Giải bài tập SBT Toán 11 Bài 3: Phép đối xứng trục
Để giúp các em học sinh học tập thật tốt bộ môn Toán 11, eLib xin giới thiệu nội dung giải bài tập SBT Toán 11 Bài 3: Phép đối xứng trục bên dưới đây. Tài liệu gồm tất cả các bài tập có phương pháp và hướng dẫn giải chi tiết. Mời các em cùng tham khảo.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 1.6 trang 16 SBT Hình học 11
Trong mặt phẳng tọa độ Oxy , cho điểm M = (3;-5), đường thẳng d có phương trình \(3x+2y-6=0 \) và đường tròn (C) có phương trình: \(x^2+y^2-2x+4y-4=0\). Tìm ảnh của M, d và (C) qua phép đối xứng qua trục Ox.
Phương pháp giải:
Sử dụng biểu thức tọa độ của phép đối xứng:
- Trong mặt phẳng Oxy cho đường thẳng d. Với mỗi điểm M(x;y) và \(M’=Đ_d(M)=(x’;y’)\).
- Nếu chọn d là trục Ox thì \(\left\{ \begin{array}{l}x' = x\\y' = - y\end{array} \right.\)
Hướng dẫn giải:
Gọi M’, d’ và (C’) theo thứ tự là ảnh của M, d và (C) qua phép đối xứng qua trục Ox.
Khi đó M’ = (3;5).
Để tìm d’ ta viết biểu thức tọa độ của phép đối xứng qua trục Ox:
\(\left\{ \begin{array}{l}x' = x\\y' =- y\end{array} \right. \Rightarrow \left\{ \begin{array}{l}x = x'\\y =- y'\end{array} \right. (1).\)
Thay (1) vào phương trình của đường thẳng d ta được \(3x’-2y’-6=0\).
⇒ d’: \(3x-2y-6=0\).
Thay (1) vào phương trình của (C) ta được \({(x’)}^2+{(y’)}^2-2x’-4y’-4=0\).
⇒ (C’): \({(x-1)}^2+{(y-2)}^2=9\).
2. Giải bài 1.7 trang 16 SBT Hình học 11
Trong mặt phẳng Oxy, cho đường thẳng d có phương trình \(x-5y+7=0\) và đường thẳng d’ có phương trình \(5x-y-13=0\). Tìm phép đối xứng trục biến d thành d’.
Phương pháp giải:
Trục đối xứng của hai đường thẳng cắt nhau chính là đường phân giác của góc tạo bởi hai đường thẳng đó.
Hướng dẫn giải:
Ta thấy d và d’ không song song với nhau.
Do đó trục đối xứng \(\Delta\) của phép đối xứng biến d thành d’ chính là đường phân giác của góc tạo bởi d và d’.
Từ đó suy ra khoảng cách từ một điểm có tọa độ (x;y) thuộc \(\Delta\) đến d và d’ là bằng nhau
Nên ta có:
\(\dfrac{{\left| {x - 5y + 7} \right|}}{{\sqrt {1 + 25} }} = \dfrac{{\left| {5x - y - 13} \right|}}{{\sqrt {25 + 1} }} \\ \Leftrightarrow x - 5y + 7 = \pm (5x - y - 13).\)
Từ đó tìm được hai phép đối xứng qua các trục: \(\Delta_1\) có phương trình \(x+y-5=0 , \Delta_2\) có phương trình \(x-y-1=0\).
3. Giải bài 1.8 trang 16 SBT Hình học 11
Tìm các trục đối xứng của hình vuông.
Phương pháp giải:
Sử dụng tính chất: Nếu một đa giác có trục đối xứng d thì qua phép đối xứng trục d mỗi đỉnh của nó phải biến thành một đỉnh của đa giác, mỗi cạnh của nó phải biến thành một cạnh của đa giác bằng cạnh ấy.
Hướng dẫn giải:
Cho hình vuông ABCD.
Gọi F là phép đối xứng trục d biến hình vuông đó thành chính nó.
Lí luận tương tự, ta thấy A chỉ có thể biến thành các điểm A, B, C hoặc D.
- Nếu A biến thành chính nó thì C chỉ có thể biến thành chính nó và B biến thành D.
⇒ F là phép đối xứng qua trục AC.
- Nếu B biến thành chính nó thì D chỉ có thể biến thành chính nó và A biến thành C.
⇒ F là phép đối xứng qua trục BD.
- Nếu A biến thành B thì d là đường trung trực của AB. Khi đó C biến thành D.
- Nếu B biến thành C thì d là đường trung trực của BC. Khi đó A biến thành D.
Do đó hình vuông ABCD có bốn trục đối xứng là các đường thẳng AC , BD và các đường trung trực của AB và BC.
4. Giải bài 1.9 trang 16 SBT Hình học 11
Cho hai đường thẳng c, d cắt nhau và hai điểm A, B không thuộc hai đường thẳng đó. Hãy dựng điểm C trên c, điểm D trên d sao cho tứ giác ABCD là hình thang cân nhận AB là một cạnh đáy (không cần biện luận).
Phương pháp giải:
B, C theo thứ tự là ảnh của A, D qua phép đối xứng qua đường trung trực của cạnh AB.
Hướng dẫn giải:
Ta thấy rằng B, C theo thứ tự là ảnh của A, D qua phép đối xứng qua đường trung trực của cạnh AB, từ đó suy ra cách dựng:
- Dựng đường trung trực \(\Delta\) của đoạn AB
- Dựng d’ là ảnh của d qua phép đối xứng qua trục \(\Delta\).
Gọi \(C=d’\cap c.\)
- Dựng D là ảnh của C qua phép đối xứng qua trục \(\Delta\).
5. Giải bài 1.10 trang 16 SBT Hình học 11
Cho đường thẳng d và hai điểm A, B không thuộc d nhưng nằm cùng phía đối với d. Tìm trên d điểm M sao cho tổng các khoảng cách từ đó đến A và B là bé nhất.
Phương pháp giải:
- Dựng một điểm B’ ta tìm cách xác định nó như là ảnh của một điểm đã biết qua một phép đối xứng trục.
- Sử dụng tính chất AB + BC bé nhất khi A ,B , C thẳng hàng.
Hướng dẫn giải:
Gọi B’ là ảnh của B qua phép đối xứng qua trục d.
Khi đó với mỗi điểm M thuộc d ta có MA + MB = MA + MB’ nên MA + MB’ bé nhất ⇒ A, M, B’ thẳng hàng.
Tức là \(M=(AB’)\cap d.\)
Tham khảo thêm
- doc Giải bài tập SBT Toán 11 Bài 1+Bài 2: Phép biến hình. Phép tịnh tiến
- doc Giải bài tập SBT Toán 11 Bài 4: Phép đối xứng tâm
- doc Giải bài tập SBT Toán 11 Bài 5: Phép quay
- doc Giải bài tập SBT Toán 11 Bài 6: Khái niệm về phép dời hình và hai hình bằng nhau
- doc Giải bài tập SBT Toán 11 Bài 7: Phép vị tự
- doc Giải bài tập SBT Toán 11 Bài 8: Phép đồng dạng
- doc Giải bài tập SBT Hình học 11 Ôn tập chương 1: Phép dời hình và phép đồng dạng