Cấu trúc trình bày một tiểu luận
Bài tiểu luận dùng để trình bày quan điểm, ý kiến, một nghiên cứu, phát hiện mới của sinh viên về một chủ đề nào đó một cách ngắn gọn. Để làm tốt tiểu luận, bạn cần phải nắm được các yêu cầu của tiểu luận. Hiểu được điều đó eLib đã tổng hợp và chia sẽ đến các bạn Cấu trúc trình bày một bài tiểu luận thật chi tiết, hãy tham khảo bài viết để nắm cách trình bày nhé!
Mục lục nội dung
Một bài bài tiểu luận thành công không thể thiếu được một cấu trúc bài tiểu luận đầy đủ và logic. Vì vậy, các bạn hoàn thiện bài tiểu luận đang rất đau đầu không biết bắt đầu từ đâu? Nội dung các chương, tiểu mục cần thực hiện những gì? Nhưng các bạn không cần phải lo lắng nữa nhé! Bởi vì hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn một cách cụ thể và chi tiết cấu trúc một bài bài tiểu luận hoàn chỉnh. Để xây dựng cấu trúc bài bài tiểu luận hoàn chỉnh, các phần trong bài tiểu luận được trình bày theo thứ tự như thế nào?
Muốn có một cấu trúc một bài tiểu luận hoàn chỉnh thì các bạn nên sử dụng được hết tất cả các phần bắt buộc và bổ sung. Như vậy, bài làm sẽ rõ ràng, khoa học, gây được thiện cảm với thầy cô vì thế mà điểm số sẽ cao hơn.
1. Cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh
Cấu trúc 1 bài tiểu luận hoàn chỉnh bao gồm 3 phần:
Mở đầu
Định hướng người đọc
Nhận diện trọng tâm/mục đích
Giới hạn phạm vi
Chỉ ra ý chính của toàn bài
Nội dung
Câu chủ đề 1: Thông tin nhằm chứng minh/hỗ trợ; Câu kết luận 1
Câu chủ đề 2: Thông tin nhằm chứng minh/hỗ trợ; Câu kết luận 2
Câu chủ đề n: Thông tin nhằm chứng minh/hỗ trợ…; Câu kết luận n
Kết thúc
Nhắc lại ý chính của toàn bài
Tóm tắt những luận điểm
Mỗi phần, mục giới thiệu, phần nội dung và kết luận, đều có mục đích cụ thể. Điều này cũng có nghĩa là người đọc sẽ tìm kiếm những đặc điểm mong đợi trong mỗi phần đó. Một bài tiểu luận truyền thống không gồm các đề mục. Ngược lại nó sẽ gồm những đoạn văn, và mỗi đoạn sẽ có ý hoặc mục đích lý luận riêng mà tác giả cần phải làm rõ bằng việc sử dụng những câu chủ đề để chỉ rõ quan điểm của mình. Câu chủ đề được đặt ở đầu đoạn văn.
Tuy nhiên, các giảng viên đã trở nên linh hoạt hơn trong những tiêu chí đặt ra cho sinh viên và trong một số trường hợp đã cho phép sinh viên sử dụng các đề mục trong những bài tiểu luận của mình. Các bài tiểu luận kiểu này thường được gọi là ‘’tiểu luận theo dạng báo cáo”. Ngoài 3 phần chính,cấu trúc bài tiểu luận phải có: mục lục và tài liệu tham khảo.
Nếu trong bài tiểu luận bạn có sử dụng chữ viết tắt hay biểu đồ thì cần phải thêm: danh mục các chữ viết tắt, danh mục bảng – hình vẽ và mục lục.
2. Nội dung chi tiết các phần trong cấu trúc bài tiểu luận mà bạn cần phải thực hiện.
2.1 Phần mở đầu của bài tiểu luận các bạn phải thực hiện những nội dung sau
Lý do chọn đề tài hoặc tính cấp thiết của đề tài
Trong phần này bạn phải trả lời được câu hỏi: Tại sao bạn lại chọn đề tài này để nghiên cứu? Đề tài này sẽ đáp ứng được những yêu cầu nào của thực tiễn xã hội đặt ra?
Lịch sử nghiên cứu đề tài
Để thực hiện tốt phần này, bạn cũng phải trả lời được những câu hỏi: Từ trước đến nay đã có những công trình nào, những tác giả nào nghiên cứu những vấn đề liên quan đến để tài này chưa? Các công trình ấy đạt được những thành tựu gì và còn vấn đề gì chưa nghiên cứu? Từ đó khẳng định tính cần thiết và cấp thiết của đề tài.
Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Bạn cần xác định được mục đích nghiên cứu của đề tài và nhiệm vụ của bạn cần làm gì để nghiên cứu đề tài.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu đề tài này là ai? Cái gì?
Phạm vi: phạm vi không gian, phạm vi thời gian.
Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận nào để bạn dựa vào đó thực hiện đề tài?
Khi bạn trình bày phương pháp nghiên cứu cần phải chỉ rõ các phương pháp nghiên cứu chung của các khoa học xã hội nhân văn và phương pháp đặc thù cho một ngành khoa học cụ thể.
Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài
Đóng góp đề tài trong cơ sở lý luận và trong thực tiễn có thể áp dụng được.
Cấu trúc tiểu luận
Bạn cần tóm lược cấu trúc tiểu luận và trình bày thứ tự một cách ngắn gọn.
2.2 Phần nội dung – phần quan trọng nhất của cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh.
Phần nội dung trong cấu trúc bài tiểu luận là nơi mà bạn sẽ phát triển bài viết của mình. Phần này diễn ra trong phạm vi nhiều đoạn văn và mỗi đoạn có sự liên kết trôi chảy với đoạn tiếp theo. Vì vậy:
- Việc sử dụng tốt những câu chủ đề ở đầu các đoạn và
- Cấu trúc đoạn văn chính xác là quan trọng.
Câu đầu tiên của mỗi đoạn, thường được nhắc đến như là câu chủ đề, giới thiệu về đoạn văn bằng cách chỉ ra và tóm tắt những điểm chính trong đoạn văn. Những câu chủ đề thường bao gồm những tín hiệu chuyển đoạn nhằm giúp tạo ra sự chuyển đổi một cách trơn tru từ đoạn văn này sang đoạn kế tiếp. Câu đầu tiên này nên chuyển tải đến người đọc quan điểm mà bạn đang muốn làm rõ và đoạn văn này có liên hệ đến câu hỏi như thế nào. Thực chất, nếu người đọc lướt qua những câu chủ đề, họ nên biết được một phác họa tổng thể về toàn bộ bài luận. Bức phác họa này sẽ cho thấy sự tiến triển logic của những quan điểm mà bạn đang làm rõ. Sự thiếu vắng những câu chủ đề sẽ làm cho người đọc tự hỏi là bạn đang cố gắng diễn đạt điều gì và tại sao lại như vậy, cuối cùng sẽ làm cho người đọc cảm thấy hoang mang.
Việc cắm mốc chỉ đường không chỉ giới hạn đối với những câu chủ đề. Việc cắm mốc trong từng đoạn văn cũng sẽ giúp hỗ trợ người đọc.
Những đoạn văn hiệu quả sẽ có ba tính chất quan trọng:
- Tính thống nhất: khi chúng tập trung vào một ý chính.
- Thể hiện sự phát triển: diễn ra trong các ý tưởng được tỉ mỉ hóa trong một đoạn văn. Sự tỉ mỉ này thường bao gồm những bằng chứng mà bạn phải thu thập từ nghiên cứu của mình để hỗ trợ cho quan điểm mà bạn đang làm rõ trong đoạn văn
- Tính chặt chẽ: khi tất cả các thông tin trong đoạn văn có liên hệ và vươn tới những luận điểm mà bạn đang muốn làm rõ.
Thêm vào đó một câu chủ đề và những câu bổ trợ, minh chứng cho câu chủ đề, hay là tập hợp các câu trong một đoạn văn, thường đi kèm với một câu kết luận. Câu chủ đề giới thiệu về đoạn văn, và câu kết luận tóm tắt nó. Tuy nhiên, câu kết này không quá cần thiết. Điều quan trọng là sự chuyển từ một đoạn văn sang đoạn tiếp theo phải có tính logic và được đánh dấu bằng những tín hiệu chuyển đoạn.
Tùy thuộc vào tính chất và quy mô về nội dung của đề tài mà có thể phân chia thành các phần, chương, mục, tiểu mục. Thông thường một cấu trúc tiểu luận hoàn chỉnh chia làm 3 chương: chương 1 là chương lý thuyết chung, chương 2 là thực trạng và chương 3 là giải pháp.
2.3 Phần kết luận của bài tiểu luận.
Trong phần này, bạn sẽ tổng hợp một cách ngắn gọn, cô động và khái quát nhất những nội dung đã được trình bày ở các chương trước đó.
Phần kết luận là một đoạn quan trọng trong tiểu luận của bạn. Nó thường là một đoạn và nên phản ánh lại những gì mà bạn đã nói là sẽ phân tích trong phần giới thiệu. Kết luận - Tóm tắt những gì bạn đã nói trong tiểu luận - Khẳng định lại ý chính của bạn.
Đừng giới thiệu thêm chủ đề hay ý mới. Hầu hết các sinh viên bắt đầu đoạn kết luận với một tín hiệu chuyển đoạn, chẳng hạn như “Kết luận lại” hay “Nói tóm lại”.
2.4 Tài liệu tham khảo
Các tài liệu tham khảo khi liệt kê vào danh mục phải ghi đầy đủ các thông tin cần thiết và theo trình tự sau: số thứ tự, họ, tên tác giả, tên tài liệu ( bài báo ), nguồn ( tên tạp chí, tập, số, năm xuất bản, nhà xuất bản, nơi xuất bản...).
Ví dụ mẫu cho tài liệu tham khảo sau:
1. Võ Bình – Một vài nhận xét về từ ghép song tiết tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ 2/1971.
2. Nguyễn Đức Dân – Ngữ dụng học. Tập 1, NXB GD, Hà Nội, 1998.
3. Tìm hiểu các dân tộc thiểu số ở Việt nam. Tập 1. Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội 1979.
Bạn đã sẵn sàng thực hiện cấu trúc bài tiểu luận của mình chưa? Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về cách xây dựng cấu trúc của một bài tiểu luận. Mong rằng đây sẽ là cẩm nang hữu ích cho các bạn trong hành trình thực hiện tiểu luận của mình. Chúc các bạn thành công!
Tham khảo thêm
- doc Hướng dẫn cách viết tiểu luận chi tiết từ A đến Z
- doc Nguyên tắc cơ bản trình bày tiểu luận
- doc Hướng dẫn viết kết luận tiểu luận hay
- doc Hướng dẫn viết lời mở đầu tiểu luận
- doc Cách viết và yêu cầu của một tiểu luận tốt nghiệp chuẩn
- doc Kinh nghiệm viết tiểu luận tốt nghiệp