Bệnh cryptosporidium: Triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị
Khí hậu thay đổi bất thường dẫn đến cơ thể bạn dễ mắc phải nhiều căn bệnh lạ mà bạn khôn hề biết, một phần trong đó là thói quen sinh hoạt và ăn uống. Nếu có thói quen uống nước chưa được lọc sạch và bị đau bụng tiêu chảy cấp, rất có thể bạn đã mắc bệnh do Cryptosporidium. Vậy bệnh đó là gì? Cùng eLib tìn hiểu nhé!
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Cryptosporidium là một loại ký sinh trùng đơn bào thuộc ngành Apicomplexa, gây ảnh hưởng đến đường ruột, hệ hô hấp hay cả hệ miễn dịch. Chúng làm suy giảm miễn dịch cá thể, dẫn đến tiêu chảy hoặc ho dai dẳng.
Bệnh do Cryptosporidium (hay còn gọi là nhiễm Cryptosporidium) là một căn bệnh do ký sinh trùng đơn bào cryptosporidium gây ra. Khi ký sinh trùng này xâm nhập vào cơ thể, chúng di chuyển đến ruột non, ký sinh tại thành ruột, cuối cùng theo phân đào thải ra ngoài.
Ở hầu hết những người khỏe mạnh, bệnh do Cryptosporidium dẫn đến tiêu chảy cấp và thường tự khỏi trong vòng 1 hoặc 2 tuần. Nếu hệ thống miễn dịch kém thì bệnh có thể đe dọa đến tính mạng khi không được điều trị.
2. Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên của bệnh do Cryptosporidium thường xuất hiện trong vòng 1 tuần sau khi nhiễm bệnh, có thể bao gồm: Tiêu chảy, mất nước, Chán ăn, Sụt cân, Đau quặn bụng, Sốt, Buồn nôn, Nôn.
Các triệu chứng có thể kéo dài đến hai tuần hoặc biến mất và quay lại trong vòng một tháng ở cả những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Một số trường hợp người bị nhiễm Cryptosporidium mà không có triệu chứng. Ngoài các thể bệnh thông thường điển hình ở ruột, có một số người bệnh biểu hiện triệu chứng bệnh lý ở đường hô hấp.
Nếu tình trạng tiêu chảy không thuyên giảm trong vài ngày, người bệnh cần nhanh chóng đến viện kiểm tra, thăm khám.
3. Nguyên nhân
Bệnh do Cryptosporidium là do ký sinh trùng cryptosporidium đơn bào xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng. Một số chủng cryptosporidium có thể gây bệnh nghiêm trọng hơn.
Những ký sinh trùng này tấn công vào đường ruột và bám trụ lại thành ruột để sinh sôi. Sau đó, chúng di chuyển vào phân để đào thải ra ngoài. Ở giai đoạn này, bệnh rất dễ lây lan nếu tiếp xúc với phân hoặc vật dụng có ký sinh trùng.
Ngoài ra, bệnh có thể lây nhiễm nếu:
-
Uống nước bị nhiễm bẩn có chứa ký sinh trùng Cryptosporidium
-
Bơi trong nước bị nhiễm bẩn có chứa ký sinh trùng Cryptosporidium và vô tình nuốt phải nước này
-
Ăn thực phẩm chưa nấu chín, nhiễm bẩn có chứa Cryptosporidium
-
Chạm tay vào miệng sau khi bàn tay tiếp xúc với bề mặt, vật thể, người hoặc động vật bị nhiễm bẩn
Nếu hệ miễn dịch bị tổn thương, suy giảm miễn dịch (như người mắc HIV/AIDS, ung thư, cấy ghép cơ quan đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc có bệnh di truyền ảnh hưởng đến hệ miễn dịch) thì nguy cơ nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium sẽ cao hơn người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Bệnh do Cryptosporidium ở người nhiễm HIV/AIDS có thể có các triệu chứng nghiêm trọng và trở thành dạng bệnh mạn tính, dai dẳng, khó điều trị. Ký sinh trùng này rất khó để tiêu diệt hoàn toàn vì chúng kháng nhiều chất khử trùng và có thể dễ dàng len qua các bộ lọc nước. Cryptosporidium tồn tại được trong nhiều tháng ở nhiệt độ khác nhau nhưng có thể chết nếu bị đun sôi.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do Cryptosporidium bao gồm:
-
Trẻ em, đặc biệt là những trẻ còn mặc tã và đi nhà trẻ
-
Cha mẹ của trẻ bị nhiễm bệnh
-
Người chăm sóc trẻ em Người chăm sóc động vật
-
Người quan hệ tình dục bằng miệng qua đường hậu môn
-
Du khách quốc tế, đặc biệt là những người đi du lịch đến các nước đang phát triển
-
Người uống các nguồn nước ô nhiễm, chưa được lọc hay nấu chín (thường là người đi bộ đường dài, đi leo núi hay cắm trại)
-
Người đi bơi lội và nuốt phải nước trong hồ bơi hoặc sông hồ ngoài tự nhiên
4. Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh do Cryptosporidium?
Chẩn đoán xác định bệnh do Cryptosporidium dựa vào biểu hiện lâm sàng thường không có giá trị mà phải dựa vào kết quả xét nghiệm. Các xét nghiệm sau đây có thể chẩn đoán bệnh do Cryptosporidium:
Xét nghiệm nhuộm Aumarin huỳnh quang hoặc nhuộm Ziehl-Neelsen cải tiến. Để lấy tế bào phân tích dưới kính hiển vi, bác sĩ có thể lấy mẫu phân hoặc mẫu mô (sinh thiết) từ ruột của người bệnh. Cấy phân. Xét nghiệm phân bằng cách nuôi cấy bệnh phẩm phân tuy không thể phát hiện ra cryptosporidium nhưng có thể giúp loại trừ nguyên nhân do các mầm bệnh vi khuẩn khác. Các xét nghiệm khác. Khi đã chắc chắn tình trạng của người bệnh là do ký sinh trùng cryptosporidium gây ra, bác sĩ có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra biến chứng. Xét nghiệm kiểm tra chức năng gan và túi mật có thể xác định liệu nhiễm trùng có lan rộng hay không.
Những phương pháp điều trị bệnh do Cryptosporidium
Tuy chưa có thuốc đặc trị nhưng hầu hết những người khỏe mạnh mắc bệnh Cryptosporidiosis đều hồi phục trong vòng 2 tuần mà không cần điều trị.
Nếu người bệnh có hệ miễn dịch yếu, mục tiêu điều trị là làm giảm các triệu chứng và cải thiện phản ứng miễn dịch.
Các loại thuốc như nitazoxanide (Alinia) có thể giúp giảm tiêu chảy bằng cách tấn công ký sinh trùng. Azithromycin (Zithromax) được dùng cùng với một trong những loại thuốc này cho người có hệ miễn dịch bị suy giảm. Ngoài ra, các phương pháp khác điều trị triệu chứng bệnh do Cryptosporidiosis bao gồm:
-
Thuốc chống co thắt và làm giảm nhu động ruột. Những loại thuốc này làm chậm sự nhu động ruột và tăng hấp thụ chất lỏng để giảm tiêu chảy. Thuốc bao gồm Loperamid và các dẫn xuất của nó như Imodium A-D.
-
Bù nước. Tiêu chảy kéo dài có thể khiến cơ thể bị mất nước. Khi này cơ thể sẽ cần bù nước bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch các chất điện giải chứa khoáng chất, chẳng hạn như natri, kali và canxi giùp duy trì cân bằng dịch lỏng trong cơ thể.
-
Thuốc kháng virus. Nếu bị nhiễm HIV/AIDS, liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao có thể làm giảm tải lượng virus trong cơ thể và tăng cường đáp ứng miễn dịch. Khôi phục hệ miễn dịch đến một mức độ nhất định có thể giúp người bệnh khỏi các triệu chứng của bệnh do Cryptosporidium.
5. Biến chứng
Các biến chứng của nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium bao gồm:
-
Suy dinh dưỡng do hấp thụ kém chất dinh dưỡng từ đường ruột
-
Mất nước nghiêm trọng
-
Sụt cân nhiều
-
Viêm đường mật trong gan, túi mật và ruột non (ống mật)
-
Viêm túi mật, gan hoặc tuyến tụy
Bệnh do Cryptosporidium không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu người bệnh đã từng thực hiện phẫu thuật cấy ghép hoặc nếu hệ miễn dịch yếu thì rất dễ phát sinh các biến chứng nguy hiểm như trên.
6. Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh do Cryptosporidium?
Bệnh do Cryptosporidium là bệnh truyền nhiễm, vì vậy cần thận trọng để tránh lây lan ký sinh trùng cho người khác. Bệnh vẫn chưa có vắc-xin để ngăn ngừa, vì vậy các biện pháp cần thiết để phòng chống là:
-
Giữ vệ sinh sạch sẽ.
-
Rửa tay ít nhất 20 giây bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh và thay tã cho trẻ, trước và sau khi ăn. Cần lưu ý, nước rửa tay khô chứa cồn không thể tiêu diệt ký sinh trùng Cryptosporidium.
-
Rửa kỹ bằng nước sạch tất cả các loại trái cây và rau quả ăn sống, tránh ăn thực phẩm nghi ngờ có thể nhiễm bẩn. Nếu đang đi du lịch và không rõ nguồn gốc món ăn, hãy tránh các món chưa được nấu chín.
-
Làm sạch nước uống trước khi dùng bằng cách đun sôi (để nước ở nhiệt độ sôi ít nhất một phút) hoặc dùng các hệ thống, thiết bị lọc nước. Tuy nhiên, phương pháp lọc nước có thể không hiệu quả như đun sôi để nguội.
-
Tránh quan hệ tình dục thiếu an toàn như tiếp xúc với hậu môn, phân của đối tác.
-
Không đi bơi nếu nhiễm bệnh trong ít nhất 2 tuần sau khi ngừng tiêu chảy vì ký sinh trùng vẫn có thể tiếp tục truyền nhiễm.
Qua bài viết trên đây mà eLib chia sẻ, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về căn bệnh do Cryptsporidium gây ra nhé.