Bệnh nước và điện giải

Chất điện giải là gọi chung cho những chất có bản chất ion trong máu, mô và hiện diện trên khắp cơ thể. Rối loạn điện giải bao gồm các trường hợp tăng hay giảm bất thường của các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Rối loạn điện giải nói chung hay sự mất cân bằng các khoáng chất nêu trên có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt và co giật. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm thông tin về các bệnh lý rối loạn điện giải, mời các bạn tham khảo!

1. Các chất điện giải là gì? 

Các chất điện giải là những chất có thể hòa tan trong dịch cơ thể, tạo ra các ion mang điện tích âm và dương. Các khoáng chất này có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể vì chúng giúp thực hiện các chức năng thần kinh, cơ bắp, giúp giữ cân bằng lượng dịch trong cơ thể, huyết áp và pH máu.

Rối loạn điện giải thường gặp ở những người có chế độ ăn uống mất cân bằng (ăn quá nhạt, ăn quá mặn, lạm dụng các loại nước giải khát, nước tăng lực,...) và ở những người đang trong tình trạng đau ốm hay mắc các bệnh lý toàn thân. Trong đó, có thể kể đến sự rối loạn hai khoáng chất quan trọng nhất trong nhóm các chất điện giải là Natri và Kali.

2. Các vấn đề thường gặp trong rối loạn điện giải

2.1 Rối loạn Natri

Na là một nguyên tố quan trọng trong cơ thể giúp duy trì thể tích huyết tương, cân bằng lượng acid – base, truyền xung động thần kinh và chức năng của tế bào bình thường của cơ thể. Natri có nhiều trong muối ăn. Na trong tế bào luôn được đổi mới do sự trao đổi Natri giữa trong và ngoài tế bào. Việc cân bằng Natri trong khẩu phần ăn là điều cực kỳ quan trọng để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Nồng độ Natri trong máu bình thường là 135-145 mmol/l.

Tăng nồng độ Natri trong máu

Tăng natri trong máu là tình trạng có nồng độ ion natri cao trong máu. Triệu chứng ban đầu có thể bao gồm cảm giác khát, yếu, buồn nôn và ăn mất ngon. Triệu chứng trở lên nghiêm trọng hơn khi có những biểu hiện như cơ co giật, chảy máu trong hoặc xung quanh não.

Giảm nồng độ Natri máu

Giảm nồng độ Natri máu cũng là một trong những triệu chứng phổ biến ở những trường hợp rối loạn điện giải, có thể kể đến những nguyên nhân như sau:

  • Mất muối nhiều qua đường tiêu hóa, nước tiểu, mồ hôi (nôn, tiêu chảy, say nắng, ra mồ hôi nhiều,...).
  • Thiểu năng vỏ thượng thận.
  • Tổn thương ống thận nặng, suy thận
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu cũng dễ dẫn đến giảm nồng độ Natri máu.
  • Hội chứng SIADH (tiết hormone ADH quá nhiều gây giữ nước làm giảm nồng độ Na máu).

Triệu chứng lâm sàng của việc giảm nồng độ Natri máu là: Khát, Phù, Ngất, hoa mắt, Khô niêm mạc, Nhịp tim nhanh, giảm huyết áp trong tư thế đứng.

Ngoài ra, giảm nồng độ Natri máu gây ra những hậu quả sau:

  • Gây nhược trương dịch gian bào, lượng nước trong tế bào sẽ tăng lên đáng kể, giảm khối lượng máu
  • Giảm huyết áp có thể gây ra truỵ tim mạch, làm thiểu niệu gây suy thận, nặng hơn có thể phù não...

2.2 Rối loạn Kali

Kali trong cơ thể đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là với hệ tim mạch, nồng độ Kali có sự liên quan mật thiết đến tính hưng phấn của cơ tim, sự dẫn truyền, nhịp tim.

Kali có nồng độ bình thường trong máu là 3,5 – 5 mmol/l.

Trong cơ thể, Kali giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải, giúp duy trì hoạt động bình thường, cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu. Ngoài ra, Kali cũng giúp ích cho cơ thể sản xuất ra protein từ các amino acid và biến đổi glucose thành Glucogen - một nguồn năng lượng chính cho mọi hoạt động của cơ thể. Kali có nhiều trong các thực phẩm như chuối, khoai lang, củ cải, ....

Tuy nhiên, cũng như Na, việc tăng hay giảm Kali máu bất thường đều có những ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan trong cơ thể.

Tăng Kali máu

Tăng Kali máu là một rối loạn điện giải thường gặp, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Tăng Kali máu khi nồng độ Kali > 5 mmol/L. Nồng độ Kali huyết thanh bình thường là 3,5 - 5 mmol/L, ngược lại nồng độ Kali bên trong tế bào khoảng 150 mmol/L. Các rối loạn nồng độ Kali trong máu thường là hậu quả của sự dịch chuyển Kali qua tế bào và không phản ánh chính xác tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa của tổng lượng Kali trong cơ thể.

Các nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân tăng Kali máu là:

  • Suy thận
  • Sốc phản vệ, chấn thương nặng, bỏng nặng, tiêu cơ vân,...
  • Nhiễm toan
  • Tan máu
  • Suy vỏ thượng thận

Hạ Kali máu

Hạ Kali máu có thể là hậu quả của sự dịch chuyển ion K+ vào trong tế bào, mất K+ bất thường qua thận, mất kali ngoài thận. Ngoài ra, còn có thể gặp triệu chứng này qua những người hay nhịn ăn, hấp thu kém và bệnh nhân điều trị bằng cortisol, thuốc lợi tiểu kéo dài.

Hạ Kali máu sẽ dẫn đến những triệu chứng như yếu cơ, nhược cơ, tay chân run rẩy, giảm phản xạ, tiểu tiện nhiều lần vào ban đêm. Trong trường hợp nặng hơn, có thể gây loạn nhịp tim nếu nồng độ Kali trong máu thấp hơn 2 mmol/l.

Một số triệu chứng lâm sàng dễ nhận biết của người bị hạ Kali máu:

  • Mệt mỏi, liệt mềm.
  • Chướng bụng, tiêu chảy.
  • Ảnh hưởng đến chức năng tim: nhịp tim chậm, ngừng tim...
  • Các dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác: thận...

2.3 Rối loạn Magie

Magie là một khoáng chất quan trọng điều chỉnh nhiều chức năng quan trọng, chẳng hạn như co cơ, điều chỉnh nhịp tim và chức năng thần kinh. Tình trạng rối loạn điện giải do tăng magie chủ yếu ảnh hưởng đến những người mắc bệnh Addison và bệnh thận giai đoạn cuối.

Một số nguyên nhân phổ biến gây giảm magie bao gồm:

  • Suy tim
  • Suy dinh dưỡng
  • Tiêu chảy mãn tính
  • Cơ thể kém hấp thu
  • Đổ quá nhiều mồ hôi
  • Rối loạn sử dụng rượu
  • Dùng một số loại thuốc, bao gồm một số thuốc lợi tiểu và kháng sinh

2.4 Rối loạn Photphat

Photphat là chất cần thiết cho nhiều chức năng trong cơ thể và tương tác chặt chẽ với canxi. Thận, xương và ruột có tác dụng cân bằng lượng photphat trong cơ thể.

Tình trạng rối loạn điện giải do tăng photphat trong máu có thể xảy ra do:

  • Khó thở nặng
  • Mức canxi thấp
  • Bệnh thận mãn tính
  • Hội chứng ly giải khối u
  • Tuyến cận giáp kém hoạt động
  • Chấn thương cơ nghiêm trọng
  • Sử dụng quá nhiều thuốc nhuận tràng chứa photphat

Nồng độ photphat thấp hoặc suy giảm trong máu có thể do:

  • Nhịn đói
  • Vết bỏng nặng
  • Thiếu vitamin D
  • Lạm dụng rượu cấp tính
  • Tuyến cận giáp hoạt động quá mức
  • Do một số loại thuốc, chẳng hạn như điều trị bằng sắt tiêm tĩnh mạch (IV), niacin và một số thuốc kháng axit

3. Một số phương pháp chẩn đoán và điều trị 

3.1 Phương pháp chẩn đoán rối loạn điện giải

Để có thể chẩn đoán rối loạn điện giải, bạn có thể thực hiện xét nghiệm máu đơn giản để đo mức độ chất điện giải trong cơ thể. Đồng thời xem xét chức năng thận của bạn. Bác sĩ có thể sẽ thực hiện kiểm tra thể chất hoặc yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác nhận chẩn đoán nếu nghi ngờ bạn bị rối loạn điện giải. Các xét nghiệm bổ sung này sẽ thay đổi tùy thuộc vào điều kiện cơ thể.

Ví dụ, tăng natri máu có thể gây mất độ đàn hồi của da do mất nước. Bác sĩ có thể thực hiện các bài kiểm tra liên quan đến các tác động này để xác định xem mất nước có gây ảnh hưởng hay không.

Bác sĩ cũng có thể kiểm tra khả năng phản xạ, vì cả mức độ tăng và giảm của một số chất điện giải có thể ảnh hưởng đến mức độ phản xạ của cơ thể. Bên cạnh đó, xét nghiệm điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) cũng có thể mang lại lợi ích để kiểm tra tình trạng nhịp tim không đều liên quan đến các vấn đề về điện giải.

3.2 Phương pháp điều trị rối loạn điện giải

Việc điều trị sẽ thay đổi khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn điện giải và mức độ nặng của bệnh. Hầu hết các phương pháp điều trị được sử dụng để khôi phục sự cân bằng của các khoáng chất trong cơ thể, bao gồm:

Truyền dịch tĩnh mạch

Truyền truyền tĩnh mạch (IV), điển hình là natri clorua, có thể giúp bù nước cho cơ thể. Điều trị này thường được sử dụng trong trường hợp mất nước do nôn mửa hoặc tiêu chảy. Bổ sung chất điện giải có thể được thêm vào chất lỏng IV để điều chỉnh sự thiếu hụt.

Một số loại thuốc IV có thể giúp cơ thể bạn khôi phục cân bằng điện giải một cách nhanh chóng. Đồng thời cũng có thể bảo vệ bạn khỏi các tác động tiêu cực trong khi bạn đang được điều trị bằng phương pháp khác. Các loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm canxi gluconate, magie clorua và kali clorua.

Thực phẩm bổ sung

Thuốc uống và chất bổ sung thường được sử dụng để điều chỉnh các tình trạng rối loạn khoáng chất mãn tính trong cơ thể. Điều này thường phổ biến hơn trong trường hợp đang mắc bệnh thận.

Tùy thuộc vào tình trạng rối loạn điện giải, bạn có thể được chỉ định dùng một số chất bổ sung như:

  • Magie oxit
  • Kali clorua
  • Canxi (gluconate, carbonate, citrate hoặc lactate)
  • Chất kết dính phốt phát, bao gồm sevelamer hydrochloride, lanthanum và các phương pháp điều trị canxi như canxi cacbonat

Những loại thuốc này có thể giúp thay thế các chất điện giải đã bị suy giảm ngắn hạn hoặc dài hạn, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản của chứng rối loạn. Sau khi điều chỉnh sự mất cân bằng điện giải, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân cơ bản của bệnh.

Chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo là một phương pháp lọc máu sử dụng máy để loại bỏ chất thải từ máu.

Chạy thận nhân tạo có thể được sử dụng khi tổn thương thận đột ngột gây ra rối loạn điện giải và các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Bác sĩ cũng có thể quyết định điều trị chạy thận nhân tạo nếu vấn đề rối loạn điện giải trở nên nguy hiểm đến tính mạng.

Trên đây là một số thông tin về rối loạn điện giải, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Để có cái nhìn cụ thể và chi tiết hơn, các bạn có thể tham khảo mục Bệnh nước và điện giải do eLib tổng hợp. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM