Quản trị Marketing

Quản trị Marketing là gì? Tiến trình quản trị marketing ra sao? Chiến lược marketing gồm những gì? Làm thế nào để xây dựng kế hoạch marketing phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp?... Chuyên mục Quản trị marketing được eLib chia sẻ sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên và đưa ra những chiến lược hiệu quả giúp cho quá trình quản trị marketing của bạn thành công hơn. Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Quản trị marketing là gì?

Theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (1985), quản trị marketing là quá trình lập và thực hiện kế hoạch, địnhh giá, khuyến mãi và phân phối sản phẩm, dịch vụ và ý tưởng để tạo ra sự trao đổi, thỏa mãn những mục tiêu của khách hàng và tổ chức.

Định nghĩa này thừa nhận quản trị marketing là quá trình phân tích, lập kế hoạch, thực hiện và kiểm tra hoạt động marketing. Nó liên quan đến sản phẩm, dịch vụ và ý tưởng và dựa trên ý niệm về sự trao đổi, mục đích của nó là tạo ra sự thỏa mãn cho các bên tham gia.

Đó là quá trình tìm cách ảnh hưởng đến mức độ và đặc tính của nhu cầu theo hướng giúp cho tổ chức thành đạt các mục tiêu của nó. Nói một các đơn giản, quản trị marketing là quản trị sức cầu (demand).

Các nhu cầu có thể tồn tại ở nhiều trạng thái khác nhau (nhu cầu phủ định, nhu cầu suy thoái…), quản trị marketing phải tìm cách tác động làm biến đổi các trạng thái đó theo cách có lợi nhất cho việc thành đạt các mục tiêu của doanh nghiệp.

Với chức năng chủ yếu đó, quản trị marketing có vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với các hoạt động quản trị nghiệp vụ khác trong doanh nghiệp: quản trị sản xuất, quản trị tài chính và quản trị nhân sự. Trên một ý nghĩa nào đó, quản trị marketing có tác dụng định hướng cho các hoạt động quản trị khác qua việc chỉ rõ nhu cầu của các khách hàng mục tiêu, áp lực của cạnh tranh và sự đề nghị cung ứng một hệ thống sản phẩm và dịch vụ thích hợp. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường ngày càng phong phú và đa dạng, cạnh tranh ngày càng trở nên quan trọng trong nỗ lực duy trì và phát triển doanh nghiệp. Không những thế, tầm quan trọng của quản trị marketing cũng được khẳng định ở các cơ sở phi lợi nhuận như trường học, bệnh viện, hội từ thiện, đoàn thể…

Đặc điểm của Quản trị Marketing:

  • Là quá trình gồm các giai đoạn kế tiếp nhau được tiến hành liên tục
  • Là hoạt động quản trị theo mục tiêu đã đặt ra.
  • Là nhu cầu thị trường và quản trị khách hàng.
  • Bao gồm tất cả các quan hệ của doanh nghiệp với các đối tác và môi trường bên ngoài.
  • Bao gồm một tập hợp các hoạt động chức năng kết nối các chức năng quản trị khác của doanh nghiệp
  • Yêu cầu phải có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có bộ máy tổ chức quản trị marketing hợp lý.

2. Vai trò của quản trị marketing

Quản trị marketing nhằm tạo dựng, bồi đắp và duy trì những trao đổi có lợi cho người mua mà doanh nghiệp hướng đến trong mục tiêu của tổ chức.

  • Quản lý và điều hành các giai đoạn quảng cáo, seo, tiếp thị,... Tạo nên sự thống nhất và hài hòa giữa các giai đoạn để mang tới hiệu quả cao nhất.
  • Ảnh hưởng tới sự phát triển kinh doanh, vai trò đặc biệt trong chiến dịch quảng cáo bán hàng.
  • Tối đa hóa tiêu thụ: tạo ham muốn và kích thích sự tiêu thụ tối đa. Tạo ra sự sản xuất, thuê mướn và tối đa doanh thu.
  • Tạo sự hài lòng cho khách hàng bằng chất lượng và dịch vụ.
  • Tối đa hóa chất lượng cuộc sống dựa vào số lượng, chất lượng, giá và sự sẵn có. Đưa ra các mục tiêu cụ thể hơn về doanh số, đa dạng sản phẩm, tăng thị phần, chất lượng sản phẩm,...Nhiều hơn thế, quản trị marketing chiến lược giá là vô cùng quan trọng.
  • Định hướng hoạt động quản trị dựa vào nhu cầu của khách hàng, áp lực cạnh tranh và sự cung ứng hệ thống sản phẩm, dịch vụ phù hợp.
  • Phân tích các cơ hội, nguy cơ, sức mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp

Chức năng của quản trị marketing hiện nay là:

  • Tìm hiểu và đánh giá nhu cầu mà khách hàng cần được đáp ứng.
  • Tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp. Từ đó đưa ra giải pháp để khắc phục để đạt được mục tiêu đã đề ra.
  • Đưa ra chiến dịch quảng cáo, tiếp thị hiệu quả. Giúp khách hàng biết tới sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông.
  • Đánh giá được đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Việc cuối cùng của quản trị marketing căn bản là đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp và đạt hiệu quả cao.

3. Công việc của người quản trị marketing

Người quản trị trong chức năng marketing thực hiện các hoạt động chủ yếu và ra các quyết định cơ bản sau:

Trong chức năng hoạch định:

  • Lập kế hoạch nghiên cứu marketing.
  • Quyết định lựa chọn thị trường mục tiêu cho doanh nghiệp.
  • Hoạch định chiến lược marketing.
  • Quyết định danh mục sản phẩm.
  • Lập các chương trình phát triển sản phẩm.
  • Xây dựng các chính sách định giá.
  • Lập các chương trình quảng cáo và khuyến mãi.
  • Quyết định về tổ chức kênh phân phối.
  • Kế hoạch huấn luyện và đào tạo nhân viên marketing.

Trong chức năng tổ chức:

  • Tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu marketing.
  • Quyết định về cơ cấu tổ chức của bộ phận marketing (tổ chức theo chức năng hay sản phẩm, theo khu vực địa lý hay cấu trúc ma trận).
  • Phân công trách nhiệm cho mỗi bộ phận hoạt động.
  • Tổ chức mạng lưới các trung gian bán hàng và quyết định về các địa điểm bán.
  • Thiết lập các quan hệ với chính quyền , các cơ quan truyền thông và công chúng.
  • Tuyển dụng, huấn luyện và đào tạo nhân viên marketing.
  • Tổ chức mạng lưới kho và hệ thống vận chuyển.
  • Tổ chức các hội nghị khách hàng, điều hành việc tham gia hội chợ, triển lãm.
  • Quyết định về thay đổi giá, cải tiến sản phẩm, tổ chức hoạt động khuyến mãi.

Trong chức năng lãnh đạo:

  • Thương lượng đàm phán với các lực lượng liên quan (công chúng, các cơ quan truyền thông).
  • Kích thích và động viên nhân viên bán hàng.
  • Kích thích và động viên các trung gian bán hàng.

Trong chức năng kiểm tra:

  • Kiểm tra ngân sách marketing.
  • So sánh chi phí với ngân sách.
  • Đánh giá hiệu quả quảng cáo, khuyến mãi.
  • Kiểm tra sự thay đổi giá và điều chỉnh giá .
  • Kiểm soát hệ thống phân phối, bán hàng.

4. Tiến trình quản trị marketing

Quản trị marketing được thực hiện theo một tiến trình bao gồm:

  • Phân tích cơ hội thị trường
  • Lựa chọn các thị trường mục tiêu
  • Hoạch định chiến lược marketing
  • Triển khai marketing - mix
  • Tổ chức thực hiện và kiểm tra hoạt động marketing

Vì thị trường luôn thay đổi và không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại mà chỉ dựa vào những sản phẩm và thị trường đang có, nên nó phải điều tra ngiên cứu khách hàng, phân tích những biến đổi của môi trường, các xu hướng tiêu dùng, thái độ ứng xử của người mua, qua đó mà phát hiện các cơ hội và vận dụng vào hoạt động marketing của mình.

Doanh nghiệp cần phải đo lường nhu cầu hiện tại, dự báo nhu cầu tương lai của thị trường về sản phẩm để quyết định qui mô kinh doanh và cách thức thâm nhập thị trường. Doanh nghiệp cũng phải phân đoạn thị trường theo những đặc điểm của khách hàng và chọn thị trường mục tiêu đủ sức hấp dẫn về qui mô, cơ cấu và phù hợp với khả năng marketing của doanh nghiệp.

Đối với mỗi thị trường mục tiêu cần xác định vị trí của nhãn hiệu sản phẩm trong tâm trí khách hàng theo những thuộc tính có ưu thế đặc biệt so với đối thủ cạnh tranh. Trên cơ sở đó, hình thành một chiến lược marketing với những mục tiêu và marketing - mix phù hợp, ngân sách tương ứng.

Cuối cùng doanh nghiệp cần phải tổ chức thực hiện và kiểm tra hoạt động marketing bằng cách xây dựng các chính sách hỗ trợ, triển khai các chương trình hành động cụ thể, các tiêu chuẩn kiểm tra và tiến hành những điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo thành đạt các mục tiêu marketing.

Quản trị marketing là một “mắt xích” không thể thiếu trong các hoạt động của doanh nghiệp, bên cạnh các bộ phận quản trị sản xuất, quản trị tài chính và quản trị nhân sự,… Hiểu được điều đó, eLib cho ra đời chuyên mục Quản trị marketing với những tư liệu hữu ích nhằm hỗ trợ bạn trong quá trình quản trị marketing cho doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Mời các bạn cùng tham khảo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM