Bệnh ung thư âm hộ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ung thư âm hộ là một loại ung thư phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ. Bộ phận này là vùng da bao quanh lỗ tiểu và lỗ âm đạo, bao gồm môi âm hộ, âm vật, lỗ âm đạo, củ mu và vùng tầng sinh môn. Dưới đây là một số thông tin chi tiết về bệnh, mời các bạn tham khảo.

Bệnh ung thư âm hộ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Ung thư âm hộ là một loại ung thư phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ. Bộ phận này là vùng da bao quanh lỗ tiểu và lỗ âm đạo, bao gồm môi âm hộ, âm vật, lỗ âm đạo, củ mu và vùng tầng sinh môn.

Thông thường, ung thư âm hộ phát triển ở môi âm hộ và chủ yếu là ở môi lớn âm hộ. Dạng ung thư này khá hiếm so với các loại ung thư sinh dục khác như ung thư buồng trứng hay ung thư tử cung.

2. Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:

  • Đau trong khi quan hệ tình dục hoặc đau khi đi tiểu;
  • Ngứa lâu ngày ở vùng âm hộ ;
  • Môi âm hộ dày lên hoặc có khối u, khối như mụn;
  • Vết trắng ở khu vực âm hộ;
  • Tiết dịch âm đạo có mùi hôi hoặc có máu không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường.

Các triệu chứng này có thể gặp ở một số bệnh lý lành tính khác, cộng thêm tâm lý ngại ngùng đi khám, do đó người bệnh đôi khi không nhận ra mình bị bệnh lý nặng nề hơn họ nghĩ. Một số phụ nữ thậm chí tự mua thuốc về điều trị dẫn đến bệnh chỉ phát hiện ra khi đã trễ.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc tiêm phòng HPV (Gardasil ®) nếu bạn ở độ tuổi từ 13-26. Ngoài ra, bạn nên:

  • Đi khám bác sĩ nếu bạn nhận thấy những thay đổi ở phần da vùng môi âm đạo.
  • Đi khám bác sĩ nếu bạn bị chảy máu âm đạo mà không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Bạn không nên chần chừ vì bạn có thể sẽ bỏ lỡ thời điểm trị liệu tốt nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác được nguyên nhân gây ung thư âm hộ. Y văn cho rằng ung thư âm hộ bắt nguồn từ những tế bào có đột biến ADN.

Những tế bào đột biến này phát triển và phân chia nhanh quá mức kiểm soát. Nhiều tế bào đột biến được tạo ra và phát triển thành khối ung thư, xâm chiếm những tế bào xung quanh và lan tràn đến các bộ phận khác của cơ thể.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải ung thư âm hộ?

Chưa đến 1% tổng số ca mắc ung thư ở nữ là ung thư âm hộ và thường được chẩn đoán ở phụ nữ lớn hơn 50 tuổi.

Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị ung thư âm hộ?

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư bao gồm:

  • Virus HPV gây mụn rộp sinh dục, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư âm đạo. Virus HPV thường gây ra ung thư âm hộ ở người trẻ tuổi. Viêm âm hộ lâu ngày.
  • Tuổi tác: Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Tuổi trung bình của người mắc ung thư này là 65. Những người cao tuổi mắc bệnh thường liên quan đến những tổn thương âm hộ viêm nhiễm hoặc xơ hóa mãn tính hơn là nguyên nhân do HPV.
  • Hút thuốc. Suy giảm miễn dịch ở người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc người nhiễm HIV.
  • Tiền sử trước đó có tổn thương tiền ung ở âm hộ. Tiền sử có viêm da âm hộ mãn tính xơ hóa.

Bạn không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ là số chung và chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

5. Điều trị

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán ung thư âm hộ là gì?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán trong quá trình khám phụ khoa định kỳ. Qua các kết quả khám, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện sinh thiết để xác định chẩn đoán. Nếu kết quả sinh thiết cho thấy các tế bào ung thư, các xét nghiệm khác có thể được thực hiện để xem liệu bệnh ung thư đã lây lan hay chưa.

Những phương pháp nào dùng để điều trị ung thư âm hộ?

Phẫu thuật, xạ trị và hóa trị là những phương pháp điều trị chính.

Việc điều trị phụ thuộc loại và kích thước của ung thư và sự lan tràn của nó. Đối với khối u rất nhỏ tại một vị trí, có thể sử dụng tia laser để đốt cháy lớp trên cùng của da có chứa các tế bào ung thư.

Ở các mô ung thư lớn hơn, có thể bạn cần phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần thường được sử dụng để loại bỏ các tế bào bất thường và một số mô gần đó.

Ở các mô ung thư lớn hơn, có thể bạn cần phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần thường được sử dụng để loại bỏ các tế bào bất thường và mô xung quanh. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, bác sĩ có thể đề nghị bạn được nạo vét hoàn toàn hoặc sinh thiết hạch lính gác vùng bẹn một hoặc 2 bên.

Sau phẫu thuật, bạn có thể cần phải xạ trị bổ túc để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát. Đôi khi xạ trị đơn thuần áp dụng cho một số trường hợp bác sĩ không thể cắt bỏ được khối u, mục đích chỉ là điều trị giảm nhẹ triệu chứng khó chịu.

Hóa trị thường sử dụng phối hợp với xạ trị để tăng độ nhạy xạ và giúp thu nhỏ kích thước khối u.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh:

Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bạn. Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn. Cố gắng giảm thiểu các yếu tố nguy cơ càng nhiều càng tốt. Tỷ lệ lớn phụ nữ bị ung thư âm hộ là do nhiễm HPV. Quan hệ tình dục an toàn. Sử dụng bao cao su nếu bạn có bất kỳ nguy cơ nhiễm bệnh qua đường tình dục (STD). Hãy chú ý liệu vùng da âm hộ có bị cứng hoặc có vết loét hay không.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu ung thư âm hộ là gì. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Ngày:17/09/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM