Bệnh tiêu hoá và tụy
Bệnh tiêu hóa là một trong những bệnh lý phổ biến ở nước ta. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó yếu tố khí hậu với đặc trưng của vùng nhiệt đới, nhiệt độ thay đổi thất thường, đồng thời còn từ tập quán, chế độ ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh,... là những tác nhân chính gây nên các bệnh về đường tiêu hóa. Chính vì vậy việc trang bị kiến thức về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị các bệnh về đường tiêu hóa là rất cần thiết. Cùng eLib tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!Mục lục nội dung
1. Đặc điểm của đường tiêu hoá theo lứa tuổi
Bình thường, hệ tiêu hóa được chia thành từng phần bao gồm ống tiêu hóa và những cấu trúc phối hợp với từng chức năng riêng. Ống tiêu hóa gồm miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng, ống hậu môn và hậu môn. Ngoài ra còn có một số cơ quan có liên quan đến sự tiêu hoá của hệ đường ruột như những cấu trúc phối hợp gồm răng, môi, má, lưỡi, tuyến nước bọt, tụy, gan và túi mật. Ở trẻ em, men tiêu hoá chưa được hoàn chỉnh, dạ dày nằm ngang và cao (khoảng 7-11 tuổi thì giống người lớn), gan, chiều dài ruột tương đối lớn so với người trưởng thành… Trong khi đó, ở người cao tuổi có nhiều biến đổi như giảm khối lượng dạ dày, chứa được ít thức ăn, ruột có hiện tượng teo nhỏ, số lượng cũng như hoạt lực của các men tiêu hóa giảm, vị toan tiết ra chỉ bằng 40-50% ở người trẻ tuổi. Nhu động dạ dày và ruột giảm, khả năng hấp thu thức ăn và tiêu hóa các chất cũng bị giảm nhiều hoặc cơ thành bụng và các dây chằng giữa các phủ tạng bị suy yếu.
2. Các bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến
Bệnh lý dạ dày: Số người mắc bệnh dạ dày chiếm từ 5 đến 10% toàn dân số thế giới, ở nước ta con số này là 7%. Một con số đáng nói khác là có đến 70% dân số nước ta mắc và có nguy cơ mắc các bệnh dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Bệnh lý phổ biến là viêm dạ dày mạn tính với 31% – 64% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa. Các biến chứng có thể gặp là loét, chảy máu hoặc thủng dạ dày, hẹp môn vị, sa dạ dày, thậm chí ung thư. Ngoài ra, bệnh rất dễ tái phát gây mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng sống của người bệnh.
Hội chứng ruột kích thích (IBS): Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này là khoảng 15-20%, phổ biến ở những người trong độ tuổi khoảng 40-60. Phụ nữ mắc bệnh IBS cao gấp hai lần so với nam giới. Triệu chứng chính là đau bụng (đau vùng dưới rốn, đi ngoài xong hết đau), táo bón, tiêu chảy... Bệnh gây nhiều phiền muộn lo lắng và bất tiện cho người bệnh, nhất là mỗi lúc đi xa.
Ngộ độc thực phẩm: Theo số liệu của Bộ Y tế thì năm 2016 đã xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4 nghìn người mắc.Ngộ độc thực phẩm chủ yếu xẩy ra cấp tính, dữ dội với biểu hiện đau bụng, nôn, mệt lả, thậm chí truỵ tim mạch do ngộ độc độc tố của vi khuẩn hoặc hoá chất.
Viêm đại tràng cấp và mạn tính: Viêm đại tràng cấp có thể do vi khuẩn hoặc có thể do virus hoặc do ký sinh trùng, đặc biệt là lỵ amíp (bệnh kiết lỵ). Viêm đại tràng mạn tính rất khó chữa trị gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Biến chứng thường gặp nhất là mệt mỏi, chán ăn, ăn không tiêu, liên tục bị rối loạn tiêu hoá (phân lúc lỏng lúc rắn, thậm chí táo bón, đi ngoài có nhày, máu…) dẫn đến cơ thể bị suy kiệt.
Ung thư ống tiêu hóa: Đó là các bệnh lý ung thư dạ dày, đại tràng, thực quản. Theo số liệu tại Hội nghị khoa học về bệnh tiêu hóa toàn quốc lần thứ XIX cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 11.000 đến 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong. Với bệnh ung thư thực quản, con số mắc mới tương đương với lượng người tử vong, lên đến hàng nghìn người.
Viêm gan B, C: Theo ước tính, có khoảng trên 10% dân số Việt Nam nhiễm hai loại virus này. Đây là virus có thể gây nên hiện tượng viêm gan mạn, dẫn đến xơ gan, ung thư gan và trở thành gánh nặng trong các bệnh viện vì bệnh gây tử vong và tiêu hao lớn về chăm sóc y tế, thuốc men.
Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hoá gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và người cao tuổi với nhiều biểu hiện như chán ăn, không muốn ăn, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, phân nát, phân lỏng, thậm chí táo bón hoặc tiêu chảy, đi ngoài ra máu… Hầu hết rối loạn tiêu hoá thuộc dạng nhẹ, nếu được khám bệnh sớm có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu mắc tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả, lỵ… gây ra không được điều trị đúng phác đồ thì sẽ gây biến chứng trụy mạch rất nguy hiểm.
3. Cách phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa
Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh
Như thế nào là một thực đơn ăn uống lành mạnh? Cách để phòng các bệnh về đường tiêu hóa đơn giản nhất chính là: lựa chọn cho mình các loại thực phẩm giúp bổ sung vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng tự nhiên như rau củ quả. Hạn chế các loại thịt đỏ, tránh các loại thức ăn công nghiệp, chứa nhiều hóa chất và đường tinh luyện như: thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm đông lạnh quá lâu, chế biến mất vệ sinh…
Bổ sung thêm chất xơ giúp thức ăn di chuyển dễ dàng, giảm nguy cơ táo bón, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh khác. Bên cạnh đó, các loại rau xanh còn có tính kiềm, duy trì tính kiềm yếu cho đường ruột, loại bỏ máu độc. Tốt nhất cho hệ tiêu hóa và sức khỏe có thể kể đến rau bina, cải xoăn, cải bắp, cà rốt, súp lơ…
Bổ sung thực phẩm giàu kẽm: đây là dưỡng chất cần thiết cho sự tái tạo của tế bào miễn dịch, những loại thực phẩm giàu kẽm giúp giảm tần suất và độ trầm trọng của bệnh tiêu chảy và nhiễm trùng. Kẽm có nhiều trong sò, củ cải, cùi dừa già, đậu Hà Lan, lòng đỏ trứng, khoai lang, đậu phộng…
Ngoài ra, ở thực đơn hàng ngày, bạn cũng có thể bổ sung thêm các loại gia vị như tỏi, mật ong hoặc các loại thức ăn lên men chứa lợi khuẩn như sữa chua… chúng có tác dụng kháng khuẩn, chống lại virus gây bệnh truyền nhiễm, điều hòa chức năng tiêu hóa, cân bằng môi trường axit – kiềm trong đường ruột…
Ăn đúng cách – Cách phòng các bệnh về đường tiêu hóa đơn giản nhất
Ăn như thế nào là đúng cách để giúp phòng các bệnh về đường tiêu hóa?
Nguyên tắc đầu tiên là phải ăn đúng bữa, bữa sáng không nên ăn sau 9h và bữa tối nên ăn trước 21h.
Bên cạnh việc ăn đúng bữa, bạn cũng cần chú ý ăn chậm, nhai kỹ. Khi nhai càng lâu thì nước bọt tiết ra càng nhiều. Nước bọt đóng vai trò hỗ trợ tiêu hóa một phần thức ăn trong miệng và giúp trộn thức ăn ở dạ dày trước khi chuyển vào ruột non một cách trơn tru.
Tập trung khi ăn, nếu không tập trung chú ý vào bữa ăn, bạn rất dễ ăn quá nhiều và quá nhanh, điều này có thể dẫn đến đầy hơi hoặc khó tiêu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhai chậm và thưởng thức bữa ăn có thể làm giảm các triệu chứng ở những người bị viêm loét đại tràng và hội chứng ruột kích thích.
Đừng quên tắt tivi và cất điện thoại cũng như các thiết bị di động khi ăn để có thể tập trung ăn và bảo vệ hệ tiêu hóa, hỗ trợ cho dạ dày làm việc tốt hơn, hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa.
Uống đủ lượng nước cần thiết
Một trong những cách để phòng các bệnh về đường tiêu hóa là cung cấp đủ nước cho cơ thể. Khi cơ thể bị mất nước là một nguyên nhân phổ biến của chứng táo bón. Do đó, các chuyên gia khuyên bạn nên uống từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng này. Trong điều kiện thời tiết nóng bức hoặc người tập luyện thể dục – thể thao thì cần bổ sung một lượng nước nhiều hơn thế.
Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể cung cấp chất lỏng cho cơ thể bằng các loại trà thảo mộc và các loại đồ uống khác không chứa cafein.
Một cách khác để đáp ứng đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể là ăn các loại trái cây và rau quả nhiều nước. Ví dụ như dưa chuột, bí xanh, cần tây, cà chua, dâu, bưởi và đào…
Tăng cường vận động thể chất, chơi thể thao thường xuyên
Tăng cường tập thể dục thể thao và vận động thể chất thường xuyên, phù hợp với sức khỏe sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Giúp thúc đẩy nhu động ruột, hạn chế được nhiều loại bệnh về đường tiêu hóa…
Cụ thể, việc tham gia các môn thể thao hoặc tập luyện thể dục vừa phải như đạp xe và chạy bộ, đi bộ nhẹ nhàng vừa có thể giúp thực phẩm di chuyển qua hệ thống tiêu hóa một cách dễ dàng. đồng thời khiến thời gian vận chuyển đường ruột tăng lên gần 30%. Mặt khác, mỗi ngày đi bộ 30 phút sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng táo bón mãn tính. Ngoài ra, tập thể dục còn có khả năng chống viêm nhờ khả năng làm giảm các hợp chất gây viêm trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa tình trạng viêm ruột.
Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng stress
Giữa ruột và não luôn có mối liên kết phức tạp. Căng thẳng, lo lắng, stress quá nhiều có thể gây hại cho ruột và sinh ra các vấn đề về tiêu hóa. Những tiêu cực ở não cũng sẽ tác động xấu đến ruột. Khi não ở trạng thái quá căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra hormon khiến cho máu và năng lượng chuyển ra khỏi hệ thống tiêu hóa. Stress được cho là có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như loét dạ dày, tiêu chảy, táo bón, và hội chứng ruột kích thích.
Kiểm soát căng thẳng bằng những bài tập yoga hoặc ngồi thiền. Đây là những phương pháp đã được chứng minh vừa giúp thư giãn đầu óc, thoải mái tư duy, vừa có tác dụng cải thiện các triệu chứng ở những người mắc hội chứng ruột kích thích và các bệnh rối loạn tiêu hóa. Do đó, bạn nên thường xuyên giữ tinh thần thoải mái, vô tư, thư giãn… để cơ thể tiết ra hormone có lợi cho hệ tiêu hóa.
Từ bỏ thói quen xấu
Những thói quen xấu như: Uống rượu bia, cà phê, hút thuốc lá những tác nhân gây hại rất lớn cho hệ tiêu hóa.
- Hút thuốc: Thói quen xấu này cũng có liên quan đến loét dạ dày, khiến tình trạng viêm loét đại tràng hay ung thư đường tiêu hóa diễn tiến nặng hơn.
- Uống rượu: Rượu làm tăng axit trong dạ dày dẫn đến chứng ợ nóng, trào ngược hoặc loét dạ dày. Uống quá nhiều rượu còn gây xuất huyết đường tiêu hóa, viêm ruột, và tổn hại đến vi khuẩn đường ruột có lợi.
Trên đây là một số thông tin tổng quan về các bệnh lý đường tiêu hóa, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu. Để có cái nhìn chi tiết và cụ thể hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của từng loại bệnh, các bạn có thể tham khảo mục Các bệnh tiêu hóa và tụy đã được eLib tổng hợp. Chúc các bạn nhiều sức khỏe và xây dựng được lối sống lành mạnh để tránh các bệnh đường tiêu hóa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.