Bệnh da và phần phụ
Bệnh ngoài da là loại bệnh rất phổ biến ở nước có điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở nước ta và ở bất kì độ tuổi nào. Tuy bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt da gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh gây mất tự tin trong giao tiếp và khó khăn trong việc sinh hoạt hằng ngày. Vậy bệnh ngoài da là gì, những bệnh nào phổ biến nhất hiện nay và cách phòng chống bệnh này như thế nào? Mời các bạn cùng eLib tham khảo nhé.Mục lục nội dung
1. Bệnh ngoài da là gì?
Bệnh ngoài da hay còn gọi là bệnh da liễu là những bệnh gây ra do môi trường sống bị ô nhiễm và chế độ ăn uống không hợp lý làm ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt da của người bệnh.
Biểu hiện thường gặp của bệnh ngoài da đó là da bị nhiễm khuẩn, mẩn đỏ, nổi ngứa, dị ứng… khiến người bệnh ngứa ngáy, đau rát rất khó chịu. Vì bệnh có những biểu hiện ngay trên làn da nên gây rất nhiều bất tiện cho người bệnh trong cuộc sống hằng ngày.
Bệnh ngoài da có rất nhiều loại khác nhau, có những bệnh kéo dài rất lâu và cũng có những bệnh chỉ là tạm thời, xuất hiện trong vài ngày là khỏi. Tùy vào từng bệnh mà mức độ nặng nhẹ là khác nhau. Một số bệnh gặp nhiều ở trẻ em, nhưng cũng có những bệnh chỉ thường xuất hiện ở người lớn tuổi.
2. Một số bệnh ngoài da thường gặp
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm hay eczema, đây là một bệnh da liễu thường gặp nhất ở cả người lớn và trẻ em. Viêm da cơ địa không lây, không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu người bệnh gãi nhiều dẫn đến lở loét thì có thể gây nhiễm trùng da.
Bệnh thường xuất hiện vào những mùa có thời tiết nắng nóng kéo dài khiến độ ẩm và nhiệt độ của cơ thể không ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm da cơ địa xuất hiện. Bệnh này thường phát triển theo từng đợt và ảnh hưởng đến tất cả các vùng da trên cơ thể tùy vào mức độ nặng nhẹ của mỗi người.
Bệnh vảy nến
Vẩy nến là bệnh về da mãn tính thường xuất hiện và sau đó tự hết. Bệnh khiến cho da bị tổn thương, ngứa ngáy và dẫn đến nhiễm trùng. Bệnh này chiếm 10% trong tổng số các bệnh về da hay gặp, bệnh xuất hiện nhiều nhất trong độ tuổi 15 – 30 tuổi và tỉ lệ nam giới mắc bệnh vảy nến nhiều hơn nữ giới.
Bệnh vảy nến thường có những triệu chứng như các mảng đỏ trên da đóng vảy trắng đục, tuy nhiên khi ấn đè vào thì màu đỏ lại biến mất. Khi gãi, vảy có thể sẽ rơi ra và trắng đục như sáp đèn cầy. Vảy nến thường xuất hiện nhiều ở da đầu, mặt, cùi chỏ, bàn tay, đầu gối, bàn chân, ngực, phần lưng dưới,.. Móng tay và móng chân là những nơi thường bị tổn thương. Nguyên nhân gây ra bệnh thường do miễn dịch và các xáo trộn về sinh hoá, chấn thương tâm lý.
Bệnh viêm da tiếp xúc
Là căn bệnh thường gặp nhất đối với những người có làn da nhạy cảm. Khi da tiếp xúc với mỹ phẩm, các hóa chất, thuốc trừ sâu thì vùng da tiếp xúc với những chất đó sẽ bị dị ứng dẫn đến sưng đỏ, nổi mụn hoặc phát ban. Những người làm việc trong môi trường thường tiếp xúc với nhiều hóa chất như thợ làm tóc, thợ cơ khí, người làm vườn hay những đầu bếp,… có nguy cơ mắc căn bệnh này rất cao.
Rôm sảy
Rôm sảy là một trong những bệnh rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vào thời tiết nóng. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở người lớn những tỉ lệ ít hơn. Bệnh này xuất hiện nhiều ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán,... Rôm sảy thường nổi thành đám, mảng lớn.
Rôm sảy thường xảy ra nhiều nhất vào mùa hè, mùa nắng nóng vì thời tiết quá nóng sẽ làm cho mồ hôi ra quá nhiều dẫn đến tắc nghẽn tuyến mồ hôi, khiến mồ hôi không thoát ra được, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và bụi bẩn phát triển gây tình trạng viêm, nổi mụn đỏ.
Viêm nang lông
Viêm nang lông là một trong những bệnh ngoài da thường gặp nhất, bệnh xuất hiện là lỗ chân lông bị tắc nghẽn nên vi khuẩn phát triển gây nên viêm nang lông. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và thường xuất hiện nhiều ở các bộ phận như cánh tay, chân, lưng, mông và sau đó sẽ lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể.
Bệnh này không nguy hiểm, nhưng thường khiến người bệnh khó chịu, ngứa và không tự. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây rụng lông và để lại sẹo.
Bệnh bạch biến
Bạch biến là căn bệnh xuất hiện do làn da bị mất sắc tố melanin nên vùng da đó chuyển sang màu trắng hoặc màu đốm nâu xen kẽ lẫn nhau. Bệnh thường xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể như là trên cổ, lưng, mặt,... Đây là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh lành tính, không lây, nhưng rất ảnh hưởng đến người bệnh về mặt thẩm mỹ.
Nổi mề đay
Mề đay là bệnh ngoài da gây ngứa ngáy rất khó chịu cho người bệnh. Từ một nốt mẩn ngứa nhỏ bệnh có thể lan rộng ra các khu vực khác rất nhanh chóng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh hoạt, học tập và làm việc của người bệnh.
3. Cách phòng tránh bệnh ngoài da và phần phụ
Giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ
Thường xuyên tắm gội để rửa trôi hết bụi bẩn, mồ hôi, vi khuẩn, bã nhờn bám trên da
Không nên lạm dụng quá nhiều sữa tắm hoặc dầu gội gây tổn hại lớp chất nhờn.
Thường xuyên dọn dẹp, tạo những thói quen tốt như vứt rác đúng chỗ, tiểu, đại tiện đúng nơi quy định,... đảm bảo không gian sống thoáng mát, sạch sẽ và không khí trong lành.
Quan tâm đến nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, phải sử dụng nước sạch để tắm, không tắm nước ở ao hồ, sông suối vì chứa rất nhiều vi khuẩn.
Hạn chế sử dụng mỹ phẩm
Làn da vốn rất nhạy cảm, nhất là da mặt nên việc lạm dụng mỹ phẩm dễ gây viêm da, nám da thậm chí là ung thư. Ngoài ra, các loại thuốc nhuộm tóc, thuốc sơn móng tay cũng là những hợp chất khá độc hại dễ gây dị ứng, viêm da đầu.
Không dùng chung đồ đạc cá nhân
Không nên mặc chung hoặc cho ai mượn đồ của mình mặc.
Quần áo lúc nào cũng phải được giặt sạch sẽ, phơi khô ngoài ánh nắng để tiêu diệt vi khuẩn
Bảo quản treo quần áo, đồ dùng cá nhân ở nơi sạch sẽ thoáng mát.
Chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng
Chế độ ăn đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp da tăng sức đề kháng từ đó phòng ngừa các bệnh ngoài da tốt hơn. Thiếu dinh dưỡng dễ gây ra các triệu chứng ngứa da.
Nếu cơ thể bị dị ứng với các loại hải sản như cua, tôm, mực hay những thực phẩm khác như trứng, sữa, ... thì không nên ăn. Tốt nhất nên nạp vào cơ thể các loại thực phẩm nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, thức ăn giàu canxi như đậu nành, cá hồi…
Thay thế các thực phẩm này bằng các loại thực phẩm nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, thức ăn giàu canxi như đậu nành, cá hồi…
Chọn quần áo phù hợp
Nên lựa chọn những loại vải co giản, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi để mặc, nhất là các em bé. Hạn chế mặc áo quần quá chật sẽ làm cơ thể khó chịu, bức bí gây ra những bệnh ngoài da, đặc biệt vào mù hè hay những ngày nắng nóng.
Bổ sung nước thường xuyên
Nước là một trong những thành phần không thể thiếu đối với cơ thể, vì vậy bạn cần cung cấp đủ lượng nước mỗi ngày đúng cách để làn da luôn được tươi trẻ và cơ thể luôn khỏe mạnh. Ngoài uống nước lọc, bạn cũng có thể uống kèm theo các loại nước ép hoa quả với nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe.
Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể, nhất là với thể trạng và vóc dáng. Bên cạnh đó, các bài tập thể dục còn mang lại những lợi ích tuyệt vời cho làn da. Các bài tập thể dục phổ biến hiện nay đó là: đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập gym, tập yoga,...
Trên đây là một số thông tin liên quan đến các bệnh ngoài da và phần phụ, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn đọc trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Để có cái nhìn cụ thể và chi tiết hơn, mời các bạn tham khảo mục Bệnh da và phần phụ mà eLib.VN đã tổng hợp. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!