Hội chứng trái tim tan vỡ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hội chứng trái tim tan vỡ là tình trạng bệnh tim tạm thời, thường xảy ra do những tình huống căng thẳng như mất người thân. Tình trạng này cũng có thể được gây ra bởi bệnh tật hoặc phẫu thuật nghiêm trọng. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Hội chứng trái tim tan vỡ -  Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hội chứng trái tim tan vỡ là tình trạng bệnh tim tạm thời, thường xảy ra do những tình huống căng thẳng như mất người thân. Tình trạng này cũng có thể được gây ra bởi bệnh tật hoặc phẫu thuật nghiêm trọng. Những người bị hội chứng trái tim tan vỡ có thể bị đau ngực đột ngột hoặc nghĩ rằng họ bị nhồi máu cơ tim.

Hội chứng trái tim tan vỡ xảy ra do sự gián đoạn tạm thời về chức năng bơm máu bình thường tại một vùng tim. Phần còn lại của tim hoạt động bình thường hoặc có các cơn co thắt mạnh hơn. Hội chứng trái tim tan vỡ có thể do phản ứng của tim với sự gia tăng các kích thích tố căng thẳng.

Hội chứng trái tim tan vỡ cũng được gọi là bệnh lý cơ tim takotsubo, hội chứng phình đỉnh tim hoặc bệnh cơ tim do căng thẳng. Các triệu chứng hội chứng trái tim tan vỡ có thể điều trị được và tình trạng này thường tự thay đổi trong vài ngày hoặc vài tuần.

Mức độ phổ biến của hội chứng trái tim tan vỡ?

Hội chứng trái tim tan vỡ là một tình trạng hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng đến khoảng 2% những người bị bệnh tim. Hầu hết những người trải qua các giai đoạn của bệnh cơ tim căng thẳng là phụ nữ từ 50 tuổi trở lên. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Hội chứng trái tim tan vỡ khác với cơn đau tim như thế nào?

Các cơn đau tim thường do tắc nghẽn hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn của động mạch tim. Sự tắc nghẽn này là do cục máu đông hình thành tại vị trí thu hẹp bởi tích tụ mỡ (xơ vữa động mạch) trong thành động mạch. Ngược lại, đối với hội chứng trái tim tan vỡ, các động mạch tim không bị tắc nghẽn, mặc dù lưu lượng máu trong động mạch của tim có thể bị giảm.

2. Triệu chứng

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng trái tim tan vỡ là:

Đau ngực. Khó thở.

Bất kỳ cơn đau ngực kéo dài hay dai dẳng nào đều có thể là dấu hiệu của cơn đau tim, vì vậy bạn cần cẩn trọng và gọi cấp cứu nếu bị đau ngực.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

Nếu bạn đang bị đau ngực, nhịp tim rất nhanh hoặc bất thường hay khó thở sau một sự kiện căng thẳng, hãy gọi cấp cứu ngay.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng trái tim tan vỡ không rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng gia tăng các kích thích tố căng thẳng như adrenaline, có thể tạm thời làm tổn thương tim của một số người. Tình trạng co thắt tạm thời các động mạch lớn hay nhỏ của tim cũng góp phần gây ra vấn đề này.

Hội chứng trái tim tan vỡ thường xảy ra sau sự cố về thể chất hoặc cảm xúc mãnh liệt. Một số tác nhân gây ra hội chứng trái tim tan vỡ là:

Tin tức về cái chết bất ngờ của một người thân Chẩn đoán về một bệnh hiểm nghèo Bị lạm dụng Mất hoặc thắng rất nhiều tiền Tranh cãi gay gắt Một bữa tiệc bất ngờ Trình diễn trước công chúng Mất việc Ly hôn Căng thẳng thể chất như cơn hen suyễn, tai nạn xe hơi hoặc phẫu thuật lớn.

Một số loại thuốc có thể gây ra hội chứng trái tim tan vỡ (hiếm gặp) do làm gia tăng các kích thích tố căng thẳng, bao gồm:

Epinephrine (EpiPen, EpiPen Jr.), được sử dụng để điều trị các phản ứng dị ứng nặng hoặc cơn suyễn nặng. Duloxetine (cymbalta), một loại thuốc dùng để điều trị các vấn đề về thần kinh ở những người bị tiểu đường hoặc điều trị trầm cảm. Venlafaxine (Effexor XR) điều trị trầm cảm. Levothyroxine (synthroid, levoxyl), một loại thuốc được kê toa cho những người có tuyến giáp không hoạt động đúng cách.

4. Nguy cơ mắc phải

Có nhiều yếu tố nguy cơ mắc hội chứng trái tim tan vỡ như:

Giới tính. Hội chứng này ảnh hưởng đến phụ nữ thường xuyên hơn nam giới. Tuổi. Phần lớn những người bị hội chứng trái tim tan vỡ đều lớn hơn 50 tuổi. Có tiền sử bị bệnh thần kinh. Những người bị rối loạn thần kinh như chấn thương đầu hoặc rối loạn co giật (động kinh) có nguy cơ bị hội chứng trái tim tan vỡ nhiều hơn. Đã hoặc đang có một rối loạn tâm thần. Nếu đã mắc rối loạn như lo âu hoặc trầm cảm, bạn có thể có nguy cơ cao bị hội chứng trái tim tan vỡ.

5. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng trái tim tan vỡ?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị hội chứng trái tim tan vỡ, họ sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm sau đây để chẩn đoán:

Bệnh sử cá nhân và khám sức khỏe. Ngoài việc khám thực thể, bác sĩ cần biết về bệnh sử của bạn, đặc biệt là bạn đã từng có các triệu chứng bệnh tim hay chưa. Những người bị hội chứng trái tim tan vỡ thường không có bất kỳ triệu chứng bệnh tim nào trước khi được chẩn đoán mắc bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cần biết bạn có trải qua bất kỳ căng thẳng lớn gần đây như mất người thân. Điện tâm đồ (ECG). Trong thử nghiệm không xâm lấn này, kỹ thuật viên sẽ đặt điện cực trên ngực bạn để ghi lại các xung điện làm cho tim đập. ECG ghi lại những tín hiệu điện này và có thể giúp bác sĩ phát hiện những bất thường về nhịp tim và cấu trúc tim. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu siêu âm tim để xem tim có bị phình to hay hình dạng bất thường – những dấu hiệu của hội chứng trái tim tan vỡ. Xét nghiệm không xâm lấn này, bao gồm siêu âm ngực, cho thấy hình ảnh chi tiết về cấu trúc và chức năng của tim. Sóng siêu âm được truyền đi và tiếng vang của chúng được ghi lại bằng một thiết bị đầu dò đặt bên ngoài cơ thể. Máy tính sử dụng thông tin từ bộ chuyển đổi để tạo ra hình ảnh chuyển động trên màn hình video. Xét nghiệm máu. Hầu hết những người bị hội chứng trái tim tan vỡ đều có lượng enzyme trong máu tăng lên. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu nhằm kiểm tra các enzyme này để giúp chẩn đoán hội chứng trái tim tan vỡ. X-quang ngực. Bác sĩ có thể chụp X-quang ngực để xem tim có bị phình to hay có hình dạng điển hình của hội chứng trái tim tan vỡ hoặc để xem liệu có bất kỳ vấn đề nào trong phổi có thể gây ra các triệu chứng của bạn hay không. Chụp cộng hưởng từ tim (MRI). Từ trường tạo ra hình ảnh chi tiết giúp bác sĩ đánh giá tim. Chụp mạch vành. Trong chụp động mạch vành, một loại thuốc nhuộm có thể nhìn thấy bằng máy X-quang được tiêm vào các mạch máu trong tim. Sau đó, máy X-quang nhanh chóng chụp một loạt các hình ảnh (mạch đồ) giúp bác sĩ quan sát chi tiết bên trong các mạch máu.

Do hội chứng trái tim tan vỡ thường giống các dấu hiệu và triệu chứng của một cơn đau tim, nên bác sĩ thường nhanh chóng cho chụp mạch vành để loại trừ cơn đau tim. Những người bị hội chứng trái tim tan vỡ thường không bị tắc nghẽn mạch máu, nhưng những người bị đau tim thường có tắc nghẽn nhìn thấy trên chụp mạch.

Một khi chắc chắn bạn không bị đau tim, bác sĩ sẽ kiểm tra dấu hiệu và triệu chứng của bạn có phải do hội chứng trái tim tan vỡ gây ra hay không.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng trái tim tan vỡ?

Không có cách điều trị tiêu chuẩn cho hội chứng trái tim tan vỡ, bệnh được điều trị tương tự như điều trị cơn đau tim cho đến khi có chẩn đoán rõ ràng. Hầu hết mọi người ở lại bệnh viện cho đến khi hồi phục.

Một khi đã chắc chắn hội chứng trái tim tan vỡ là nguyên nhân gây ra các triệu chứng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc tim khi bạn đang ở trong bệnh viện, như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc chẹn beta hoặc thuốc lợi tiểu. Những loại thuốc này giúp giảm lượng công việc cho tim trong thời gian phục hồi và có thể giúp ngăn ngừa các đợt tấn công mới.

Nhiều bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trong vòng một tháng hoặc lâu hơn. Bạn nên tham khảo bác sĩ thời gian bạn cần tiếp tục dùng các loại thuốc này khi đã hồi phục, đa phần có thể dừng thuốc trong vòng 3-6 tháng.

Các thủ thuật thường được sử dụng để điều trị đau tim như nong mạch vành và đặt stent mạch vành hoặc thậm chí phẫu thuật đều không hữu ích trong điều trị hội chứng trái tim tan vỡ. Những thủ thuật này được sử dụng để điều trị các động mạch bị tắc nghẽn, đây không phải là nguyên nhân gây ra hội chứng trái tim tan vỡ. Tuy nhiên, chụp động mạch vành có thể được sử dụng để chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bạn có thể bị hội chứng trái tim tan vỡ nếu đã từng mắc hội chứng này trước đây. Không có trị liệu nào được chứng minh có thể ngăn ngừa các đợt mới. Nhiều bác sĩ khuyên bạn nên điều trị lâu dài bằng thuốc chẹn beta hoặc các loại thuốc tương tự để ngăn chặn các tác dụng gây hại tiềm tàng của các hormone căng thẳng trên tim. Nhận thức và kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống có thể quan trọng trong việc giúp bạn ngăn ngừa hội chứng trái tim tan vỡ, mặc dù hiện nay chưa có bằng chứng chứng minh điều này.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hội chứng trái tim tan vỡ, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:04/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM