Xét nghiệm định lượng creatinin máu - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Xét nghiệm định lượng creatinin máu dùng để định lượng creatinin trong máu. Creatinin là một sản phẩm dị hóa của creatine phosphate, được sử dụng trong quá trình co dãn cơ. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về xét nghiệm này, mời các bạn tham khảo.

Xét nghiệm định lượng creatinin máu - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm định lượng creatinin máu (creatinin huyết thanh)

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu

1. Tìm hiểu chung

Xét nghiệm định lượng creatinin máu là gì?

Xét nghiệm này dùng để định lượng creatinin trong máu. Creatinin là một sản phẩm dị hóa của creatine phosphate, được sử dụng trong quá trình co dãn cơ. Dựa trên khối lượng cơ bắp, cơ thể sẽ sản xuất creatine, và sau đó là creatinin. Lượng chất sản xuất mỗi ngày thường dao động rất ít. Creatinin, cũng giống như nitơ ure máu (BUN), được thải hoàn toàn bởi thận và do vậy tỷ lệ thuận với chức năng bài tiết thận. Vì thế nồng độ creatinin huyết thanh thường không đổi nếu chức năng bài tiết của thận hoạt động bình thường. Bên cạnh tình trạng mất nước, chỉ những rối loạn thận như viêm cầu thận, viêm bể thận, hoại tử ống thận cấp tính, và tắc nghẽn đường tiểu sẽ khiến creatinin tăng bất thường. Sau bữa ăn, creatinin sẽ tăng nhẹ, đặc biệt là sau khi ăn một lượng lớn  protein. Ngoài ra, có một số biến đổi trong ngày về nồng độ creatinin – lượng creatinin thấp nhất lúc 7 giờ sáng và cao nhất lúc 7 giờ tối.

Mặc dù creatinin huyết thanh là thước đo phổ biến nhất để đo độ lọc cầu thận (GFR), creatinin vẫn còn một số hạn chế. Những yếu tố như khối lượng cơ và lượng protein ăn vào có thể ảnh hưởng đến creatinin huyết thanh, dẫn đến đo độ lọc cầu thận (GFR) sai. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân thường xuyên bị bệnh nặng, những thay đổi cấp tính về chức năng thận có thể khiến việc đánh giá GFR tại thời điểm đó bằng cách sử dụng creatinin huyết thanh trở nên khó khăn.

Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm định lượng creatinin máu?

Xét nghiệm đo nồng độ creatinin huyết thanh, cũng giống như nitơ ure máu (BUN), thường được dùng để chẩn đoán suy giảm chức năng thận.

Xét nghiệm creatinin có thể được thực hiện một cách thường quy như là một phần trong những xét nghiệm cơ bản về sinh hóa trong cơ thể bạn. Kỹ thuật y tế này cũng có thể được thực hiện nếu bạn đang có những bệnh lý cấp tính hoặc bác sĩ nghi ngờ rằng thận của bạn làm việc không tốt. Một vài dấu hiệu và triệu chứng của giảm chức năng thận bao gồm:

Mệt mỏi, thiếu tập trung, chán ăn, hay mất ngủ; Sưng hoặc phù, nhất là ở vùng quanh mắt hay trên mặt, bụng, đùi hay mắt cá chân; Nước tiểu nhiều bọt, có máu, hay có màu cà phê; Giảm lượng nước tiểu; Vấn đề về đi tiểu, chẳng hạn cảm giác nóng rát khi tiểu hay có dịch tiết bất thường trong khi tiểu, hay có sự thay đổi về thói quen đi tiểu, như là hay tiểu về đêm; Đau vùng hông lưng, bên dưới khung sườn, gần vị trí của thận; Tăng huyết áp.

Bạn cần thực hiện xét nghiệm đo creatinin thường xuyên hay không tùy thuộc vào bệnh lý của bạn và nguy cơ tổn thương thận của bạn, chẳng hạn như:

Nếu bạn bị đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2, bác sĩ của bạn có thể khuyên bạn thực hiện xét nghiệm này ít nhất một lần mỗi năm; Nếu bạn có bệnh thận, bác sĩ có thể khuyên bạn thực hiện đo nồng độ creatinin thường xuyên để theo dõi tình trạng của bạn; Nếu bạn có bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến thận của bạn – chẳng hạn như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường – hay nếu bạn đang dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến thận, bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn thực hiện xét nghiệm định lượng creatinin máu.

2. Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm định lượng creatinin máu?

Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm bao gồm:

Những loại thuốc có thể làm tăng nồng độ creatinin gồm: thuốc làm giảm cao huyết áp, aminoglycosides (như gentamicin), cimetidine, thuốc hóa trị kim loại nặng (như cisplatin) và các loại thuốc gây độc cho thận khác (như cephalosporin (cefoxitin)). Creatinin máu cũng có thể tăng lên tạm thời do chấn thương cơ và nói chung sẽ thấp đi trong thai kỳ.

Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

3. Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm định lượng creatinin máu?

Bạn sẽ được bác sĩ giải thích quy trình xét nghiệm. Bạn không cần kiêng cử đồ ăn hoặc thức uống khi trước khi thực hiện xét nghiệm.

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn tạm ngưng sử dụng những loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bạn.

Quy trình thực hiện xét nghiệm định lượng creatinin máu như thế nào?

Bác sĩ lấy mẫu máu và cho vào trong một ống có nắp đỏ.

Đối với bệnh nhi, máu thường sẽ được lấy ở phần gót chân.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm định lượng creatinin máu?

Bạn nên băng và ép lên vùng vừa lấy máu để giúp cầm máu.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

4. Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Kết quả bình thường

Người lớn:

  • Nam: 0.6-1.2 mg/dl hoặc 53-106 umol/l (đơn vị SI);
  • Nữ: 0.5-1.1 mg/dl hoặc 44-97 umol/l (đơn vị SI);

Người cao tuổi: giảm khối lượng cơ có thể khiến giảm nồng độ; Vị thành niên: 0.5-1.0 mg/dl; Trẻ em: 0.3-0.7 mg/dl; Trẻ nhỏ: 0.2-0.4 mg/dl; Trẻ sơ sinh: 0.3-1.2 mg/dl.

Kết quả bất thường

Tăng nồng độ creatinin: viêm cầu thận, viêm bể thận, hoại tử ống thận cấp tính, tắc nghẽn đường tiết niệu, giảm lưu lượng máu đến thận (sốc, mất nước, suy tim sung huyết, xơ vữa động mạch), tiểu đường căn nguyên do thận, sưng thận, tiêu cơ vân, chứng to đầu chi, chứng khổng lồ.

Giảm nồng độ creatinin: suy nhược, giảm khối lượng cơ (loạn dưỡng cơ bắp, suy cơ)

Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến xét nghiệm định lượng creatinin máu, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và thực hiện xét nghiệm!

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM