Hội chứng đuôi ngựa - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hội chứng đuôi ngựa ảnh hưởng đến một bó rễ thần kinh gọi là đuôi ngựa. Những dây thần kinh này nằm ở cuối tủy sống ở cột sống thắt lưng cùng. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của hội chứng này, mời các bạn tham khảo!

Hội chứng đuôi ngựa - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hội chứng đuôi ngựa là gì?

Hội chứng đuôi ngựa là một rối loạn hiếm hoi thường là một vấn đề cần phẫu thuật khẩn cấp. Hội chứng đuôi ngựa gây ra do một sự chèn ép vào rễ các dây thần kinh cột sống. Việc xử lý nhanh là cần thiết để ngăn chặn tổn thương lâu dài dẫn đến mất kiểm soát tiểu tiện và tê liệt chân vĩnh viễn.

Hội chứng này ảnh hưởng đến một bó rễ thần kinh gọi là đuôi ngựa. Những dây thần kinh này nằm ở cuối tủy sống ở cột sống thắt lưng cùng. Chúng gửi và nhận các tín hiệu đến và đi từ chân, bàn chân và các cơ quan vùng chậu.

Mức độ phổ biến của hội chứng đuôi ngựa như thế nào?

Hội chứng đuôi ngựa không phổ biến, xảy ra thường xuyên ở người lớn hơn ở trẻ em. Tuy nhiên, bệnh này có thể xảy ra ở trẻ có dị tật bẩm sinh cột sống hoặc đã có một chấn thương cột sống. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa?

Chẩn đoán hội chứng đuôi ngựa có thể gặp khó khăn. Các triệu chứng có thể khác nhau và đến từ từ. Các triệu chứng cũng tương tự ở một số tình trạng khác.

Nếu bạn có bất kỳ những triệu chứng sau đây, hãy đi khám ngay lập tức:

Đau lưng dưới. Đau, tê hoặc yếu một hoặc cả hai chân làm bạn dễ vấp ngã hoặc khó khăn khi đứng dậy từ tư thế ngồi trên ghế. Mất hoặc thay đổi cảm giác nghiêm trọng ở các chân, mông, mặt trong đùi, mặt sau chân/bàn chân hoặc tình trạng này nặng lên và nghiêm trọng hơn. Bạn có thể gặp cảm giác khó chịu này ở các vùng của cơ thể liên quan đến tư thế ngồi yên ngựa (được gọi là mất cảm giác yên ngựa). Các vấn đề với bàng quang hoặc chức năng ruột gần đây như gặp khó khăn cho việc tiểu tiện (bí tiểu tiện) hoặc khó giữ nó (mất kiểm soát). Rối loạn chức năng tình dục một cách đột ngột.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng đuôi ngựa?

Gãy vỡ đĩa đệm ở khu vực thắt lưng (nguyên nhân phổ biến nhất). Thu hẹp lòng cột sống. Một tổn thương cột sống hay khối u ác tính. Cột sống bị nhiễm trùng, viêm, xuất huyết hoặc gãy xương. Một biến chứng từ chấn thương thắt lưng cột sống nghiêm trọng như tai nạn xe hơi, ngã, đạn bắn hoặc bị đâm. Một dị tật bẩm sinh như kết nối bất thường giữa các mạch máu (dị tật động tĩnh mạch).

4. Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng đuôi ngựa?

Bác sĩ nào cũng có thể chẩn đoán hội chứng đuôi ngựa. Dưới đây là những điều cần thiết để xác định chẩn đoán:

Bệnh sử y tế, trong đó giải đáp các thắc mắc về sức khỏe, các triệu chứng và hoạt động. Thăm khám lâm sàng để đánh giá sức mạnh, phản xạ, cảm giác, sự cân bằng, khả năng phối hợp và chuyển động. Xét nghiệm máu cũng có thể cần thiết. Chụp cộng hưởng từ (MRI), trong đó sử dụng từ trường và các máy tính để tạo ra hình ảnh ba chiều của cột sống. Chụp tủy sống: chụp X-quang trong lòng cột sống sau khi tiêm chất cản quang để có thể xác định sức ép lên tủy sống hoặc dây thần kinh. Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT).

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng đuôi ngựa?

Nếu bạn có hội chứng đuôi ngựa, bạn cần phải điều trị kịp thời để giảm bớt áp lực lên dây thần kinh. Phẫu thuật cần được thực hiện một cách nhanh chóng để ngăn chặn tổn thương vĩnh viễn, như tê liệt hai chân, mất kiểm soát bàng quang và ruột, chức năng tình dục hoặc các vấn đề khác. Điều trị tốt nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra hội chứng, bạn cũng có thể cần liều cao corticosteroid. Thuốc này giúp giảm phù nề. Nếu được chẩn đoán bị nhiễm trùng, bạn có thể cần thuốc kháng sinh. Nếu nguyên nhân do một khối u, xạ trị hoặc hóa trị có thể cần thiết sau khi phẫu thuật.

Mặc dù được điều trị, bạn có thể không lấy lại được toàn bộ chức năng. Việc phục hồi phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Nếu phẫu thuật thành công, việc phục hồi bàng quang và chức năng ruột có thể kéo dài trong khoảng vài năm.

5. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý hội chứng đuôi ngựa?

Nếu tổn thương vĩnh viễn xảy ra, phẫu thuật có thể không phải lúc nào cũng thành công. Hội chứng đuôi ngựa là bệnh mãn tính. Bạn sẽ cần học cách để thích ứng với những thay đổi của các hoạt động trong cơ thể. Các hỗ trợ về thể chất và tinh thần là điều cần thiết.

Cố gắng có được sự giúp đỡ của gia đình trong việc chăm sóc bạn. Nhiều chuyên gia cũng có thể cung cấp sự hỗ trợ. Tùy thuộc vào những hạn chế của mình, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ:

Vật lý trị liệu và nghề nghiệp Nhân viên xã hội Một chuyên gia tư vấn việc kiểm soát tiểu tiện Một bác sĩ chuyên khoa tình dục

Giống như nhiều tình trạng khác, không có gì hữu ích hơn là những lời khuyên từ những người thực sự thấu hiểu bạn đang trải qua những gì. Do đó, việc tham gia một nhóm hỗ trợ hội chứng đuôi ngựa có thể là một ý tưởng tốt.

Nếu bạn bị mất chức năng bàng quang hoặc ruột, các mẹo sau đây có thể hữu ích:

Sử dụng một ống thông để làm rỗng bàng quang, 3-4 lần một ngày. Uống nhiều chất lỏng và vệ sinh cá nhân tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Kiểm tra các chất thải và làm sạch ruột với tay đeo găng. Nếu cần thiết, sử dụng glycerin đặt hoặc dung dịch thụt tháo. Mang miếng lót trong quần để tránh rò rỉ. Ngoài ra, hãy hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau, cũng như các vấn đề về bàng quang và ruột.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hội chứng đuôi ngựa, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM