Bệnh viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính (CIDP) là một rối loạn thần kinh, biểu hiện bởi tình trạng yếu và suy giảm cảm giác tứ chi. Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh nhé!

Bệnh viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính (CIDP) là gì?

Viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính (chronic inflammatory demyelinating polyneuropathy – CIDP) là một rối loạn thần kinh tự miễn hiếm gặp. Trong đó, tình trạng viêm xảy ra ở các rễ dây thần kinh, dây thần kinh ngoại biên và phá hủy lớp vỏ chất béo bảo vệ (vỏ myelin) trên các dây thần kinh. Điều này gây ảnh hưởng đến tốc độ truyền tín hiệu và dẫn đến mất chức năng của sợi thần kinh.

Viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính (CIDP) được phân biệt với hội chứng Guillain-Barré bởi diễn tiến mạn tính. Hầu hết người bệnh CIDP không thể xác định được có tình trạng nhiễm vi khuẩn hay virus trước đó. Hội chứng Guillain-Barré là một rối loạn bán cấp có tiến triển trong vòng 3–4 tuần, sau đó tình trạng sẽ ổn định và được cải thiện sau nhiều tháng, không tái phát. Đối với CIDP, các triệu chứng sẽ diễn ra liên tục trong hơn 8 tuần và thường không cải thiện trừ khi được điều trị liên tục.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính

Các triệu chứng liên quan đến CIDP có xu hướng tiến triển theo thời gian. Một số triệu chứng thường thấy bao gồm:

  • Vụng về, lóng ngóng;
  • Khó nuốt;
  • Nhìn đôi (song thị);
  • Rũ chân (foot drop) ;
  • Mất phản xạ ;
  • Tê ở bàn tay hoặc bàn chân ;
  • Ngứa ran hoặc đau ở tay, chân;
  • Mệt mỏi không có nguyên do.

Các triệu chứng thường xuất hiện đối xứng, đều ở hai bên cơ thể, chẳng hạn như ở cả hai chân. Một số người chỉ nhận thấy những thay đổi trong chức năng cảm giác, như thấy giống bị châm chích, tê… mà không có những thay đổi trong dáng đi, đứng.

3. Nguyên nhân

Mặc dù chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra CIDP nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng đây là một rối loạn tự miễn, khi mà hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công các mô khỏe mạnh.

Trong trường hợp này, mô bị tấn công chính là các vỏ bọc myelin, thứ giúp bảo vệ dây thần kinh và cho phép các tín hiệu được truyền đi nhanh hơn.

Tình trạng này cũng khiến phản ứng viêm xảy ra ở các dây thần kinh.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính?

Đây là một bệnh lý hiếm gặp nên bác sĩ có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra chẩn đoán ban đầu.

Các triệu chứng CIDP thường tiến triển nên bạn cần được theo dõi trong vòng 1–2 tháng để bác sĩ có khả năng đưa ra được chẩn đoán rõ ràng nhất.

Đầu tiên, họ sẽ xem bệnh sử và hỏi về những triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Một số dấu hiệu có thể giúp nhận định CIDP là không có phản xạ và chức năng vận động ở tay, chân yếu.

Các kiểm tra khác

Sau khi xem xét các triệu chứng, bác sĩ thường đề nghị bạn thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các rối loạn tương tự khác. Ví dụ, chọc dò tủy sống được thực hiện để kiểm tra dịch tủy sống, tìm kiếm các tế bào viêm như bạch cầu. Viêm màng não và ung thư ở hệ thần kinh cũng có khả năng gây ra một loạt triệu chứng tương tự như viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện ghi điện cơ và đo tốc độ dẫn truyền thần kinh. Nếu quá trình dẫn truyền xung thần kinh không nhanh như mong đợi sẽ có thể là cơ sở giúp đưa ra chẩn đoán CIDP.

Những phương pháp điều trị viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính

Việc điều trị CIPD chủ yếu là cố gắng làm giảm viêm, nguyên nhân gây ra các triệu chứng liên quan đến thần kinh.

Mặc dù không có cách chữa trị cho tình trạng này, các loại thuốc giúp điều chỉnh hoặc bình thường hóa hệ thống miễn dịch có thể giúp cải thiện những ảnh hưởng của bệnh lý này trên hệ thần kinh. Điều quan trọng nhất là phải bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Khi đó, bạn có thể ngăn chặn các tổn thương thần kinh và không để cho các triệu chứng trở nên nặng hơn.

Các lựa chọn trong điều trị có thể là:

  • Corticosteroid. Nhóm thuốc này giúp kháng viêm và làm suy yếu hệ miễn dịch.
  • Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIg). Bác sĩ có thể tiêm cho bạn một lượng kháng thể từ người khỏe mạnh để khiến cho các phản ứng miễn dịch chậm lại.
  • Thay huyết tương (plasma exchange). Bạn sẽ được truyền một lượng huyết tương qua tĩnh mạch để làm chậm các phản ứng tự miễn của hệ miễn dịch.
  • Liệu pháp miễn dịch. Các thuốc này sẽ tác động đến hệ miễn dịch, giúp ngăn chặn sự tấn công đến các bao myelin.
  • Ghép tế bào gốc. Bác sĩ tiêm những tế bào gốc (stem cell) khỏe mạnh (từ bạn hoặc một người hiến tặng) vào cơ thể để “khởi động lại” hệ miễn dịch. Song trường hợp này rất ít.

Bác sĩ cũng khuyến khích người bệnh tiến hành vật lý trị liệu. Các bài tập thể dục vừa phải có thể giúp bạn có nhiều năng lượng hơn.

Đôi lúc bạn có thể thấy các triệu chứng của mình đang được kiểm soát tốt nhưng cũng có lúc chúng khó giải quyết. Nếu thuốc giảm đau không kê đơn không đủ hiệu lực giảm đau do CIDP, bác sĩ sẽ kê một đơn thuốc giảm đau khác.

Bạn có thể hồi phục hoàn toàn sau khi bị viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính. Tuy nhiên, một số người có thể sống chung với các triệu chứng do tổn thương thần kinh, như tê và yếu trong suốt quãng đời còn lại.

Chế độ ăn uống cho người bị viêm đa dầy thần kinh hủy myelin mạn tính

Một chế độ ăn giàu các thực phẩm giúp chống viêm có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng cho người bệnh CIDP. Tuy nhiên, chế độ ăn uống không thể thay thế cho các loại thuốc điều trị ở trên.

Chế độ ăn này có nhiều điểm giống với một chế độ ăn uống lành mạnh, do đó bạn nên tránh:

  • Thực phẩm giàu natri (muối);
  • Thực phẩm chứa nhiều đường;
  • Thực phẩm chế biến sẵn;
  • Chất béo bão hòa;
  • Chất béo chuyển hóa.

Một người bị CIDP nên xây dựng thực đơn ăn với chủ yếu là thực vật, như ăn nhiều trái cây và rau củ quả có nhiều màu sắc. Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung các chất dinh dưỡng khác như thịt nạc, cá béo và ít nhiễm thủy ngân (như cá hồi).

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Nang giáp lưỡi, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị. eLib.VN khuyến khích các bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị khi có những dấu hiệu và triệu chứng như trên. 

Ngày:28/09/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM