Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) là một thủ thuật được sử dụng để điều trị bệnh động mạch vành. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh mạch vành, giảm nguy cơ đau tim và giúp bạn trở lại cuộc sống bình thường. Để hiểu rõ hơn về thủ thuật này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

1. Tìm hiểu chung

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) là gì?

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) là một thủ thuật được sử dụng để điều trị bệnh động mạch vành. Bệnh động mạch vành (CAD) là sự thu hẹp các động mạch vành – đây là các mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ tim. Bệnh động mạch vành là do sự tích tụ chất béo trong thành động mạch gây ra thu hẹp lòng các động mạch, làm hạn chế việc cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim.

Mục đích của phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)

Mục đích của phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là:

Giảm các triệu chứng của bệnh động mạch vành như đau thắt ngực (khó chịu ở ngực) hoặc khó thở. Giúp bạn trở lại cuộc sống và hoạt động bình thường. Giảm nguy cơ đau tim trong tương lai hoặc các vấn đề về tim khác.

Khi nào bạn cần phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)?

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) cần thiết để điều trị cho những người mắc bệnh mạch vành nặng (CHD) có thể dẫn đến đau tim. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cũng có thể được sử dụng trong hoặc sau cơn đau tim để điều trị các động mạch bị tắc.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên phẫu thuật bắc cầu động mạch vành nếu các phương pháp điều trị khác như thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc không hiệu quả hoặc nếu bạn bị tắc nghẽn nghiêm trọng trong các động mạch vành lớn, đặc biệt nếu hoạt động bơm máu của tim yếu đi.

Phương pháp phẫu thuật này cũng có thể là một lựa chọn điều trị nếu bạn bị tắc nghẽn động mạch vành không thể điều trị bằng can thiệp mạch vành qua da (PCI), còn được gọi là nong mạch vành.

2. Thận trọng

Trước khi thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG), bạn cần biết gì?

Bác sĩ sẽ quyết định xem bạn có đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành thông qua:

Sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh mạch vành Mức độ nghiêm trọng và vị trí tắc nghẽn trong động mạch vành Đáp ứng của bạn với các phương pháp điều trị khác Chất lượng cuộc sống của bạn Các vấn đề sức khỏe khác

Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

3. Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)?

Bạn có thể làm các xét nghiệm để chuẩn bị cho việc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG). Ví dụ như bạn có thể làm xét nghiệm máu, điện tâm đồ (EKG), siêu âm tim, chụp X-quang ngực, đặt ống thông tim và chụp động mạch vành.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chuẩn bị cho phẫu thuật và tư vấn những gì bạn có thể ăn, uống, các loại thuốc cần dùng và những hoạt động nào cần ngừng lại (như hút thuốc). Bạn có thể được nhập viện vào cùng ngày với ngày phẫu thuật.

Nếu các xét nghiệm bệnh tim mạch vành cho thấy tắc nghẽn nghiêm trọng trong các động mạch vành, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đến bệnh viện ngay lập tức. Bạn có thể thực hiện phẫu thuật ngay ngày hôm đó hoặc ngày hôm sau.

Quy trình thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) như thế nào?

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành thường kéo dài 3-6 giờ, tùy thuộc vào số lượng động mạch được bắc cầu.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia. Bác sĩ phẫu thuật tim sẽ làm phẫu thuật với sự hỗ trợ của bác sĩ gây mê, chuyên gia tưới máu (chuyên viên điều khiển máy tuần hoàn ngoài tim phổi), các bác sĩ phẫu thuật khác và y tá.

Có một số loại phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, chúng khác nhau từ phẫu thuật truyền thống đến các phương pháp mới, ít xâm lấn hơn.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành truyền thống

Bạn sẽ được gây mê toàn thân trong lúc làm phẫu thuật. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim, huyết áp, mức độ oxy và hơi thở của bạn. Một ống thở sẽ được đặt trong phổi qua cổ họng, ống này được kết nối với máy thở (máy hỗ trợ hô hấp).

Bác sĩ sẽ cắt một vết rạch ở giữa ngực, sau đó cắt xương ngực và mở lồng xương sườn để tiếp cận tim.

Bạn sẽ được sử dụng thuốc để làm tim ngừng đập, điều này cho phép bác sĩ thực hiện các thao tác trên tim. Bạn cũng sẽ được sử dụng thuốc để bảo vệ chức năng của tim trong thời gian tim không đập.

Máy tuần hoàn ngoài tim-phổi sẽ giữ cho máu giàu oxy di chuyển khắp cơ thể trong suốt quá trình phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ lấy động mạch hoặc tĩnh mạch từ cơ thể của bạn, ví dụ như từ ngực hoặc chân để sử dụng ghép nối. Đối với các ca phẫu thuật với nhiều cầu nối, các mảnh ghép động mạch và tĩnh mạch thường được sử dụng.

Ghép động mạch. Những mảnh ghép này ít có khả năng bị tắc theo thời gian hơn là ghép tĩnh mạch. Động mạch trong vú bên trái thường được sử dụng cho ghép động mạch, động mạch này nằm bên trong ngực, gần tim. Những động mạch ở cánh tay hoặc những nơi khác trong cơ thể cũng được sử dụng. Ghép tĩnh mạch. Mặc dù tĩnh mạch thường được sử dụng để ghép nhưng chúng có nhiều khả năng bị tắc nghẽn theo thời gian hơn là ghép động mạch. Tĩnh mạch nổi dưới da là tĩnh mạch dài chạy dọc bên trong của chân thường được sử dụng để ghép.

Khi bác sĩ phẫu thuật kết thúc ghép, họ sẽ phục hồi lưu lượng máu đến tim. Thông thường, tim bắt đầu đập trở lại. Đôi khi những cú sốc điện nhẹ được sử dụng để khởi động lại tim.

Bác sĩ sẽ bị ngắt kết nối bạn với máy tuần hoàn ngoài tim-phổi. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng các ống đưa vào ngực để giúp thoát dịch.

Bác sĩ sẽ sử dụng dây kim loại để đóng xương ngực (giống như cách sửa chữa xương bị gãy), dây này sẽ ở lại trong cơ thể bạn vĩnh viễn. Sau khi xương lành lại, nó sẽ khỏe mạnh như trước khi phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ dùng chỉ khâu hoặc ghim kẹp phẫu thuật để đóng vết rạch da và tháo ống thở khi bạn có thể thở mà không cần nó.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành mới

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) mới bao gồm phẫu thuật không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể và phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.

Ghép cầu nối động mạch vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể

Các bác sĩ có thể sử dụng phẫu thuật bắc cầu động mạch vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể để bắc cầu bất kỳ động mạch vành nào. Phẫu thuật này tương tự như phương pháp truyền thống vì xương ngực được mở để tiếp cận vào tim. Tuy nhiên, tim không ngừng đập và bạn không sử dụng máy tuần hoàn ngoài tim-phổi. Thay vào đó, bác sĩ sẽ làm tim ổn định bằng một thiết bị cơ học.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể đôi khi được gọi là ghép cầu nối động mạch vành với tim đập.

Ghép cầu nối động mạch vành trực tiếp với  xâm lấn tối thiểu

Có một số loại ghép cầu nối động mạch vành trực tiếp với xâm lấn tối thiểu (MIDCAB). Những loại phẫu thuật này khác với phẫu thuật bắc cầu truyền thống vì xương ngực không mở ra để tiếp cận tới tim. Ngoài ra, máy tuần hoàn ngoài tim phổi không phải lúc nào cũng được sử dụng cho các thủ thuật này.

Đây là loại phẫu thuật chủ yếu được sử dụng để bắc cầu các mạch máu ở phía trước của tim. Các vết rạch nhỏ được tạo ra giữa các xương sườn ở bên ngực trái, ngay trên động mạch cần được bắc cầu. Các vết rạch thường dài khoảng 7-8cm (đường rạch được thực hiện trong phương pháp truyền thống dài ít nhất 15-20cm). Động mạch trong vú bên trái thường được sử dụng cho ghép trong quy trình này. Máy tuần hoàn ngoài tim-phổi không được sử dụng trong quá trình. Thủ thuật bắc cầu động mạch vành tiếp cận cổng. Bác sĩ phẫu thuật thực hiện thủ thuật này qua các vết mổ nhỏ (cổng) trên ngực và ghép động mạch hoặc tĩnh mạch được sử dụng. Máy tuần hoàn ngoài tim-phổi được sử dụng trong quy trình này. Robot hỗ trợ kỹ thuật. Loại thủ thuật này cho phép các vết rạch có lỗ nhỏ hơn. Một máy quay video nhỏ được đưa vào trong vết mổ để hiển thị hình ảnh của tim. Trong khi đó, bác sĩ sử dụng dụng cụ phẫu thuật được điều khiển từ xa để thực hiện phẫu thuật. Máy tuần hoàn ngoài tim-phổi đôi khi được sử dụng trong quá trình này.

Sau khi phẫu thuật, bạn thường sẽ ở lại 1 hoặc 2 ngày tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Nhịp tim, huyết áp và mức độ oxy sẽ được kiểm tra thường xuyên trong thời gian này.

Bác sĩ có thể truyền tĩnh mạch (VI) ở cánh tay bạn. Bạn có thể nhận được thuốc để kiểm soát lưu thông máu và huyết áp. Bạn có thể được đặt một ống trong bàng quang để thoát nước tiểu và một ống để thoát dịch từ ngực.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định liệu pháp oxy (oxy được cung cấp thông qua ngạnh mũi hoặc mặt nạ dưỡng khí) và máy tạo nhịp tim tạm thời trong khi bạn nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt. Máy tạo nhịp tim là một thiết bị nhỏ được đặt trong ngực hoặc bụng để giúp kiểm soát nhịp tim bất thường.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên đeo vớ nén chân. Loại vớ này bó chặt ở mắt cá chân và lỏng dần ra ở phía trên. Điều này tạo ra áp lực nhẹ lên chân. Áp lực này giữ cho máu không bị tích tụ lại (nguyên nhân gây đông máu).

Trong khi nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, bạn sẽ được bác sĩ băng vết rạch ngực và các khu vực nơi động mạch hoặc tĩnh mạch bị cắt để lấy mảnh ghép.

Sau khi rời khoa chăm sóc đặc biệt, bạn sẽ được chuyển đến một khu vực chăm sóc ít chuyên sâu hơn từ 3-5 ngày trước khi về nhà.

Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)?

Khi bạn về nhà, bạn cần giữ cho khu vực phẫu thuật sạch sẽ và khô ráo. Bác sĩ sẽ cắt chỉ khâu hoặc các ghim kẹp phẫu thuật vào lần khám tiếp theo, nếu chúng không được loại bỏ trước khi xuất viện.

Bạn không nên lái xe đến khi được bác sĩ cho phép và bạn có thể bị hạn chế thực hiện một số hoạt động.

Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ điều nào sau đây:

Sốt từ 38°C trở lên hoặc ớn lạnh Đỏ, sưng, chảy máu hoặc chảy dịch từ vết thương phẫu thuật Đau nhiều ở vị trí được phẫu thuật Khó thở Mạch nhanh hoặc bất thường Sưng ở chân Tê ở tay và chân Buồn nôn dai dẳng hoặc nôn mửa

Bác sĩ có thể cho bạn các chỉ dẫn khác sau thủ thuật, tùy theo tình trạng của bạn. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

4. Các biến chứng & tác dụng phụ

Bạn có thể gặp các biến chứng nào sau khi phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)?

Các biến chứng có thể xảy ra trong phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) bao gồm:

Chảy máu trong hoặc sau phẫu thuật Các cục máu đông có thể gây ra các cơn đau tim, đột quỵ hoặc bệnh phổi Nhiễm trùng tại chỗ bị rạch Viêm phổi Các vấn đề về hô hấp Viêm tụy Suy thận Nhịp tim bất thường Phẫu thuật thất bại Tử vong

Các tác dụng phụ khi thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) là gì?

Các tác dụng phụ thường biến mất trong vòng 4-6 tuần sau phẫu thuật, có thể bao gồm:

Khó chịu hoặc ngứa ở vết mổ Sưng nơi động mạch hoặc tĩnh mạch được lấy ra để ghép Đau cơ bắp hoặc đau thắt vai và lưng trên Mệt mỏi, thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm Các vấn đề về giấc ngủ hoặc chán ăn Táo bón Đau ngực xung quanh chỗ rạch xương ngực (thường xuyên hơn với phương pháp phẫu thuật truyền thống)

Với một số thông tin trên đây về phương pháp bắc cầu động mạch vành, hy vọng sẽ hữu ích cho những ai đang tìm hiểu và có ý định tiến hành phẫu thuật này. Chúc các bạn điều trị thành công!

Ngày:29/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM