Các chỉ số xét nghiệm và ý nghĩa

Tùy theo từng đối tượng, từng độ tuổi hay tình trạng sức khỏe khác nhau mà các xét nghiệm cần thiết cần thực hiện cũng khác nhau trong kiểm tra sức khỏe, nhằm mục đích tìm đúng người, đúng bệnh và tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người bệnh. Không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong các chẩn đoán của bác sĩ, các kết quả xét nghiệm còn có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng cơ thể và sức khỏe của bản thân. Cùng eLib.VN tìm hiểu về các loại xét nghiệm thường gặp, ý nghĩa của một số chỉ số xét nghiệm y học để có cái nhìn tổng quan hơn về tầm quan trọng của việc xét nghiệm nhé.

1. Xét nghiệm là gì?

Xét nghiệm chính là hoạt động điều tra, là quá trình phân tích chức năng, tình trạng các cơ quan trên cơ thể, gồm nhiều bước. Kết quả cuối cùng của hoạt động xét nghiệm là nhằm chứng minh cho chẩn đoán sơ bộ trước đó hoặc chứng minh cho kết quả điều trị có đạt hiệu quả hay không. 

Trong y học, xét nghiệm cũng là hoạt động được diễn ra nhằm mục đích điều tra, phân tích. Xét nghiệm cụ thể được diễn ra trong các phòng thí nghiệm đạt chuẩn của bệnh viện. Mẫu xét nghiệm rất đa dạng. Đó có thể là máu, là nước tiểu, và nhiều mẫu hữu cơ khác. Việc xét nghiệm do các bác sĩ chuyên môn thực hiện. Kết quả xét nghiệm thu được chính là cơ sở để bác sĩ đưa ra các chẩn đoán bệnh. 

2. Một số loại xét nghiệm thường gặp

2.1 Xét nghiệm máu

Công thức máu: Nhằm định lượng các thành phần của máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu...) và một số tính chất của chúng (ví dụ như độ lớn, lượng hêmôglôbin) trong mẫu thử máu thường lấy ra từ mạch máu gần khuỷu tay. Nó cho ta biết cơ thể có gì bất thường không: bị nhiễm trùng, bệnh ung thư máu…

Xét nghiệm đường huyết (glucose...): Xét nghiệm đường huyết nhằm xác định lượng đường có trong máu từ đó giúp bạn biết được có tăng hay giảm đường huyết hay đang ở mức bình thường (có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay không?).

Xét nghiệm chức năng thận (Creatinine, Ure): Giúp phát hiện các bệnh về thận sớm, trong giai đoạn mới khởi phát. Từ đó bác sĩ sẽ dễ dàng sàng lọc, xác định nguyên nhân và kê đơn thuốc, hướng dẫn khách hàng điều chỉnh lại lối sống, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe, tránh bệnh diễn tiến nặng thêm.

Xét nghiệm chức năng gan (GOT, GPT, GGT...): Xét nghiệm chức năng gan đánh giá được các chức năng khác nhau của tế bào gan. Qua đó có thể khẳng định được gan của bạn đã bị tổn thương, và mức độ tổn thương hiện tại như thế nào.

Xét nghiệm mỡ máu: Là xét nghiệm quan trọng đối với những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao chủ yếu nhằm kiểm tra nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu. Khi xét nghiệm mỡ máu, bạn quan tâm đến 4 chỉ số quan trọng trong mỡ máu, đó là: Triglyceride, cholesterol toàn phần LDL - cholesterol (LDL - c) và HDL - cholesterol (HDL - c) đây là những chỉ số đánh giá về bệnh lý rối loạn chuyển hóa và là các yếu tố nguy cơ cao ở một số bệnh tim mạch, tăng huyết áp.

Xét nghiệm HBsAg, HCVAb: Để sàng lọc viêm gan virus B, C.

Xét nghiệm điện giải đồ (Na+, K+, Cl+, Canxi...): Là các yếu tố vi lượng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt quan trọng trong hoạt động của tim mạch, thần kinh cơ,...

2.2 Xét nghiệm cơ bản nước tiểu

Xét nghiệm này cho thông tin không chỉ về hoạt động của thận, mà qua đó còn biết về hoạt động của các bộ phận khác (ví dụ gan và tụy). Nó cũng cho biết trong hệ thống bài tiết nước tiểu có viêm nhiễm không.

2.3 Các cận lâm sàng khác

X - quang tim phổi thẳng: Phát hiện các vấn đề về tim phổi như lao, viêm phổi, u phổi... 

Siêu âm ổ bụng tổng quát: Đánh giá hình thể các tạng trong ổ bụng: gan, lách, mật, tuỵ, bàng quang, tiền liệt tuyến (nam), tử cung - buồng trứng (nữ).

Siêu âm tuyến giáp: Phát hiện bệnh lý tuyến giáp như u xơ, u nang tuyến giáp…

Điện tim đồ: Phát hiện các bệnh lý về tim mạch…

Ngoài những xét nghiệm hóa sinh cơ bản, còn có một số các loại xét nghiệm chuyên sâu như:

  • Các xét nghiệm định lượng Hormone: Hormone Sinh dục, Hormone Tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến yên...
  • Các Marker chuyên sâu về Tim mạch.
  • Các Marker nhiễm khuẩn.
  • Các yếu tố chỉ điểm ung thư sớm (gan mật, phổi, dạ dày, đại tràng, vú, buồng trứng, tiền liệt tuyến...).
  • Các xét nghiệm chẩn đoán vô sinh (xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng AMH), tinh dịch đồ...
  • Xét nghiệm chẩn đoán đột biến gen EGFR trong ung thư phổi không tế bào nhỏ bằng kỹ thuật Real - Time PCR.
  • Xét nghiệm đột biến Gen giúp điều trị hướng đích người bệnh ung thư.
  • Siêu âm độ đàn hồi nhu mô gan: Phát hiện sớm mức độ xơ gan, mức độ nhiễm mỡ của gan trong các trường hợp uống rượu nhiều, mắc các bệnh viêm gan virus B, C; tiểu đường, tăng huyết áp rối loạn chuyển hóa mỡ máu...
  • Chụp Xquang vú : Phát hiện sớm ung thư vú.
  • Xét nghiệm Liquy Prest: Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
  • Đo mật độ loãng xương toàn thân: Phát hiện sớm mức độ loãng xương.
  • Test HP hơi thở: Tìm nguyên nhân viêm dạ dày do vi khuẩn HP mà không cần nội soi dạ dày...

3. Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm y học

Ure máu

Chỉ định: Các bệnh lý về thận, kiểm tra chức năng thận trước phẫu thuật, can thiệp, kiểm tra sức khoẻ định kỳ.

Trị số bình thường: 2,5 – 7,5 mmol/l.

  • Ure tăng cao trong các trường hợp: Suy thận, thiểu niệu, vô niệu, tắc nghẽn đường niệu, chế độ ăn nhiều protein.
  • Ure thấp trong các trường hợp: Suy gan làm giảm tổng hợp ure, chế độ ăn nghèo protein, truyền nhiều dịch.

Creatinin máu

Chỉ định: Các bệnh lý về thận, các bệnh lý ở cơ, kiểm tra trước phẫu thuật, can thiệp… Nhằm mục đích đánh giá chức năng thận, mức độ suy thận.

Chỉ số bình thường: Nam: 62 - 120 Mmol/l, Nữ: 53 - 100 Mmol/l

  • Creatinin tăng cao trong các trường hợp: Suy thận cấp và mãn, bí tiểu tiện, bệnh to đầu ngón, tăng bạch cầu, cường giáp, Goutte.
  • Creatinin giảm gặp trong các trường hợp: có thai, dùng thuốc chống động kinh, bệnh teo cơ cấp và mãn tính.

HbA1 C

Chỉ định: Nghi ngờ tiểu đường, những trường hợp cần kiểm soát đường máu, nhất là những bệnh nhân tiểu đường khó kiểm soát.

Trị số bình thường: 4 - 6 %

  • HbA1 C tăng trong các trường hợp: bệnh tiểu đường, bệnh tiểu đường khó kiểm soát.
  • HbA1 C tăng giả tạo trong các trường hợp: ure máu cao, thalassemia.
  • HbA1 C giảm giả tạo trong các trường hợp: Thiếu máu, huyết tán, mất máu.

Acid Uric máu

Chỉ định: Nghi ngờ bệnh Goutte, bệnh thận, bệnh khớp, theo dõi hiệu qủa điều trị bệnh Goutte.

Trị số bình thường: Nam: 180 - 420 Mmol/l, Nữ: 150 - 360 Mmol/l

  • Acid uric tăng cao trong nhiều trường hợp: thường gặp nhất là trong bệnh Goutte, leucemie, đa hồng cầu, suy thận, ung thư, tăng bạch cầu đơn nhân, nhiễm trùng nặng, bệnh vẩy nến…
  • Acid uric giảm gặp trong các trường hợp: có thai, bệnh wilsson, hội chứng Fanconi…

Bilirubin máu

Chỉ định: Các trường hợp vàng da do bệnh gan mật, tuỵ, tan máu…

Trị số bình thường:

  • Bilirubun toàn phần ≤ 17,0 Mmol/l
  • Bilirubin trực tiếp ≤ 4,3 Mmol/l.
  • Bilirubin gián tiếp ≤ 12,7 Mmol/l.
  • Bilirubun toàn phần tăng cao trong các trường hợp: Vàng da do nguyên nhân trước gan (tan máu), trong gan (viêm gan), sau gan (sỏi ống mật chủ, u đầu tuỵ…).
  • Bilirubin trực tiếp tăng trong các trường hợp: Tắc mật, viêm gan cấp, ung thư đầu tuỵ.
  • Bilirubin gián tiếp tăng trong: Thalassemia, tan máu, vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh.

Ca++ máu

Chỉ định: Đa u tuỷ, loãng xương, suy thận,…

Trị số bình thường: 1,17 - 1,29 mmol/l

  • Ca++ tăng trong các trường hợp: Đa u tuỷ, loãng xương, viêm phổi, giảm phosphat máu, nhiễm độc vitamin D, cường cận giáp tiên phát hoặc thứ phát…
  • Ca++ giảm trong các trường hợp: Thiểu năng cận giáp, suy thận, bệnh Tetanie, còi xương, các bệnh có giảm Albumin máu…

Ferritin

Chỉ định: Những trường hợp thiếu máu, tan máu, các trường hợp cần đánh giá dự trữ sắt của cơ thể.

Trị số bình thường: Nam giới và phụ nữ đã mãn kinh: 16,4 - 323 ng/ml, Phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ: 6,9 - 282 ng/ml.

  • Ferritin tăng rất cao trong các trường hợp: Suy tuỷ, tuỷ giảm sinh, rối loạn sinh tuỷ, Hogkin, đa u tuỷ xương…
  • Ferritin cũng tăng cao trong các trường hợp: Nhiễm trùng, có khối u mãn tính (tăng giả tạo), truyền khối hồng cầu nhiều lần, tan máu…
  • Ferritin giảm trong các trường hợp: Thiếu máu thiếu sắt, các bệnh mãn tính, viêm đa khớp, suy thận, các bệnh gây mất máu mãn tính (rong kinh, trĩ, viêm loét đường tiêu hoá, chảy máu dạ dày…), rối loạn hấp thu (do cắt dạ dày, viêm ruột non mãn tính)…

Amylase máu

Chỉ định: Các bệnh về tuỵ (viêm tuỵ, u tuỵ, K tuỵ…), viêm tuyến nước bọt, quai bị,…

Trị số bình thường: ≤ 220 U/l

  • Amylase tăng cao trong các trường hợp: Viêm tuỵ cấp, ung thư tuỵ, quai bị, viêm tuyến nước bọt, thủng dạ dày, tắc ruột cấp.
  • Amylase giảm thường ít gặp: ung thư tuỵ, sỏi tuỵ.

CK (Creatin – Kinase)

Chỉ định: trong các trường hợp nghi ngờ nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, bệnh lý về cơ (viêm cơ, loạn dưỡng cơ),…

Trị số bình thường: ≤ 200 U/l

  • CK tăng cao trong các trường hợp: Nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, chấn thương cơ, viêm cơ, choáng, hoạt độ CK tăng gặp ở nhiều loại tổn thương cơ, bệnh loạn dưỡng cơ Duchene tiến triển và một số trạng thái (gắng sức sinh lý, sốt cao ác tính, thiếu oxy cơ, sau phẫu thuật, sau tiêm bắp một số thuốc kháng sinh, điều trị thuốc giảm đau, thuốc chống loạn nhịp…
  • CK giảm trong trường hợp: teo cơ.

...

Xét nghiệm y học có vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Chính vì vậy eLib.VN đã tổng hợp bộ tài liệu Các chỉ số xét nghiệm và ý nghĩa. Hi vọng đây sẽ là những tư liệu hữu ích hỗ trợ bạn trong quá trình học tập và nghiên cứu. Mời các bạn đọc cùng tham khảo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM