Khái quát lịch sử Tiếng Việt Ngữ văn 10

Xin giới thiệu đến các em bài học Khái quát lịch sử Tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn 10. Nhằm giúp các em nắm được lịch sử của Tiếng Việt, đồng thời trau rồi vốn từ tiếng Việt. eLib đã biên soạn bài học này bám sát chương trình Ngữ văn 10. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Khái quát lịch sử Tiếng Việt Ngữ văn 10

1. Lịch sử phát triển của tiếng Việt

1.1. Tiếng Việt trong thời kì dựng nước

a. Nguồn gốc tiếng Việt

- Nguồn gốc bản địa: quá trình phát sinh, phát triển, tồn tại của tiếng Việt song hành với quá trình hình thành, phát triển, tồn tại của dân tộc Việt- tiếng Việt cũng có nguồn gốc, lịch sử lâu đời như lịch sử công đồng người Việt vậy.

- Thuộc họ ngôn ngữ Nam Á.

b. Quan hệ họ hàng của tiếng Việt

- Tiếng Việt có nguồn gốc thuộc họ ngôn ngữ Nam Á, dòng Môn- Khmer và có quan hệ gần gũi với tiếng Mường.

- Ngoài ra tiếng Việt còn có quan hệ giao lưu tiếp xúc với ngôn ngữ Hán.

1.2. Tiếng Việt trong thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc

- Tiếng Việt đã vay mượn rất nhiều từ ngữ Hán.

- Chiều hướng chủ đạo: Việt hóa về âm đọc, ý nghĩa và phạm vi sử dụng.

- Các cách thức vay mượn tiếng Hán:

+ Vay mượn trọn vẹn từ Hán, chỉ Việt hóa âm đọc, giữ nguyên ý nghĩa và kết cấu:

  • Ví dụ: tâm, tài, đức, mệnh,...

+ Rút gọn từ Hán:

- Ví dụ: cử nhân → cử (cụ cử); tú tài → tú (cậu tú); ngư phủ, canh nông, tiều phu, mục đồng → ngư- tiều- canh - mục; ...

+ Đảo lại vị trí các yếu tố, đổi yếu tố (trong các từ ghép):

  • Ví dụ: Từ Hán - Từ Việt

+ Thi nhân Nhà thơ

+ Văn nhân Nhà văn

+ Đổi nghĩa hoặc thu hẹp hay mở rộng nghĩa của từ Hán:

  • Ví dụ: Thủ đoạn (Hán): cơ mưu, tài lược, công cụ, cách thức.

→ Tiếng Việt: Thủ đoạn- chỉ hành vi mờ ám, độc ác.

Khúc chiết (Hán): khúc khuỷu, ngoằn ngoèo.

→ Tiếng Việt: diễn đạt gãy gọn, chặt chẽ.

Đáo để (Hán): đến đáy, đến tận cùng (từ Hán).

→ Tiếng Việt: đanh đá, quá mức.

1.3. Tiếng Việt dưới thời kì độc lập, tự chủ

- Việc tiếp xúc, ảnh hưởng, vay mượn từ ngữ Hán theo hướng Việt hóa làm cho tiếng Việt ngày càng thêm phong phú, tinh tế, uyển chuyển.

- Dựa vào văn tự Hán, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm- thứ chữ ghi âm tiếng Việt vào thế kỉ XIII.

→ Ý nghĩa:

+ Khẳng định ý thức độc lập tự chủ của dân tộc ta.

+ Góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa, văn học dân tộc.

1.4. Tiếng Việt trong thời kì Pháp thuộc

- Chữ quốc ngữ trở nên thông dụng, tiếp nhận ảnh hưởng tích cực của ngôn ngữ, văn hóa phương Tây (chủ yếu là ngôn ngữ và văn hóa Pháp).

- Vai trò của chữ quốc ngữ: thúc đẩy sự hình thành và phát triển nền văn xuôi tiếng Việt hiện đại.

1.5. Tiếng Việt từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay

- Chữ quốc ngữ trở thành hệ thống chữ viết quốc gia, ngày càng phong phú, chính xác, hoàn thiện hơn với việc xây dựng hệ thống các thuật ngữ khoa học.

- Các cách xây dựng thuật ngữ tiếng Việt:

+ Mượn của tiếng Hán:

  • Ví dụ: chính trị, quốc gia, độc lập, tự do,...

+ Phiên âm thuật ngữ khoa học của phương Tây:

  • Ví dụ: a-xit (acide), ba-dơ (bazo),...

+ Đặt thuật ngữ thuần Việt (dịch ý hoặc sao phỏng):

  • Ví dụ: Vùng trời (không phận),...

2. Chữ viết của tiếng Việt

2.1. Lịch sử phát triển chữ viết của tiếng Việt

- Theo truyền thuyết và dã sử: người Việt cổ có thứ chữ Viết trông như “đàn nòng nọc đang bơi”.

- Thế kỉ XIII: người Việt sáng tạo chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán.

- Nửa đầu thế kỉ XVII: một số giáo sĩ phương Tây dựa vào bộ chữ cái La-tinh để xây dựng chữ quốc ngữ.

- Đến nay, chữ quốc ngữ phát triển hoàn thiện, trở thành ngôn ngữ quốc gia.

2.2. Những ưu điểm và hạn chế của chữ quốc ngữ

a. Ưu điểm:

- Là loại chữ ghi âm (đọc sao viết vậy) → Thuận lợi cho việc học tập, phổ cập văn hóa, nâng cao dân trí.

- Đơn giản, tiện lợi.

b. Hạn chế:

- Chữ quốc ngữ ra đời vào thời kì khoa học ngôn ngữ chưa phát triển, đặc biệt là khoa âm vị học. Do đó, nó có những hạn chế:

+ Chưa hoàn thiện tuân theo nguyên tắc ngữ âm học, chưa đảm bảo tỉ lệ 1/1 (một số âm vị chỉ được ghi âm bằng một con chữ), sự phân biệt dựa trên kinh nghiệm, quy định chung: d/gi, c/k, ng/ngh.

+ Các dấu phụ ghi thanh điệu và các mũ của các chữ cái gây khó khăn cho việc tập viết và in ấn, nhất là đối với người nước ngoài (“mê hồn trận” không dễ “chinh phục”).

3. Luyện tập

Câu 1. Trong hai câu văn sau đây, những từ nào là từ Hán Việt ? Hãy tìm hiểu nghĩa của chúng.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên.

(Thân Nhân Trung, Hiền tài là nguyên khí của quốc gia)

Gợi ý làm bài:

Những từ Hán Việt trong hai câu văn và nghĩa của chúng là :

- Hiền tài : người tài cao, học rộng và có đạo đức.

- Nguyên khí: khí chất ban đầu tạo nên sự sống còn và phát triển của sự vật.

- Quốc gia : đất nước.

- Thịnh : phát triển tốt đẹp.

- Thế : tổng thể các mối tương quan tạo thành điều kiện chung cho sự vật, hiện tượng.

- Suy : yếu, không phát triển.

- Thánh đế : vua tài năng.

- Minh vương : chúa sáng suốt.

- Bồi dưỡng : làm cho tăng cường sức lực, trí lực hay phẩm chất.

- Nhân tài : người tài giỏi.

- Sĩ : người trí thức thời phong kiến.

Câu 2. Cái thú vị của vế đối sau (chưa có vế đối lại) là dùng một số từ Hán Việt và từ (hay cụm từ) thuần Việt tương đương về nghĩa. Hãy tìm và giải nghĩa những từ (cụm từ) đó :

Cha con thầy thuốc về làng, quảy một gánh hồi hương phụ tử.

Gợi ý làm bài:

Vế câu đối này nói về cha con thầy thuốc (đông y) nên có dùng hai từ chỉ các vị thuốc : hồi hương, phụ tử. Nhưng hai từ này còn có từ đồng âm : hồi hương là về làng, phụ tử là cha con.

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nhận thức những quá trình phát triển của Tiếng Việt gắn bó với lịch sử phát triển của dân tộc của đất nước.

- Nắm được một cách khái quát những tri thức cốt lõi về cội nguồn, quan hệ họ hàng của Tiếng Việt và quan hệ tiếp xúc giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác trong khu vực.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM