Viết bài làm văn số 7: Văn nghị luận Ngữ văn 10
Nhằm giúp các em rèn luyện kĩ năng viết văn nghị luận, và trau dồi vốn từ. eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt!
Mục lục nội dung
1. Đề số 1
Đề: Dân tộc ta có truyền thống Tôn sư trọng đạo. Theo anh (chị), truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay?
Bài tham khảo:
Dân tộc ta vốn được biết đến là một đất nước hiếu học với truyền thống tôn sư trọng đạo sâu sắc. Trong kho tàng ca dao tục ngữ đã có rất nhiều những câu ca nói về tình cảm thầy trò như “một chữ cũng là thầy/ nửa chữ cũng là thầy” hay “muốn sang thì bắc cầu kiều/ muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... Và trong hoàn cảnh hiện tại truyền thống đó vẫn được kế thừa và phát huy sâu rộng.
Để hiểu hết ý nghĩa trọn vẹn của câu ca dao này thì chúng ta cần phải đi cắt nghĩa đầy đủ về “tôn sư” và “trọng đạo”. Tôn sư là thái độ tôn trọng người thầy. Còn trọng đạo tức là coi trọng mối quan hệ giữa thầy và trò. Qua đây ông cha ta muốn gửi gắm một ý nghĩa sâu sắc đó chính là phải biết tôn trọng thầy cô giáo, những người đã cho ta kiến thức đồng thời phải trân trọng tình thầy trò. Nó trở thành một truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm.
Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp được lưu truyền từ ngàn năm trước. Khi mà đất nước ta còn là đất nước phong kiến. Việc học đã được đề cao và vai trò của những người làm thầy mà cụ thể là “thầy đồ” đã được chú ý. Hình ảnh những người thầy đồ ngày đêm tận tụy mài mực đọc sách đã trở thành những nguồn cảm hứng dạt dào của biết bao tác phẩm văn học. Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết đến vị thánh hiền người đã đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam là thầy Chu Văn An. Một người thầy lỗi lạc đã đào tạo nên biết bao nhiêu bậc hiền triết cho đất nước. Tấm gương học trò Phạm Sư Mạnh là một trong những minh chứng điển hình cho truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà chúng ta phải noi theo.
Sau khi đỗ đạt làm quan to, những dịp lễ tết Phạm Sư Mạnh vẫn thường ghé qua thăm thầy của mình. Thế nhưng dù đứng trên cả vạn người, đức cao vọng trọng nhưng chưa bao giờ người trò đó dám ngồi ngang hàng với thầy mình. Đến nhà thầy vẫn khoanh tay chào từ ngoài cửa, một hai giữ thái độ kính trọng với người thầy của mình. Thế mới thấy truyền thống ấy đã ăn sâu và trở thành gốc rễ vững chắc cho biết bao nhiêu thế hệ người dân Việt NAm.
Các cụ ta thường có câu rằng “Mùng một tết Cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba tết Thầy” để thấy được tầm quan trọng của truyền thống đó trong chiều dài lịch sử dân tộc. Đến ngày nay, khi mà đất nước ngày càng phát triển thì giá trị của câu nói đó vẫn còn nguyên vẹn. Hơn ai hết, Đảng và Nhà nước ta hiểu rằng để phát triển đất nước thì việc nâng cao giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng. Và để tạo ra những thế hệ học trò xuất sắc thì quan tâm đến đời sống của đội ngũ nhà giáo là điều cốt lõi. Chính vì thế có thể tự hào khẳng định rằng Việt Nam là đất nước duy nhất có ngày hiến chương nhà giáo 20/11 ngày mà toàn thể thế hệ con người hiến chương thầy cô giáo của mình. Hàng năm có rất nhiều các cuộc thi viết về thầy cô, và có rất nhiều những bài văn vô cùng xúc động về tình cảm thầy trò được trao giải. Mỗi dịp 20/11, hay kỷ niệm thành lập trường rất nhiều các thế hệ học sinh dù làm gì hay ở bất cứ đâu vẫn tụ họp đầy đủ về trường cũ để tri ân và bày tỏ sự kính trọng với thầy cô....
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn rất nhiều những trường hợp “con sâu bỏ dầu nồi canh”, làm xấu đi truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Song nó cũng chỉ là một số ít tồn tại nho nhỏ mà thôi. Điều quan trọng đó là cả dân tộc ta vẫn kế thừa và phát huy truyền thống này một sâu rộng.
Truyền thống tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc,. Dù đến ngàn năm sau đi chăng nữa nó cũng sẽ mãi mãi trường tồn cùng dòng chảy của lịch sử. Trở thành một trong những thước đo sự văn minh của xã hội.
2. Đề số 2
Đề: Có ý kiến cho rằng: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau đó trở nên bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính. Anh (chị) thấy ý kiến này như thế nào?
Bài tham khảo:
Những thói hư, tật xấu có ảnh hưởng rất lớn đến tư cách đạo đức, cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội, nó có thể đẩy con người đến bờ sâu của vực thẳm, vùi ta vào bóng đêm của tâm hồn. Chẳng vậy mà có ý kiến cho rằng: "tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính".
Tập quán là những thói quen thường ngày, diễn ra thường xuyên, tự nhiên và được mọi người công nhận, nó gắn bó thân thiết với con người và là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tập quán cũng có hai mặt, có những tập quán tốt và cũng có nhiều tập quán xấu. Tập quán tốt mang đến những lợi ích về vật chất và tinh thần, mang đến niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc. Ngược lại, tập quán xấu đẩy ta vào cuộc sống tăm tối và mang đến nhiều thương đau. Những lời nói tục, chửi thề, cờ bạc,.... có một ma lực vô hình vô cùng lớn, nó đến và xâm nhập vào chúng ta lúc nào không ai ngờ. Ban đầu những thói hư, tật xấu, chỉ là những người khách qua đường, đến một lần rồi đi, rất tự nhiên, vô tình, không có mối quan hệ thân thiết và không để lại chút dấu ấn nào. Nhưng một lần, hai lần rồi ba lần, những thói xấu ấy cứ ghé thăm chúng ta, nó đến từ từ, nhẹ nhàng, không ồn ào nhưng nó lại có sức tấn công mãnh liệt, nó trói buộc chúng ta thành một người bạn thân chung nhà không thể nào xa rời. Bởi những thói xấu ấy có một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được đối với những cá nhân suy nghĩ bồng bột, nông cạn, tầm thường, thậm chí bệnh hoạn. Nó ngày càng lớn lên một cách mạnh mẽ trong tâm hồn ta, nó chế ngự, điều khiển ta, bắt ta phải làm theo và không thể nào chống cự và cuối cùng, nó trở thành "một ông chủ nhà khó tính." Càng chìm sâu vào nó là càng chìm sâu vào những dục vọng tối tăm trong tâm hồn mà khó có thể cưỡng lại. Tất cả những tiến trình của thói xấu, từ khách qua đường, bạn thân cho đến ông chủ nhà khó tính dường như đã trở thành một quy luật và hầu như không thể thay đổi.
Con người muốn trở thành người tốt và có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng trước những thói hư, tật xấu. Thói hư, tật xấu đến với chúng ta rất lặng lẽ, nhẹ nhàng nhưng lại mang trong mình một mãnh lực ghê gớm. Chỉ một lần buột miệng chửi thề, một lần quay cóp trong giờ kiểm tra, một ly rượu thách đố bạn bè, một ván bài vui chơi, chỉ một lần đơn giản thế thôi nhưng lại là sự khởi đầu cho biết bao lần tiếp theo, ai cũng nghĩ thật bình thường nên không để tâm đến tác hại sâu xa của nó. Một lần trót lọt, một lần thử sẽ mang đến cho chúng ta cảm giác sung sướng đầy khoái trá, một cảm giác nhung nhớ đến thèm thuồng khi cần giải quyết vấn đề tương tự. Để tránh điểm kém,để không bị bố mẹ la mắng, ta sẽ tiếp tục quay cóp. Để tỏ ra anh hùng, quân tử, ta sẽ chạm đến chén rượu lần thứ hai. Một, hai rồi nhiều lần, những thói quen ấy không còn là người khách qua đường mà đã trở thành thói quen thường ngày, một người bạn thân thiết, không thể nào dứt bỏ. Ngày đến đêm qua, những thói quen ấy vẫn tiếp tục diễn ra và điều gì sẽ xảy ra? Kết quả ta nhận được lâu nay đều là giả dối và những kỳ thi tốt nghiệp, đại học được tổ chức một cách nghiêm túc sẽ vạch trần tất cả và những chén rượu vui chơi kia sẽ biến ta thành một kẻ bê bết, một con sâu nghiện rượu, phá hoại xã hội. Ông chủ vô hình nhưng khắc nghiệt, tàn bạo, làm ta đau đớn và khổ sở. Nó chi phối toàn bộ tình cảm và hành động của ta và ta khó có thể thoát được nanh vuốt của nó. Một kẻ nghiện ngập sẽ luôn sống trong cảnh thèm thuồng , khát thuốc, mỗi khi lên cơn, con nghiện sẽ bị hành hạ, dày vò và sẽ bất chấp tất cả, sẽ dùng mọi thủ đoạn, dù là đê tiện, hèn hạ nhất để có tiền mua thuốc. Ban đầu, chỉ là bán đồ đạc trong nhà, sau là cướp giật, thậm chí là giết người và từ đó, con đường tội lỗi đầy tăm tối cũng bắt đầu.
Các thói xấu thường có sự hấp dẫn, lôi cuốn đến ghê người, nó mang đến cho ta sự khoái cảm, sung sướng, nó làm con người mụ mị, không còn tỉnh táo và chìm đắm trong ảo giác. Dần dần, các thói xấu trở thành những thói quen không thể nào cưỡng lại và chính nó sẽ là thủ phạm đẩy chúng ta vào vòng đen tối của cuộc đời, biến ta thành nô lệ cho những tập quán xấu, ta sẽ không thể nào dứt bỏ được nếu thiếu nghị lực và lòng kiên trì.
Con người chỉ được tôn trọng khi có đạo đức và hành động theo chân, thiện, mỹ. Nhưng để gây dựng được nó là một điều cực kỳ khó khăn, đôi khi còn phải trả giá bằng cả mạng sống của chính mình. Chỉ một phút sai lầm, một chút dao động, ta vô tình trở thành nô lệ cho những thói quen xấu, làm ảnh hưởng lớn đến tư cách đạo đức và đánh mất giá trị của bản thân. Thói hư tật xấu dễ dàng bị tiêm nhiễm và cũng dễ dàng lấy đi của ta tất cả, nó có một sức hủy hoại khủng khiếp làm con người ta khiếp sợ nhưng không thể thoát ra được. Ở trung quốc thời xưa, vua Trụ chỉ say mê sắc đẹp, xem thường các chư hầu nên mất nước, đẩy nhân dân vào cảnh khốn khổ lầm than. Lê Long Đỉnh chỉ vì thói trác táng, trụy lạc mà hủy hoại tiền đồ của Thập đạo tướng quân. Đã có bao nhiêu người chỉ vì những ham muốn vô bổ, những thói xấu thường ngày mà gây ra bao cảnh đau thương, nước mất nhà tan, nhân dân khốn cùng, lấy đi máu và nước mắt của bao người vô tội.
Ngày ta làm quen với những thói hư, tật xấu, ai cũng cho đó chỉ là những trò "tập làm người lớn" hoặc thích chơi nổi hơn trước mặt bạn bè, ngoài ra hoàn toàn không biết, thậm chí là không muốn biết đến những tác hại vô cùng to lớn của nó. Gia đình bạn sẽ ra sao? Bạn bè bạn sẽ nghĩ gì? Xã hội sẽ như thế nào? Và quan trọng hơn cả là chính bạn, chính bạn đã mặc cho mình tấm áo luôn luôn nhận được sự coi khinh của mọi người. Đáng thương thay! Và điều đó chính là một hồi chuông cảnh báo chúng ta không nên xem thường, ngược lại phải luôn cảnh giác với những tập quán xấu ấy. Không được dù chỉ là một giây phút nào để cho nó chế ngự bản thân chúng ta. Hiện nay có một số bộ phận thanh niên không chăm lo học hành mà chỉ biết ăn chơi, đua đòi, sa ngã vào những trò cờ bạc đỏ đen, đua xe, đánh nhau gây rối trật tự an ninh xã hội. Những thanh niên ấy dường như đã bị các thói xấu thống trị, đạo đức, nhân cách đã dần suy thoái. Để có thể chống đỡ với những tập quán sống đang tồn tại và trấn động hàng ngày, chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực, đấu tranh bản thân, luôn cố gắng rèn luyện và nâng cao nhận thức cá nhân để kiên quyết dứt bỏ, quyết tâm không bao giờ tái phạm.
Cuộc sống ngày càng đi lên, xã hội ngày càng văn minh thì những thói hư, tật xấu, những cạm bẫy xuất hiện ngày càng nhiều và là mối lo ngại rất lớn đối với mỗi chúng ta. Câu nói: "Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành một người bạn thân ở chung nhà và kết cục thành ông chủ nhà khó tính" là một bài học vô cùng quý giá và thiết thực cho cuộc sống. Đó là những lời khuyên, những lời thức tỉnh, những thói hư tật xấu và đừng bao giờ để nó tồn tại nơi ta.
3. Đề số 3
Đề: Hưởng ứng đợt thi đua Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp do Đàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, chi đoàn lớp 10A tổ chức hội thảo với chủ đề: Hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp. Anh (chị) hãy viết bài tham gia hội thảo đó.
Bài tham khảo:
Môi trường chính là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Con người không thể sống trong một môi trường bị ô nhiễm, hủy hoại nặng nề. Tuy nhiên, hiện nay, do các hành động thiếu ý thức của con người, hệ sinh thái, môi trường sống quanh ta đang phải gánh chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Để nâng cao nhận thức của mỗi học sinh về việc bảo vệ môi trường, mà trước hết là trong trường học- mái nhà thứ 2 của chúng ta, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã đề ra phong trào: Hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp.
Vậy, vì sao chúng ta cần xây dựng một môi trường xanh- sạch- đẹp. Môi trường là nơi con người sinh sống, học tập và làm việc. Môi trường có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của chính chúng ta. Hiện nay, trong xã hội và nhà trường đang hướng tới xây dựng một môi trường xanh- sạch- đẹp. Đây là ba yếu tố căn bản và cần thiết của một môi trường lí tưởng. Môi trường xanh- sạch- đẹp sẽ tạo điều kiện để con người có thể học tập và phát triển một cách toàn diện, tạo tiền đề vững chắc để chúng ta vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
Thực tế trường học của chúng ta hiện nay đang bước đầu xây dựng một môi trường xanh- sạch- đẹp và đạt được một số thành quả nhất định. Chúng ta có những hàng cây và bồn hoa tươi tốt được các bạn học sinh thay phiên nhau chăm sóc, tạo không khí trong lành, cảnh quan đẹp mắt cho ngôi trường. Các lớp học, hành lang, cầu thang đều được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ vào buổi sáng trước giờ học. Hàng tuần, trường ta vẫn có những phong trào tổng vệ sinh cùng khẩu hiệu: Vứt rác đúng nơi quy định, không vẽ bậy lên tường... Tuy nhiên, trường ta vẫn còn một số hạn chế. Một số học sinh thiếu ý thức vẫn vứt rác bừa bãi ra lớp học, trên sân trường. Cho nên, sau khi kết thúc buổi học, các lớp học rất bừa bộn, sàn nhà tràn đầy giấy vụn, vỏ kẹo, bánh.
Vậy, chúng ta cần làm gì để phong trào xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp lan tỏa mạnh mẽ ra toàn trường. Trước hết, để đạt được yếu tố “xanh”, chúng ta nên tổ chức những phong trào như trồng cây đầu xuân. Hàng ngày, sau giờ học, mỗi bạn học sinh nên nán lại ít phút để chăm sóc, tưới tắm cho những bồn cây, bồn hoa. Cây xanh chính là máy thanh lọc không khí. Trồng nhiều cây xanh đồng nghĩa chúng ta sẽ có môi trường trong lành hơn. Một môi trường không những xanh mà còn phải đẹp. Các bạn học sinh cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc dọn dẹp và giữ gìn vệ sinh trường học. Người xưa có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Để sân trường được sạch sẽ, chúng ta không nên vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như vệ sinh chung. Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là đẹp. Cái đẹp là cái mà con người luôn khao khát, luôn hướng tới. Trong trường học, đẹp không chỉ ở cơ sở vật chất mà còn phải bắt nguồn từ những người học sinh. Đến trường, chúng ta nên mặc quần áo gọn gàng, sạch sẽ, đúng tác phong của học sinh. Ngoài ra, ta còn cần đẹp trong những cử chỉ, hành vi, suy nghĩ. Đó là sự thân thiện, cởi mở với bạn bè, không nói tục, chửi bậy, ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô giáo.
Để ngôi trường của chúng ta được xanh - sạch - đẹp đòi hỏi một quá trình lâu dài và bền bỉ. Mỗi người học sinh cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa, không ngừng vươn lên và luôn có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng để góp một phần nhỏ bé làm cho ngôi trường được hoàn thiện hơn.
4. Đề số 4
Đề: Học bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng: Sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ngợi ca và cho rằng đó là biểu hiện của một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước. Hãy cho biết ý kiến của anh (chị).
Bài tham khảo:
Bài thơ "Thuật hoài" của Phạm Ngũ Lão ra đời trong không khí hào hùng, khi cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ hai sắp bắt đầu. Tác phẩm có sự xen kẽ giữa hai nguồn cảm hứng tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng lập công. Ngày nay, các thế hệ cùng trở về với hào hùng dân tộc một thời qua những tác phẩm thơ văn. Khi học bài thơ này, có bạn cho rằng "sự hổ thẹn của tác giả là quá đáng, kiêu kỳ". Ngược lại, có bạn ngợi ca và cho rằng đó là biểu hiện của một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước.
Hai ý kiến trái ngược nhau về sự hổ thẹn của tác giả xuất phát từ tầm đón nhận của mỗi người. Nêu ý kiến thứ nhất chỉ nhìn câu thơ ở lớp nghĩa đen, nghĩa bề mặt nên không thấy được vẻ đẹp của người tráng sĩ thì nhận định thứ hai đã nhìn nhận một cách toàn diện giá trị nội dung của tác phẩm khi cả hai đều hướng đến việc nhận xét sự hổ thẹn của tác giả. Ý kiến đầu còn tỏ ra sự phê phán hồ đồ, thiếu hiểu biết. Ngược lại thì ý kiến thứ hai rất đúng đắn và có giá trị.
Hai câu thơ đầu tác giả bày tỏ nỗi lòng, cảm xúc của mình trước vẻ đẹp của hình tượng người tráng sĩ và quân đội nhà Trần đang làm nhiệm vụ bảo vệ non sông đất nước với giọng điệu hào hùng, ngôn ngữ giàu cảm xúc, hình ảnh ước lệ, bút pháp giàu tính sử thi:
"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu"
Hai câu cuối, tác giả đi sâu vào nội tâm, tỏ lòng trực tiếp. Ta thấy phảng phất ở đó nỗi hổ thẹn với chính bản thân mình:
"Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết vũ hầu"
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe thuyết Vũ Hầu)
Tác giả có nói đến chí nam nhi, một cách nói quen thuộc trong văn hóa phong kiến thì chí nam nhi thường gắn với lí tưởng công danh. "Công danh" là công lao và danh tiếng. Kẻ làm trai sinh ra ở đời phải biết lập nên công trạng, tạo dựng sự nghiệp, để lại địa vị, danh tiếng trong xã hội. Đó là con đường tất yếu với kẻ sĩ ở đời. Muốn khẳng định sự tồn tại của mình phải có công danh. Và chỉ có con trai mới lập nên công danh và đã là nam nhi thì lập công danh là một trách nhiệm. Quan niệm và lí tưởng công danh ấy có ý nghĩa tích cực bởi nó đã khích lệ tinh thần cống hiến và chiến đấu của biết bao trang nam tử ở đời để họ sẵn sàng rèn luyện có đủ phẩm chất để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ bằng con đường dùi mài kinh sử, lều chõng đi thi, đỗ đạt khoa cử. Sau này Nguyễn Công Trứ cũng xem chuyện công danh như là lẽ sống của cuộc đời mình:
"Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông"
Bản thân ý tưởng ấy đã làm bật lên vẻ đẹp trong chí khí và nhân cách của Phạm Ngũ Lão- một con người không chấp nhận cuộc đời tầm thường, vô nghĩa. Thời điểm viết bài thơ này, Phạm Ngũ Lão đã lập nên công danh sự nghiệp, có nhiều công trạng và kỳ tích. Vậy mà tác giả vẫn còn băn khoăn về chuyện mình chưa trả xong món nợ công danh "vị liễu công danh trái". Mà nợ thì phải trả cho nên niềm day dứt phải chăng là biểu hiện cao nhất của khát vọng tiếp tục lập công, của ý thức tu thân, không ngừng vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ; là biểu hiện của bầu nhiệt tâm, nhiệt huyết của người chí sĩ ở đời.
Câu thơ cuối cùng "tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu", Phạm Ngũ Lão đã gắn với ý thức nợ công danh. Vũ Hầu chỉ Gia Cát Lượng tức Khổng Minh, một bậc trung thần, một nhân cách lớn. Gia Cát Lượng đã cống hiến không mệt mỏi và tử trận trong một lần chỉ huy đánh giặc. Phạm Ngũ Lão lấy Vũ Lượng Hầu- người tài năng xuất chúng, nhân cách hơn người làm mẫu mực và thấy thẹn với chính mình bởi Gia Cát Lượng đã làm tròn việc trả nợ công danh đến hơi thở cuối cùng. Nỗi thẹn đó trước hết là nâng cao nhân cách Phạm Ngũ Lão, nung nấu khát vọng lập công, bày tỏ khát vọng được cống hiến cả đời mình cho dân tộc. Nỗi thẹn làm nên chí lớn tâm hùng của một bậc tài khí hơn người. Đó còn là nỗi thẹn cho thấy trách nhiệm, nghĩa vụ, ý chí của kẻ làm trai. Nỗi thẹn có khả năng tạo nên những hành vi nghĩa hiệp ở đời. Với Phạm Ngũ Lão- người đã từng đánh Đông dẹp Bắc lập nên nhiều chiến công vậy mà vẫn cứ thẹn thì quả là nỗi thẹn mang tầm vóc lớn lao, là nỗi thẹn tu thân chính đáng, nỗi thẹn của một con người đã cao đẹp còn vươn lên tầm óc lớn lao hơn.
Bài thơ khép lại, để lại trong lòng người đọc nhiều dư ba. Đó không còn là nỗi thẹn của tác giả mà là cả bức chân dung con người và thời đại mang hào khí Đông A.
Tham khảo thêm
- doc Phú sông Bạch Đằng Ngữ văn 10
- doc Đại cáo Bình Ngô: Phần 1: Tác giả Ngữ văn 10
- doc Viết bài làm văn số 4: Văn thuyết minh Ngữ văn 10
- doc Đại cáo Bình Ngô: Phần 2: Tác phẩm Ngữ văn 10
- doc Tính chuẩn xác hấp dẫn của văn bản thuyết minh Ngữ văn 10
- doc Tựa: Trích diễm thi tập Ngữ văn 10
- doc Đọc thêm: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia Ngữ văn 10
- doc Khái quát lịch sử Tiếng Việt Ngữ văn 10
- doc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn
- doc Thái sư Trần Thủ Độ Ngữ văn 10
- doc Phương pháp thuyết minh Ngữ văn 10
- doc Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh Ngữ văn 10
- doc Chuyện chức phán sự đền Tản Viên Ngữ văn 10
- doc Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh Ngữ văn 10
- doc Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt Ngữ văn 10
- doc Tóm tắt văn bản thuyết minh Ngữ văn 10
- doc Hồi trống Cổ Thành Ngữ văn 10
- doc Đọc thêm: Tào Tháo uống rượu luận anh hùng Ngữ văn 10
- doc Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ Ngữ văn 10
- doc Lập dàn ý bài văn nghị luận Ngữ văn 10
- doc Truyện Kiều - Phần 1: Tác giả Nguyễn Du Ngữ văn 10
- doc Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật Ngữ văn 10
- doc Truyện Kiều (Tiếp theo) Trao duyên Ngữ văn 10
- doc Truyện Kiều (tiếp theo) Nỗi thương mình Ngữ văn 10
- doc Lập luận trong văn nghị luận Ngữ văn 10
- doc Truyện Kiều (tiếp theo) Chí khí anh hùng Ngữ văn 10
- doc Truyện Kiều (tiếp theo) đọc thêm: Thề nguyền Ngữ văn 10
- doc Văn bản văn học Ngữ văn 10
- doc Thực hành các phép tu từ: Phép điệp và phép đối Ngữ văn 10
- doc Nội dung và hình thức của văn bản văn học Ngữ văn 10
- doc Các thao tác nghị luận Ngữ văn 10
- doc Ôn tập phần Tiếng Việt Ngữ văn 10
- doc Luyện tập viết đoạn văn nghị luận Ngữ văn 10
- doc Viết quảng cáo Ngữ văn 10
- doc Ôn tập phần Làm văn Ngữ văn 10