Cây vị thuốc có chất độc

Hiện nay, người dân có quan niệm phổ biến cho rằng thuốc đông y không độc hoặc ít độc hơn thuốc tây y vì phần lớn thuốc tây y đi từ con đường tổng hợp hóa chất, trong khi phần lớn thuốc đông y xuất phát từ cây cỏ thiên nhiên, dễ hòa hợp với con người hơn các chất hóa học. Vậy có những cây thuốc, vị thuốc nào chứa chất độc trong Đông y? Mời bạn đọc tham khảo bộ tài liệu Cây vị thuốc có độc để tìm hiểu về các cây và vị thuốc này nhé.

1. Cây vị thuốc chứa chất độc là gì?

Thuốc Đông y đều được bào chế từ các nguồn động thực vật để trở thành dược liệu. Người ta sử dụng những thành phần có lợi trong dược liệu để trị liệu và bồi bổ sức khỏe. Bên cạnh đó, chúng lại có những độc chất khác chứa trong cùng một loại dược liệu. Mặc dù đã áp dụng các phương pháp khử độc hoặc làm giảm độc trong quá trình bào chế thành dược liệu, tuy nhiên, nếu lạm dụng liều quá ngưỡng cho phép vẫn có thể gây độc. Đó là chưa nói tới nguồn thực vật sử dụng chế biến dược liệu còn để lại dư chất là độc tố của thuốc trừ sâu hay chất bảo quản dược liệu sau chế biến hoặc dược liệu bị mốc có cả các nấm mốc gây độc…

2. Lí do gây độc

Ngoài độc tính của vị thuốc có thể gây độc, còn việc sử dụng không đúng mục đích trong thang thuốc có thể gây tử vong như trong y thư nói: “Hàn ngộ hàn tắc tử” nghĩa là khi cơ thể đã hàn mà lại sử dụng các vị thuốc mang tính hàn, đương nhiên hàn sẽ tăng lên bội phần dẫn đến chết! Chẳng hạn, khi hàn phải dùng ôn pháp để làm ấm nóng cho người bệnh. Vậy phải dùng các loại thuốc ấm nóng để chữa các chứng hư hàn, quyết lảnh hồi dương cứu nghịch. Trên lâm sàng thường dùng các vị thuốc như: nhân sâm, phụ tử, nhục quế, sanh cương. Hay “Nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng” ý nói là cơ địa người bệnh đã nhiệt mà lại sử dụng những vị thuốc mang tính nóng ắt sẽ làm cho người bệnh sinh điên! Ví dụ như mắc chứng can phong nội đồng do nhiệt thịnh, cần dùng câu đằng với linh dương giác, cúc hoa, thạch cao thì lại dùng phụ tử, nhục quế, sanh cương… Dùng hoàng bá thuốc giáng hỏa, hay huyền sâm.

Còn khi lập thang thuốc mà có những vị đối kháng trong cùng một thang là có thể xảy ra sự tương tác bất lợi như vị thuốc này kìm hãm hay làm giảm tác dụng của một hoặc nhiều vị khác có cùng thang, thậm chí sự tương tác còn có thể tạo thành chất độc… như vậy sẽ không đạt mục đích điều trị khỏi bệnh, mà còn gây hại cho cơ thể người bệnh và dẫn đến tử vong.

Hoặc bắt không đúng bệnh, như người bệnh bị âm hư thì phải bổ âm hoặc nâng âm hạ dương để cho âm dương cân bằng…

3. Một số cây thuốc chứa độc tính

Á phiện là nhựa lấy từ trái của cây thuốc phiện dùng để chữa ho, giảm đau, chữa đau bụng, tả lỵ. Nếu dùng quá liều sẽ nguy hiểm cho tính mạng do sự ức chế trung tâm hô hấp ở hành tủy.

Phụ tử là vị thuốc lấy từ rễ củ cây ô đầu VN, trong đông y được dùng làm thuốc hồi dương, khử phong hàn, chữa một số bệnh trụy tim mạch, ra nhiều mồ hôi, tay chân lạnh giá. Trong vị thuốc này có chứa aconitin là một chất cực độc: chỉ cần 2 - 3mg aconitin có thể gây chết người.

Mã tiền là vị thuốc bào chế từ hạt cây mã tiền, sử dụng trong đông y cũng giống như strychnin được sử dụng trong tây y. Đó là vị thuốc kích thích tiêu hóa, chữa nhức mỏi tay chân, chữa đau dây thần kinh và thiếu máu. Nếu dùng quá liều sẽ gây cơn co giật kiểu uốn ván và nạn nhân chết vì ngạt thở do cơ hô hấp bị co giật kéo dài.

Cà độc dược là vị thuốc lấy từ lá cây cà độc dược, được dùng để chữa hen suyễn, giảm đau, chống co thắt trong bệnh loét dạ dày và ruột, chữa chóng mặt, nôn mửa khi đi máy bay, tàu xe. Có thể gây ngộ độc nếu dùng quá liều do chất atropin làm tê liệt hệ đối giao cảm: giãn đồng tử, mạch nhanh, giảm tiết dịch, tê liệt.

Cây trúc đào - mọi thành phần của cây đều độc vì có chất oleanderi và neriolin được sử dụng làm thuốc. Có trường hợp mù mắt do nhựa trúc đào, cành trúc đào làm que xiên thịt nướng, khi ăn thịt sẽ bị ngộ độc.

Cây hoa đỗ quyên vừa dùng làm thuốc trị bệnh, song có chứa chất độc, nếu lạm dụng cũng gây ngộ độc. Cây mao địa hoàng (digitalis purpurea), cho chất digoxin chữa trị bệnh tim, nếu uống quá liều cũng bị ngộ độc. 

Mật ong cũng có thể gây độc nếu như loại mật ong này được lấy từ các loài hoa độc (lim, bạch đàn...) và trong đó có một số loại độc chất chưa phân lập được nếu ăn nhiều sẽ gây độc (say mật).

Ngay cả nhân sâm, nếu sử dụng không đúng cũng bị ngộ độc hoặc gây tử vong. Mặc dù Đông y cho rằng, sâm là một vị thuốc đại bổ nguyên khí, phục mạch, cố thoát, bổ tỳ ích phế, sinh tân, an thần. Nhưng khi lạm dụng hoặc dùng không đúng mục đích cũng gây nguy hiểm chết người.

....

Thuốc đông y cũng có những độc chất như trong thuốc tây y. Vì vậy phải thật cẩn trọng khi sử dụng, không chủ quan, tùy tiện hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác mà phải đến khám, bắt mạch, mua thuốc theo đơn ở các phòng chẩn trị y học cổ truyền được phép hành nghề để tránh “tiền mất tật mang”. Để hiểu rõ về đặc điểm, độc tính của một số cây thuốc Đông y, mời bạn đọc tham khảo các bài viết trong bộ tài liệu Cây vị thuốc chứa chất độc nhé

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM