Hội chứng đột tử - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hội chứng đột tử là thuật ngữ dùng cho một nhóm các hội chứng tim mạch khiến tim ngưng đập đột ngột và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì? Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị hiệu quả? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Hội chứng đột tử - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

 

Tìm hiểu chung

1. Hội chứng đột tử là gì?

Hội chứng đột tử là một thuật ngữ dùng cho một nhóm các hội chứng tim mạch khiến tim ngưng đập đột ngột và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Một số hội chứng tim mạch có thể do các vấn đề về cấu trúc trong tim gây ra. Một số khác có thể gây ra bởi sự bất thường trong các kênh truyền tín hiệu. Tất cả tình trạng này sẽ khiến tim ngừng đột ngột, cho dù đó là người khỏe mạnh. Một số người có thể tử vong do những hội chứng này.

Thực tế, phần lớn người bệnh không nhận biết được hội chứng đột tử cho đến khi nó xuất hiện. Ngoài ra, hầu hết các trường hợp bệnh đều không được chẩn đoán chính xác. Khi người bệnh tử vong do đột tử, nhân viên y tế sẽ ghi nguyên nhân là do nhồi máu cơ tim hoặc nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn, họ sẽ phát hiện các triệu chứng của hội chứng đột tử.

Một số báo cáo cho thấy, có ít nhất 4% người mắc bệnh không có bất thường về cấu trúc tim mạch. Ngoài ra, việc phát hiện các bất thường trong kênh truyền tín hiệu cũng khó khăn hơn.

Đột tử thường phổ biến ở người trẻ tuổi và trung niên và có tên gọi là hội chứng đột tử ở người trưởng thành.

Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh).

Hội chứng Brugada, một tình trạng đặc biệt trong hội chứng đột tử, có thể khiến người bệnh đột tử trong đêm không giải thích được.

Theo ước tính, cứ 10.000 người sẽ có 5 người mắc hội chứng Brugada. Hội chứng QT kéo dài xảy ra ở 1/7.000 người. Thậm chí, tình trạng QT ngắn còn hiếm gặp hơn. Trong vòng hai thập kỷ qua, chỉ có 70 trường hợp được xác định.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng hội chứng đột tử là gì?

Trước khi tim ngừng đập, người bệnh sẽ có một số dấu hiệu cảnh báo như:

  • Đau ngực, đặc biệt trong khi tập luyện;
  • Mất ý thức ;
  • Khó thở;
  • Chóng mặt ;
  • Tim đập nhanh hoặc cảm giác hồi hộp;
  • Ngất xỉu không rõ nguyên nhân, đặc biệt là trong lúc tập luyện.

Nếu bạn hoặc con có bất kỳ triệu chứng nào trên đây, hãy nhanh chóng đến bệnh viện. Bác sĩ sẽ cho bạn làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra các dấu hiệu này.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây hội chứng đột tử?

Các chuyên gia vẫn chưa rõ nguyên nhân gây đột tử. Các đột biến gene thường có liên quan đến một số bệnh trong hội chứng đột tử. Tuy nhiên, không phải tất cả những người mắc hội chứng này đều có đột biến gene.

Ngoài ra, một số thuốc có thể khiến tim ngừng đập đột ngột và dẫn đến tử vong, chẳng hạn như hội chứng QT kéo dài có thể do dùng các thuốc sau:

  • Thuốc kháng histamine;
  • Thuốc xông mũi;
  • Kháng sinh;
  • Thuốc lợi tiểu ;
  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Thuốc chống loạn thần.

Tương tự, một số người mắc hội chứng đột tử sẽ không có bất kì triệu chứng nào cho đến khi họ dùng các thuốc trên.

4. Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị hội chứng đột tử?

Trước khi tim ngừng đập đột ngột, người bệnh thường trông rất khỏe mạnh. Hội chứng đột tử này không có các triệu chứng dễ nhận thấy nên rất khó để phòng tránh và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, một số yếu tố cũng làm người bệnh tăng nguy cơ bị hội chứng này.

Các nhà khoa học phát hiện một số gene đặc biệt có thể làm tăng nguy cơ khiến bạn mắc một số dạng của hội chứng đột tử. Tuy nhiên, không phải ai mắc hội chứng này đều có loại gene đặc biệt nói trên. Ví dụ, chỉ khoảng 15-30% trường hợp mắc hội chứng Brugada có các gene liên quan đến tình trạng này.

Các yếu tố nguy cơ khác cũng liên quan đến tình trạng tim ngừng đập đột ngột như:

  • Giới tính. Nam giới thường dễ bị hội chứng này hơn;
  • Chủng tộc. Thông thường, người Nhật hoặc các nước Đông Nam Á sẽ có nguy cơ cao hơn mắc hội chứng Brugada

Bên cạnh đó, một số tình trạng sức khỏe cũng làm người bệnh tăng nguy cơ bị hội chứng đột tử như:

  • Rối loạn lưỡng cực. Thuốc lithium dùng để điều trị rối loạn lưỡng cực có thể kích hoạt hội chứng Brugada.
  • Bệnh tim. Bệnh mạch vành là một tình trạng tiềm ẩn phổ biến nhất liên quan đến tim ngừng đập đột ngột.
  • Động kinh. Mỗi năm, cứ 1.000 người bị động kinh lại có 1 trường hợp tử vong đột ngột. Hầu hết các trường hợp tử vong thường xảy ra sau cơn động kinh.
  • Rối loạn nhịp tim. Đây là tình trạng tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, có thể khiến người bệnh ngất xỉu, chóng mặt hoặc thậm chí là tử vong.
  • Cơ tim phì đại. Tình trạng này có thể khiến thành tim dày ra và can thiệp đến hệ xung điện trong cơ thể. Cả hai vấn đề trên có khả năng sẽ gây rối loạn nhịp tim.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng trên đây chỉ là những yếu tố khiến bạn có nguy cơ mắc đột tử cao hơn. Không phải bất cứ ai có các yếu tố trên đều mắc hội chứng này.

Thậm chí, tình trạng tim ngừng đập đột ngột có thể xảy ra ở bất ai, cho dù họ có khỏe mạnh hay không.

5. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hội chứng đột tử?

Bác sĩ chỉ có thể chẩn đoán hội chứng đột tử khi bạn bị ngưng tim đột ngột. Điện tâm đồ sẽ giúp ghi lại xung điện của tim. Dựa vào kết quả đo, bác sĩ sẽ xác định tình trạng mà người bệnh đang có, như hội chứng QT kéo dài, QT ngắn, rối loạn nhịp tim…

Nếu kết quả điện tâm đồ không rõ ràng, bác sĩ có thể yêu cầu thêm siêu âm tim để giúp phát hiện các bất thường về thể chất.

Những phương pháp nào giúp điều trị hội chứng đột tử?

Nếu tim ngưng do đột tử, nhân viên y tế sẽ hồi sức cho người bệnh bằng CPR và máy khử rung tim.

Sau khi hồi sức, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để đặt máy khử rung tim cấy ghép (ICD) nếu nó phù hợp với người bệnh. Thiết bị này có thể gửi các xung điện vào tim nếu nó ngừng đập.

Bạn vẫn có thể bị chóng mặt và bất tỉnh do tim ngừng đập, nhưng thiết bị cấy ghép có thể có thể giúp tim đập trở lại.

Thực tế, vẫn chưa có cách chữa trị cho hầu hết các nguyên nhân gây ra đột tử. Nếu được chẩn đoán mắc một trong những tình trạng sức khỏe được đề cập ở trên, bạn có thể thực hiện các bước để giúp ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng khác xảy ra.

Tuy nhiên, các bác sĩ đang tránh việc sử dụng phương pháp điều trị hội chứng đột tử ở một người chưa có triệu chứng nào.

6. Phòng ngừa

Làm thế nào để phòng ngừa hội chứng đột tử?

Chẩn đoán bệnh sớm là một bước quan trọng trong việc ngăn ngừa đột tử.

Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc hội chứng này, bác sĩ có thể xác định xem bạn có mắc tình trạng sức khỏe nào có thể dẫn đến tử vong bất ngờ hay không. Từ đó, bạn sẽ có các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả, như:

  • Tránh các loại thuốc gây ra các triệu chứng, như thuốc chống trầm cảm và thuốc chẹn kênh natri ;
  • Điều trị nhanh các cơn sốt;
  • Thận trọng khi tập thể dục;
  • Áp dụng các biện pháp tốt cho sức khỏe tim mạch, bao gồm chế độ ăn uống cân bằng;
  • Thường xuyên kiểm tra tim mạch định kỳ

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hội chứng đột tử, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM