Hội chứng QT kéo dài - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hội chứng QT kéo dài là một bệnh lý về tim khi hệ thống điện tim trở nên bất thường. Trong hội chứng QT kéo dài, cơ tim cần nhiều thời gian hơn bình thường để nạp điện giữa các nhịp đập. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì? Làm thế nào để điều trị hiệu quả? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Hội chứng QT kéo dài - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Hội chứng QT kéo dài là bệnh gì?

Hội chứng QT kéo dài là một bệnh lý về tim khi hệ thống điện tim trở nên bất thường. Trong hội chứng QT kéo dài, cơ tim cần nhiều thời gian hơn bình thường để nạp điện giữa các nhịp đập. Điều này làm xáo trộn điện ở tim và thường có thể nhìn thấy trên điện tâm đồ (ECG) qua khoảng thời gian kéo dài giữa sóng Q và T. Hội chứng này có thể dẫn đến một số rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và có thể gây tử vong.

Những ai thường mắc phải hội chứng QT kéo dài?

Hội chứng QT kéo dài xuất hiện ở cả trẻ em và thanh niên. Bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi từ 8 đến 20. Theo thống kê hội chứng QT kéo dài có tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 1/5.000 người. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

2. Triệu chứng và dấu hiệu

Những triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng QT kéo dài là gì?

Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài thường liên quan đến chứng rối loạn nhịp tim và bao gồm:

Ngất xỉu không rõ nguyên nhân: triệu chứng này xảy ra bởi tim không bơm đủ máu đến não. Ngất xỉu thường xảy ra trong khoảng thời gian căng thẳng về thể chất hay tình cảm. Đuối nước không rõ nguyên nhân khi bơi: triệu chứng này có thể do ngất xỉu gây ra. Tim ngừng đập đột ngột không rõ nguyên nhân: triệu chứng này có thể khiến bệnh nhân tử vong sau vài phút nếu không được hỗ trợ y tế kịp thời. Đây là triệu chứng đầu tiên ở 1 trên 10 bệnh nhân bị hội chứng QT kéo dài.

Những triệu chứng khác bao gồm:

Đánh trống ngực liên tục (tim đập nhanh); Thở hổn hển khi ngủ do nhịp tim bất thường; Co giật.

Đôi khi hội chứng QT kéo dài không gây ra bất cứ dấu hiệu hay triệu chừng nào. Do đó, bác sĩ thường khuyên gia đình người bệnh bị hội chứng QT kéo dài đi khám cho dù không có triệu chừng gì để phòng ngừa bệnh.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu từng đột nhiên ngất xỉu khi phải gắng sức làm một việc gì đó, có cảm xúc phấn khích hoặc sau khi sử dụng một loại thuốc mới. Bạn cũng nên kiểm tra xem mình có bị hội chứng QT kéo dài không nếu có anh chị em hoặc ba mẹ mắc bệnh.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng QT kéo dài là gì?

Nguyên nhân của hội chứng QT kéo dài có thể do di truyền, gây ra bởi quá trình đột biến gen điều khiển hệ thống điện tim. Ít nhất 12 gen và hàng trăm đột biến gen đã được xác định có liên quan với hội chứng QT kéo dài.

Ngoài ra, hội chứng QT kéo dài còn có thể gây ra bởi một số loại thuốc như quinidine, procainamide, disopyramide, amiodarone và sotalol. Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, một số thuốc điều trị dị ứng nhất định. Thuốc kháng sinh như erythromycin kết hợp với thuốc diệt nấm ketoconazole cũng có thể gây hội chứng này. Những người phát triển hội chứng QT kéo dài do thuốc cũng có thể có một số khiếm khuyết di truyền phức tạp trong tim, làm cho nhịp tim dễ bị chậm lại khi uống một số loại thuốc và dẫn đến hội chứng QT kéo dài.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng QT kéo dài?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc hội chứng QT kéo dài, bao gồm:

Trẻ em, trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi bị ngất, gần chết đuối hoặc tai nạn, co giật không giải thích được hoặc có tiền sử ngưng tim. Người thân trong gia đình của những đối tượng trên. Họ hàng trực hệ của người có hội chứng QT kéo dài. Tác dụng phụ của một số loại thuốc. Những người có nồng độ kali, magie, calci máu thấp hoặc biếng ăn thần kinh.

5. Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng QT kéo dài?

Bệnh nhân có thể không cần liệu pháp điều trị nếu không xuất hiện triệu chứng hoặc không có tiền sử gia đình bị đột tử. Tuy nhiên, cần tránh các môn thể thao nặng, tập thể dục quá mức và các loại thuốc có khả năng gây ra hôi chứng QT kéo dài.

Nếu các triệu chứng rối loạn nhịp tim đã xuất hiên hoặc tiền sử gia đình có người từng đột tử, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng những phương pháp sau:

Thuốc

Bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế beta để khống chế nhịp khi nó bắt đầu đập loạn nhịp. Bác sĩ cũng có thể đề nghị sử dụng thuốc chẹn kênh natri, chẳng hạn như mexiletin để làm giảm hoạt động các kênh ion natri.

Thuốc do bác sĩ chỉ định không thể chữa khỏi được hội chứng QT kéo dài, tuy nhiên bác sỹ sẽ cho dùng một số loại thuốc khống chế nhịp tim bất thường. Thuốc ức chế beta có thể được dùng kéo dài.

Thiết bị y tế

Máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim (ICD) là các thiết bị nhỏ giúp kiểm soát nhịp tim bất thường. Cả hai thiết bị này sẽ sử dụng dòng điện để phục hồi nhịp tim bình thường khi tim bắt đầu hoạt động bất thường. Bệnh nhân sẽ được cấy máy tạo nhịp và máy khử rung tim ở ngực hoặc bụng thông qua một ca tiểu phẫu.

Phẫu thuật

Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do hội chứng QT kéo dài đôi khi có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ các dây thần kinh làm tim đập nhanh hơn khi có sự căng thẳng về thể chất và cảm xúc.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng QT kéo dài?

Hội chứng QT kéo dài có thể được chẩn đoán thông qua:

Điện tâm đồ (EKG): đây là một xét nghiệm đơn giản giúp phát hiện và ghi lại các hoạt động điện của tim. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ thấy được khoảng thời gian kéo dài giữa sóng Q và T và các dấu hiệu khác của hội chứng QT kéo dài. Tuy nhiên, QT có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, bệnh nhân có thể cần theo dõi điện tâm đồ trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Xem xét bệnh sử và khám lâm sàng: bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng và loại thuốc mà bạn đã sử dụng để chẩn đoán và tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Kết quả xét nghiệm di truyền: có thể giúp bác sĩ phát hiện các yếu tố di truyền của hội chứng QT kéo dài.

6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng QT kéo dài?

Hội chứng QT kéo dài có thể được hạn chế nếu bạn áp dụng những thói quen sinh hoạt sau:

Hội chứng này có thể di truyền. Phải báo ngay cho nhân viên y tế về tiền sử gia đình mắc bệnh này và bị đột tử. Tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc những gia đình khác để được hỗ trợ. Bác sỹ chuyên khoa tim mạch, chuyên gia tham vấn di truyền, bác sỹ tâm thần hoặc bác sỹ tâm lý có thể giúp đỡ bạn. Đừng quá gắng sức làm một việc gì đó và luôn chuẩn bị tâm lý để tránh xúc động mạnh. Đây là những yếu tố có thể làm khởi phát triệu chứng rối loạn nhịp tim. Thông báo tình trạng của mình cho những người xung quanh biết để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi bạn xuất hiện triệu chứng. Tìm hiểu triệu chứng của bệnh để có cách đối phó và phòng ngừa.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về hội chứng QT kéo dài sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:13/10/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM