Bệnh rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ (PLMD) là một tình trạng tay chân chuyển động lặp đi lặp lại trong khi ngủ, gây gián đoạn giấc ngủ. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ (Periodic limb movement disorder – PLMD) được mô tả là một tình trạng mà tay chân chuyển động lặp đi lặp lại trong khi ngủ và gây gián đoạn giấc ngủ. Các cử động thường liên quan đến chi dưới, bao gồm chuyển động của ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối và hông. Một số người có thể xảy ra rối loạn vận động ở chi trên.

Rối loạn vận động này xảy ra thường xuyên nhất trong giấc ngủ không REM. Các chuyển động lặp đi lặp lại cách nhau một khoảng thời gian khá đều đặn, từ 5–90 giây và thay đổi đáng kể từ đêm này sang đêm khác.

Những người bị rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ thường không tự biết được tình trạng của mình mà được người thân kể lại. Tuy nhiên, người bệnh có thể thức dậy nhiều lần trong đêm và cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi vào ban ngày.

Người mắc phải rối loạn này cũng có khả năng mắc chung với các rối loạn giấc ngủ khác, chẳng hạn như hội chứng chân không yên (Restless leg syndrome – RLS).

Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ và hội chứng chân không yên

Giữa rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ (PLMD) và hội chứng chân không yên (RLS) có những điểm tương đồng trong triệu chứng và cách điều trị. Do đó, nhiều người xem chúng như là một phần của một tình trạng rối loạn chung.

Triệu chứng của hội chứng chân không yên bao gồm cảm giác khó chịu ở chân và luôn có mong muốn di chuyển chúng. Những biểu hiện này trở nên mạnh mẽ hơn vào buổi tối và trong lúc nghỉ ngơi. Hoạt động thể chất có thể giúp giảm nhẹ hội chứng này.

Điểm khác biệt chính giữa hai tình trạng này là PLMD chỉ xảy ra trong khi ngủ, trong khi RLS có thể xuất hiện cả khi ngủ và thức.

Khoảng 80–90% số người mắc phải hội chứng chân không yên cũng bị rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ. Tuy nhiên, điều ngược lại không tương ứng như vậy.

2. Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ?

Rối loạn này thường được quan sát thấy ở khoảng 80% người mắc phải hội chứng chân không yên và ở hơn 30% người trên 65 tuổi (có thể có hoặc không có triệu chứng).

PLMD cũng khá phổ biến ở những người mắc chứng ngủ rũ (narcolepsy) và rối loạn hành vi giấc ngủ REM. Đôi khi, rối loạn này còn gặp ở người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở.

PLMD có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc thường tăng theo độ tuổi. Khác với hội chứng chân không yên, PLMD dường như không liên quan đến yếu tố giới tính.

Một số bệnh lý có thể liên quan đến PLMD, bao gồm ure huyết, đái tháo đường, thiếu sắt, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) và chấn thương tủy sống.

3. Triệu chứng

Mỗi đợt rối loạn vận động tay chân thường kéo dài từ 30 phút trở lên và cách nhau trung bình khoảng 20–40 giây. Các chuyển động ở chân, tay thường xảy ra trong giấc ngủ mắt không chuyển động nhanh (non-REM sleep).

Các triệu chứng phổ biến nhất của PLMD gồm:

  • Cử động chân lặp đi lặp lại ở một hoặc cả hai chân, đôi khi có cử động ở cánh tay, thường liên quan đến hành động co duỗi, uốn cong hay co giật;
  • Ngủ không ngon giấc, có cảm giác bồn chồn;
  • Thức dậy nhiều lần trong đêm Buồn ngủ, uể oải vào ban ngày;
  • Cáu kỉnh, có vấn đề về hành vi và suy giảm thành tích ở trường hay nơi làm việc do thiếu ngủ.

Những người bị rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ cũng có thể có các triệu chứng của hội chứng chân không yên, bao gồm cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran ở chân khi nằm. Tuy nhiên, không phải ai cũng mắc phải cả hai tình trạng này cùng lúc.

4. Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn này vẫn chưa được biết nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng PLMD có liên quan đến hệ thần kinh trung ương.

Những yếu tố dưới đây được cho là góp phần gây ra rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ nhưng không phải là nguyên nhân căn bản, bao gồm:

  • Lượng caffeine tiêu thụ Các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, chống buồn nôn, lithium và thuốc chống co giật;
  • Rối loạn giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ hoặc hội chứng chân không yên;
  • Rối loạn phát triển thần kinh như rối loạn tăng động giảm chú ý và hội chứng Williams;
  • Chấn thương tủy sống;
  • Thiếu máu do thiếu sắt ;
  • Rối loạn chuyển hóa bao gồm đái tháo đường và bệnh thận.

PLMD cũng phổ biến hơn ở người cao tuổi. Theo Tổ chức Sức khỏe Giấc ngủ, khoảng 2% người dưới 30 tuổi bị ảnh hưởng bởi rối loạn này nhưng có đến 65% người từ 65 tuổi trở lên mắc phải chúng. Nguy cơ ảnh hưởng đến nam và nữ là như nhau.

5. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ?

Phần lớn người bị PLMD biết họ gặp rối loạn trong khi ngủ thông qua người thân hay bạn đời, hoặc sau nhiều lần thấy chăn bị đạp khắp nơi vào buổi sáng.

Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ được chẩn đoán qua thử nghiệm đo đa ký giấc ngủ (polysomnography). Thử nghiệm này được thực hiện trong khi bạn ngủ, ghi lại các thông số như sau:

  • Sóng não;
  • Nhịp tim;
  •  Nồng độ oxy trong máu;
  • Cử động mắt;
  • Chức năng thần kinh và cơ bắp khác trong khi ngủ;
  • Huyết áp.

Kỹ thuật viên sẽ gắn các cảm biến lên da đầu, thái dương, ngực và chân bạn. Sau đó, đầu còn lại của cảm biến được kết nối với máy tính và các phép đo thực hiện trong suốt đêm trong lúc ngủ.

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra bệnh sử và thực hiện khám sức khỏe tổng quát để tìm kiếm những vấn đề tiềm ẩn khác có khả năng gây gián đoạn giấc ngủ. Mẫu nước tiểu và mẫu máu cũng cần được lấy để tìm dấu hiệu thiếu sắt hay bất kỳ rối loạn chuyển hóa nào khác.

Những phương pháp điều trị rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào kết quả đo đa ký giấc ngủ và các xét nghiệm chẩn đoán khác cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngoài ra, quá trình điều trị cũng có thể tùy thuộc vào bạn có mắc phải những rối loạn giấc ngủ khác không, chẳng hạn như hội chứng chân không yên.

Tránh tiêu thụ caffeine và giảm bớt căng thẳng

Bạn có thể không cần điều trị nếu rối loạn này không gây ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ, chất lượng cuộc sống bình thường và cả người ngủ chung với bạn. Trong trường hợp này, cắt giảm lượng caffeine tiêu thụ, bỏ thuốc và hạn chế uống rượu có thể mang lại kết quả tích cực.

Lưu ý, caffeine không chỉ có trong cà phê. Chúng cũng có trong soda, trà, chocolate, nước tăng lực và một số thuốc uống.

Yoga, thiền hay những bài tập giúp thư giãn khác cũng giúp giảm bớt triệu chứng rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ. Đồng thời, massage hay tắm nước nóng trước khi ngủ cũng giúp cải thiện các triệu chứng vào ban đêm.

Điều trị các bệnh liên quan

Nếu bạn được chẩn đoán thiếu sắt hay một bệnh lý nào khác, việc điều trị trước tiên sẽ hướng tới các tình trạng trên. Ví dụ trong trường hợp thiếu sắt, bác sĩ sẽ theo dõi nồng độ sắt một thời gian và kê đơn thuốc bổ sung sắt hay đề xuất một chế độ ăn bổ sung những thực phẩm giàu chất sắt.

Sử dụng thuốc

Đối với trường hợp PLMD theo chu kỳ nghiêm trọng, sử dụng các thuốc điều chỉnh chuyển động cơ bắp là phương pháp cuối cùng. Các thuốc này bao gồm:

  • Chất chủ vận dopamine, thường được kê đơn để kiểm soát run không kiểm soát ở người bị Parkinson;
  • Thuốc nhóm benzodiazepin, chẳng hạn như clonazepam;
  • Thuốc chống co giật như gabapentin.

Nhìn chung, rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ không phải là một tình trạng nguy hiểm, gây đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, chất lượng giấc ngủ rất quan trọng trong cuộc sống. Do đó, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu chính xác nguyên nhân và cách điều trị nếu rối loạn này gây ảnh hưởng đến bạn hay người thân.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ (PLMD), hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:13/09/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM