Hội chứng phù thũng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Phù thũng là thuật ngữ mô tả tình trạng nước, dịch trong cơ thể không thoát ra ngoài được mà tích tụ bên trong các mô của cơ thể gây sưng. Tình trạng này có thể là hậu quả của việc sử dụng một số thuốc, mang thai hay liên quan đến một căn bệnh nào đó (như suy tim sung huyết, bệnh thận hoặc xơ gan). Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Hội chứng phù thũng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Phù thũng là thuật ngữ chỉ tình trạng nước, dịch trong cơ thể không thoát ra ngoài được mà tích tụ bên trong các mô của cơ thể. Mặc dù phù có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào nhưng thường thấy nhất là ở các vị trí sau:

Phần chân dưới hoặc bàn tay (còn gọi là phù ngoại biên) Bụng (còn được gọi là cổ trướng) Ngực (được gọi là phù phổi nếu dịch tích tụ bên trong phổi hay tràn dịch màng phổi nếu dịch ứ đọng ở không gian xung quanh phổi)

Tình trạng này có thể là hậu quả của việc sử dụng một số thuốc, mang thai hay liên quan đến một căn bệnh nào đó (như suy tim sung huyết, bệnh thận hoặc xơ gan).

2. Triệu chứng

Dấu hiệu của phù thũng gồm:

  • Sưng, phồng to các mô ngay dưới da, đặc biệt ở chân hay cánh tay;
  • Da bị kéo căng ra, trông sáng bóng;
  • Khi ấn vào vùng da bị phù tạo thành một vết lõm tạm thời trong vài giây;
  • Phù nặng hơn ở phần chân dưới sau khi đi bộ, đứng hay ngồi trong thời gian dài hoặc vào cuối ngày;
  • Kích thước bụng tăng lên (đối với trường hợp cổ trướng);
  • Khó thở (khi bị phù ở ngực).

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn thấy có vùng da bị sưng, căng, bóng láng hoặc sau khi dùng ngón tay ấn vào tạo thành vết lõm tạm thời, hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể.

Khi có triệu chứng sau đây, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất:

  • Hụt hơi;
  • Khó thở;
  • Đau ngực.

Đó có thể là những dấu hiệu của phù phổi và cần được điều trị kịp thời.

Trường hợp sau khi ngồi một thời gian dài và cảm thấy đau, sưng ở chân không thuyên giảm, hãy thông báo ngay với bác sĩ. Tình trạng này kéo dài có thể liên quan đến huyết khối tĩnh mạch sâu.

3. Nguyên nhân

Phù xảy ra khi các mạch máu nhỏ (mao mạch) trong cơ thể bị rò rỉ dịch ra ngoài. Từ đó, dịch tích tụ trong các mô xung quanh, dẫn đến sưng phù.

Các trường hợp phù nề nhẹ có thể là do:

  • Ngồi hoặc ở một tư thế quá lâu;
  • Ăn quá mặn;
  • Có dấu hiệu và triệu chứng tiền kinh nguyệt;
  • Có thai.

Phù thũng cũng có khi xảy ra do tác dụng phụ của một số thuốc, chẳng hạn như:

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp;
  • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid Corticosteroid Estrogen;
  • Một số thuốc dùng điều trị đái tháo đường thuộc nhóm thiazolidinedione.

Tuy nhiên, có những trường hợp phù là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng, ví dụ:

Suy tim sung huyết. Nếu bạn mắc phải căn bệnh này, một hoặc cả hai tâm thất (buồng dưới tim) mất khả năng bơm máu hiệu quả. Do đó, máu chảy ngược lại về chân, mắt cá chân và bàn chân gây ra phù. Suy tim cũng có thể gây phù ở bụng hoặc khiến dịch tích tụ trong phổi gây phù phổi, khó thở.

Xơ gan. Dịch bị tích tụ trong khoang bụng (cổ trướng) và ở chân có khả năng là do gan bị tổn thương (xơ gan).

Bệnh thận. Khi mắc bệnh thận, dịch dư thừa và natri tích tụ trong hệ tuần hoàn, gây sưng phù. Phù thũng ở người bệnh thận thường xảy ra ở chân và quanh mắt.

Thận hư. Các tổn thương ở mạch máu nhỏ trong đơn vị lọc cầu thận có thể dẫn đến hội chứng thận hư. Khi đó, nồng độ albumin máu giảm sẽ khiến dịch bị tích tụ và gây phù nề.

Tĩnh mạch ở chân bị tổn thương hoặc suy yếu. Nếu bạn bị suy tĩnh mạch mạn tính, các van một chiều bên trong mạch bị suy yếu hoặc tổn thương khiến cho máu có thể chảy ngược lại và ứ đọng bên trong tĩnh mạch gây sưng. Tình trạng sưng ở một chân xảy ra đột ngột kèm theo đau ở bắp chân có khả năng là do một cục máu đông gây ra (huyết khối tĩnh mạch sâu). Trường hợp đó, bạn cần phải đến bệnh viện để được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Hệ bạch huyết không đáp ứng tốt. Hệ bạch huyết trong cơ thể có vai trò loại bỏ dịch dư thừa từ các mô. Nếu hệ thống này bị tổn thương (chẳng hạn như do phẫu thuật ung thư) thì các hạch bạch huyết và mạch bạch huyết giúp dẫn lưu dịch không còn hoạt động tốt. Kết quả là gây ra phù nề.

Thiếu protein nặng, kéo dài. Chế độ ăn uống thiếu hụt protein trong thời gian dài có khả năng gây ra sự tích tụ dịch lỏng trong cơ thể và phù nề.

Các yếu tố nguy cơ gây phù thũng

Nếu bạn đang mang thai, cơ thể sẽ giữ muối và nước nhiều hơn bình thường do chúng cần thiết cho thai nhi và nhau thai. Điều này làm tăng nguy cơ bị phù nề ở đối tượng này.

Khả năng bị phù cũng tăng lên nếu bạn dùng một số thuốc như:

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp;
  • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid Corticosteroid Estrogen;
  • Các thuốc thiazolidinedione

Các yếu tố khác góp phần làm tăng nguy cơ gặp phải tình tạng phù thũng gồm:

  • Mắc bệnh mạn tính như suy tim, bệnh gan, thận;
  • Phẫu thuật gây tắc nghẽn hạch bạch huyết (thường gây sưng phù ở một bên cơ thể)

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán phù thũng?

Trước hết, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và hỏi những câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh để đoán xem nguyên nhân cơ bản gây ra phù là gì. Những thông tin này thường đủ giúp bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân.

Tuy nhiên, một số trường hợp, bạn cần phải thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như chụp X-quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu.

Những phương pháp điều trị phù thũng

Những trường hợp phù nhẹ có thể sẽ tự hết với một số biện pháp hỗ trợ tại nhà như nâng khu vực bị sưng phù lên cao hơn so với tim, cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống.

Nếu phù nặng hơn, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc để giúp cơ thể bài tiết dịch dư thừa ra ngoài qua đường tiểu như thuốc lợi tiểu. Một trong những thuốc lợi tiểu được dùng phổ biến là furosemide. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cần đánh giá về tiền sử bệnh trước khi kê đơn để tìm xem loại thuốc nào có hiệu quả và an toàn.

Để quản lý tình trạng này lâu dài, bác sĩ thường tập trung vào điều trị nguyên nhân cơ bản gây sưng, phù. Nếu phù xảy ra do thuốc, họ sẽ điều chỉnh lại đơn thuốc hoặc dùng những thuốc thay thế khác mà không có tác dụng phụ gây giữ nước.

5. Biến chứng

Nếu không được điều trị, phù thũng có thể khiến:

  • Tình trạng sưng, đau ngày càng nghiêm trọng;
  • Đi lại khó khăn;
  • Căng cứng khu vực bị phù ;
  • Căng da, có thể cảm thấy ngứa và khó chịu;
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng ở vùng phù nề;
  • Hình thành sẹo giữa các lớp mô;
  • Giảm lưu thông máu;
  • Giảm tính đàn hồi của động mạch, tĩnh mạch, các khớp và cơ;
  • Tăng nguy cơ bị loét da.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Phù thũng, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM