Địa lí 10 Bài 22: Dân số và sự gia tăng dân số

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về Dân số và sự gia tăng dân số trong chương trình Địa lí 10, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 22 Địa lí 10. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Dân số và tình hình phát triển dân số thế giới

a. Dân số thế giới

- Năm 2001 là 6.137 triệu người

- Giữa năm 2005 là 6,477 tỷ người.

- Hiện nay hơn 7 tỷ người.

- Quy mô dân số giữa các châu lục và các nước khác nhau (có 11 quốc gia/200 quốc gia với dân số trên 100 triệu người, 17 nước có số dân từ 0,01- 0,1 triệu người).

- Quy mô dân số thế giới ngày càng lớn.

b. Tình hình phát triển dân số trên thế giới

- Thời gian dân số tăng thêm 1 tỉ người và thời gian dân số tăng gấp đối ngày càng rút ngắn.

- Tốc độ gia tăng dân số thế giới ngày cnagf cao, quy mô dân số thế giới ngày càng lớn.

1.2. Gia tăng dân số

a. Gia tăng tự nhiên

- Tỉ suất sinh thô

+ Khái niệm: Tỉ suất sinh thô là tương quan giữa số trẻ em được sinh ra trong năm so với số dân trung bình ở cùng thời điểm.

+ Đặc điểm: Tỉ suất thô có xu hướng giảm nhưng có sự khác nhau giữa các nhóm nước (các nước phát triển giảm nhanh hơn).

+ Nguyên nhân: Yếu tố tự nhiên, sinh học. Tập quán, tâm lí xã hội và trình độ phát triển kinh tế - xã hội…

+ Công thức tính: Tỉ suất sinh thô = (Số trẻ em sinh ra / Tổng số dân) . 1000

+ Tỉ suất sinh thô được tính theo đơn vị phần nghìn (%o)

- Tỉ suất tử thô

+ Khái niệm: Tỉ suất tử thô là tương quan giữa số người chết trong năm so với số dân trung bình cùng thời điểm.

+ Đặc điểm: Tỉ suất tử thô có xu hướng giảm dần

+ Nguyên nhân: Mức sống, y tế ngày càng phát triển. Chiến tranh, đói kém, bệnh dịch…ngày càng đẩy lùi.

+ Công thức tính: Tỉ suất tử thô = (Số người chết / Tổng số dân) . 1000

+ Tỉ suất tử thô được tính theo đơn vị phần nghìn (%o)

- Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên (Tg)

+ Là sự chênh lệch giữa tỉ suất sinh thô và tử thô, coi là động lực phát triển dân số (đơn vị: %).

+ Công thức tính: Tỉ suất GTTN = (Tỉ suất sinh – Tỉ suất tử) : 10

+ Có 5 nhóm:

  • Tg ≤  0%: Nga, Đông Âu
  • Tg = 0,1-0,9%: Bắc Mĩ, Ôxtrâylia, Trung Quốc, Cadắctan, Tây Âu...
  • Tg = 1 -1,9%: Việt Nam, Ấn Độ, Bra xin, Mêhicô, Angiêri,..
  • Tg = 2-2,9%: Đa số các nước ở châu Phi, Ảrậpxêút, Pakistan, Ápganixtan,Vêlêduêla, Bôlivia,..
  • Tg ≥  3%: Côngô, Mali, Yêmen, Mađagaxca...

- Ảnh hưởng của tình hình tăng dân số đối với sự phát triển  kinh tế - xã hội

+ Tích cực:

  • Dân số là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
  • Dân số dao động tạo nguồn lao động dồi dào
  • Là thị trường tiêu thụ rộng lớn

+ Tiêu cực:

  • Thiếu cơ sở vật chất
  • Ô nhiễm môi trường

+ Biện pháp:

  • Thực hiện kế hoạch gia đình
  • Tuyên truyền giáo dục ý thức người dân
  • Ban hành các văn bản pháp luật về vấn đề dân số.

b. Gia tăng cơ học

- Gia tăng cơ học: Sự chênh lệch giữa số người xuất cư và nhập cư.

- Có ý nghĩa quan trọng đối với từng khu vực, từng quốc gia, trên phạm vi toàn thế giới, không ảnh hưởng đến quy mô dân số.

- Nguyên nhân:

  • Lực hút: đất đai màu mỡ, dễ kiếm việc làm
  • Lực đẩy: điều kiện sống khó khăn, thu nhập thấp

c. Gia tăng dân số

Tỉ suất gia tăng dân số bằng tổng số của tỉ suất gia tăng tự nhiên và tỉ suất gia tăng cơ học. (đơn vị %).

Minh họa sự gia tăng dân số

2. Luyện tập

Câu 1: Dựa vào bảng số liệu trang 82 SGK Địa lí 10, em hãy nhận xét tình hình tăng dân số trên thế giới và xu hướng phát triển dân số thế giới trong tương lai?

Gợi ý làm bài

Nhận xét:

- Dân số trên thế giới tăng lên liên tục trong giai đoạn 1804 - 1999 (từ 1 tỉ người lên 6 tỉ người).

- Thời gian dân số tăng thêm 1 tỉ người và thời gian dân số tăng gấp đôi ngày càng rút ngắn.

+ Thời gian dân số tăng thêm 1 tỉ người: Thời gian có thêm 1 tỉ người rút ngắn từ 123 năm xuống 32 năm,  15 năm, 13 năm và 12 năm.

+ Thời gian dân số tăng gấp đôi cũng ngày càng rút ngắn từ 123 năm xuống còn 47 năm.

- Nhận xét chung: Quy mô dân số thế giới ngày càng lớn, tốc độ gia tăng nhanh, đặc biệt từ nửa sau thế kỉ XX. Nguyên nhân là do chiến tranh chấm dứt, mức chết của trẻ em giảm nhanh nhờ những thành tựu của y tế, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trong khi mức sinh tuy có giảm nhưng chậm hơn nhiều.

Câu 2: Dựa vào hình 22.1, em hãy nhận xét tình hình tỉ suất sinh thô của thế giới và ở các nước đang phát triển, các nước phát triển, thời kì năm 1950- 2005?

Gợi ý làm bài

Nhận xét:

- Thời kì 1950 - 2005:

+ Tỉ suất sinh thô của toàn thế giới cao hơn các nước phát triển và thấp hơn các nước đang phát triển.

+ Tỉ suất sinh thô ở các nước đang phát triển gấp khoảng 2 lần các nước phát triển. (năm 2004 -2005: tỉ suất sinh thô các nước phát triển là 11‰ và các nước đang phát triển là 24‰).

- Trong thời kì từ 1950 - 2005: tỉ suất sinh thô của toàn thế giới, các nước phát triển. các nước đang phát triển đều có xu hướng giảm nhanh.

+ Tỉ suất sinh thô ở các nước phát triển giảm nhanh nhất (giảm 2.1 lần).

+ Tỉ suất sinh thô các nước đang phát triển giảm nhanh thứ 2 (giảm 1,75 lần).

+ Tỉ suất sinht thô toàn thế giới giảm chậm nhất ( 1,71 lần).

Câu 3: Dựa vào hình 22.3, e hãy cho biết:

- Các nước được chia thành mấy nhóm có tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên khác nhau?

- Tên một vài quốc gia tiêu biểu trong mỗi nhóm?

- Nhận xét?

Gợi ý làm bài

- Các nước được chia thành 5 nhóm có sự gia tăng dân số tự nhiên khác nhau.

- Các quốc gia tiêu biểu của mỗi nhóm:

+ Nhóm ≥ 3%: Mađagaxca, Mali, Ôman, Yêmen...

+ Nhóm 2 – 2,9%: Libi, Ai Cập, Xu Đăng, Vênêxuêla...

+ Nhóm 1 – 1,9%: Nam  Phi, Mông Cổ, Braxin, Mêhicô...

+ Nhóm 0,1 – 0,9%: Trung Quốc, Ôxtâylia, Hoa Kì, Canađa...

+ Nhóm ≤ 0%: Liên Bang Nga, Ba Lan, Đức...

- Nhận xét: gia tăng dân số tự nhiên trên thế giới không đều nhau và có sự chênh lệch lớn giữa các nước, các khu vực.

+ Các nước thuộc khu vực châu Phi chủ yếu có gia tăng dân số ở mức cao nhất thế giới (≥ 3 % và 2– 2,9 %). Đây là khu vực các nước nghèo, kinh tế phát triển chậm.

+ Nam Mĩ, Nam Phi và các nước Tây Nam Á và Đông Nam Á phổ biến mức  1 -1,9%. Là khu vực có nền kinh tế đang phát triển năng động, các nước công nghiệp mới...

+ Các nước Bắc Mĩ, Ôxtâylia,  Đông Á và một số nước Tây Âu có mức gia tăng thấp: 0,1 – 0,9%. Khu vực kinh tế phát triển, lãnh thổ rộng lớn.                                                                                    

+  Liên Bang Nga và hầu hết các nước châu Âu có mức gia tăng dân số rất thấp ≤ 0%. Các nước có dân số già, khí hậu lạnh giá.

Câu 4: Dựa vào sơ đồ trang 85 SGK Địa lí 10, em hãy nêu hậu quả của sự gia tăng dân số quá nhanh và sự phát triển dân số không hợp lí của các nước đang phát triển.

Gợi ý làm bài

Gây sức ép nặng nề đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, môi trường.

- Kinh tế: GDP/người thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm,...

- Xã hội: gia tăng tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm; gây sức ép lên các vấn đề giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội...

- Môi trường: tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm suy thoái (đất, nước, không khí).

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Dân số và sự gia tăng dân số Địa lý 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm nội dung sau:

- Hiểu được dân số thế giới luôn luôn biến động, nguyên nhân chính là do sinh đẻ và tử vong.

- Phân biệt được các tỉ suất sinh, tử, gia tăng cơ học và gia tăng thực tế.

- Biết cách tính tỉ suất sinh, tỉ suất tử và tỉ suất gia tăng tự nhiên.

Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM