Từ mượn Ngữ văn 6

Trong tiếng Việt có rất nhiều từ mượn có nguồn gốc từ tiếng Hán (từ Hán Việt gốc Trung Quốc và từ Hán-Việt gốc Nhật), tiếng Pháp, tiếng Anh,... Bài học dưới đây sẽ giúp các em hiểu được thế nào là từ mượn. Và được vận dụng thông qua một số bài tập tiêu biểu mời các em cùng tham khảo.

Từ mượn Ngữ văn 6

1. Từ thuần Việt và từ mượn

1.1. Khái niệm

  • Từ thuần Việt là từ do cha ông ta sáng tạo ra. Ví dụ minh họa: Chảy máu, chết, nôn, đám cưới, người già, đàn bà, ...
  • Từ mượn (hay còn gọi là từ vay mượn, ngoại lai): Từ của tiếng nước ngoài (đặc biệt là tiếng Hán) được nhập vào ngôn ngữ của ta để biểu thị sự vật hiện tượng, đặc điểm, .....mà tiếng Việt chưa có từ thích hợp để biểu thị. Ví dụ minh họa: Xì căng đan (Scandal), xì ke (scag), công te nơ (container), sạc (charge), ti vi (TV), tắc xi (taxi), nghi vấn, phụ lão, ...

1.2. Nguồn gốc từ mượn

- Mượn với số lượng nhiều nhất: Tiếng Hán (gồm từ gốc Hán và từ Hán Việt).

- Ví dụ minh họa

  • Từ gốc Hán (Hán cổ): Chè, ngà, chén, chém, chìm, buồng, buồn, buồm, mùi, mùa, ...

  • Từ Hán Việt: Xuất huyết, từ trần, thổ, bản địa, hôn nhân, phụ nữ, phụ lão, trà, mã, trọng, khinh, vượng, cận, ...

  • Ngoài ra, tiếng Việt còn mượn từ của một số ngôn ngữ khác như: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, …

- Ví dụ minh họa

  • Mượn tiếng Pháp: Áp phích (affiche), a lô (allô), ăng ten (antenne), ô tô (auto), ô văng (auvent), ban công (balcon),...

  • Mượn tiếng Anh: Cờ-líp (clip), xe gíp (jeep), láp-tóp (laptop), oẳn tù tì (phương ngữ miền Nam) (one two three), nhạc rốc (rock)...

1.3. Cách viết từ mượn

  • Từ mượn đã được Việt hoá thì viết như từ thuần Việt. Ví dụ minh họa: Cảm mến, bao gồm, bày biện, bình bầu, biến đổi, bồi đắp, kỳ lạ, sống động, ...

  • Đối với những từ mượn chưa được Việt hoá hoàn toàn, nhất là những từ gồm trên hai tiếng, ta nên dùng gạch nối để nối các tiếng với nhau. Ví dụ minh họa: pi-a (PR), in-tơ-nét (internet), a-xit (acide)...

2. Nguyên tắc mượn từ

2.1. Nguyên tắc

  • Tiếp thu tinh hoá văn hoá dân tộc.
  • Giữ gìn bản sắc dân tộc.

2.2. Ghi nhớ

Mượn từ là một cách làm giàu tiếng Việt. Tuy vâzj, để bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngũa dân tộc, không nê mượn từ nước ngoài một cách tùy tiện.

3. Luyện tập

Câu 1

a. Tìm các từ tiếng Việt tương đương với các từ mượn sau:

- phan (fan)

- nốc ao (knock out)

- phôn (phone)

b. Đặt câu với mỗi từ trong từng cặp và cho biết sự khác nhau giữa chúng và cách dùng.

Gợi ý trả lời:

a. Tìm các từ tương đương:

- Phan tương đương với người hâm mộ

- Nốc ao tương đương với đánh bại, hạ gục

- Phôn tương đương với điện thoại, gọi điện

b. Đặt câu:

- Tôi là phan của nhóm nhạc này.

- Anh ấy đã bị hạ nốc-ao ngay trong trận đầu tiên.

- Tôi sẽ phôn lại cho bạn sau.

⇒ Từ mượn thường được sử dụng trong những trường hợp giao tiếp thân mật, bình thường và hạn chế hơn so với từ thuần Việt, không nên quá lạm dụng từ mượn.

Câu 2: Đề bài: Viết đoạn văn ngắn có sử dụng từ mượn.

Gợi ý trả lời:

Nhung là một người bạn thân của tôi, phải nói như thế vì tôi không có nhiều bạn và bạn ấy cũng vậy. Nhung hầu như chỉ chơi thân với tôi bởi có lẽ tôi là người chịu được cái tính ít nói của cô, còn cô bạn ấy thì nhất quyết là người duy nhất chịu được cái tính nói liên hồi của tôi. Thật thú vị là tôi và Nhung không chỉ khác nhau về tính cách mà còn khác nhau cả về hình dáng bên ngoài. Trái với cái vẻ còm nhom như xác ve của tôi là một thân hình béo tròn, đầy đặn trông rất dễ thương của Nhung. Nhung có đôi mắt to và nâu, một màu nâu hạt dẻ xinh đẹp, khuôn mặt tròn trắng trẻo thường hồng lên mỗi khi bị tôi trêu chọc. Cặp lông mày sâu róm khi tức giận lại nhăn lên trông thật ngộ. Đặc biệt, bạn hay mỉm cười khi nghe tôi nói chuyện nên tôi chưa bao giờ có cảm giác mình đang độc thoại cả. Chúng tôi đi học, đi chơi, đi ăn cùng nhau. Tôi còn nhớ rằng có rất nhiều lần tối và bạn ấy thường cúp học để đi chơi và đi xem phim cùng nhau. Đặc biệt, Nhung và tôi đều thích nghe những bản so-nát cho pi-a-no của nhạc sĩ Bét-thô-ven. Ngoài ra, chúng tôi còn rất thích nghe những bản nhạc đệm bằng đàn ghi-ta và vi-ô-lông từ chiếc đài ra-di-o cũ của tôi. Chúng tôi là đôi bạn tri kỉ không thể tách rời.

⇒ Những từ mượn: độc thoại, so-nát, pi-a-no,ghi-ta,vi-ô-lông,ra-di-o, tri kỉ

4. Kết luận

- Từ mượn là từ vay mượn từ tiếng nước ngoài (ngôn ngữ cho) để làm phong phú thêm cho vốn từ vựng của ngôn ngữ nhận.

- Gần như tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều có từ mượn, vì một ngôn ngữ vốn dĩ không có đủ vốn từ vựng để định nghĩa cho tất cả các khái niệm và việc chuyển ngữ từ vựng từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác để là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập của một nền văn hóa.

- Tuy nhiên, việc tạo mới và sử dụng các từ mượn cũng cần hết sức quan tâm để tránh làm mất đi bản sắc ngôn ngữ nhận, đánh mất sự đa dạng của ngôn ngữ; để tránh điều đó chỉ nên sử dụng từ mượn trong một ngôn ngữ khi ngôn ngữ đó không có từ thay thế hoặc từ thay thế quá dài và phức tạp.

Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM