Thánh Gióng Ngữ văn 6

Thánh Gióng là thiên anh hùng ca thần thoại đẹp đẽ, hào hùng, ca ngợi tình yêu nước, bất khuất chiến đấu chống giặc ngoại xâm vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thời cổ đại. Toàn bộ nội dung bài học dưới đây sẽ giúp các em nắm vững kiến thức và vận dụng vào bài học một cách tốt hơn. Chúc các em học tốt

Thánh Gióng Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

1.1. Ôn lại khái niệm truyền thuyết

  • Là loại truyện dân gian về các nhân vật, sự kiện có liên quan tới lịch sử thời quá khứ.

  • Thường có yếu tố tưởng tượng kì ảo.

  • Thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật được kể.

1.2.  Đọc tìm hiểu từ khó

  • "Tục truyền": phổ biến truyền miệng trong dân gian. Đây là 1 trong những từ ngữ thường mở đầu các truyện dân gian.

  • "Tâu": Báo cáo, nói với vua

  • "Tục gọi là": thường gọi là

1.3. Tóm tắt

Vào đời vua Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn, có tiếng là phúc đức nhưng mãi không có con. Một hôm bà vợ ra đồng ướm chân vào một vết chân to, về thụ thai và mười hai tháng sau sinh ra một cậu con trai khôi ngô. Đã lên ba tuổi, cậu chẳng biết nói cười.

Giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta, cậu bé bỗng cất tiếng nói xin được đi đánh giặc. Cậu lớn bổng lên. Sau khi ăn hết "bảy nong cơm, ba nong cà" do bà con gom góp mang đến, cậu bé vươn vai thành một tráng sĩ, mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt xông ra diệt giặc. Roi sắt gãy, Gióng bèn nhổ cả những bụi tre bên đường đánh tan quân giặc.

Giặc tan, Gióng một mình một ngựa trèo lên đỉnh núi rồi bay thẳng lên trời. Nhân dân lập đền thờ, hàng năm lập hội làng để tưởng nhớ. Các ao hồ, những bụi tre đằng ngà vàng óng đều là những dấu tích về trận đánh của Gióng năm xưa.

1.4.  Bố cục

  • Đoạn 1. Từ đầu..."nằm đấy: Sự ra đời kỳ lạ của Gióng

  • Đoạn 2. Tiếp theo..."cứu nước": Gióng gặp sứ giả, cả làng nuôi Gióng.

  • Đoạn 3: Tiếp theo..."lên trời": Gióng cùng nhân dân chiến đấu và chiến thắng giặc Ân

  • Đoạn 4. Còn lại: Gióng bay về trời

2. Đọc - hiểu văn bản

1.1. Hình tượng Thánh Gióng

- Nguồn gốc ra đời

  • Bà mẹ dẫm lên vềt chân to, lạ ngoài đồng và thụ thai
  • Ba năm Gióng không biết nói, cười, đặt đâu nằm đó ⇒ kỳ lạ

- Câu nói đầu tiên

  • Gióng nhờ mẹ ra gọi sứ giả vào để nói chuyện
  • Câu nói đầu tiên với sứ giả là lời yêu cầu cứu nước, là niềm tin sẽ chiến thắng giặc ngoại xâm. Giọng nói đĩnh đạc, đàng hoàng, cứng cỏi lạ thường. Chi tiết kỳ lạ, nhưng hàm chứa 1 sự thật rằng ở một đất nước luôn bị giặc ngoại xâm đe dọa thì nhu cầu đánh giặc cũng luôn thường trực từ tuổi trẻ thơ, đáp ứng lời kêu gọi của tổ quốc

1.2. Cả làng, cả nước nuôi nấng, giúp đỡ Gióng chuẩn bị ra trận

  • Gióng ăn khỏe, bao nhiêu cũng không đủ

  • Cái vươn vai kỳ diệu của Gióng. Lớn bổng dậy gấp trăm ngàn lần, chứng tỏ nhiều điều:

    • Sức sống mãnh liệt, kỳ diệu của dân tộc ta mỗi khi gặp khó khăn

    • Sức mạnh dũng sỹ của Gióng được nuôi dưỡng từ những cái bình thường, giản dị

    • Đó cũng là sức mạnh của tình đoàn kết, tương thân tương ái của các tầng lớp nhân dân mỗi khi tổ quốc bị đe dọa.

→ Chỉ có nhân vật của truyền thuyết thần thoại mới có sự tưởng tượng kỳ diệu như vậy.

1.3. Gióng cùng toàn dân chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm

  • Đoạn kể, tả cảnh Gióng đánh giặc thật hào hứng. Gióng đã cùng dân đánh giặc, chủ động tìm giặc mà đánh

→ Chi tiết này rất có ý nghĩa: Gióng không chỉ đánh giặc bằng vũ khí vua ban mà còn bằng cả vũ khí tự tạo bên đường. Trên đất nước này, cây tre đằng ngà, ngọn tầm vông cũng có thể thành vũ khí đánh giặc

  • Cảnh giặc thua thảm hại

  • Cả nước mừng vui, chào đón chiến thắng

  • Cách kể, tả của dân gian thật gọn gàng, rõ ràng, nhanh gọn mà cuốn hút.

1.4. Kết truyện: Gióng bay về trời

  • Gióng bay lên trời từ đỉnh Sóc Sơn
  • Ra đời phi thường à ra đi cũng phi thường
  • Chứng tỏ Gióng đánh giặc là tự nguyện không gợn chút công danh. Gióng là con của thần thì nhất định phải về trời....

→ Nhân dân yêu mến, trân trọng muốn giữ mãi hình ảnh người anh hùng, Thánh Gióng trở về cõi vô biên bất tử.

4. Luyện tập

Câu 1: Truyền thuyết thường liên quan đến sự thật lịch sử, theo em truyện Thánh Gióng có liên quan đến sự thật lịch sử nào?

Thông tin được đánh dấu sau đây có liên quan đến truyện Thánh Gióng:

  • Nước ta sớm có những cuộc xâm lăng từ phương Bắc

  • Dân ta sớm biết đoàn kết và chống giặc ngoại xâm

  • Dân ta thời Hùng Vương đã biết chế tạo đồ sắt

  • Đây là cuộc chiến tranh thôn tính của bộ lạc phía Bắc, giặc Ân là không có thật.

Câu 2:  Hình ảnh nào của Thánh Gióng là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí em?

a. Những trường hợp sau đây là hình ảnh đẹp nhất của Gióng trong tâm trí em:

   - "Đứa bé...bỗng dưng cất tiếng nói"

   - "Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong, lẫm liệt"

   - "Bỗng roi sắt gãy, tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc"

   - "...tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời"

b. Lí do vì sao hình ảnh được chọn ở trên là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí em: Vì những hình ảnh ấy mang tính biểu tượng cao, có nhiều ý nghĩa sâu sắc, tốt đẹp, càng làm cho hình ảnh của người anh hùng trong trí tưởng tượng của nhân dân trở nên thiêng liêng, đẹp đẽ.

Câu 3: Thánh Gióng là người anh hùng nhỏ tuổi. Trong lịch sử Việt Nam từ trước tới nay, có những người anh hùng nhỏ tuổi nào? Họ có xứng đáng nối tiếp truyền thống dân tộc mà khởi đầu là Thánh Gióng không? Vì sao?

  • Những người anh hùng nhỏ tuổi: Trần Quốc Toản, Lê Văn Tám, Kim Đồng (Nông Văn Dền), Vừ A Dính, Dương Văn Nội, Hồ Văn Mên,...

  • Những người anh hùng này đã tiếp nối vẻ vang truyền thống dân tộc mà người khởi đầu là Thánh Gióng.

  • Họ đều đã dùng tuổi trẻ của mình để tham gia vào cuộc kháng chiến bảo vệ dân tộc, ở họ đều có tình yêu mãnh liệt đối với quê hương đất nước và tinh thần kiên cường, bất khuất.

5. Kết luận

  • Thánh Gióng là thiên anh hùng ca thần thoại đẹp đẽ, hào hùng, ca ngợi tình yêu nước, bất khuất chiến đấu chống giặc ngoại xâm vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thời cổ đại.

  • Người anh hùng làng Phù Đổng - Thánh Gióng - là một biểu tượng tuyệt đẹp của con người Việt Nam trong chiến đấu và chiến thắng, không màng đến danh lợi, đẹp như một giấc mơ hồng

  • Để thắng giặc ngoại xâm cần có tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, lớn mạnh vượt bậc, chiến đấu, hy sinh... Dựng nước và giữ nước à 2 nhiệm vụ thường trực.

  • Xây dựng bằng nhiều chi tiết tưởng tượng, kỳ ảo, tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn

Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM