Hội chứng mất khứu giác - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mất khứu giác là tình trạng xảy ra khi bạn mất cảm giác ngửi mùi. Tình trạng này thường gây ra bởi tình trạng ở mũi hoặc chấn thương não. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của hội chứng này, mời các bạn tham khảo!

Hội chứng mất khứu giác - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Mất khứu giác là tình trạng gì?

Mất khứu giác là tình trạng xảy ra khi bạn mất cảm giác ngửi mùi. Tình trạng này thường gây ra bởi tình trạng ở mũi hoặc chấn thương não, nhưng một số người khi sinh đã không có khứu giác (mất khứu giác bẩm sinh).

Khứu giác do các quá trình nhất định điều khiển. Ban đầu, một phân tử như mùi thơm từ hoa kích thích các tế bào khứu giác ở mũi. Các tế bào thần kinh này gửi thông tin tới não để xác định mùi cụ thể. Bất cứ tình trạng nào cản trở các quá trình này, như sung huyết mũi, tắc nghẽn mũi hoặc tổn thương các tế bào thần kinh, có thể dẫn đến mất khứu giác.

Nói chung, khứu giác cũng ảnh hưởng đến khả năng thưởng thức bữa ăn của chúng ta. Nếu không có khứu giác, vị giác của chúng ta chỉ có thể phát hiện ra một vài hương vị và điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nếu bạn đột nhiên mất khứu giác và không biết tại sao, hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể chẩn đoán được nguyên nhân và điều trị để phục hồi khứu giác.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng mất khứu giác là gì?

Dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng của mất khứu giác là không ngửi thấy mùi. Một số người bị tình trạng này nhận thấy sự thay đổi ở khứu giác, ví dụ như không thể ngửi thấy những mùi quen thuộc như lúc trước.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Mất khứu giác do cảm lạnh, dị ứng hoặc nhiễm trùng xoang thường tự khỏi sau vài ngày. Nếu điều này không xảy ra, hãy đi khám bác sĩ để họ có thể loại trừ các tình huống nghiêm trọng hơn.

Mất khứu giác đôi khi có thể được điều trị, tùy thuộc vào nguyên nhân. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc loại bỏ các tắc nghẽn trong đường mũi.

Trong các trường hợp khác, mất khứu giác có thể là vĩnh viễn. Đặc biệt sau 60 tuổi, bạn có nhiều nguy cơ mất khứu giác.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng mất khứu giác?

Có rất nhiều nguyên nhân gây mất khứu giác:

Nhiễm virus ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh; Viêm xoang lâu ngày (mạn tính), có hoặc không kèm polyp mũi; Bất thường ở mũi chẳng hạn như mũi quặm hoặc vách ngăn mũi (vách ngăn chia hai lỗ mũi) không thẳng; Sốt cỏ khô (viêm mũi) gây viêm mũi nặng; Vài loại thuốc bao gồm kháng sinh như metronidazole; Sử dụng ma túy như cocain hoặc amphetamine; Bệnh tiểu đường; Lạm dụng rượu lâu dài; Suy giáp; Hội chứng Cushing (nồng độ hormone cortisol trong máu cao); Tiếp xúc với chất hóa học làm cháy bên trong mũi; Chấn thương ở đầu; U não; Xạ trị ở đầu và cổ; Động kinh; Bệnh Parkinson; Bệnh Alzheimer; Đột quỵ; Bệnh gan hoặc thận; Thiếu vitamin B12; Tâm thần phân liệt; Bệnh u hạt với viêm đa mạch – một rối loạn không thường gặp ở các mạch máu; Sarcoidosis – một bệnh hiếm gặp làm cho các tế bào cơ thể kết cụm; Mất khứu giác bẩm sinh.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải tình trạng mất khướu giác?

Mất khướu giác là tình trạng rất thường gặp, ảnh hưởng ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Bệnh có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tình trạng mất khứu giác?

Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi về các triệu chứng hiện tại, khám mũi và toàn thân đồng thời hỏi về tiền sử của bạn.

Bác sĩ có thể đặt các câu hỏi như bệnh bắt đầu khi nào, tất cả hay chỉ một số loại mùi bị ảnh hưởng và bạn có thể nếm thức ăn được hay không. Tùy thuộc vào câu trả lời của bạn, bác sĩ thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây:

Chụp cắt lớp vi tính (CT), sử dụng các tia X để tạo ra một hình ảnh chi tiết về bộ não; Chụp cộng hưởng từ (MRI), sử dụng sóng vô tuyến điện và từ trường để xem cấu trúc não; X-quang hộp sọ; Nội soi mũi để quan sát bên trong mũi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị tình trạng mất khứu giác?

Những người bị mất khứu giác bẩm sinh không có khả năng ngửi được mùi suốt đời và không có khái niệm gì về mùi. Hiện nay, không có phương pháp chữa trị hay điều trị chứng mất khứu giác bẩm sinh.

Tuy nhiên, các loại mất khứu giác khác có thể chữa trị khi nguyên nhân được điều trị. Các phương pháp điều trị có thể giúp ích tùy thuộc vào tình trạng của bạn, bao gồm:

Steroid xịt mũi; Thuốc kháng histamine; Steroid viên; Phẫu thuật cắt polyp mũi; Phẫu thuật làm thẳng vách ngăn mũi; Phẫu thuật làm sạch xoang, được gọi là phẫu thuật xoang nội soi.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng mất khứu giác?

Các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây có thể giúp bạn đối phó với mất khứu giác:

Lắp đặt các bảng báo động khói ở tất cả các khu vực trong nhà, đặc biệt là trong nhà bếp và gần nơi có lửa; Thay đổi từ các thiết bị dùng khí tự nhiên sang điện hoặc lắp đặt một máy dò khí tự nhiên; Ghi rõ ngày hết hạn sử dụng thực phẩm và đánh dấu đồ còn lại với ngày hết hạn để bạn biết khi nào vứt chúng đi; Đọc cẩn thận các nhãn cảnh báo trên các sản phẩm như đồ tẩy rửa phòng tắm, nhà bếp và thuốc trừ sâu để nhận biết các hóa chất mạnh.

Với những thông tin trên đây về hội chứng mất khứu giác, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm hiểu biết trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM