Triệu chứng mất kinh - Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị

Mất kinh (vô kinh) là hiện tượng không xuất hiện kinh nguyệt. Đột nhiên bị mất kinh nguyệt khiến nhiều phụ nữ rất hoang mang lo lắng. Vậy triệu chứng này có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây mất kinh là gì? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Triệu chứng mất kinh - Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hiện tượng mất kinh là gì?

Mất kinh hay còn gọi vô kinh, là hiện tượng không xuất hiện kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi phụ nữ đều khác nhau vì nó phụ thuộc vào cơ địa, cấu trúc buồng trứng và tử cung.

Hiện tượng mất kinh được chia ra làm hai loại:

Mất kinh nguyên phát: xuất hiện ở nữ giới từ 16 tuổi trở lên, nhưng bé gái vẫn có các dấu hiệu khác chứng tỏ họ đang trưởng thành; Mất kinh thứ phát: là những trường hợp mất kinh 3 tháng, mất kinh 4 tháng, mất kinh 5 tháng, v.v.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng mất kinh sau những xét nghiệm cần thiết.

2. Triệu chứng thường gặp

Những triệu chứng và dấu hiệu hiện tượng mất kinh là gì?

Dấu hiệu chính của mất kinh là không có kinh nguyệt một cách bất thường. Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất kinh mà người bệnh còn mắc phải các triệu chứng bất thường khác. Ví dụ như tuyến giáp hoạt động dưới mức bình thường có thể gây tăng cân, mệt mỏi, rụng tóc, da khô, táo bón và nhịp tim chậm.

Một số triệu chứng khác của hiện tượng mất kinh gồm:

  • Tiết dịch màu đục như sữa từ núm vú;
  • Rụng tóc;
  • Đau đầu;
  • Thay đổi thị lực;
  • Lông mặt mọc quá nhiều;
  • Đau vùng xương chậu;
  • Mụn trứng cá.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần gặp bác sĩ nếu bạn bị mất kinh 3 tháng liên tục hoặc nếu bạn chưa có kinh nguyệt khi đã 15 tuổi hoặc trên 15 tuổi.

Bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo lắng về bất kỳ vấn đề kinh nguyệt nào.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra mất kinh là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh mất kinh. Nhưng phổ biến nhất là do các hiện tượng rối loạn ở tuyến yên, vùng dưới đồi, buồng trứng, hoặc tử cung. Ngoài ra, mất kinh còn xuất hiện do quá trình giảm cân không đúng cách, tuyến giáp hoạt động dưới mức bình thường, tác dụng phụ của các loại thuốc (như Progesterone) và ảnh hưởng từ những căn bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân là hiện tượng bình thường, một số khác là do tác dụng phụ của thuốc hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Mất kinh do quy luật tự nhiên

Trong cuộc sống, bạn có thể bị mất kinh do các yếu tố như:

  • Mang thai;
  • Cho con bú;
  • Mãn kinh.

Thuốc tránh thai

Một số người dùng thuốc tránh thai sẽ không có kinh nguyệt. Ngay cả khi ngừng dùng thuốc, bạn phải mất một thời gian để hiện tượng rụng trứng và kinh nguyệt đều trở lại. Các thiết bị tránh thai được cấy ghép vào trong cơ thể cũng có thể gây mất kinh.

Các loại thuốc

Một số loại thuốc nhất định có thể làm bạn bị mất kinh, bao gồm:

  • Thuốc chống loạn thần;
  • Thuốc hóa trị ung thư;
  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Thuốc trị huyết áp;
  • Thuốc chống dị ứng.

Lối sống

Một số thói quen có thể làm bạn bị vô kinh, chẳng hạn như:

Nhẹ cân. Nhẹ cân – thường nhẹ hơn 10% trọng lượng bình thường – sẽ làm gián đoạn nhiều chức năng nội tiết tố trong cơ thể, có khả năng làm ngừng rụng trứng. Những phụ nữ bị rối loạn ăn uống, như biếng ăn hoặc ăn quá nhiều, có thể bị mất kinh. Tập thể dục quá mức. Phụ nữ tham gia vào các hoạt động đòi hỏi đào tạo nghiêm ngặt, chẳng hạn như múa ba lê, có thể bị mất kinh nguyệt. Một số yếu tố kết hợp góp phần gây mất kinh vận động viên, bao gồm lượng mỡ cơ thể thấp, căng thẳng và tiêu hao năng lượng cao. Căng thẳng. Căng thẳng có thể tạm thời làm thay đổi chức năng của vùng dưới đồi – một vùng não kiểm soát các hormone điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Rụng trứng và kinh nguyệt có thể ngừng lại. Chu kỳ kinh nguyệt bình sẽ bình thường sau khi căng thẳng giảm.

Mất cân bằng hormone

Một số tình trạng sức khỏe có thể gây mất cân bằng hormone, bao gồm:

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Hội chứng buồng trứng đa nang gây ra mức hormone tương đối cao và ổn định, thay vì mức dao động được thấy trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Rối loạn tuyến giáp. Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) có thể gây ra bất thường kinh nguyệt, bao gồm mất kinh. Khối u tuyến yên. Một khối u lành tính trong tuyến yên có thể ảnh hưởng đến việc điều hòa nội tiết tố của chu kỳ kinh nguyệt. Thời kỳ mãn kinh sớm. Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu ở phụ nữ vào khoảng 50 tuổi. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ, họ có thể bị mãn kinh trước tuổi 40 và kinh nguyệt dừng lại.

Các vấn đề về cấu trúc cơ thể

Vấn đề với cơ quan sinh dục cũng có thể gây mất kinh, chẳng hạn như:

Mô sẹo. Hội chứng Asherman, một tình trạng trong đó mô sẹo tích tụ trong màng tử cung, đôi khi có thể xảy ra sau nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D & C), mổ lấy thai hoặc điều trị u xơ tử cung. Mô sẹo tử cung ngăn ngừa sự tích tụ bình thường và rụng niêm mạc tử cung. Thiếu các cơ quan sinh sản. Đôi khi vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của bào thai dẫn đến bé gái được sinh ra mà không có mộ cơ quan sinh sản hoàn chỉnh, chẳng hạn như tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo. Do hệ thống sinh sản không hoàn thiện, nên trẻ sẽ bị mất kinh. Âm đạo có cấu trúc bất thường. Tình trạng tắc nghẽn âm đạo có thể ngăn chảy máu kinh nguyệt. Một màng hoặc tườn trong âm đạo sẽ ngăn dòng chảy của máu từ tử cung và cổ tử cung.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường bị mất kinh?

Khoảng 5% đến 7% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc chứng mất kinh thứ phát. Chứng mất kinh thứ phát thường xuất hiện phổ biến ở phụ nữ dưới 25 tuổi và các bé gái trong giai đoạn dậy thì. Ngoài ra, bệnh còn có thể xuất hiện phổ biến hơn ở một số nhóm đối tượng như vận động viên, huấn luyện viên và diễn viên múa.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị mất kinh?

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị mất kinh bao gồm:

Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình bạn có thành viên nữ bị mất kinh, thì bạn có nguy cơ mắc chứng bệnh này; Chế độ ăn uống không hợp lý: nếu bạn bị các hiện tượng như chán ăn hoặc ăn vô độ, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc chứng vô kinh cao hơn; Tập luyện thể thao: việc tập luyện thể thao không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ không có kinh nguyệt.

5. Các biến chứng

Biến chứng của mất kinh là gì?

Biến chứng của mất kinh có thể bao gồm:

  • Không có khả năng mang thai. Nếu bạn không rụng trứng và có kinh nguyệt, bạn không thể mang thai.
  • Loãng xương. Nếu mất kinh do nồng độ estrogen thấp, bạn cũng có thể có nguy cơ bị loãng xương.

6. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ. 

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán mất kinh?

Có nhiều phương pháp để chẩn đoán mất kinh, như:

Chẩn đoán từ bệnh sử, khám lâm sàng và xét nghiệm; Chụp X-quang hoặc siêu âm để xác định nguyên nhân của vô kinh; Nếu bác sĩ nghi ngờ những bất thường của tuyến yên hoặc vùng hạ đồi, bạn có khả năng phải chụp MRI (cộng hưởng từ) ở não bộ; Chụp CT vùng bụng và vùng xương chậu nếu nghi ngờ có hiện tượng bất thường của tử cung hoặc buồng trứng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị mất kinh?

Mỗi nguyên nhân của bệnh có những phương pháp điều trị khác nhau. Trong một số trường hợp, thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone khác có thể ổn định lại chu kỳ kinh nguyệt của bạn; Nếu bạn có các vấn đề bẩm sinh như: tăng sản lượng tuyến thượng thận, suy buồng trứng sớm, và suy tuyến giáp, bác sĩ sẽ kê thuốc đặc trị cho bạn. Ngoài ra, nếu có dấu hiệu bất thường về cấu trúc tử cung, bạn có thể cần phải phẫu thuật; Vô kinh do hội chứng buồng trứng đa nang cần giảm cân bằng cách ăn kiêng và tập thể dục. Các loại thuốc như metformin trị tiểu đường cũng có thể được chỉ định; Vô kinh do di truyền cần được đánh giá và điều trị thêm bởi các chuyên gia di truyền học.

Mất kinh nguyệt uống thuốc gì?

  • Các thuốc hormone, như thuốc tránh thai ;
  • Liệu pháp thay thế hormone;
  • Các thuốc điều trị buồng trứng đa nang.

Các phương pháp phẫu thuật điều trị mất kinh

Phẫu thuật loại bỏ mô sẹo trong tử cung Phẫu thuật loại bỏ khối u lành tính tuyến yên

7. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp tôi hạn chế diễn tiến của bệnh không hành kinh?

Không có kinh nguyệt có thể được hạn chế nếu bạn lưu ý:

Khám sức khỏe định kỳ; Nghe theo hướng dẫn và lời khuyên của bác sĩ; Giữ cân nặng cân đối và kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý; Không tập thể thao quá sức hoặc không có huấn luyện viên thích hợp.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh mất kinh, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM