Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 42: Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo

Để các em có thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích chúng tôi xin giới thiệu đến các em học sinh nội dung giải bài tập SGK môn Địa lí 12 dưới đây. Tài liệu được eLib biên soạn và tổng hợp với nội dung các bài tập có phương pháp và hướng dẫn giải đầy đủ chi tiết, rõ ràng. Mời các em cùng tham khảo.

Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 42: Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo

1. Giải bài 1 trang 194 SGK Địa lí 12

Tại sao nói: Sự phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện đảo có ý nghĩa chiến lược hết sức to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện tại cũng như trong tương lai?

Phương pháp giải

Phân tích tiềm năng phát triển kinh tế của các huyện đảo, vai trò của việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội ở các huyện đảo để giải thích tại sao sự phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện đảo có ý nghĩa chiến lược hết sức to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện tại cũng như trong tương lai.

Gợi ý trả lời

Sự phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện đảo có ý nghĩa chiến lược hết sức to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện tại cũng như trong tương lai, vì:

- Các huyện đảo nước ta giàu tiềm năng, cho phép phát triển nhiều hoạt động kinh tế khác nhau:

+ Đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và khai thác các đặc sản biển (bào ngư, đồi mồi, ngọc trai, tổ yến…).

+ Phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản.

+ Phát triển du lịch biển – đảo.

+ Giao thông vận tải biển.

-  Các huyện đảo là một bộ phận lãnh thổ không thể chia cắt. Sự phát triển mạnh mẽ kinh tế- xã hội ở các huyện đảo sẽ tạo các căn cứ để bảo vệ an ninh, quốc phòng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước ta.

-  Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội ở các huyện đảo sẽ xóa bỏ dần sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa hải đảo và đất liền, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

- Các huyện đảo là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, là cơ sở để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, khai thác có hiệu qảu các nguồn lợi vùng biển, hải đảo và thềm lục địa thuộc chủ quyền nước ta.

2. Giải bài 2 trang 194 SGK Địa lí 12

Tại sao việc giữ vững chủ quyền của một hòn đảo, dù nhỏ, lại có ý nghĩa rất lớn?

Phương pháp giải

Dựa vào vai trò của việc giữ vững chủ quyền biển đảo trong vấn đề kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng để giải thích câu hỏi của đề bài.

Gợi ý trả lời

- Các đảo của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước cả về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.

- Về kinh tế – xã hội: có tiềm năng lớn trong phát triển tổng hợp kinh tế biển. Hệ thống căn cứ để nền kinh tế nước ta hướng ra biển trong thời đại mới.

- Về an ninh quốc phòng:

+ Là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta thống nhất và toàn vẹn đối với vùng biển và thềm lục địa xung quanh.

+ Hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất nước.

3. Giải bài 3 trang 194 SGK Địa lí 12

Hãy chọn và phân tích một khía cạnh của việc khai thác tổng hợp các tài nguyên biển mà em cho là tiêu biểu.

Phương pháp giải

Có thể chọn khía cạnh khai thác tài nguyên khoáng sản để phân tích về điều kiện phát triển, thực trạng phát triển, và giải pháp trong việc khai thác tổng hợp các tài nguyên biển.

Gợi ý trả lời

Khai thác tài nguyên khoáng sản:

- Điều kiện phát triển:

+ Nước ta có vài tỉ tấn dầu và hàng trăm nghìn mét khối khí tập trung ở các bể trầm tích thềm lục địa.

+ Hai bể trầm tích có triển vọng nhất là Nam Côn Sơn và Cửu Long.

- Thực trạng phát triển:

+ Nước ta bắt đầu khai thác từ năm 1986, trên cơ sở liên doanh với Liên Xô.

+ Sản lượng tăng liên tục đạt 18,5 triệu tấn (năm 2005).

+ Hiện đang khai thác ở các mỏ dầu Bạch Hổ, Đại Hùng, Rạng Đông, Mỏ Rồng,... Khai thác khí ở các mỏ Lan Tây, Lan Đỏ, Hồng Ngọc,...

+ Xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Dung quất với công suất 6,5 triệu tấn/năm.

+ Dầu mỏ được sử dụng để xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, các mỏ khí được sử dụng để sản xuất điện đạm.

- Giải pháp phát triển:

+ Cần phát triển hơn nữa công nghệ lọc hóa dầu, nhằm làm tăng giá trị dầu mỏ.

+ Thu hút vốn đầu tư nước ngoài để khai thác và chế biến.

+ Khai thác có quy hoạch, hợp lý.

+ Hạn chế xuất khẩu dầu thô.

+ Khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường biển.

Ngày:28/08/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM