Giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 29: Vùng Tây Nguyên (tiếp theo)

Để giúp các em học sinh nắm vững phương pháp giải bài tập và củng cố kiến thức về tình hình phát triển kinh tế của vùng Tây Nguyên, elib.vn xin giới thiệu nội dung hướng dẫn giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 29. Hi vọng đây sẽ là tài liệu học tập hữu ích cho các em!

Giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 29: Vùng Tây Nguyên (tiếp theo)

1. Giải bài 1 trang 111 SGK Địa lí 9

Tây Nguyên có những điều kiện thuận lợi và khó khăn gì trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp?

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức về đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên cũng như điều kiện kinh tế- xã hội để phân tích những thuận lợi và khó khăn trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp của vùng Tây Nguyên.

Gợi ý trả lời

- Thuận lợi:

+ Tài nguyên đất: Chủ yếu là đất badan rất thích hợp để phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cây cà phê.

+ Khí hậu: cận xích đạo lại có sự phân hóa theo độ cao tạo điều kiện trồng các cây công nghiệp nhiệt đới (cà phê, cao su, hồ tiêu) và các cây có nguồn gốc cận nhiệt đới (chè, ..).

+ Tài nguyên nước khá phong phú, nhất là tài nguyên nước ngầm, đảm bảo cho tưới tiêu các vùng chuyên cạnh cây công nghiệp vào mùa khô.

+ Rừng có diện tích và trữ lượng lớn nhất cả nước. Trong rừng còn nhiều thú quý, nhiều lâm sản đặc hữu.

+ Người dân có kinh nghiệm trong sản xuất nông – lâm.

+ Được Nhà nước chú trọng đầu tư, đang thu hút nhiều dự án đầu tư của trong và ngoài nước về cơ sở hạ tầng và cơ sở vậ tchất kĩ thuật.

+ Nhiều cơ sở, nhà máy chế biến đã được hình thành, giúp nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy sản xuất phát triển.

+ Nhu cầu lớn của thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài về các sản phẩm cây công nghiệp (cà phê, cao su, hồ tiêu ...).

- Khó khăn:

+ Mùa khô kéo dài, dẫn tới nguy cơ hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng.

+ Là vùng thưa dân nhất nước ta, thiếu lao động.

+ Cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho sản xuất nông – lâm còn hạn chế.

+ Việc chặt phá rừng và săn bắt bừa bãi động vật hoang dã đã ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ sinh thái.

+ Thiếu lao động có chuyên môn kĩ thuật, cơ sở vật chất kĩ thuật của nông - lâm nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

2. Giải bài 2 trang 111 SGK Địa lí 9

Tại sao nói Tây Nguyên có thế mạnh du lịch?

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức về đặc điểm về tài nguyên du lịch, vị trí địa lí, cơ sở hạ tầng và giao thông để giải thích vì sao Tây Nguyên có thế mạnh du lịch.

Gợi ý trả lời

Nói Tây Nguyên có thế mạnh phát triển du lịch vì:

- Tây Nguyên có tài nguyên du lịch khá phong phú: gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên: có nhiều thắng cảnh (hồ Xuân Hương, hồ Lăk, thác Yaly, thác Pren ...), các vườn quốc gia (Yok Đôn, Chư Mom Rây, Chư Yang Sin), các khu vực có khí hậu tốt (Đà Lạt, Ngọc Linh..).

+ Tài nguyên du lịch nhân văn: các di tích lịch sử (nhà tù Plây Ku, Buôn Ma Thuột), các lễ hội, văn hóa dân gian (lễ hội đâm trâu, văn hóa cồng chiêng), sản phẩm thủ công của các dân tộc    

⟹ Thuận lợi phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.         

-  Vị trí địa lí của Tây Nguyên thuận lợi giao lưu với các vùng trong nước, với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công.

-  Cơ sở hạ tầng của các thành phố, cũng là các trung tâm du lịch của vùng (Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Plây Ku) ngày càng hoàn thiện.

- Hiện nay đã có nhiều tuyến quốc lộ nối các thành phố, khu du lịch Tây Nguyên tới các vùng phát triển ở Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ (quốc lộ 19,26, 20, đường Hồ Chí Minh); các sân bay (như Buôn Ma Thuật, Plây Ku, Đà Lạt) góp phần rất lớn thúc đẩy hoạt động du lịch của vùng.

3. Giải bài 3 trang 111 SGK Địa lí 9

Sưu tầm tư liệu về thành phố Đà Lạt.

Phương pháp giải

Sưu tầm tư liệu về thành phố Đà Lạt:

+ Qua sách, báo, truyền thông,…

+ Các khía cạnh: vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, văn hóa, ẩm thực, địa điểm du lịch nổi tiếng,…

Gợi ý trả lời

Đà Lạt là một thành phố trực thuộc tỉnh và tỉnh lị tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển và diện tích tự nhiên: 393,29 km². Đà Lạt được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 24 tháng 3 năm 2009. Đây là một trong 4 đô thị loại 1 thuộc tỉnh cùng với Huế, Nha Trang và Vinh.

Với nhiều cảnh quan đẹp, Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam. Trong thời Pháp thuộc, tên tiếng Latin Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là "cho những người này niềm vui, cho những người khác sự mát mẻ". Đà Lạt được mệnh danh là: thành phố hoa, thành phố tình yêu, thành phố mùa xuân, thành phố sương mù.

Đà Lạt mang đậm trong mình bản sắc văn hóa Tây Nguyên đẹp như huyền thoại. Những người dân hiền lành sống bằng nghề làm rẫy,  làm vườn,  trồng cà phê,  chè,  chăn nuôi gia súc…Vào những ngày hội làng,  ngày vui của gia đình,  du khách sẽ được xem họ múa,  hát,  chơi nhạc bằng những nhạc cụ độc đáo mà âm thanh của nó nghe như tiếng gió hú,  tiếng thác chảy trên ghềnh đá…

Ngày:24/08/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM