Ông lão đánh cá và con cá vàng Ngữ văn 6

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây, nhằm giúp các em hiểu được nội dung, ý nghĩa của truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng". Đồng thời, tài liệu dưới đây còn gúp các em thấy được biện pháp nghệ thuật chủ đạo của một số chi tiết nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc trong truyện. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Ông lão đánh cá và con cá vàng Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- A. Pu-skin sinh ngày 6 tháng 6 năm 1799 (26 tháng 5 theo lịch cũ) tại thành phố Moskva trong một dòng dõi quý tộc Nga có nguồn gốc từ thế kỉ XVII.

- Sáu tuổi, Puskin được tuyển vào trường Lyceum Hoàng gia.

- Puskin sớm nổi danh là một thần đồng thơ từ năm 15, 16 tuổi.

- Ông là người mâu thuẫn gay gắt với chính quyền Nga hoàng, cuối cùng bị sát hại.

1.2. Tác phẩm

- Tóm tắt truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng": Câu chuyện kể về một ông lão lương thiện, nhân hậu, nhưng lại nhu nhược. Ông làm nghề đánh cá. Một hôm, ông đi ra biển, lần thứ nhất ông kéo lưới, vớt lên ông chỉ thấy có bùn. Lần tiếp theo ông kéo lưới cũng chỉ thấy rong rêu. Vào lần thứ ba, ông lão tiếp tục kéo lưới và bắt được một con cá vàng. Lúc đó, cá vàng tha thiết van xin ông lão thả ra và hứa sẽ trả ơn cho ông, thương chú cá, ông lão thả cá trở lại về với biển. Về đến nhà, ông lão kể lại câu chuyện của mình và chú cá vàng cho mụ vợ nghe, sau một thôi một hồi mắng ông lão vì tội ngu ngốc, mụ bắt ông lão ra gặp cá vàng để bắt cá vàng trả ơn. Nhưng mụ vợ với lòng tham của mình đã bắt ông lão hết lần này đến lần khác đưa ra những yêu cầu quá đáng. Lần thứ nhất, mụ ta đòi cá vàng cho mình một cái máng lợn mới. Lần thứ hai mụ đòi một ngôi nhà rộng. Lần thứ ba mụ mắng ông lão như tát nước và đòi được trở thành một bà nhất phẩm phu nhân. Nhưng vẫn không vừa lòng, đến lần thứ tư, mụ mắng ông lão buộc ông lão phải đòi cá vàng cho mình thành nữ hoàng. Đến lần thứ năm, mụ yêu cầu trở thành Long Vương, một yêu cầu không tưởng, mụ muốn cá vàng hầu hạ mụ. Tức giận trước yêu cầu quá đáng đó, cá vàng lấy lại mọi thứ đã ban cho. Khi ông lão từ biển trở về thì thấy trước mắt mình là túp lều tranh rách nát ngày xưa, còn mụ vợ thì đang ngồi trên bậc cửa trước cái máng lợn sứt mẻ.

- Bố cục: chia 3 phần như sau:

+ Phần 1: Từ đầu đến kéo sợi: giới thiệu hoàn cảnh gia đình ông lão đánh cá.

+ Phần 2: Tiếp đến ý mụ: những yêu cầu của mụ vợ bắt cá vàng đền ơn, sự bội bạc của mụ.

+ Phần 3: Còn lại: trở lại cuộc sống ban đầu.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Nhân vật ông lão đánh cá

- Hoàn cảnh, công việc: sống nghèo khổ, thả lưới, làm ăn lương thiện.

- Phẩm chất: hiền lành, nhân hậu, không tham lam.

- Đáp ứng mọi nhu cầu của vợ một cách nhu nhược, đáng trách.

=> Nghèo, chăm chỉ, lương thiện, nhân hậu, độ lượng, bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

2.2. Nhân vật mụ vợ ông lão đánh cá

- Tính cách: tham lam và bội bạc.

- Những chi tiết thể hiện tính tham lam của mụ vợ theo cấp độ tăng dần: đòi cái máng lợn ăn mới -> đòi toà nhà đẹp -> đòi làm nhất phẩm phu nhân -> đòi làm nữ hoàng -> đòi làm long vương.

=> Nghệ thuật miêu tả lặp lại, tăng tiến. Lòng tham vô độ được tăng dần từ vật chất đến địa vị, ngày càng quá đáng. Tác giả đã phê phán lòng tham vô độ, quá mức của mụ vơ.

- Thái độ đối với chồng cũng vô cùng tệ hại: mắng và quát chồng thậm tệ, mắng như tát nước vào mặt, nổi trận lôi đình, tát vào mặt ông lão, gọi chồng là mày, đuổi ông lão đi, nổi cơn thịnh nộ.

=> Đối xử với chồng ngày càng tăng tệ bạc không còn tình nghĩa. Lòng tham càng lớn, tình nghĩa vợ chồng càng teo lại.

2.3. Thái độ của biển cả và cá vàng

- Cảnh biển thay đổi theo lòng tham của mụ vợ: biển gợn sóng êm ả -> biển xanh đã nổi sóng -> biển xanh nổi sóng dữ dội -> biển nổi sóng mù mịt -> một cơn giông tố kinh khủng kéo đến, biển nổi sóng ầm ầm.

=> Biển nổi sóng bất bình trước lòng tham và bội bạc của mụ vợ, khiến mụ vợ chỉ còn lại một cái máng sứt mẻ mà thôi. Đó là bài học thích đáng mà cá vàng đối với mụ vợ tham lam và độc ác.

2.4. Ý nghĩa của hình ảnh con cá vàng

- Hình ảnh con cá vàng kì ảo, đáp ứng mọi mong muốn của người vợ trong nháy mắt, nhưng với lòng tham vô độ đã khiến mụ vợ bị trừng trị thích đáng ở cả hai tội: tham lam và độc ác.

- Cá vàng đại diện cho công lí, hướng thiện, lòng biết ơn.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Ca ngợi lòng biết ơn đối với những người nhân hậu.

+ Phê phán thói tham lam, bội bạc, vô ơn bạc nghĩa.

+ Bài học đích đáng cho những kẻ tham lam bội bạc.

- Về nghệ thuật:

+ Yếu tố tưởng tượng hoang đường, hấp dẫn.

+ Xây dựng hình tượng nhân vật đối lập mang nhiều ý nghĩa.

+ Kết thúc truyện quay lại thực tế khác hẳn kết thúc các truyện cổ tích khác có hậu.

4. Luyện tập

Câu 1: Cảm nhận của em về truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng".

Gợi ý trả lời:

Trong cuộc sống của chúng ta luôn tồn tại những mặt đối lập như phải - trái, đúng - sai và trong xã hội cũng tồn tại sự đối lập giữa những con người, có người thiện - người ác, người gian - người ngay. Trong truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" của A. Puskin ta cũng bắt gặp những con người nhân hậu và những kẻ tham lam, bội bạc. Nếu mụ vợ là đại diện cho sự tham lam, vô tình thì nhân vật ông lão đánh cá đại diện cho cái thiện lương, tấm lòng đơn thuần, nhân hậu. Có thể nói, trong truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng", nhà văn Puskin đã xây dựng nhân vật ông lão đánh cá trở thành một hình tượng giàu tính nhân văn, đại diện cho cái thiện, lòng tốt của con người. Tuy nhiên nhân vật này cũng là một lời nhắc nhở chúng ta cần nhịn nhục đúng lúc, đúng chỗ và có giới hạn, không nên cứ cố nhẫn nhục rồi sẽ bị áp bức, bội bạc.

Câu 2: Em hãy viết một kết thúc khác cho truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng".

Gợi ý trả lời:

Sau yêu cầu cuối cùng với cá vàng, cá vàng nổi giận và lấy đi tất cả, muốn dìm cả mụ vợ xuống biển, nhưng ông lão xin cá vàng cứu vợ. Vừa dứt lời, cá vàng đã lặn xuống lòng biển sâu. Ông lão đi về nhà. Mụ vợ đã được cứu sống. Như lời cá vàng nói, từ đó trở đi mụ vợ ông lão đã làm ăn lương thiện, đối xử tốt với ông lão. Sự cố gắng lao động của hai vợ chồng ông lão đã được đền đáp. Rồi gia đình ông xây được một căn nhà thay cho lúp lều xưa và sống hạnh phúc đến hết đời.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được nội dung, ý nghĩa của truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”.

- Thấy được những nét chính về nghệ thuật và một số chi tiết nghệ thuật tiêu biểu trong truyện.

- Nhân vật, sự kiện, cốt truyện trong một tác phẩm truyện cổ tích thần kỳ.

- Sự lặp lại tăng tiến của các tình tiết, sự đối lập của các nhân vật, sự xuất hiện của các yếu tố tưởng tượng, hoang đường.

Ngày:28/09/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM