Bệnh viêm cơ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm cơ là một nhóm bệnh về các vấn đề ở cơ, không chỉ ảnh hưởng đến các cơ mà còn tác động đến toàn bộ cơ thể. Vậy bệnh viêm cơ là gì? Làm sao để điều trị bệnh hiệu quả? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Bệnh viêm cơ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Bệnh viêm cơ là gì?

Viêm cơ là một tình trạng viêm mạn tính và tiến triển ở các cơ. Một số loại viêm cơ có liên quan đến phát ban da.

Bệnh viêm cơ có thể ảnh hưởng đến người lớn và trẻ em. Bệnh có rất nhiều dạng, nhưng chỉ có duy nhất một dạng ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới.

2. Các dạng viêm cơ

Viêm bì cơ

Viêm bì cơ là dạng viêm cơ dễ chẩn đoán nhất do các biểu hiện là phát ban đỏ tím, như hình hoa Heliotrope. Phát ban thường phát triển trên mí mắt, mặt, ngực, cổ và lưng. Nó cũng phát triển trên các khớp như đốt ngón tay, khuỷu tay, đầu gối và ngón chân. Tiếp theo, người bệnh sẽ bị yếu cơ.

Các triệu chứng khác của viêm bì cơ gồm:

  • Da có vảy, khô hoặc gồ ghề;
  • Sẩn Gottron: những sẩn hoặc những mảng da nổi cao ở các khớp ngón tay và bàn tay;
  • Khó ngồi xổm;
  • Mệt mỏi;
  • Yếu cơ ở cổ, hông, lưng và vai;
  • Khó nuốt;
  • Khàn giọng;
  • Có các cục canxi cứng dưới da;
  • Đau cơ;
  • Viêm khớp;
  • Móng bất thường;
  • Sụt cân;
  • Nhịp tim không đều;
  • Loét đường tiêu hóa.

Viêm cơ thể vùi (Inclusion-body myositis)

Viêm cơ thể vùi là dạng bệnh duy nhất xảy ra phổ biến ở nam giới. Hầu hết những người mắc phải tình trạng này đều trên 50 tuổi.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh là yếu cơ ở cổ tay, ngón tay và đùi. Thông thường, các cơ nhỏ dễ bị yếu hơn và sẽ không đối xứng, nghĩa là một bên cơ thể sẽ bị nặng hơn bên còn lại.

Các dấu hiệu khác của viêm cơ thể dùi gồm:

  • Đi lại khó khăn;
  • Dễ vấp ngã và mất thăng bằng;
  • Té ngã thường xuyên;
  • Khó ngồi xổm;
  • Không thể cầm nắm đồ vật, bàn tay và ngón tay kém linh hoạt;
  • Khó nuốt;
  • Yếu cơ;
  • Đau cơ;
  • Giảm phản xạ gân sâu.

Viêm cơ ở người trẻ (Juvenile myositis)

Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ dưới 18 tuổi, đặc biệt là bé gái. Tương tự các dạng viêm cơ khác, tình trạng này cũng gây ra yếu cơ và phát ban.

Các triệu chứng khác của bệnh gồm:

  • Các vết ban màu đỏ tím, có thể nhìn thấy rõ ở mí mắt hoặc khớp;
  • Mệt mỏi;
  • Ủ rũ hoặc cáu kỉnh;
  • Đau dạ dày;
  • Khó khăn khi vận động, chẳng hạn như gặp khó khăn khi leo cầu thang, đứng dậy sau khi ngồi và mặc quần áo;
  • Gặp khó khăn khi đưa tay lên cao, như gội đầu hoặc chải tóc Khó nâng đầu ;
  • Sưng hoặc đỏ da xung quanh móng tay;
  • Khó nuốt;
  • Cục canxi cứng dưới da;
  • Yếu cơ;
  • Đau cơ và khớp;
  • Giọng khàn khàn;
  • Các sẩn Gottron (vết sưng được tìm thấy trên đốt ngón tay, khuỷu tay và đầu gối);
  • Sốt.

Viêm đa cơ

Tình trạng viêm đa cơ thường bắt đầu bằng dấu hiệu suy yếu các cơ gần thân người, sau đó lan rộng khắp cơ thể. Những người mắc viêm đa cơ thường có thêm các bệnh tự miễn khác.

Các triệu chứng của bệnh gồm:

  • Yếu cơ ;
  • Đau cơ ;
  • Khó nuốt;
  • Dễ té ngã;
  • Gặp khó khăn khi đứng dậy;
  • Mệt mỏi;
  • Ho dai dẳng;
  • Da tay trở nên dày;
  • Khó thở;
  • Sốt;
  • Sụt cân ;
  • Khàn giọng.

Viêm cơ do thuốc (Toxic myositis)

Các thuốc hạ cholesterol, như statin, là một trong những thuốc phổ biến gây viêm cơ do thuốc. Một số loại thuốc và chất khác có thể gây ra tình trạng này như:

Một số thuốc ức chế miễn dịch nhất định Omeprazole Adalimumab Toluene

Người bệnh có thể cảm thấy triệu chứng cải thiện nếu ngưng thuốc gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý ngưng thuốc mà hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

3. Triệu chứng bệnh viêm cơ

Các triệu chứng viêm cơ ở mỗi người sẽ khác nhau, bao gồm:

  • Các cơ trở nên yếu hoặc mệt, khiến cho các hoạt động hàng ngày, như leo cầu thang hoặc chải đầu, gặp khó khăn.
  • Đau cơ;
  • Cảm thấy mềm khi chạm vào cơ ;
  • Sưng cơ;
  • Cảm thấy không khỏe;
  • Sụt cân;
  • Đổ mồ hôi đêm.

Các cơ thường bị ảnh hưởng nhất là cơ vai, hông và đùi. Cơ yếu và mỏi dễ khiến người bệnh té ngã hơn.

Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe khác cũng có thể có triệu chứng tương tự như bệnh viêm cơ, như:

  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc – ví dụ như steroid (corticosteroid) và thuốc hạ cholesterol, chẳng hạn như statin;
  • Ảnh hưởng của việc uống quá nhiều rượu trong thời gian dài;
  • Các vấn đề do nội tiết tố – ví dụ như tuyến giáp hoạt động kém hoặc quá mức;
  • Mức vitamin D thấp ;
  • Mức canxi hoặc magiê bất thường ;
  • Nhiễm trùng;
  • Tình trạng cơ hiếm gặp khác.

4. Nguyên nhân gây bệnh viêm cơ

Các tế bào bạch cầu của hệ miễn dịch thường bảo vệ chúng ta khỏi những vi sinh vật trong môi trường, như vi khuẩn và virus. Trong viêm cơ, hệ miễn dịch làm tổn thương nhầm mô cơ khỏe mạnh, khiến chúng trở nên yếu và gây ra các tình trạng liên quan khác.

Thực tế, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa được biết. Các chuyên gia cho rằng chấn thương và nhiễm trùng đóng vai trò trong việc gây ra viêm cơ.

5. Chẩn đoán bệnh viêm cơ

Bác sĩ sẽ hỏi vế các triệu chứng của bạn và cho làm một số xét nghiệm để loại trừ các tình trạng khác, gồm:

  • Xét nghiệm máu, để kiểm tra mức tăng của các enzyme và kháng thể trong máu;
  • Sinh thiết để có thể kiểm tra sưng, tổn thương và những thay đổi khác;
  • Chụp MRI;
  • Điện cơ đồ (EMG) ghi lại các tín hiệu điện từ các đầu dây thần kinh trong cơ.

6. Điều trị viêm cơ

Thuốc

Phương pháp điều trị viêm cơ ban đầu là steroid, thường được bắt đầu với liều cao.

Steroid có thể được dùng dưới dạng viên nén hoặc thuốc tiêm. Chúng giúp giảm viêm nhanh chóng, giải quyết cơn đau cơ và cảm giác không khỏe.

Steroid liều cao có thể có tác dụng phụ, vì vậy bác sĩ sẽ cố gắng giảm liều càng nhanh càng tốt.

Uống steroid trong một thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng loãng xương, khiến xương trở nên mỏng và dễ gãy hơn. Có những loại thuốc bạn có thể dùng cùng với steroid để giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương, gồm bisphosphonate (thuốc chống loãng xương).

Đôi khi các triệu chứng viêm cơ có thể bùng phát khi giảm liều steroid và bác sĩ thường có thể kê đơn các loại thuốc khác để giúp giảm viêm, gồm methotrexate, azathioprine, ciclosporin, tacrolimus và mycophenolate.

Hầu hết trong số này là các loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs), và bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Thỉnh thoảng những loại thuốc này có thể kiểm soát được bệnh viêm cơ. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc sau:

Cyclophosphamide (DMARD) Liệu pháp sinh học rituximab Globulin miễn dịch.

Các liệu pháp sinh học hoạt động bằng cách ngăn chặn các mục tiêu cụ thể trong hệ thống miễn dịch gây viêm.

Globulin miễn dịch là các kháng thể được thu thập từ máu được hiến từ những người khỏe mạnh, có thể giúp ngăn chặn hệ miễn dịch tấn công các mô trong cơ thể. Trong quá trình điều trị, bạn có thể cảm thấy không khỏe.

Ngay cả trong trường hợp nghiêm trọng, viêm cơ thường đáp ứng với điều trị, mặc dù nhiều người cần điều trị bằng thuốc suốt đời để kiểm soát tình trạng của họ.

Tập thể dục và vật lý trị liệu

Khi các bệnh viêm cơ đang “hoạt động” bạn nên nghỉ ngơi, nhưng một khi bệnh đã thuyên giãm thì việc tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng và sức khỏe tổng thể.

Tập thể dục giúp bạn thở mạnh hơn và tim đập nhanh hơn, đặc biệt quan trọng để giúp phục hồi sức mạnh cơ và cải thiện sức chịu đựng.

Bạn nên đến gặp chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn và tập luyện đúng cách.

Trẻ em bị viêm cơ sẽ cần vật lý trị liệu mạnh hơn để giảm nguy cơ khớp, đặc biệt là đầu gối, bị cong vĩnh viễn.

Hầu hết những người bị viêm cơ có thể phục hồi tốt. Tuy nhiên, một số người có triệu chứng nghiêm trọng có thể không bao giờ hồi phục hoàn toàn.

Ngay cả những người phục hồi tốt có thể mất vài tháng để thấy sự cải thiện, vì các phương pháp điều trị cần có thời gian để giúp cơ thể sửa chữa cơ bắp. Trong thời gian này, bạn có thể khá mệt mỏi.

7. Biến chứng bệnh viêm cơ

Đôi khi, phương pháp điều trị bằng thuốc không hoạt động hiệu quả và cơ có thể vẫn yếu.

Đôi khi, bệnh có thể ảnh hưởng đến hô hấp và khả năng nuốt. Điều này có thể xảy ra ở trường hợp nghiêm trọng khi các cơ ở các cơ quan này trở nên yếu.

Trong những trường hợp hiếm, tình trạng này có thể gây suy tim.

Nếu phổi bị viêm, nó có thể xuất hiện sẹo và ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của phổi.

Tình trạng phổi và tim có thể gây khó thở trong thời gian dài. Vì lý do này, bạn có thể đến gặp bác sĩ về tim hoặc ngực nếu có nguy cơ mắc những vấn đề này.

Trẻ em bị viêm bì cơ có thể có các tinh thể canxi lắng đọng trong các cơ bị tổn thương gây đau. Các tinh thể này, kết hợp với tình trạng mất khả năng vận động, đôi khi có thể dẫn đến khớp cứng vĩnh viễn.

Viêm đa cơ đôi khi xảy ra ở những người có các tình trạng tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, lupus hoặc xơ cứng bì.

Trong những trường hợp hiếm gặp, viêm cơ có thể liên quan đến ung thư. Hầu hết những người bị viêm cơ đều không phát triển ung thư, nhưng bác sĩ có thể cho làm các xét nghiệm như chụp X-quang ngực hoặc siêu âm bụng và xương chậu để đảm bảo an toàn.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Viêm cơ, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:19/09/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM