Bài học Ngữ Văn 6

Để giúp các em học tập tốt môn Ngữ văn lớp 6, eLib giới thiệu bộ chủ đề bài giảng chi tiết từ bài 1 đến bài 103. Ở mỗi bài giảng sẽ cung cấp cho các em kiến thức lý thuyết từng bài học, các ví dụ minh hoạ và phần luyện tập chung để các em ôn lại kiến thức. Mời các em cùng tham khảo

1. Giới thiệu bài học Ngữ văn 6

Chương trình học giữa hai cấp có khá nhiều sự thay đổi. Lên lớp 6, môn Tiếng Việt ở Tiểu học sẽ có một tên gọi khác là Ngữ văn. Bên cạnh việc ôn lại các phần kiến thức cũ, học sinh sẽ được học thêm nhiều kiến thức mới lạ hơn, thú vị hơn và yêu cầu cũng dành cho môn học cũng cao hơn.

Elib giới thiệu cho các em cùng quý phụ huynh trọn bộ bài giảng Ngữ văn đầy đủ và chi tiết nhất. Nhằm giúp các em hệ thống hóa kiến thức và định hướng phương pháp học phù hợp nội dung bài học Ngữ văn 6 theo chương trình SGK môn Ngữ văn 6 gồm 34 tuần với 103 bài học.

  • Trong đó, phần kiến thức “Luyện từ và câu” của lớp 5 sẽ được thay thế bằng phần “Tiếng Việt”. Bên cạnh các đơn vị kiến thức về từ, câu, biện pháp tu từ, học sinh sẽ học thêm những nội dung như từ thuần Việt, từ mượn, ẩn dụ, hoán dụ,….

  • Phần “Tập đọc” trước kia được thay bằng “Đọc hiểu văn bản”. Không chỉ yêu cầu đơn giản là đọc đúng, đọc diễn cảm như ở Tiểu học, ở lớp 6, học sinh sẽ phải tìm hiểu nội dung chi tiết văn bản, các nét đặc sắc nghệ thuật, giá trị nhân văn của một tác phẩm.

  • “Tập làm văn” tuy vẫn được giữ nguyên tên gọi nhưng có yêu cầu cao hơn hẳn với hai phần kiến thức là văn tự sự kể dạng kể chuyện sáng tạo, thay đổi ngôi kể, nhập vai nhân vật,….và văn miêu tả chú trọng khả năng quan sát làm bật đặc trưng của đối tượng.

Do đó, để giúp con học tốt Ngữ văn 6, cha mẹ cần chủ động nói trước những thay đổi về kiến thức để học sinh không bị bỡ ngỡ trong những ngày đầu nhập học. Mời các em tham khảo nội dung từng bài giảng chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.

2. Hướng dẫn học hiệu quả môn Ngữ văn 6

Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học, được học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở Tiểu học, môn này có tên là Tiếng việt; ở Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có tên là Ngữ văn. Chương trình Ngữ văn THCS tiếp tục phát triển năng lực ngôn ngữ đã hình thành ở cấp Tiểu học. Thông qua những kiến thức và kĩ năng phổ thông cơ bản, chương trình giúp học sinh tiếp tục học lên Trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động. Kết thúc cấp THCS, học sinh bết đọc hiểu dựa trên kiến thức đầy đủ hơn, sâu hơn về Văn học và Tiếng việt, cùng với những trải nghiệm và khả năng suy luận của bản thân; biết viết các kiểu văn bản (tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng) đúng quy cách, quy trình; biết trình bày dễ hiểu, mạch lạc các ý tưởng và cảm xúc; nói rõ ràng, đúng trọng tâm, có thái độ tự tin khi nói trước nhiều người, biết nghe hiểu với thái độ phù hợp và phản hồi hiệu quả.

2.1. Học tốt phần văn bản

Môn Ngữ văn cấp THCS được chia làm 3 phân môn: bao gồm phần Văn bản, Tiếng việt và phần Tập làm văn. Mỗi phân môn đều có chức năng riêng và luôn có mối quan hệ gắn bó. Văn học giúp ta phát triển tư duy, làm giàu tình cảm, cảm xúc cho ta. Văn học chính là cái gốc để nảy nở tình yêu thương, mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn...Vì vậy, có người đã từng nói: "Văn học là nhân học" học văn cũng như học đạo lý làm người. Nó là nguồn kiến thức cho ta vận dụng vào phân môn Tập làm văn. Bên cạnh đó, Tiếng việt cũng góp phần không nhỏ trong quá trình viết bài Tập làm văn, nó là vốn ngôn ngữ giúp ta diễn đạt trong quá trình làm văn. Vì vậy, để học ốt môn Ngữ văn chúng ta phải học đều cả ba phân môn.

Riêng phần văn bản trong môn Ngữ văn, để có thể học tốt thì trước khi lên lớp bạn cần chú ý soạn bài cẩn thận, đọc kỹ bài trước khi lên lớp, trả lời trước những câu hỏi có trong sách giáo khoa, chú ý khi đọc có thể lấy bút để chia sẵn bố cục bài. Sau khi đọc kỹ bài bạn cần tóm tắt bài vừa đọc, nắm thật chắc cốt truyện cùng với nhân vật và các địa danh có trong bài học, trả lời hết những câu hỏi có trong sách giáo khoa

Tới khi lên trên lớp học bạn cần chú ý nghe giảng cẩn thận, cảm nhận hết về bài cũng như nắm bắt được những cái hay trong tác phẩm, cần đặt nhiều câu hỏi dành cho thầy cô và suy nghĩ kỹ những câu hỏi được thầy cô hỏi, thường xuyên tham gia phát biểu ý kiến để rèn luyện sự tự tin cũng như trau dồi khả năng nói của mình.bCần chú ý ghi bài đầy đủ, ghi chép những điều tâm đắc vào trong một cuốn sổ tay riêng sau đó so sánh và đối chiếu kiến thức của bạn cùng thầy cô, viết thêm lời bình

Bạn cũng cần phải nắm chắc những giá trị nghệ thuật và nội dung của bài trong giờ học đấy nhé.Sau khi học bài xong bạn nên học thuộc hết bài học cùng những dẫn chứng có thể có trong truyện, nếu có thể nên viết thêm một đoạn văn để cảm nhận về bài, tìm đọc thêm nhiều tài liệu về bài, nên học những phần đánh giá và nhận định của các nhà nghiên cứu đối với bài học.

2.2. Học tốt phần Tiếng Việt

Đối với phần Tiếng Việt trong Ngữ văn trước khi lên lớp bạn cần tìm hiểu và đọc thật kỹ những đề mục có trong bài, trả lời trước những câu hỏi được hỏi trong sách giáo khoa, phần ghi nhớ cùng ghi chú ở ngoài lề cũng cần đọc hiểu thật kỹ và liệt kê những thắc mắc mà bạn cần hỏi thầy cô.

Tới khi lên lớp bạn cũng phải tập trung cao độ vào việc nghe giảng, tìm hiểu cẩn thận những ví dụ được nêu trong bài và hình thành dần khái niệm của bài, tham gia nhiều hoạt động nhóm để phát biểu các ý kiến hình thành được khái niệm của bài học.

Sau khi học xong bạn cũng nên đọc lại bài cũ cẩn thận, xem xét những ví dụ có trong bài và học thuộc bài, có thể liên hệ tới các tác phẩm đã học để tìm ví dụ chuẩn xác nhất.

2.3. Cách làm bài Tập làm văn

Để có một bài tập làm văn tốt, cần tiến hành các bước sau: 

  • Bước 1: Tìm hiểu kỹ đề, xem đề bài cần yêu cầu về những nội dung nào và kiểu bài, nắm chắc phương pháp làm kiểu bài đó.

  • Bước 2: Tìm ý.

  • Bước 3: Lập thành dàn ý.

  • Bước 4: Viết bài văn.

  • Bước 5: Kiểm tra.

Để viết bài tốt em cần chú ý các điểm sau:

Nắm chắc phương pháp để viết bài văn theo trình tự nào. Bên cạnh đó, em cần suy nghĩ tìm tòi, huy động những kiến thức đã học liên quan đến nội dung đề. Hơn thế nữa, suy nghĩ sáng tạo của cá nhân là quan trọng nhất. Không nên lệ thuộc bài văn mẫu một cách rập khuôn máy móc. Bởi vì quá trình tiếp nhận văn học là em tiếp nhận những tri thức, cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Cho nên khi em diễn đạt thì ngoài yếu tố câu cú, ngữ pháp, lời văn phải trong sáng còn yêu cầu là thể hiện tình cảm của người viết. Chúng ta cần phải trân trọng và đánh giá cao vai trò sáng tạo trong tiếp nhận của học sinh. Em hãy mạnh dạn nêu những suy nghĩ, ý kiến, những cảm nhận của cá nhân mình, có thể những ý kiến đó chưa hay, chưa đúng nhưng sẽ được thầy cô giáo dạy văn định hướng và từ đó em lại tiếp tục bày tỏ ý kiến cá nhân trên cơ sở định hướng thẩm mỹ của thầy cô. Theo ý kiến riêng của cô là khi các em viết một bài văn cũng là các em đang sáng tạo, cũng có nhu cầu bộc lộ bản thân mình. Vậy thì các em nên dựa trên những định hướng về nội dung, về kiểu bài, để có những sáng tạo nho nhỏ của chính mình, và mình trân trọng những sáng tạo của riêng mình. Lâu dần các em sẽ viết văn tốt, tự tin, và đến với môn văn một cách nhẹ nhàng, thoải mái, thú vị hơn.

Việc học là lâu dài. Đối với môn học nào cũng thế, các em cần tìm ra phương pháp học hiệu quả, tối ưu nhất để áp dụng và duy trì. Trên đây là một số chia sẻ về cách học văn giúp các em tham khảo để có thể học tốt hơn ở môn học này. Hy vọng những môn học khác, các em cũng hãy có được những cảm xúc, hứng thú để tìm ra cách học hiêu quả nhất, phục vụ cho bản thân trên con đường học vấn!

3. Những lưu ý để học tốt môn Ngữ văn 6

3.1. Tìm hiểu bài và soạn bài trước ở nhà 

  • Đọc các văn bản,  tìm hiểu và trả lời các câu hỏi sau văn bản đó theo cách hiểu của bản thân ( không cần dùng sách học tốt ).  Đọc các định nghĩa, ghi nhớ  trong sách giáo khoa để nắm bắt nội dung chính. 

  • Đánh dấu phần khó hiểu để lên lớp tập trung nghe thầy, cô giảng rõ hơn.

3.2. Học trên lớp

  • Đặc biệt tập trung chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài.

  • Ghi nhớ, nắm bắt được nội dung chính bài học, cách làm bài để vận dụng làm bài, trả lời câu hỏi.

  • Đánh dấu, gạch chân, khoanh vùng những định nghĩa, nội dung, câu dẫn chứng chủ chốt trong bài học để về nhà có thể xem, học lại dễ dàng và tìm hiểu sâu hơn. 

  • Chép bài đầy đủ, chính xác. Sử dụng cách viết bài, trình bày hợp lý, khoa học để dễ học thuộc bài.

  • Chép, ghi nhớ lại những điều thầy cô giảng giải thêm, rộng hơn với những kiến thức bổ sung cho học sinh vào sổ tay, vở nháp, … nhằm về nhà tự luyện tập và tìm hiểu.

  • Sẵn sàng trình bày thắc mắc với thầy cô để thầy cô giải đáp.

  • Tích cực tham gia hoạt động phát biểu ý kiến trong nhóm, tự tin trình bày trước lớp để rèn luyện kĩ năng nói, học hỏi, trau dồi.

3.3. Học bài cũ

Tìm hiểu đọc thêm những bài tham khảo, bài thơ, văn bản hay cách làm, ví dụ khác để củng cố kiến thức, bổ sung thêm những nguồn kiến thức  hay khác nhằm nâng cao trình độ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM