Xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạo - Những thông tin cần biết

Xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạo nghĩa là lấy mẫu thử gồm dịch lỏng và tế bào từ âm đạo để kiểm tra xem có dấu hiệu nhiễm trùng hay không. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về thủ thuật này nhé!

Xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạo - Những thông tin cần biết

1. Tìm hiểu chung

Xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạo là gì?

Xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạo nghĩa là lấy mẫu thử gồm dịch lỏng và tế bào từ âm đạo để kiểm tra xem có dấu hiệu nhiễm trùng hay không.

Viêm âm đạo là do sự thay đổi cân bằng vi sinh vật. Âm đạo bình thường có nhiều vi khuẩn khác nhau sinh sống chung. Những vi khuẩn gây ra viêm âm đạo gồm Gardnerella, Mobiluncus, Bacteroides, và Mycoplasma. Khi bị viêm âm đạo do vi khuẩn, những vi sinh vật này sẽ tăng theo cấp số nhân trong khi số lượng vi sinh vật khoẻ mạnh lại giảm dần.

Nhiều phụ nữ mắc bệnh viêm âm đạo thường không có nhiều triệu chứng. Triệu chứng phổ biến nhất là tiết ra dịch lỏng ở âm đạo nhiều hơn. Dịch tiết thường có mùi tanh.

Bác sĩ của bạn chẩn đoán nhiễm khuẩn âm đạo dựa trên bệnh sử về các triệu chứng của bạn, khám âm đạo, và mẫu dịch tiết âm đạo. Những xét nghiệm được thực hiện để xác định nguyên nhân các dấu hiệu của nhiễm khuẩn âm đạo có thể bao gồm:

Soi tươi. Một mẫu dịch tiết âm đạo sẽ được trộn với nước muối sinh lý sau khi đặt trên lam kính hiển vi. Bác sĩ sẽ quan sát lam kính để xác định các dấu hiệu nhiễm trùng, tìm bạch cầu gợi ý tình trạng nhiễm trùng, và những tế bào bất thường khác gọi là tế bào đám mây (clue cells). Sự hiện diện của các clue cells là dấu hiệu đáng tin cậy nhất của nhiễm khuẩn âm đạo.

Nghiệm pháp Whiff. Dung dịch KOH sẽ được nhỏ lên mẫu dịch tiết âm đạo để tìm xem có mùi hôi sinh ra hay không. Mùi hôi tạo thành sau nghiệm pháp Whiff gợi ý một nhiễm trùng âm đạo.

pH âm đạo. pH âm đạo bình thường nằm trong khoảng 3.8 đến 4. Nhiễm khuẩn âm đạo thường làm tăng pH âm đạo lên trên 4.5.

Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm viêm âm đạo do vi khuẩn?

Xét nghiệm thường được thực hiện để tìm ra nguyên nhân của việc tiết ra nhiều dịch lỏng ở âm đạo hơn bình thường hay những triệu chứng khác có liên quan đến bện nhiễm trùng âm đạo như đau hay ngứa âm đạo.

Ngoài ra, bác sĩ của bạn cũng có thể thực hiện xét nghiệm viêm âm đạo do vi khuẩn khi:

Bạn chuẩn bị thực hiện phẫu thuật cắt tử cung hay phá thai ngoại khoa (nhiễm khuẩn âm đạo làm tăng nguy cơ hậu phẫu của bạn).

Bạn đang mang thai và đã từng có tiền căn sinh non trước đây (sinh non có thể do nhiễm khuẩn âm đạo gây ra).

2. Điều cần thận trọng

Sau đây là những tình huống chống chỉ định của xét nghiệm này hoặc những tình huống mà xét nghiệm này không có ý nghĩa:

Bạn đang trong kỳ kinh nguyệt; Bạn đang dùng thuốc đặt âm đạo; Bạn quan hệ tình dục hay thụt rửa âm đạo trong vòng 24 tiếng trước khi xét nghiệm.

Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

3. Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm viêm âm đạo do vi khuẩn?

Không nên thụt rửa âm đạo, quan hệ tình dục, hay dùng thuốc đặt âm đạo trong vòng 24 tiếng trước khi xét nghiệm.

Thảo luận với bác sĩ về những lo lắng của bạn về những yêu cầu của xét nghiệm, nguy cơ của nó, nó được thực hiện thế nào, và kết quả có ý nghĩa gì.

Quy trình thực hiện xét nghiệm viêm âm đạo do vi khuẩn như thế nào?

Bác sĩ hay y tá sẽ giúp bạn ngồi đúng tư thế làm xét nghiệm.

Bác sĩ sẽ đặt một công cụ đã được bôi trơn gọi là phễu soi mỏ vịt vào trong âm đạo. Phễu này sẽ nhẹ nhàng tách thành âm đạo rộng ra, cho phép bác sĩ nhìn vào bên trong âm đạo và cổ tử cung.

Bác sĩ sẽ dùng một miếng gạc hay que gỗ để phết lấy mẫu dịch lỏng bên trong âm đạo

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm viêm âm đạo do vi khuẩn?

Bạn có thể trở về và hoạt bình thường sau khi tiến hành xét nghiệm. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về kết quả cũng như bất kỳ phương pháp điều trị nào nếu cần.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

4. Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Những dấu hiệu mắc bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn là: nồng độ pH của âm đạo cao, tế bào biểu mô bám đầy vi khuẩn trên bề mặt, mùi dịch tiết tanh.

Kết quả bình thường

Không có sự tiết dịch lỏng bất thường ở âm đạo trong lúc xét nghiệm; Chỉ có một lượng nhỏ vi khuẩn (như Gardnerella) gây ra bệnh viêm âm đạo hiện diện trong mẫu dịch; Ít hay không có tế bào biểu mô bám đầy vi khuẩn; Không có mùi tanh khi thêm hợp chất KOH vào trong mẫu thử dịch lỏng âm đạo; Nồng độ pH ở âm đạo ở mức bình thường từ 3.8 tới 4.5.

Kết quả bất thường

Những biểu hiện của một âm đạo bị viêm là:

Tiết ra dịch lỏng màu xám khi làm xét nghiệm. Dịch tiết ra thường bóng sáng và có bọt nhỏ; Có mùi tanh khi thêm hợp chất KOH vào trong mẫu thử dịch lỏng; Tìm thấy nhiều loại vi khuẩn gây ra viêm âm đạo (như Gardnerella), hoặc tế bào biểu mô bám đầy vi khuẩn hoặc thấy cả hai hiện diện trong dịch lỏng âm đạo; Nồng độ pH ở âm đạo lớn hơn 4.5.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạo, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:07/09/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM