Soạn bài Vợ chồng A Phủ Ngữ văn 12 đầy đủ

Tô Hoài không phải là một nhà văn viết cho thiếu nhi, ở một phương diện nào đó, có thể coi ông là nhà văn của vùng núi cao Tây Bắc. Ngày hôm nay eLib xin giới thiệu đến các em bài soạn Vợ chồng A Phủ, mời các em tham khảo bài soạn dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Soạn bài Vợ chồng A Phủ Ngữ văn 12 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 14 SGK Ngữ văn 12 đầy đủ

- Tìm hiểu số phận, tính cách nhân vật Mị qua:

- Cảnh ngộ bị bắt về làm dâu gạt nợ, cuộc sống bị đày đọa tủi cực ở nhà thống lí Pá Tra:

  • Mị là con dâu gạt nợ của nhà Thống lí do món nợ truyền kiếp từ đời cha mẹ không trả được nợ nên cô bị A Sử, con trai thống lí lợi dụng tục cướp vợ, cướp về làm dâu gạt nợ.

  • Mị trong những tháng ngày trở thành con dâu gạt nợ phải chịu cảnh như con ở, chỉ biết làm những công việc mà quanh năm ngày tháng làm đi làm lại, làm không ngưng nghỉ.

- Diễn biến tâm trạng và hành động:

- Những ngày đầu: Mị đau khổ phản kháng

  • Mị đêm nào cũng khóc

  • Có ý định tự tử bằng lá ngón, xong vì thương cha nên đã bỏ ý định

- Mấy năm sau: Mị bị tê liệt cảm giác sống

  • Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi, Mị không còn nghĩ đến tự tử dù là cha đã không còn.

  • Luôn làm việc những công việc lặp đi lặp lại như con rùa lùi lũi ở xó cửa

- Đêm tình mùa xuân: Sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy rồi bị dập vùi tàn nhẫn

  • "Mị đã lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát một". Mị vừa như uống cho hả giận vừa như uổng hận, nuốt hận.

  • Mị nhớ lại quá khứ, nhớ về hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời tuổi trẻ của mình và niềm ham sống trở lại: “Mị muốn đi chơi". Mị đã ý thức được tình cảnh đau xót của mình: "Nếu có nắm lá ngón trong tay Mị sẽ ăn cho chết"...

  • Mị "lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa dầu". Mị muốn thắp lên ánh sáng cho căn phòng bấy lâu chỉ là bóng tối. Mị muốn thắp lên ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của mình. Hành động này đẩy tới hành động tiếp: Mị "quấn tóc lại, với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách". Mị muốn sắm sửa đi chơi

  • Mị bị A Sử bắt trói đứng vào cột nhà, lúc đầu Mị không nhận ra nhưng khi nhận ra được hiện thực tàn nhẫn ấy, cô thấy mình kiếp không bằng con ngựa trong chuồng đồng thời thấy sợ cái chết có thể đến.

- Đêm đông cởi trói cho A Phủ:

  • Trước cảnh A Phủ bị trói, ban đầu Mị hoàn toàn vô cảm: "Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay", vì những cảnh tượng ấy đã diễn ra trong nhà Thông lí thường xuyên.

  • Cắt dây cởi trói cứu A Phủ và cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài của Mị là hành động vùng dậy tự phát của người nô lệ miền núi cao Tây Bắc, phản ứng lại đối với sự cai trị tàn bạo của bọn thống trị, nhằm mục đích tự giải phóng.

2. Soạn câu 2 trang 15 SGK Ngữ văn 12 đầy đủ

- Ấn tượng về tính cách nhân vật A Phủ:

  • A Phủ mang tính cách tiểu biểu cho người dân miền núi với bản tính ham chuộng tự do, khát sống với tinh thần lạc quan.

  • A Phủ là một thanh niên khỏe mạnh, chăm chỉ, mang sức sống của núi rừng Tây Bắc

  • A Phủ là một người mạnh mẽ, gan góc trong cuộc đụng độ với A Sử cũng như thái độ khi bị phạt đánh

=> Mang trong mình nhiều phẩm chất đáng quý như vậy nhưng A Phủ vẫn không thoát khỏi bàn tay của cường quyền.

- Bút pháp của nhà văn khi miêu tả Mị và nhân vật A Phủ có gì khác nhau:

  • Ở Mị, Tô Hoài chủ yếu đặt điểm nhìn trần thuật vào bên trong, nhân vật hoàn toàn được bộc lộ tính cách qua diễn biến tâm trạng phức tạp và logic

  • Ở A Phủ, Tô Hoài chủ yếu đặt điểm nhìn trần thuật ở bên ngoài, chú ý miêu tả hành động của nhân vật để làm hiện lên tính cách của nhân vật.

3. Soạn câu 3 trang 15 SGK Ngữ văn 12 đầy đủ

- Những nét độc đáo về việc quan sát và miêu tả nếp sinh hoạt, phong tục tập quán của người dân miền núi:

- Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài rất đặc sắc với những nét riêng:

  • Cảnh xử kiện

  • Không khí lễ hội mùa xuân

  • Những trò chơi dân gian

- Nghệ thuật kể chuyện:

  • Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ.

  • Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn.

  • Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất toàn diện. Mỗi nhân vật được sử dụng bút pháp khác nhau để khắc họa tính cách khác nhau trong khi họ có số phận giống nhau: nếu Mị được miêu tả chủ yếu qua diễn biến tâm trạng thì A Phủ lại được miêu tả bằng một chuỗi những hành động cụ thể.

  • Ngôn ngữ tinh tế mang đậm màu sắc miền núi. Giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.

Ngày:18/12/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM