Giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 36: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tiếp theo)

Để giúp các em học sinh nắm vững phương pháp giải bài tập và củng cố kiến thức về tình hình phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, elib.vn xin giới thiệu nội dung hướng dẫn giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 36. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp ích cho các em trong học tập.

Giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 36: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tiếp theo)

1. Giải bài 1 trang 133 SGK Địa lí 9

Đồng bằng sông Cửu Long có những điều kiện thuận lợi gì để trở thành vùng sản xuất lương thực lớn nhất của cả nước?

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức về điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội để chỉ ra những thuận lợi để Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng sản xuất lương thực lớn nhất của cả nước.

Gợi ý trả lời

- Điều kiện tự nhiên:

  • Diện tích đất nông nghiệp khoảng 3 triệu ha. Đất phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu (1,2 triệu ha) thích hợp cho trồng lúa; vùng đất phèn, đất mặn được cải tạo cũng trở thành các vùng trồng lương thực.
  • Khí hậu nóng ẩm quanh năm, thời tiết ít biến động, nguồn nước sông ngòi tương đối dồi dào, mạng lưới kênh rạch chằng chịt thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ lúa.

- Điều kiện kinh tế - xã hội:

  • Nguồn lao động đông, người dân có kinh nghiệm trồng lúa nước trên đất phèn, mặn, nhạy bén trong việc tiếp thu kĩ thuật và công nghệ mới về trồng lúa.
  • Mạng lưới cơ sở chế biến và dịch vụ sản xuất lương thực phát triển.
  • Thị trường tiêu thụ rộng, đặc biệt là nguồn lúa gạo để xuất khẩu lớn.
  • Chính sách và sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất kĩ thuật.

2. Giải bài 2 trang 133 SGK Địa lí 9

Phát triển mạnh công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm có ý nghĩa như thế nào đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Phương pháp giải

Dựa vào tầm quan trọng mà ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm mang lại đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long để trả lời câu hỏi.

Gợi ý trả lời

Ý nghĩa của việc phát triển mạnh công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long:

- Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, tăng khả năng xuất khẩu, đem lại nguồn thu lớn.

- Góp phần sử dụng và bảo quản sản phẩm lâu dài hơn, đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm.

- Giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và chuyên môn hóa.

- Làm cho nền nông nghiệp của vùng tiến dần tới mô hình sản xuất liên kết nông, công nghiệp. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

3. Giải bài 3 trang 133 SGK Địa lí 9

Dựa vào bảng 36.3:

Vẽ biểu đồ cột thể hiện sản lượng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nêu nhận xét.

Phương pháp giải

- Dựa vào số liệu sản lượng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước để vẽ biểu đồ cột ghép.

- Dựa vào biểu đồ đã vẽ để nêu nhận xét.

Gợi ý trả lời

Vẽ biểu đồ:

- Thể loại: cột ghép

- Đơn vị vẽ: nghìn tấn

- Vẽ biểu đồ:

Nhận xét:

- Sản lượng thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng qua các năm.

- Sản lượng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng từ 819,2 nghìn tấn (1995) lên 1354,5 nghìn tấn (2002), tăng 535,3 nghìn tấn.

- Sản lượng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng trên 50% sản lượng thủy sản của cả nước.

Ngày:24/08/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM