Hội chứng phì đại thất trái - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Phì đại thất trái là tình trạng thành cơ tâm thất trái của tim dày lên (phì đại). Phì đại thất trái có thể là do huyết áp cao hoặc tình trạng của tim làm cho tâm thất trái hoạt động nặng hơn. Khi quá tải, các mô cơ trong thành tâm thất trở nên dày hơn bình thường. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Hội chứng phì đại thất trái - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Phì đại thất trái là tình trạng thành cơ tâm thất trái của tim dày lên (phì đại). Phì đại thất trái có thể là do huyết áp cao hoặc tình trạng của tim làm cho tâm thất trái hoạt động nặng hơn. Khi quá tải, các mô cơ trong thành tâm thất trở nên dày hơn bình thường. Cơ tim nở rộng sẽ không đàn hồi và cuối cùng có thể không có đủ lực bơm lượng máu cần thiết cho cơ thể.

Nếu có huyết áp cao không kiểm soát được, bạn rất có thể bị phì đại thất trái. Hơn nữa, tình trạng phì đại thất trái sẽ làm tăng nguy cơ bị đau tim và đột quỵ. Điều trị huyết áp cao có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bạn và có thể điều trị bệnh phì đại thất trái.

2. Triệu chứng thường gặp

Bệnh phì đại thất trái thường phát triển dần dần. Bạn có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của tình trạng này.

Khi phì đại thất trái tiến triển, bạn có thể cảm thấy:

  • Khó thở;
  • Mệt mỏi;
  • Đau ngực, thường sau khi tập thể dục;
  • Nhịp tim đập nhanh, rung hoặc đập mạnh (đánh trống ngực);
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có các triệu chứng sau đây:

  • Bạn cảm thấy đau ngực kéo dài hơn vài phút;
  • Bạn gặp khó khăn khi thở;
  • Bạn choáng váng đầu óc nghiêm trọng, tái phát hoặc mất ý thức;
  • Bạn từng bị hụt hơi nhẹ hoặc các triệu chứng khác, chẳng hạn như đánh trống ngực;
  • Bạn bị cao huyết áp hoặc thừa cân, đang hút thuốc…

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Trong thực tế, tim được cấu tạo từ cơ và sẽ lớn hơn nếu làm việc với tần suất cao và thời gian dài. Một số tình trạng sức khỏe có thể khiến tim bạn làm việc nhiều hơn bình thường, bao gồm:

  • Tăng huyết áp (cao huyết áp);
  • Hẹp động mạch chủ;
  • Bệnh cơ tim phì đại;
  • Tập luyện thể chất. Tập luyện với cường độ và độ bền kéo dài, mạnh có thể làm cho tim thích ứng để xử lý khối lượng công việc thêm.

4. Nguy cơ mắc phải

Bệnh này rất phổ biến và có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh phì đại thất trái?

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh phì đại thất trái như:

  • Tuổi tác. Phì đại thất trái phổ biến ở người cao tuổi;
  • Cân nặng. Thừa cân làm tăng nguy cơ cao huyết áp và phì đại thất trái;
  • Tiền sử gia đình. Một số tình trạng di truyền có liên quan đến sự hình thành phì đại;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Giới tính. Phụ nữ bị cao huyết áp có nguy cơ cao bị phì đại thất trái hơn nam giới với số đo huyết áp tương tự.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh phì đại thất trái?

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc:

  • Xem xét tiền sử sức khỏe, tiền sử gia đình và khám lâm sàng (bao gồm kiểm tra huyết áp và chức năng tim);
  • Điện tâm đồ. Các tín hiệu điện được ghi khi chúng đi qua tim của bạn;
  • Siêu âm tim có thể cho thấy các mô cơ dày ở tâm thất trái, dòng máu chảy qua tim với từng nhịp và các bất thường về tim liên quan đến sự phì đại tâm thất trái;
  • MRI. Những hình ảnh của tim có thể được sử dụng để chẩn đoán phì đại tâm thất trái.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh phì đại thất trái?

Nếu bạn bị phì đại thất trái, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân của tình trạng:

  • Kiểm soát huyết áp. Thay đổi lối sống và thuốc có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp tốt;
  • Phì đại do tập luyện thể thao không cần điều trị. Nếu bạn có tình trạng này, bạn cần ngừng tập thể dục trong 3 đến 6 tháng. Vào thời điểm đó, bạn sẽ siêu âm tim để đo lại chiều dày của cơ tim và xem nó có giảm đi không.

Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn là tình trạng khá hiếm gặp nên bạn cần được bác sĩ chuyên khoa tim theo dõi thường xuyên. Nếu bị bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, bạn có thể cần đến chăm sóc y tế hoặc phẫu thuật. Nếu bạn bị phì đại thất trái, điều quan trọng là phải điều trị đúng cách. Mặc dù tình trạng có thể được kiểm soát tốt, bạn vẫn có nguy cơ bị suy tim. Bạn nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây có thể giúp bạn đối phó với phì đại thất trái:

  • Giảm cân. Phì đại thất trái thường thấy ở người béo phì bất kể huyết áp;
  • Hạn chế muối trong chế độ ăn uống. Quá nhiều muối trong thức ăn có thể làm bạn tăng huyết áp;
  • Hạn chế uống rượu. Rượu cũng có thể làm tăng huyết áp, đặc biệt nếu bạn uống quá nhiều;
  • Tập thể dục đều đặn. Bạn nên hỏi bác sĩ liệu có cần hạn chế các hoạt động thể chất nhất định, chẳng hạn như cử tạ hay không.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến Hội chứng phì đại thất trái, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:16/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM