Cha con nghĩa nặng (trích) Ngữ văn 11

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về Hồ Biểu Chánh - một con người tài năng. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em cảm nhận được tình cảm cha con sâu nặng của hai nhân vật trong đoạn trích "Cha con nghĩa nặng". Mời các em cùng tham khảo nhé!

Cha con nghĩa nặng (trích) Ngữ văn 11

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Hồ Biểu Chánh sinh năm 1884 (trong giấy khai sanh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc ấp Thành Nhất, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tình Tiền Giang).

- Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn.

- Năm 1905 sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.

- Tháng 8 năm 1941 sau khi ông về hưu, được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp - Việt.

- Sau khi tái chiếm Nam Bộ năm 1946 Cộng hòa tự trị Nam Kì được thành lập, ông được mời làm cố vấn cho chánh phủ. Nhưng chỉ được mấy tháng, khi chánh phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, ông lui về quê ở ẩn và giành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.

- Ông mất ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định thọ 73 tuổi.

1.2. Tác phẩm

- Đoạn trích "Cha con nghĩa nặng" miêu tả chủ yếu hai nhân vật: Trần văn Sửu và Trần Văn Tí.

- Nội dung chính của đoạn trích là miêu tả tình cha con nghĩa nặng. Nó thể hiện ở lương tâm, lời nói, cử chỉ của người cha và người con. Đó là mối quan hệ phụ tử tình thâm.

- Bố cục đoạn trích "Cha con nghĩa nặng" có thể chia thành ba phần:

+ Phần 1: Từ đầu đến "cha thì sầu não" -> Cha chạy trốn con đuổi theo tìm.

+ Phần 2: Tiếp theo đến "coi cha nó còn ngồi đó không" -> Cha con gặp nhau.

+ Phần 3: Còn lại -> Cha con tính chuyện theo nhau.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tình cha đối với con

- Dù trốn đi biệt xứ nhưng Trần Văn Sửu vẫn không ngừng nhớ về con, lo cho con rất nhiều. Bên cạnh đó nhân vật người cha không quản nguy hiểm quyết về thăm con -> sợ liên lụy đến con nên chưa gặp đã vội trốn đi. Thậm chí có đôi lúc nhân vật người cha định tự tử vì sự bình yên của con.

=> Một người cha hết lòng yêu thương và lo cho con của mình, người cha không hề nghĩ đến hạnh phúc cá nhân của bản thân, sẵn sàng chịu cảnh khổ, xa con, thay tên đổi họ để không phải liên lụy đến con. Trần Văn Sửu buộc lòng chấp nhận hi sinh hạnh phúc chính đáng của người cha để đảm bảo hạnh phúc đang trong tầm tay cho các con.

2.2. Tình con đối với cha

- Tình cảm của người con mãnh liệt và da diết. Ngầm theo dõi câu chuyện của cha nên càng thương cha nhiều hơn. Lo lắng, thương cha, hi sinh hạnh phúc bản thân để đi tìm cha, nhất quyết không cho cha đi. Cũng như với người cha, cuộc hội ngộ giữa hai cha con làm thoả lòng mong nhớ bấy nay của Tí. Tí thể hiện tình cảm với người cha hết sức nồng nàn, thắm thiết. Các hành động, cử chỉ của nhân vật này cũng được miêu tả thật tự nhiên, chân thật như là sự bùng phát của nỗi nhớ thương bị dồn nén bấy lâu: “chạy riết lại nắm tay cha”, “dòm sát trong mặt mà nhìn, rồi ôm cứng trong lòng mà nói”…

=> Tí là một đứa con hiếu thảo, mong muốn được sống trong cảnh cha con sum vầy: “Vậy thì bây giờ cha đi đâu con theo đó”, “Hễ cha đi thì con đi theo”, “Bây giờ có một mình cha nghèo khổ, vậy con phải làm mà nuôi cha chứ”,… Những câu Tí nói vói cha còn thể hiện thái độ trách nhiệm của một người con trai lớn biết sống tự lập và tự quyết định cuộc sống của mình.

2.3. Ý nghĩa tình huống truyện

- Tình huống truyện giàu kịch tính: Cuộc trở về bí mật trong đêm của Trần Văn Sửu chưa kịp gặp con lại phải đi. Cuộc chạy đuổi trong đêm giữa hai cha con. Cuộc gặp gỡ tại cầu.

-> Làm nổi bật chủ đề, dụng ý của nhà văn.

- Diễn biến câu chuyện, dưới hình thức đối thoại của hai cha con, có nhịp độ nhanh và lát sinh động. Có thể nhận thấy nhà tiểu thuyết thúc đẩy tiến trình sự việc rất nhanh và sắc sảo qua lời đối thoại như trong kịch, ông đã tước đi hầu hết những lời dẫn rườm rà để cuốn hút người đọc tập trung theo dõi câu chuyện. Trong các lời thoại, người đọc không còn thấy kiểu đối xứng, hô ứng có vẻ sách vở giữa các vế nữa.

- Việc để cho Tí ráo riết tìm các giải pháp xử lí tình huống khó xử, gay cấn với cả hai cha con cho thấy lòng thương yêu cha của Tí thật là sâu sắc. Tí cũng tự chứng tỏ tính cách mạnh mẽ của mình - không chịu bó tay trước hoàn cảnh. Cuối cùng, Tí đã tìm được lối thoát khả dĩ cho tình huống tưởng như bế tắc đó làm dịu lòng ngưòi cha, yên được lòng mình, vẹn được nhiều bề?

=> Từ cách xử lí tình huống giàu kịch tính ở đoạn trích, tính cách các nhân vật được tô đậm theo ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Có thể nói, theo Hồ Biểu Chánh, một kết thúc tốt đẹp chỉ có thể là một kết thúc hợp đạo lí truyền thống - cha giữ đạo làm cha, con giữ đạo làm con. Được như vậy, tình cha con mới sâu nặng, vẹn tròn.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Ca ngợi truyền thống đạo lí của mỗi con người.

+ Ca ngợi tình cha con sâu nặng.

+ Vẻ đẹp lòng hiếu thảo và tình thương con là bài học của muôn đời.

- Về nghệ thuật:

+ Diễn tả tâm lí nhân vật qua lời nói và hành động.

+ Tạo tình huống phức tạp căng thẳng, mâu thuẫn được đẩy lên qua lời thoại.

+ Ngôn ngữ giàu sắc thái Nam Bộ, sử dụng nhiều từ ngữ và cách nói địa phương.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy khái quát lại tâm trạng của người cha và người con.

Gợi ý trả lời:

- Tâm trạng của người cha như sau: người cha rất vui khi được biết con mình đã được cưu mang, sắp thành gia thất. Trần Sửu nghĩ bây giờ chết cũng yên tâm, không còn băn khoăn gì nữa.

- Tâm trạng của người con như sau: người con ngỡ cha nó chết rồi. Sự xuất hiện của cha là một bất ngờ với nó. Nghe được câu chuyện giưa cha và ông ngoại, người con càng thương và quý cha nó hơn.

Câu 2: Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về đoạn trích "Cha con nghĩa nặng".

Gợi ý trả lời:

Sau khi đọc và tìm hiểu đoạn trích của Hồ Biểu Chánh nói về tình cảm cha con có thể nhận thấy “Cha con nghĩa nặng” của Hồ Biểu Chánh là đoạn trích rất cảm động về tình cha con sâu nặng hiếm có trong văn học. Đây là một trong những tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ, khai thác tình huống éo le để tô đậm tính cách nhân vật từ đó bộc lộ dụng ý ca ngợi mối quan hệ đẹp giữa con người, quan hệ đạo đức trong gia đình của nhà văn. Tác phẩm là tuyên ngôn về đạo đức gia đình về tình cảm cha con sâu nặng.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Giới thiệu một truyện ngắn đặc sắc của một phong cách nghệ thuật độc đáo.

- Giúp học sinh hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Rèn kỹ năng đọc và tóm tắt truyện.

- Đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại.

- Rèn kỹ năng phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự.

Ngày:09/10/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM