chuyện ấy có thể lấy nguyên từ thực tế, cũng có thể tự nghĩ ra (những cái tự nghĩ ra phải có sự hợp lí y như thật). Cốt chuyện chính là sự nối tiếp nhau của một chuỗi các chi tiết lớn, sau đó sẽ được bổ sung các chi tiết nhỏ hơn (tình tiết) để câu chuyện thêm sinh động.

- Xây dựng được một dàn bài linh hoạt và hợp lí, nhằm dẫn dắt câu chuyện phát triển theo chiều hướng hấp dẫn, lôi cuốn. Muốn vậy phải biết xây dựng nhân vật, chọn lọc các chi tiết có ý nghĩa nhất, sắp xếp các sự việc một cách tự nhiên.

- Tìm một giọng kể phù hợp với nội dung câu chuyện (ngôn ngữ dân gian nếu câu chuyện có tính khôi hài, ngôn ngữ trữ tình đằm thắm nếu câu chuyện cảm động).

Câu 2: Em hãy tưởng tượng kể về một nhân vật không có thật trong thực tế.

Gợi ý trả lời:

Theo trí tưởng tượng của em, Tiên ông là một ông lão quắc thước, râu tóc bạc phơ, trán cao, da dẻ hồng hào, mắt sáng, miệng tươi, dáng điệu khoan thai. Trang phục ông mặc thường mang màu trắng. Chiếc áo tay dài, đôi hài,... tất cả đều trắng tinh một màu. Ông thường cầm trên tay một chiếc gậy đầu rồng hoặc đơn giản chỉ là thanh trúc vàng óng ả. Bao quanh người ông là một làn khói mỏng mờ ảo và những làn ánh sáng lấp lánh. Ông còn sở hữu một giọng nói trầm ấm khác thường, giọng nói đó đã an ủi biết bao con người khốn khổ trong bước đường cùng.

Để thử lòng người trần gian, ông Tiên thường biến thành những hình dáng khác nhau. Có khi là trong hình dáng một ông lão ăn mày rách rưới, xác xơ; người cùng đường lỡ bước hay người mẹ bồng con đang trong cơn hoạn nạn bơ vơ xin nương nhờ.

Ông Tiên trong truyện cổ tích Việt Nam luôn luôn đại diện cho lẽ phải, cho những con người yếu đuối trong xã hội. Chính bởi vậy mà hàng ngàn năm nay trẻ em vẫn mong ước một lần được gặp ông Tiên, được ông Tiên ban cho phép màu. Và em cũng rất mong như thế.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được thế nào là kể chuyện tưởng tượng.

- Cảm nhận được vai trò của tưởng tượng trong tác phẩm tự sự.

- Nhân vật, sự kiện, cốt truyện trong tác phẩm tự sự.

- Kể chuyện sáng tạo ở mức độ đơn giản.

- Tự xác định và có thái độ đúng khi làm bài văn kể chuyện tưởng tượng.

- Có ý thức biết liên tưởng, tưởng tượng trong văn kể chuyện.

Ngày:03/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM