Tiểu luận
Chuyên mục Tiểu luận được eLib chia sẻ sau đây tổng hợp các hướng dẫn chung về tiểu luận, hướng dẫn tiểu luận theo ngành, tiểu luận mẫu và các lưu ý khi làm Tiểu luận. Hy vọng sẽ giúp cho các bạn nắm được những cấu trúc chung của một bài tiểu luận hơn. Mời các bạn cùng tham khảo!Mục lục nội dung
1. Tiểu luận là gì?
Tiểu luận là một bài viết dưới dạng văn bản để nêu lên về một nghiên cứu, một quan điểm hoặc một phát hiện nào đó về một chủ đề mà tác giả đang muốn trình bày. Tiểu luận môn học thường có độ dài khoảng 5-25 trang, tùy vào quy định của trường hoặc của giảng viên trực tiếp giảng dạy môn học của bạn. Tiểu luận tốt nghiệp thì thường sẽ dài hơn, khoảng 30 - 50 trang tùy theo yêu cầu, đây là một dạng của luận văn tốt nghiệp nhưng yêu cầu đơn giản hơn nên gọi là tiểu luận.
2. Các bước thực hiện bài tiểu luận
Nghiên cứu
Sau khi định hình xong hướng đi cho chủ đề nghiên cứu của mình, bạn nên dành thời gian trong thư viện trường để tìm kiếm sách, bài báo và các tài liệu khác để hỗ trợ những lập luận, ý tưởng trong luận văn của mình.
Lập luận và phương pháp trong bài tiểu luận
Với một đề tài lớn và đòi hỏi nhiều sự nghiên cứu và thu thập tài liệu, việc sắp xếp các ý tưởng và lập luận trong bài là điều quan trọng. Những lập luận của bạn cần được sắp xếp để tạo nên sự logic cho người đọc. Các nguồn thông tin cần được sử dụng hợp lý. Bạn cần thông báo mục đích của những tài liệu trong nghiên cứu của mình với giáo viên hướng dẫn ngay từ đầu. Cũng nhớ rằng bạn không chỉ cần có óc phê phán khi xem các tài liệu nghiên cứu có sẵn mà bạn còn cần đưa ra những ý tưởng, lập luận và phương pháp của bản thân. Điều đó sẽ giúp bạn ghi điểm. Và bạn cũng không nên lan man vào nhiều vấn đề hoặc quá tập trung vào một chủ điểm mà không đưa ra cái nhìn tổng quát cho cả chủ đề.
Tài liệu tham khảo và mục lục
Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, nếu bạn sử dụng bất kỳ tài liệu nào trong luận văn của mình, bạn sẽ cần ghi lại nguồn tài liệu đó ở phần cuối bài luận văn. Và để tránh sự nhầm lẫn và thiếu sót trong việc ghi nguồn tài liệu, bạn nên ghi lại tại thời điểm đó luôn nếu bạn sử dụng chúng trong bài. Ghi chú là tất cả những thông tin cần thiết về sách, bài báo và các tài liệu khác bạn sử dụng để viết, và phải ghi đầy đủ những thông tin liên quan đến nguồn đó như: tên tác giả, tên bài viết, nhà xuất bản, ngày xuất bản, trang tham khảo. Việc ghi chú này sẽ giúp bạn rất nhiều nếu lần sau bạn muốn tìm lại những thông tin này và cũng để thể hiện việc tôn trọng bản quyền của những nguồn thông tin đó.
Mục lục thì cần có số trang rõ ràng, các đề mục phân chia hợp lý. Và nhớ có sử dụng công cụ để nếu đọc trên máy tính có thể dễ dàng đi tới đề mục đó.
Trình bày và bố cục
Đối với người chấm điểm, format cũng như sự trình bày bài luận văn đều được đưa ra xem xét. Vì thế bạn nên để ý đến những chuyện như căn lề, chính tả, cách dòng, font, đầu bài, cách trình diễn bảng biểu, đồ thị. Trong suốt quá trình với rất nhiều thông tin, luận văn của bạn có thể chưa thống nhất về format, cỡ chữ có thẻ không đồng đều, chuyển font và căn chỉnh lề khác nhau qua mỗi khổ. Bạn nên để ý đến việc trích đoạn tư những nhà nghiên cứu khác vì nó có cần có những quy tắc riêng trong việc đưa những thông tin này vào bài.
Về phần bố cục và trình bày, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết theo quy định chuẩn của bộ giáo dục bên dưới, bạn có thể xem và thực hiện theo đúng như vậy nếu như trường bạn không có quy định trình bày riêng bắt buộc.
3. Quy định nội dung và cách trình bày của bài tiểu luận
3.1 Nội dung chính của bài tiểu luận
Nội dung chính của của tiểu luận bắt buộc phải có liên quan đến môn học mà bạn học nếu là tiểu luận môn học, còn nếu bạn đang làm tiểu luận tốt nghiệp thì bắt buộc phải liên quan đến ngành học, và các nội dung đó phải góp phần giải đáp, mở rộng hoặc nâng cao kiến thức về một vấn đề bạn nghiên cứu thuộc môn học hoặc ngành học. Tác giả cần phải đưa ra những nghiên cứu riêng, ý kiến riêng của mình về vấn đề khoa học được đề cập tới trong tiểu luận. Không nên dừng lại ở mức độ chỉ tổng hợp các tài liệu và ý kiến có sẵn.
Thông thường một tiểu luận nên có 3 hoặc 4 chương tùy theo quy định của trường, nếu trường không có quy định cụ thể thì bạn có thể làm 4 chương như sau:
Chương 1: Phần mở đầu (bao gồm tính cấp thiết của đề tài, ý nghĩa khoa học và thực tiễn, mục đích/mục tiêu hoặc yêu cầu nghiên cứu). Các bạn nên tìm một số bài tiểu luận mẫu về xem để nắm rõ hơn các khái niệm trên và thực hiện cho đúng.
Chương 2: Cơ sở lý thuyết (nêu lên được lý thuyết chính liên quan đến đề tài. Phần này là chúng ta sử dụng lý thuyết của các nghiên cứu trước đây nên bạn có thể thoải mái copy ở các đề tài khác. Nếu nội dung quá dài có thể đưa vào phần Phụ lục)
Chương 3: Nội dung nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu (ở phần này cần trình bày rõ ràng và chính xác. Nếu có sử dụng code để trình bày hoặc có chương trình demo thì nên trình bày đầy đủ trong phần Phụ lục).
Chương 4: Kết quả, nhận xét, kết luận. Để viết phần kết luận của bài tiểu luận, bạn hãy liệt kê những ý tưởng chủ đạo mà bạn đề cập đến trong bài tiểu luận. Nắm được những ý tưởng chính của bài tiểu luận sẽ giúp bạn biết được chính xác mình cần viết những gì và kết luận như thế nào. Chủ đề của bài luận sẽ được giới thiệu ở đoạn đầu, và phần kết luận của bạn có thể có chủ đề tương tự với phần mở bài tuy nhiên cần phân tích và tổng kết theo một cách khác.
Tài liệu tham khảo
1. Tài liệu tham khảo phải sắp xếp riêng theo từng khối ngôn ngữ (Ví dụ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đức...). Cần phải giữ nguyên bản không được dịch, không được phiên âm các tài liệu nước ngoài này.
2. Thứ tự sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo theo từng ngôn ngữ theo nguyên tắc thứ tự A,B,C của tên tác giả ( tác giả là người nước ngoài xếp thứ tự theo họ, kể cả các tài liệu dịch ra tiếng Việt và xếp ở khối tiếng Việt)
3. Các tài liệu tham khảo khi liệt kê vào danh mục phải ghi đầy đủ các thông tin cần thiết và theo trình tự sau: số thứ tự, họ, tên tác giả, tên tài liệu ( bài báo ), nguồn ( tên tạp chí, tập, số, năm xuất bản, nhà xuất bản, nơi xuất bản...)
Phụ lục (nếu có)
3.2 Quy định về trình bày bài tiểu luận
Đề mục | Cỡ chữ | Định dạng | Canh lề trang |
Tên chương | 14 | In hoa in đậm | Giữa |
Tên tiểu mục mức 1 | 13 | In hoa in đậm | Trái |
Tên tiểu mục mức 2 | 13 | Chữ thường chữ đậm | Trái |
Tên tiểu mục mức 3 | 13 | Chữ thường, nghiêng | Trái |
Nội dung | 13 | Normal | Đều |
Tên khóa học | 13 | Nghiêng | Đều |
Bảng(Table) | 12 | Normal | Trái |
Chú thích bảng | 10 | Nghiêng | Trái, dưới bảng |
Tên bảng | 11 | Đậm | Trái, trên bảng |
Tên hình | 11 | Đậm | Trái, dưới hình |
Tài liệu tham khảo | 11 | Xem mục E | Chú thích bên dưới |
4. Cách viết mở đầu tiểu luận
Lời mở đầu bài tiểu luận được xem một trong những phân có độ khó cao nhất của bài tiểu luận. Sau đây là các bước để hoàn thành lời mở đầu:
Bước 1: Xây dựng lời mở đầu súc tích
- Bắt đầu với ví dụ
- Lôi cuốn người đọc bằng câu đề
- Cung cấp bối cảnh cho lí lẽ của bạn
- Xem lại cấu trúc của bài viết
- Xây dựng luận điểm độc đáo, đáng tranh cãi.
- Thêm câu văn chuyển tiếp vào đoạn văn mở đầu để gói gọn mọi thứ
Bước 2: Chuẩn bị viết lời mở đầu
- Suy nghĩa về ý tưởng chính của chủ đề
- Cân nhắc đến đối tượng độc giả cần nhắm tới
- Suy nghĩ về câu đề
- Lập dàn ý
Bước 3: Xây dựng cấu trúc cho lời mở đầu
- Mở đầu bằng câu đề
- Thêm vào thông tin cơ sở
- Trình bày luận điểm
Bước 4: Tránh xa cạm bẫy phổ biến
- Nếu cần thiết, bạn có thể thay đổi phần mở đầu sau khi hoàn tất bài luận
- Tránh câu văn thừa thãi
- Không “Vơ đũa cả nắm”
- Duy trì sự ngắn gọn và đơn giản
- Tránh trực tiếp thông báo về mục đích của bài viết
Ví dụ 1: Mở đầu bài tiểu luận ngành Kinh tế
Đầu tư phát triển là bộ phận không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế vững mạnh của các quốc gia. Đặc biệt là Việt Nam - quốc gia đang phát triển nền kinh tế vững mạnh của các quốc gia. Đặc biệt là Việt Nam – quốc gia đang phát triển cần rất nhiều vốn để phát triển tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Ví dụ 2: Mở đầu tiểu luận ngành Quản trị
Kinh doanh là lĩnh vực mà ngày nay được rất nhiểu người lựa chọn, nó là một công việc không hề đơn giản đòi hỏi phải có bản lĩnh, sự kiên trì, dám mạo hiểm. Bên cạnh những thành công, những người làm kinh doanh hay còn gọi là doanh nhân cũng đã trải qua bao lần thất bại, nguyên nhân chủ yếu là do họ mắc sai lầm không đáng có khi đưa ra các quyết định kinh doanh.
Ví dụ 3: Mở đầu tiểu luận ngành Triết học
Trước năm 1986, đất nước ta đã gặp rất nhiều khó khăn bởi một nền kinh tế trì trệ, một hệ thống quản lí yếu kém cũng là do một phần không nhận thức đúng và đầy đủ về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Vấn đề này được nhận thức đúng sau đổi mới ở đại hội VI, và quả nhiên đã giành rất nhiều thắng lợi sau khi đã chuyển nền kinh tế từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lí của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
5. Hướng dẫn viết lời kết bài tiểu luận
Kết luận tiểu luận là phần tóm tắt lại vấn đề nghiên cứu một cách cô đọng, súc tích và khái quát nhất những ý chính bạn đã trình bày trong bài tiểu luận.
Để viết được một kết luận tiểu luận hay, đầy đủ thì bạn cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Lên ý tưởng chủ đạo cho phần kết luận tiểu luận
Ý tưởng viết kết luận tiểu luận vô cùng quan trọng bởi lẽ khi nắm được ý tưởng rồi, bạn sẽ biết chính xác mình phải viết kết luận như thế nào. Đồng thời, một ý tưởng hay cho phần kết luận cũng sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người đọc. Vì vậy, nếu vẫn chưa có ý tưởng cho phần kết luận này thì bạn hãy dành nhiều thời gian, tham khảo các tài liệu để phần kết luận được hay và ý nghĩa hơn nhé.
Bước 2: Viết bản sơ thảo cho phần kết luận tiểu luận
Khi viết phần kết luận cho bài tiểu luận, bước đầu tiên mà bạn cần làm là đọc lại thật kỹ bài tiểu luận của mình, nắm bắt mục tiêu và các ý chính được trình bài trong bài rồi từ đó tổng kết, tóm tắt lại thành bản sơ thảo kết luận tiểu luận. Trong quá trình viết kết luận, bạn cũng nên lưu ý viết câu văn sao cho thật mạch lạc, tạo điểm nhấn giúp người đọc nắm bắt được nội dung chính của toàn bài nhé.
Bước 3: Kiểm tra lại bản sơ thảo và bổ sung những thiếu sót
Sau khi đã hoàn thành bản sơ thảo, bạn tiến hành kiểm tra lại xem còn cần bổ sung hay lược bỏ phần nào không nhé. Như vậy là bạn đã hoàn thành phần kết luận cho bài tiểu luận của bạn rồi đấy.
Ví dụ: Đề tài: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức người cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người lãnh tụ vĩ đại, là nhà cách mạng lỗi lạc và hơn hết là vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời Người dành trọn cho cách mạng, cho Đảng, Nhà nước và cho nhân dân. Cho đến khi nhắm mắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một kho tàng di sản tư tưởng vô giá, là tấm gương đạo đức mẫu mực cho cán bộ noi theo. Trong suốt thời gian qua, công tác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ đảng viên đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên nó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Trên đây là bài viết tham khảo về Tiểu luận, hy vọng qua bài viết, bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức cũng như áp dụng chúng vào bài tiểu luận của mình. Chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm
- Cấu trúc trình bày một tiểu luận
- Cách viết bài tiểu luận chi tiết
- Nguyên tắc trình bày tiểu luận
- Cách trình bày tiểu luận tốt nghiệp ngành Luật
- Cách viết kết luận tiểu luận
- Cách viết lời mở đầu tiểu luận
- Cách làm tiểu luận Triết học
- RARMẫu bìa tiểu luận
- Đề tài tiểu luận tốt nghiệp
- Cách viết và yêu cầu của một tiểu luận