Bệnh dày sừng ánh sáng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Dày sừng ánh sáng là tình trạng lớp ngoài cùng của da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời, hình thành nên những mảng da dày lên, thô ráp. Chúng có thể xuất hiện ở trên bàn tay, cánh tay hay mặt. Các thương tổn này có khả năng phát triển thành ác tính và gây ung thư da. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh lý này, mời các bạn tham khảo.

Bệnh dày sừng ánh sáng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1.  Dày sừng ánh sáng là gì?

Một mảng dày sừng ánh sáng (hay dày sừng quang hóa) là một vùng da trở nên sần sùi, thô ráp, đóng vảy và bong tróc sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều năm mà không có biện pháp bảo vệ. Những mảng da như thế này thường thấy ở trên mặt, môi, tai, mu bàn tay, cẳng tay, da đầu hay da ở cổ.

Các vùng da bị tổn thương thường không gây ra dấu hiệu hoặc triệu nào khác ngoài có những mảng hoặc đốm nhỏ khác thường trên da, lan rộng chậm. Những mảng/ đốm này thường mất nhiều năm để phát triển rộng ra thêm, thường bắt đầu xuất hiện ở những người 40 tuổi.

Một số ít trường hợp dày sừng ánh sáng có thể trở thành ung thư da. Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bị tổn thương da bằng cách hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và có biện pháp bảo vệ da khỏi tia cực tím (UV).

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của dày sừng ánh sáng

Biểu hiện của tình trạng này bao gồm:

Xuất hiện các mảng da sần sùi, khô ráp hoặc có vảy, thường có đường kính dưới 2,5cm Mảng da có thể phẳng hoặc hơi sưng, nhô cao hơn so với bề mặt da Một số trường hợp có thể có vùng da chai cứng, giống như mụn cóc Trên bề mặt vùng da bị tổn thương thường có nhiều vết nhăn nhỏ Vùng da bị ảnh hưởng có thể có màu hồng, đỏ hoặc nâu Cảm thấy ngứa hoặc nóng rát ở vùng da bị tổn thương

Để phân biệt các tình trạng tổn thương da này có phải là dấu hiệu ung thư hay không rất khó nếu quan sát bằng mắt thường. Do đó, nếu có những thay đổi khác lạ trên da, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra càng sớm càng tốt. Đặc biệt, trường hợp các đốm hoặc tổn thương trên da tồn tại trong thời gian dài, có tiến triển thêm hoặc chảy máu cần được kiểm tra sớm.

3. Nguyên nhân gây dày sừng ánh sáng là gì?

Nguyên nhân gây ra những tổn thương trên da này chính là do tiếp xúc thường xuyên hoặc trực tiếp với tia UV từ mặt trời hoặc giường tắm nắng. Khi da tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời liên tục trong thời gian dài, các tế bào da sẽ bị biến đổi về hình dạng, kích thước và cách sắp xếp. Trong đó, tế bào sừng (chiếm hơn 90% số tế bào ở lớp thượng bì) bị thay đổi nhiều nhất.

Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ bị dày sừng ánh sáng, nhưng khả năng này sẽ tăng lên nếu:

  • Hơn 40 tuổi Sống ở nơi có nhiều nắng ;
  • Từng phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên, gay gắt hoặc bị cháy nắng;
  • Dễ bị tàn nhang hoặc cháy nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời;
  • Có tiền sử bệnh dày sừng ánh sáng hay ung thư da;
  • Hệ thống miễn dịch yếu do trải qua hóa trị liệu, bệnh bạch cầu, AIDS hay dùng thuốc sau khi cấy ghép nội tạng.

4. Chẩn đoán dày sừng ánh sáng

Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bạn có bị dày sừng do ánh sáng hay không nhờ vào quá trình kiểm tra da. Nếu có nghi ngờ khác, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác, chẳng hạn như sinh thiết da. Khi đó, một mẩu da được lấy đi và đem quan sát trong phòng thí nghiệm.

Nếu bạn mắc phải tình trạng này thì sau khi điều trị, hãy đi kiểm tra da ít nhất 1 lần trong năm để phát hiện sớm dấu hiệu ung thư da, nếu có.

5. Điều trị dày sừng ánh sáng

Các mảng da bị tổn thương này đôi khi tự biến mất nhưng sẽ xuất hiện lại nếu bạn tiếp tục để da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Tuy vậy, bác sĩ không biết được chính xác tổn thương nào trên da có khả năng phát triển thành ung thư nên các mảng sừng hóa này thường được điều trị hết để phòng ngừa.

Sử dụng thuốc

Một vài loại thuốc kê đơn được bác sĩ chỉ định trong điều trị dày sừng do ánh sáng gồm có:

Kem bôi chứa fluorouracil Kem bôi chứa imiquimod Gel ingenol mebutate Gel chứa diclofenac

Những loại thuốc bôi ngoài da này có thể gây đỏ, đóng vảy hoặc nóng rát ở da trong vòng vài tuần.

Phẫu thuật và các phương thức khác

Các phương pháp được dùng để loại bỏ vùng da bị dày sừng ánh sáng gồm có:

  • Liệu pháp đông lạnh. Các mảng da bị tổn thương này có thể được loại bỏ bằng cách dùng nitơ lỏng để đóng băng chúng. Bác sĩ sẽ dùng chất này để đông cứng vùng da tổn thương, khiến mảng da khô lại và bong tróc ra. Sau đó, lớp da mới được tái tạo và vùng da đó sẽ lành lại. Đây là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị tình trạng này.
  • Cạo bỏ vùng da tổn thương. Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ đặc biệt để cạo/ nạo đi các tế bào da đã bị biến đổi. Phương thức này có thể được tiến hành chung với phẫu thuật bằng dao mổ điện. Khi đó, bác sĩ dùng một dụng cụ có hình dạng giống như cây bút phát ra dòng điện để cắt và phá bỏ các mô bị ảnh hưởng trên da. Bạn sẽ được gây tê cục bộ trước khi tiến hành.
  • Liệu pháp quang động (PDT). Phương pháp này sử dụng một chất hóa học nhạy cảm với ánh sáng bôi lên vùng da bị tổn thương rồi chiếu dưới một nguồn sáng đặc biệt. Trong quá trình đó, các mảng da bị biến đổi sẽ bị phá hủy.

Khi được điều trị sớm, hầu hết các mảng da tổn thương đều được giải quyết sạch sẽ trước khi phát triển thành ung thư da. Nếu không điều trị, một trong số các vùng da này có khả năng tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy.

6. Phòng ngừa dày sừng ánh sáng

Tình trạng này có thể là dấu hiện tiền ung thư da hoặc là một dạng ung thư da sớm, do đó việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Bạn nên bảo vệ làn da trước tác hại của các tia cực tím trong ánh nắng mặt trời:

  • Hạn chế đứng dưới nắng quá lâu, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ – 14 giờ. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu đến mức bị cháy nắng, rám nắng. Tất cả đều có thể làm tổn thương da và tăng nguy cơ hình thành dày sừng do ánh sáng hay ung thư da. Phơi nắng tích lũy theo thời gian (tức là thời gian tiếp xúc với ánh nắng dù không dài nhưng từ ngày này sang ngày khác) cũng có thể gây ra dày sừng quang hóa.
  • Sử dụng kem chống nắng. Sử dụng kem chống nắng hàng ngày sẽ giúp giảm sự hình thành và phát triển dày sừng trên da. Trước khi ra ngoài 15–30 phút, bạn hãy thoa kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 30. Nếu bạn đi bơi hoặc ra mồ hôi nhiều, hãy thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 tiếng đồng hồ.
  • Mặc quần áo dài tay để che kín tối đa vùng da tiếp xúc với nắng mặt trời. Bạn nên đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang và mặc quần áo dài hay các trang phục chống nắng để hạn chế cho da tiếp xúc với nắng.
  • Kiểm tra da thường xuyên và thông báo cho bác sĩ những thay đổi bất thường. Hãy thường xuyên quan sát làn da để xem có điều gì mới xuất hiện hay thay đổi không, chẳng hạn như có nốt ruồi mới, thêm tàn nhang hay các vết bớt trước đây trên da đã thay đổi. Để kiểm tra các vùng da khó nhìn thấy như cổ, tai, da đầu, bạn có thể sử dụng gương để hỗ trợ.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh dày sừng ánh sáng, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong việc tìm hiểu và điều trị bệnh.

Ngày:25/10/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM