Bệnh đau thắt lưng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau thắt lưng là một tình trạng phổ biến, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và thường tự khỏi sau vài tuần. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh đau thắt lưng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Đau thắt lưng là bệnh gì?

Thắt lưng, còn gọi là lưng dưới, là khu vực dưới lồng ngực. Cơn đau thắt lưng có thể rất dữ dội và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Thông thường, cơn đau sẽ tự cải thiện. Tuy nhiên, nếu nó kéo dài, bạn sẽ cần được điều trị y tế.

2. Nguyên nhân gây bệnh đau thắt lưng là gì?

Một số nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng như:

Các cơ và dây chằng ở lưng có thể căng hoặc rách do hoạt động quá mức. Các triệu chứng căng cơ gồm đau và cứng thắt lưng kèm theo co thắt cơ. Để điều trị các dấu hiệu này, bạn nên nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu.

Chấn thương đĩa đệm

Các đĩa đệm ở cột sống rất dễ bị chấn thương. Đặc biệt, nguy cơ tổn thương sẽ tăng theo tuổi tác. Phía bên ngoài của đĩa có thể rách hoặc thoát vị.

Thoái vị đĩa đệm xảy ra khi phần nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí ban đầu. Điều này có thể dẫn đến chèn ép rễ thần kinh.

Chấn thương đĩa đệm thường xảy ra đột ngột khi bạn nâng vật nặng hoặc xoay người. Không giống như căng cơ lưng, đau do chấn thương đĩa đệm thường kéo dài hơn 72 giờ.

Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có thể xảy ra cùng với thoát vị đĩa đệm nếu đĩa đệm chèn ép lên dây thần kinh tọa. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy đau ở chân và bàn chân vì dây thần kinh tọa kéo dài từ cột sống đến chân.

Hẹp ống sống

Hẹp ống sống xảy ra khi cột sống bị thu hẹp, gây chèn ép lên tủy sống và dây thần kinh cột sống. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là do thoát vị đĩa đệm.

Việc chèn ép lên dầy thần kinh cột sống có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Tê;
  • Co thắt cơ;
  • Yếu cơ.

Bạn có thể cảm thấy các triệu chứng này ở bất cứ đâu trên cơ thể. Nhiều người bị hẹp ống sống cảm thấy các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn khi họ đứng hoặc đi bộ.

Cột sống cong bất thường

Vẹo cột sống, tật gù lưng, ưỡn cột sống là những tình trạng phổ biến khiến cột sống cong bất thường. Đây là những tình trạng bẩm sinh, thường được phát hiện khi trẻ mới sinh hoặc trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Cột sống cong bất thường sẽ gây đau lưng và tư thế xấu vì nó gây áp lực lên:

  • Cơ bắp;
  • Gân;
  • Dây chằng;
  • Đốt sống.

Các tình trạng sức khỏe khác

Một số tình trạng khác có thể gây đau thắt lưng như:

  • Viêm khớp;
  • Đau cơ xơ hóa: nhức và đau ở khớp, cơ và gân trong thời gian dài;
  • Viêm cột sống: viêm khớp giữa xương cột sống;
  • Gai cột sống là một rối loạn thoái hóa có thể gây mất cấu trúc và chức năng cột sống bình thường. Mặc dù lão hóa là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, vị trí và tốc độ thoái hóa sẽ quyết định đặc trưng bệnh ở mỗi người;
  • Vấn đề về thận và bàng quang;
  • Mang thai;
  • Lạc nội mạc tử cung U nang buồng trứng;
  • U xơ tử cung;
  • Ung thư.

3. Đâu là triệu chứng đau thắt lưng?

Cơn đau có thể có nhiều mức độ, từ đau âm ỉ đến đau nhói như bị dao đâm. Bạn có thể khó đứng thẳng hoặc đi lại. Đau lưng cấp tính xuất hiện đột ngột, thường là sau một chấn thương do chơi thể thao hoặc nâng vật nặng. Nếu cơn đau kéo dài hơn 3 tháng thì được xem là đau mạn tính.

Nếu bạn bị đau lưng dữ dội sau khi té ngã hoặc chấn thương, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Ngoài ra, bạn cũng nên đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu và yếu tố sau:

  • Mất kiểm soát bàng quang và nhu động ruột ;
  • Tê vùng háng ;
  • Chân trở nên yếu ;
  • Sốt;
  • Đau khi ho hoặc đi tiểu;
  • Bệnh sử ung thư ;
  • Sụt cân không rõ lý do;
  • Sử dụng thuốc steroid trong thời gian dài ;
  • Hệ miễn dịch yếu;
  • Từng được tiêm truyền tĩnh mạch;
  • Cơn đau nặng hơn khi nghỉ ngơi.

Những ai dễ bị đau thắt lưng?

Hầu hết người bệnh trong độ tuổi 30 đều có nguy cơ bị đau thắt lưng. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

Một số yếu tố khác cũng làm bạn dễ bị đau vùng thắt lưng như:

Thừa cân Ngồi trong thời gian dài Có công việc phải thường xuyên nhấc vật nặng

4. Làm sao để chẩn đoán đau thắt lưng?

Bác sĩ có thể sẽ bắt đầu chẩn đoán bằng cách hỏi bệnh sử của bạn và tiến hành kiểm tra thể chất kỹ lưỡng để xác định nơi bạn cảm thấy đau. Kiểm tra thể chất cũng có thể giúp xác định xem cơn đau có ảnh hưởng đến chuyển động của bạn hay không.

Bác sĩ cũng có thể kiểm tra phản xạ và phản ứng của bạn với những cảm giác nhất định. Điều này giúp họ xác định đau thắt lưng có ảnh hưởng đến dây thần kinh không.

Nếu bạn không có các triệu chứng liên quan, suy nhược hoặc mất cảm giác, bác sĩ có thể sẽ theo dõi tình trạng của bạn trong một vài tuần trước khi cho làm xét nghiệm. Nguyên nhân là do hầu hết các cơn đau thắt lưng có thể khỏi bằng các phương pháp tự điều trị đơn giản.

Một số triệu chứng cần phải xét nghiệm nhiều hơn, bao gồm:

  • Mất kiểm soát ruột;
  • Yếu người;
  • Sốt;
  • Giảm cân.

Nếu cơn đau vẫn tiếp tục sau khi điều trị tại nhà, bác sĩ có thể muốn yêu cầu làm các xét nghiệm bổ sung.

Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, chụp CT, siêu âm và MRI có thể giúp kiểm tra:

  • Vấn đề về xương;
  • Vấn đề đĩa đệm;
  • Vấn đề với dây chằng và gân ở lưng.

Nếu bác sĩ nghi ngờ xương cột sống có vấn đề, họ có thể yêu cầu chụp xương hoặc kiểm tra mật độ xương. Kiểm tra điện cơ (EMG) hoặc xét nghiệm dẫn truyền thần kinh có thể giúp xác định bất kỳ vấn đề nào với dây thần kinh ở lưng.

5. Các phương pháp giúp chữa đau thắt lưng

Chăm sóc tại nhà

Phương pháp tự chăm sóc rất hữu ích trong 72 giờ đầu tiên sau khi cơn đau bắt đầu. Nếu cơn đau không cải thiện sau 72 giờ điều trị tại nhà, bạn nên đến gặp bác sĩ.

Bạn nên ngừng các hoạt động thể chất bình thường trong một vài ngày và chườm đá vào thắt lưng trong 48-72 giờ đầu tiên, sau đó tiếp tục chườm ấm để thư giãn cơ.

Bạn cũng có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc paracetamol để giảm đau.

Đôi khi bạn có thể cảm thấy khó chịu khi nằm ngửa. Nếu vậy, hãy thử nằm nghiêng, co chân và kẹp gối giữa hai chân. Nếu bạn có thể nằm ngửa thoải mái, hãy đặt một chiếc gối bên dưới đùi để giảm áp lực lên thắt lưng.

Ngoài ra, tắm nước ấm hoặc massage cũng có thể thư giãn các co thắt và cứng cơ lưng.

Điều trị y tế

Đau thắt lưng có thể xảy ra do một số tình trạng khác nhau, bao gồm:

  • Căng và yếu cơ;
  • Chèn ép dây thần kinh;
  • Sai lệch tủy sống.

Bác sĩ có thể điều trị đau thắt lưng bằng:

  • Thuốc ;
  • Thiết bị y tế;
  • Vật lý trị liệu.

Bác sĩ sẽ xác định liều lượng thích hợp và kê thuốc dựa trên các triệu chứng của bạn.

Một số loại thuốc bác sĩ có thể kê toa bao gồm:

  • Thuốc giãn cơ;
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs);
  • Thuốc giảm đau gây nghiện như codein để giảm đau Steroid để giảm viêm;
  • Tiêm corticosteroid.

Bạn cũng có thể cần tập vật lý trị liệu, bao gồm:

  • Massage ;
  • Kéo duỗi cơ;
  • Các bài tập tăng cường sức mạnh;
  • Nắn chỉnh cột sống.

Phẫu thuật

Đối với trường hợp nghiêm trọng hoặc khi các phương pháp điều trị không thành công, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ đĩa đệm thoát vị, mở rộng không gian xung quanh tủy sống hoặc nối hai đốt sống với nhau.

6. Làm thế nào để phòng ngừa đau thắt lưng?

Một số biện pháp giúp bạn phòng ngừa đau thắt lưng như:

  • Tập luyện cơ bắp ở bụng và lưng;
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân;
  • Nâng đồ vật đúng cách;
  • Duy trì tư thế đúng;
  • Tránh mang giày cao gót;
  • Bỏ hút thuốc. Nicotine gây thoái hóa đĩa đệm cột sống và làm giảm lưu lượng máu.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về bệnh đau thắt lưng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:14/10/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM