Bài học Toán 6

Chương trình Toán lớp 6 cung cấp cho học sinh những kiến thức liên quan đến Số nguyên, phân số, đoạn thẳng, góc, ... Đây là những kiến thức rất quan trọng đối với học sinh cấp THCS. Chính vì vậy, eLib đã tổng hợp và biên soạn để gửi đến các em hệ thống bài giảng chương trình SGK môn Toán 6 ở dưới đây. Mời các em cùng tham khảo

1. Giới thiệu bài học Toán 6

Ở lớp 6, phương pháp giảng dạy sẽ khác biệt so với bậc Tiểu học. Các thầy cô giáo chủ yếu giới thiệu, gợi mở các kiến thức mới. Hướng dẫn cách giải bài toán cơ bản. Chính vì lẽ đó, eLib đã tổng hợp và biên soạn để gửi đến các em hệ thống bài giảng chương trình SGK môn Toán 6 gồm 5 chương (3 chương đại số, 2 chương hình học) với 72 bài bên dưới. Nội dung của các bài học được biên tập đầy đủ, bám sát với nội dung SGK mới phù hợp với chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bố cục rõ ràng. Mỗi bài học gồm:

1. Phần Tóm tắt lý thuyết nhắc lại những khái niệm, mệnh đề, công thức phải nhớ để vận dụng giải các loại bài tập.

2. Phần Bài tập minh họa giới thiệu một số loại bào tập hay gặp hoặc cần lưu ý luyện tập.

3. Phần Luyện tập bao gồm đề bài các bài tập (tự luận, trắc nghiệm) giúp học sinh củng cố và vận dụng các kiến thức và kĩ năng cơ bản đã học để làm bài tập.

4. Phần Kết luận giúp học sinh hệ thống lại các kiến thức cần nắm được của bài học.

Các em có thể tham khảo từng bài giảng chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.

2. Phương pháp học tập môn Toán lớp 6

Ngoài việc phải làm quen với trường mới, lớp mới thì khi bước vào lớp 6, các em học sinh cũng sẽ không khỏi bỡ ngỡ với cách học và cách đánh giá kết quả học tập mới. Khác với ở tiểu học, 13 môn học ở THCS có 13 giáo viên khác nhau đảm nhiệm, dung lượng kiến thức nhiều, nặng hơn và kèm theo là các bài kiểm tra miệng, 15 phút, 45 phút , học kì. Toán học là một trong những môn quan trọng nhất và quyết định nhiều đến kết quả của cả năm học. Vậy bí quyết học toán lớp 6 là gì để học tập hiệu quả nhất?

Không ít các phụ huynh có con học lớp 6 đã tỏ ra băn khoăn, lo lắng với kết quả học tập của con mình. Họ cho biết cả 5 năm học tiểu học: lớp 1, 2, 3 cháu đều đạt danh hiệu HS giỏi; lớp 4, 5 đều được điểm 9, 10 các bài kiểm tra Toán, Tiếng Việt... vào cuối kỳ, cuối năm; mỗi năm đều được giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập... Nhưng từ khi bước vào lớp 6 đến nay, điểm học tập các môn học của con chỉ đạt mức trung bình và yếu, đặc biệt là môn toán. Vì vậy, ngay từ khi con bước vào lớp 6, các phụ huynh hãy luôn động viên, sát sao, định hướng cho con có phương pháp học phù hợp nhất, giúp con đưa ra những bí quyết học toán lớp 6 để không phải đối mặt với trường hợp trên nhé!

2.1. Ghi lại những bài cần học mỗi ngày

Đây là một dạng tương tự như “Sổ lưu toán” hồi còn học tiểu học nhưng thay vì thầy cô hoặc lớp phó học tập sẽ ghi giùm con bạn thì hãy để con tự ghi. Ví dụ như hôm đó được thầy cô dặn dò kiểm tra thì con sẽ lấy sổ tay ra và ghi thật nhanh: ngày kiểm tra, nội dung kiểm tra...Sổ tay cũng sẽ dùng để con ghi dặn dò soạn bài , chuẩn bị dụng cụ học tập, ngày sinh hoạt ngoại khóa, soạn bài thảo luận nhóm... Để thuận tiện cho việc xem lại, bố mẹ nên hướng dẫn con chia cột theo: ngày dặn dò, môn, việc cần làm, ngày thực hiện.... và nhắc con thường xuyên xem lại những “chú ý” này để có kế hoạch ôn bài, chuẩn bị bài kỹ lưỡng.

2.2. Nhớ mang theo “bài tập đã làm xong” đến trường

Mới nghe có vẻ hơi khó chịu, việc đơn giản vậy mà cũng là bí quyết? Đúng, rất đơn giản nhưng không chú ý là quên ngay. Tự hỏi mình xem là trong suốt những  năm đi học, mình có bao giờ chưa để quên bài tập ở nhà không? Do đó, hãy nói với con bạn rằng: Bí quyết nằm ở một phong bì hồ sơ “không bao giờ ra khỏi cái cặp”. Khi có bài tập về nhà nào làm xong thì nhanh tay cho ngay vào bì. Với những bài tập làm luôn trong vở bài tập thì làm xong môn nào đánh dấu môn đó lại bằng cách trước khi rời khỏi bàn học, lấy cuốn sổ “chú ý” ra, kiểm tra lại xem đã làm các bài chưa, và mở cặp ra xem đã bỏ vào chưa.

2.3. Thầy cô ơi, cho em hỏi...

Một lời khuyên cũ mà không bao giờ cũ để học tốt là: Không biết thì phải hỏi. Và người trả lời chính xác nhất điều mình không biết đó chính là thầy cô giáo. Hãy nói với con bạn rằng đừng tỏ ra xa cách với thầy cô, hãy coi các thầy cô bộ môn như thầy cô chủ nhiệm, hoặc đó là một người thầy mình yêu mến và cởi mở, ngoan ngoãn trò chuyện.

2.4. Học với sắc màu

Một quyển vở kín mít, chi chít một màu bút bi xanh nhìn mãi “học cũng chán”. Nhưng một quyển vở có đoạn được móc ngoặc, có đoạn tô màu bằng bút lông, có chữ gạch chân.... những mũi tên móc móc ghi chú đủ màu xanh đỏ, vàng, cam chắc chắn sẽ giữ con lại lâu hơn và học bài mau thuộc hơn. Vì thế, bố mẹ hãy giúp con chuẩn bị thật nhiều các loại bút và sổ tay nhé! Khi lần đầu tiên chép bài thì yêu cầu con cứ ghi bằng bút xanh bình thường thôi, điểm nào thầy cô giảng thêm thì ghi vào sổ tay bên cạnh. Tối hôm đấy khi ngồi ôn lại bài, con hãy đánh dấu, gạch chân, ghi chú, và coi lại phần ghi ở sổ tay. Như vậy con đã học bài được hai lần rồi. Sau này, khi ôn lại bài sẽ cực kỳ dễ dàng.

2.5. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng

Nói nôm na là thế, cụ thể hơn đó là: con phải biết được phong cách học của mình. Ví dụ như có những bạn chỉ cần ngồi nghe thôi đã nhớ hơn phân nửa bài học, có bạn khác thì khi học thuộc lòng phải đọc to lên mới thuộc được, bạn khác nữa thì phải ghi hết ra giấy sẽ thuộc...Mỗi người có một cách học bài, ghi nhớ khác nhau. Muốn con học tốt, bạn bắt buộc phải tìm ra được cách học phù hợp với con mình. Ban đầu nếu chưa biết cách học của con mình, bố mẹ hãy định hướng cho con một số cách học nhưng nếu thấy không hiệu quả thì phải dừng ngay lại và tìm cách khác! Một khi đã tìm được cho con một phương pháp phù hợp, vấn đề cuối cùng cần làm là để con phát huy tốt đa hiệu quả của cách học đó.

2.6. Tập trung, tập trung và tập trung!

Hôm nay con có bài tập về nhà, con phải ôn bài để tuần sau kiểm tra, con có một bài phải chuẩn bị trước...Nhưng hôm nay cũng có truyền hình trực tiếp Quà tặng âm nhạc, .... Con bạn chắc chắn sẽ phân vân làm sao để có thể vừa chơi mà vừa học? Cách thông thường các con vẫn làm là gác lại “một số bài học chưa cần làm ngay”, mai hãy làm. Nhưng cứ gác dần, gác dần, ngày này sang ngày khác sẽ tạo thói quen không tốt, và những bài học sẽ  bị gác chồng chất. Những khi lâm vào tình huống “nan giải” như vậy, bố mẹ hãy nhắc con tập trung, thật tập trung đặt “bài học” là ưu tiên số 1. Hoàn thành hết tất cả các bài của ngày hôm nay, việc dự định làm hôm nay rồi mới bước đến ưu tiên số 2 để giải trí. Bí quyết nhỏ để bố mẹ giúp con tập trung được là hãy hỏi con: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con không học bài và làm bài đầy đủ? Những thú vui kia có đáng để con “hy sinh” thế không? Con có thể xem lại, chơi lại vào những ngày khác?...”

2.7. Yêu thương và chăm sóc bản thân mình nhé!

Nếu con cảm thấy mệt mỏi, mắt cứ nhắm tịt lại và chán ngán mỗi khi chuẩn bị ngồi vào bàn học? Hãy giúp con nạp lại năng lượng bằng cách nhắc con thực hiện một vài động tác thể dục nhẹ nhàng: xoay cổ tay, mát-xa vai, lưng, hông, chạy bộ tại chỗ... Bố mẹ có thể “mach” con: sau khi học xong mỗi môn học, hoặc đang học bài thuộc lòng, dù không thấy mệt, con cũng đứng dậy đi lòng vòng, thay đổi tư thế ngồi và tập vài động tác luôn. Con sẽ không còn thấy mệt nữa mà tự nhiên sẽ học được lâu hơn, làm bài cũng nhanh và chính xác hơn.

2.8. Học thầy không tày học bạn!

Một bí quyết học toán nữa có thể giúp con bạn đó là việc cùng học với bạn bè. Có nhiều điều con bạn ngại không dám hỏi thầy cô vì những điều đó quá dễ hay do thầy cô đã nói rồi hoặc con sợ hỏi lại sẽ bị thầy cô mắng. Bố mẹ hãy khích lệ con cách học là thường xuyên trao đổi và hỏi bạn. Học một mình có thể con sẽ mau chán, học có bạn bè vui hơn và hứng thú hơn. Học hỏi bạn thì con có thể học ở mọi lúc mọi nơi: trên đường đi học, về nhà,  lúc ở trường, cũng như khi đi chơi. Con có thể tập trung lại học nhóm cùng các bạn để đạt hiệu quả hơn.

Trên đây là những bí quyết học tốt môn toán nói riêng và các môn học nói chung, hãy để chúng trở thành những thói quen với con bạn và việc học trở thành một niềm yêu thích, hứng thú của con.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM