Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 33: Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng

Mời các em học sinh cùng tham khảo nội dung giải bài 33 SGK Địa lí 12 dưới đây. Tài liệu được biên soạn và tổng hợp với nội dung đầy đủ, chi tiết, hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tập thật tốt.

Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 33: Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng

1. Giải bài 1 trang 153 SGK Địa lí 12

Tại sao phải có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng.

Phương pháp giải

Dựa vào mục đích, đặc điểm của đồng bằng sông Hồng, cơ cấu kinh tế còn nhiều hạn chế và xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để giải thích tại sao phải có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng.

Gợi ý trả lời

- Cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Hồng còn nhiều hạn chế, chưa thật phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

+ Trong cơ cấu ngành, nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng.

+ Công nghiệp tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn.

+ Các ngành dịch vụ còn chậm phát triển.

- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu hướng chung của cả nước.

- Đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng kinh tế phát triển nhất cả nước, nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành là điều tất yếu, đẩy mạnh phát riển kinh tế cả nước.

- Nhằm giải quyết được các hạn chế của vùng (thiên tai, thiếu tài nguyên,...).

- Phát huy thế mạnh về điều kiện kinh tế xã hội (lao động, cơ sở hạ tầng, chính sách, đầu tư,...).

2. Giải bài 2 trang 153 SGK Địa lí 12

Phân tích những nguồn lực ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Đồng bằng sông Hồng.

Phương pháp giải

Phân tích những thuận lợi và khó khăn về vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện kinh tế- xã hội để chỉ ra những nguồn lực ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Đồng bằng sông Hồng.

Gợi ý trả lời

- Thuận lợi

+ Vị trí địa lí:

  • Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc.
  • Giáp các vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Vịnh Bắc Bộ, giàu tài nguyên.
  • Đồng bằng sông Hồng là cầu nối giữa Đông Bắc, Tây Bắc với vùng Bắc Trung Bộ và biển Đông thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế với các vùng trong và ngoài nước.

+ Tài nguyên thiên nhiên:

  • Đất: diện tích đất nông nghiệp khoảng chiếm 51,2%, trong đó 70% là phù sa màu mỡ, có giá trị lớn về sản xuất nông nghiệp.
  • Địa hình: bằng phẳng thuận lợi cho canh tác nông nghiệp quy mô lớn, phân bố dân cư, nhà máy sản xuất thuận lợi.
  • Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh làm cho cơ cấu cây trồng đa dạng.
  • Tài nguyên nước phong phú, có giá trị lớn về kinh tế. Có các hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, nước ngầm, nước nóng, nước khoáng có chất lượng.
  • Tài nguyên biển: vùng biển có tiềm năng lớn để phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển.
  • Khoáng sản: Đá vôi, sét cao lanh; than nâu, khí tự nhiên, (khí đốt ở Tiền Hải Thái Bình).

+ Điều kiện kinh tế – xã hội:

  • Dân cư – lao động: dân số đông, nguồn lao động dồi dào, nhiều kinh nghiệm và truyền thống trong sản xuất, chất lượng lao động cao.
  • Cơ sở hạ tầng: mạng lưới giao thông, điện nước phát triển đồng bộ.
  • Cơ sở vật chất kĩ thuật: tương đối tốt phục vụ cho sản xuất và đời sống.
  • Có lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời.
  • Thị trường mở rộng.
  • Chính sách: có sự đầu tư của Nhà nước và nước ngoài.

- Khó khăn

+ Là vùng có số dân đông nhất cả nước. Mật độ dân số lên đến 1.225 người/km2 (2006) đã tạo sức ép lớn đối với việc phát triển kinh tế, tài nguyên môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

+ Chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán.

+ Việc khai thác quá mức dẫn đến một số tài nguyên (đất, nước mặt trên,..) bị suy thoái.

+ Thiếu nguyên liệu cho phát triển công nghiệp,…

3. Giải bài 3 trang 153 SGK Địa lí 12

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng diễn ra như thế nào? Nêu những định hướng chính trong tương lai.

Phương pháp giải

- Dựa vào sự thay đổi chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành qua các năm ở từng khu vực để chỉ ra diễn biến của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng.

- Cần nắm rõ những định hướng chính trong tương lai giữa các ngành và trong nội bộ ngành để trả lời.

Gợi ý trả lời

-  Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế:

+ Giai đoạn 1986 – 2005, cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng có sự chuyển dịch qua các năm.

  • Khu vực I (nông – lâm – ngư nghiệp) có xu hướng giảm tỉ trọng từ 49,5% (1986) xuống 25,1% (2005), giảm 24,4%.
  • Khu vực II (công nghiệp – xây dựng) tăng tỉ trọng của từ 21,5% (1986) lên 29,9% (2005), tăng 8,4%.
  • Khu vực III (dịch vụ) tăng tỉ trọng của từ 29,0% (1986) lên 45,0% (2005), tăng 16,0%.

+ Cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm.

- Những định hướng chính trong tương lai:

+ Giữa các ngành:

  • Giảm tỉ trọng của khu vực I (nông – lâm – ngư nghiệp), tăng nhanh tỉ trọng của khu vực II (công nghiệp – xây dựng) và khu vực III (dịch vụ).
  • Đảm bảo tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, hiệu quả cao gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

+ Trong nội bộ ngành:

  • Phát triển và hiện đại hoá công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp khác và dịch vụ gắn với yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hoá.
  • Đối với khu vực I: giảm tỉ trọng của ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng của ngành chăn nuôi và thuỷ sản. (Riêng trong ngành trồng trọt lại giảm cây lương thực và tăng cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây ăn quả).
  • Đối với khu vực II: hình thành các ngành công nghiệp trọng điểm (chế biến lương thực – thực phẩm, ngành dệt – may và da giày, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ngành cơ khí – kĩ thuật điện – điện tử).
  • Đối với khu vực III: phát triển du lịch, đặc biệt là Hà Nội và Hải Phòng. Các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, giáo dục đào tạo… cũng phát triển mạnh.
Ngày:27/08/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM