Chiếu cầu hiền (Cầu hiền chiếu)

Bài học với nội dung đầy đủ và chi tiết, Chiếu cầu hiền là một văn kiện lịch sử quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn, cũng như ngợi ca tầm nhìn chiến lược và tình cảm đại lượng của vua Quang Trung trong việc vận động trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước. eLib giới thiệu đến các em bài học dưới đây chúc các em học tốt.

Chiếu cầu hiền (Cầu hiền chiếu)

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả Ngô Thì Nhậm

- Ngô Thì Nhậm (1764 - 1803), hiệu Hi Doãn.

- Ng­ười làng Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay: Thanh Trì - Hà Nội)

- Là người học giỏi đỗ đạt, từng làm quan đại thần dưới thời chúa Trịnh

Khi Lê - Trịnh sụp đỗ, ông theo phong trào Tây Sơn và được vua Quang Trung tín nhiệm giao nhiều trọng trách.

→ ông có những đóng góp tích cực cho triều đại Tây Sơn

1.2. Tác phẩm Chiếu cầu hiền

- Hoàn cảnh sáng tác:

  • "Chiếu cầu hiền" được viết vào khoản năm 1788- 1789 khi tập đoàn Lê - Trịnh hoàn toàn tan rã.

- Mục đích:

  • Thuyết phục trí thức Bắc Hà hiểu đúng nhiệm vụ xây dựng đất nước mà Tây Sơn đang tiến hành để cộng tác phục vụ triều đại mới.

- Thể loại:

  • Chiếu là một thể văn nghi luận chính trị xã hội thời trung đại thường do nhà vua ban hành.
  • Xuống chiếu cầu hiền tài là một truyền thống văn hóa chính trị của triều đại phong kiến phương đông.
  • Văn thể chiếu trang trọng, lời lẽ rõ ràng, tao nhã.

- Bố cục: Ba phần.

  • Phần 1: “Từng nghe.. người hiền vậy”. → Quy luật xử thế của người hiền
  • Phần 2: “Trước đây thời thế....của trẫm hay sao?”→ Cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà và nhu cầu của đất nước 
  • Phần 3: “Chiếu này ban xuống ....Mọi người đều biết." → Con đường cầu hiền của vua Quang Trung.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Quy luật xử thế của người hiền

- Ng­ười hiền tài có mối quan hệ với thiên tử.

- Người hiền phải do thiên tử sử dụng.

- Không làm như­ vậy là trái với đạo trời, trái với quy luật cuộc sống.

- Tác giả so sánh người hiền:

  • Người hiền - ngôi sao sáng; thiên tử - sao Bắc Thần (tức Bắc Đẩu).

  • Từ quy luật tự nhiên:

  • Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần (ngôi vua).

→ Dùng hình ảnh so sánh, lấy từ luận ngữ tạo nên tính chính danh cho "Chiếu cầu hiền" vừa đánh trúng vào tâm lí của nho sĩ Băc Hà. Cho ta thấy Quang Trung là người có học, biết lễ nghĩa.

2.2. Cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà và nhu cầu của đất nước

- Cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà:

  • Mai danh ẩn tích bỏ phí tài năng "Trốn tránh việc đời".

  • Ra làm quan: sợ hãi, im lặng như bù nhìn “không dám lên tiếng", hoặc làm việc cầm chừng “đánh mõ, giữ cửa”.

  • Một số đi tự tử “ra biển vào sông”. → Vừa châm biếm nhẹ nhàng vừa tỏ ra người viết bài Chiếu có kiến thức sâu rộng, có tài năng văn chương.

- Hai câu hỏi: “Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng?”. Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự Vương hầu chăng?” → Vừa thể hiện sự thành tâm, khiêm nhường, vừa thể hiện sự đòi hỏi và cả chút thách thách của vua Quang Trung. (Khiến người nghe không thể không thay đổi cách sống. Phải ra phục vụ và phục vụ hết lòng cho triều đại mới).

Tính chất của thời đại và nhu cầu của đất nước: Thẳng thắn tự nhận những bất cập của triều đại mới, khóe léo nêu lên những nhu cầu của đất nước :

  • Trời còn tối tăm

  • Buổi đầu đại định

  • Triều chính còn nhiều khiếm khuyết.

→ Gặp nhiều khó khăn ⇒ đòi hỏi sự trợ giúp của nhiều bậc hiền tài.

- Kết thúc đoạn hai: Hỏi mà khẳng định → Nhân tài không những có mà còn có nhiều. Vậy tại sao “không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao?” ⇒ Cách nói vừa khiêm nhường tha thiêt, vừa khiên quyết khiến người hiền tài không thể không ra giúp triều đại mới làm cho nho sĩ Bắc Hà không thể không thay đổi cách ứng xử.

2.3. Con đường cầu hiền của vua Quang Trung

- Đối tượng cầu hiền: quan viên lớn nhỏ, thứ dân trăm họ.

- Đường lối cầu hiền:

  • Cho phép mọi người có tài năng thuộc mọi tầng lớp trong xã hội được dâng sớ tâu bày kế sách
  • Cho phép các quan văn võ tiến cử người có nghề hay, nghiệp giỏi 
  • Cho phép người tài tự tiến cử.

→ Tư tưởng dân chủ tiến bộ, đường lối cầu hiền: rộng mở, đúng đắn.

- Tác giả kêu gọi người có tài đức cố gắng hãy cùng triều đình gánh vác việc nước và hưởng phúc lâu dài.

Biện pháp cầu hiền: cụ thể, dễ thực hiện.

→ vua Quang Trung là người có tầm nhìn xa trông rộng cũng như khả năng tổ chức, sắp đặt chính sự, biết giải tỏa những băn khoăn có thể có cho mọi thần dân, khiến họ yên tâm tham gia việc nước. 

3. Luyện tập

Câu 1: Hãy cho biết mục đích và đối tượng của bài Chiếu cầu hiền. Nội dung bài chiếu có phù hợp với mục đích và đối tượng ấy không ?

Gợi ý trả lời: 

- Mục đích và đối tượng của bài chiếu : Thuyết phục người hiền, thực chất là các trí thức, nho sĩ Bắc Hà, hợp tác, tham gia chính sự với triều Tây Sơn. cần lưu ý là khi nhà Tây Sơn được thành lập, nhiều trí thức Bắc Hà đã ra cộng tác với triều đại mới, nhưng cũng có không ít trí thức, quan lại cũ của triều Lê - Trịnh đã có thái độ bất hợp tác, thậm chí chống lại Tây Sơn nên việc kêu gọi họ hợp tác với triều đại mới là việc làm cần thiết. Khi một triều đại mới thành lập, để thu hút hiền tài cộng tác, các vị đế vương thường xuống chiếu cầu hiền. Chẳng hạn năm 1429, Lê Lợi đã ban chiếu, hạ lệnh cho các đại thần tiến cử hiền tài cần nhớ lại trích đoạn văn bia Hiền tài là nguyên khí của quốc gia do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 (Ngữ văn 10, tập hai) để nắm được ý thức tôn trọng nhân tài của các triều đại xưa.

- Theo tác giả bài chiếu, do những biến cố loạn lạc mà nhiều hiền tài đã giấu mình ẩn tiếng, không tham gia chính sự. Nhưng nay đất nước thanh bình, rất cần đến sự đóng góp trí tuệ, tài năng của họ. Tác giả, ở đây phải hiểu là vua Quang Trung, đã thể hiện là một người khiêm tốn, thực sự chân thành mong đợi sự cộng tác của các bậc hiền tài. Vì vậy mà trong bài chiếu, tác giả đề cao vai trò của hiền tài, không hề nhắc đến sự bất hợp tác có thể có ở một số người, nêu sự cần thiết cấp bách của người hiền tài đối với giai đoạn lịch sử mới, kêu gọi sự tự nguyện hoặc sự tiến cử, hứa hẹn ban thưởng. Nhìn chung, bài chiếu đã hướng đến mục tiêu và đối tượng bằng hệ thống các lập luận khá toàn diện, thái độ khiêm nhường, khéo léo, phù hợp vói mục đích và đối tượng.

Câu 2: Nhận xét về ngôn ngữ được sử dụng trong bài chiếu. Tại sao tác giả lại sử dụng nhiều điển tích, điển cô như vậy ?

Gợi ý trả lời: 

Đối tượng thuyết phục quy định ngôn ngữ của bài chiếu. Có thể nêu một số đặc điểm đáng chú ý về ngôn ngữ như sau :

- Tác giả sử dụng nhiều điển tích, điển cô Hán học vốn quen thuộc với mỗi trí thức thời xưa và do đó, giúp cho việc trình bày tư tưởng dễ dàng, súc tích hơn. (Có thể dễ đàng tìm các điển cố, điển tích trong bài chiếu và đọc các chú thích để hiểu)

- Sử dụng nhiều từ ngữ nói về nhân dân, đất nước, triều chính, tròi đất tạo nên một không gian gây ấn tượng trang nghiêm, hệ trọng, nhấn mạnh ý nghĩa xã hội cao cả và tầm vóc vũ trụ thiêng liêng của sự nghiệp dựng nước đang yêu cầu có sự cộng tác của người hiền tài.

Câu 3: Nhận xét về tình cảm, tư tưởng, nhân cách của Quang Trung thể hiện qua bài chiếu.

Gợi ý trả lời: 

Tình cảm, tư tưởng, nhân cách của Quang Trung : Vua Quang Trung, qua bài chiếu, hiện ra như một vị lãnh tụ có trí tuệ, khiêm tốn, chân thành, tha thiết và lo lắng cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Vì sự nghiệp chung, ông hướng về tương lai, không gợi lại quá khứ khi mà có một số sĩ phu Bắc Hà không cộng tác với Tây Sơn.

4. Kết luận

- Chiếu cầu hiền là một văn kiện lịch sử quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn, cũng như ngợi ca tầm nhìn chiến lược và tình cảm đại lượng của vua Quang Trung trong việc vận động trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước.

- Lời văn ngắn gọn, súc tích .

- Lập luận chặt chẽ, khúc chiết kết hợp với tình cảm tha thiết, mãnh liệt đầy sức thuyết phục về lí và tình.

Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM