Bệnh đau dạ dày - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau dạ dày (tên gọi khác là đau bao tử) là một loại bệnh rất phổ biến hiện nay. Bệnh do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Những câu hỏi về đau bao tử nói chung, về vị trí đau và cách điều trị nói riêng được rất nhiều người quan tâm. Hãy cùng eLib khám phá những thông tin chi tiết qua bài viết dưới đây.

Bệnh đau dạ dày - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày là tình trạng dạ dày bị tổn thương chủ yếu là do bị viêm loét. Người bị đau dạ dày sẽ thường cảm thấy đau âm ỉ, khó chịu vô cùng. Khi người bệnh ăn quá no hoặc quá đói đều có thể bị đau.

Nếu người bệnh làm việc quá sức hay cảm thấy căng thẳng thì các cơn đau sẽ xuất hiện. Tâm trạng thất thường của người bệnh cũng khiến cho tình trạng đau càng tăng lên.

2. Nguyên nhân bệnh đau dạ dày

Theo các nghiên cứu khoa học, đau dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Các nguyên nhân gây nên bệnh lý này thường phụ thuộc nhiều vào thói quen sinh hoạt của người bệnh. Cụ thể có thể điểm lại một số nguyên nhân gây đau dạ dày sau đây:

Do vi sinh vật

Nhiều loại vi khuẩn, nấm gây nên tình trạng viêm loét dạ dày gây đau, xuất huyết. Trong đó, phổ biến nhất là vi khuẩn HP, viết tắt từ Helicobacter pylori. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP nhưng không bị loét dạ dày, việc uống nhiều rượu bia, ăn đồ độc hại sẽ tạo môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển và gây hại dạ dày.

Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân gây các bệnh lý tại dạ dày.

Do thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống thiếu khoa học là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng viêm loét dạ dày. Những người có thói quen xấu trong ăn uống thường mắc phải bệnh liên quan đến dạ dày:

Ăn uống không điều độ, đúng giờ, ăn quá khuya.

Ăn quá no hoặc để bụng quá đói.

Ăn nhiều đồ chua, đồ cay nóng, chiên rán.

Vừa ăn vừa làm những việc khác như xem tivi, đọc sách, chơi game, học bài,…

Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm bẩn, ôi thiu, hư hỏng,…

Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích.

Tất cả các thói quen ăn uống không khoa học đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày và hệ tiêu hóa. Vì thế cần có một thói quen ăn uống điều độ, hợp lý để bảo vệ sức khỏe tiêu hóa của bạn.

Yếu tố tâm lý

Những người thường xuyên bị căng thẳng, áp lực thường có nguy cơ đau dạ dày cao hơn những người bình thường. Nguyên nhân là do căng thẳng, áp lực khiến dạ dày tăng co bóp và tiết dịch, mất cân bằng dẫn đến tự bào mòn niêm mạc gây viêm loét.

Do bệnh lý

Một số bệnh lý đường tiêu hóa gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của dạ dày như: viêm hoặc ung thư tuyến tụy, túi mật, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích,… Ngoài ra, đau dạ dày còn có thể là hậu quả của các bệnh lý tại tuyến giáp do tuyến này điều khiển chức năng tiêu hóa của dạ dày.

Do dùng thuốc

Các thuốc kháng viêm không chứa steroid và thuốc kháng sinh liêu cao gây ức chế hệ vi sinh vật có hại trong dạ dày, dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn như: viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày,.... 

3. Triệu chứng của bệnh đau dạ dày

Đau dạ dày là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể được nhận biết dễ dàng qua các triệu chứng dưới đây:

Đau bụng vùng thượng vị: đây là triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết nhất. Người bệnh thường bị đau rát vùng thượng vị, đôi khi tức ngực. Tuy nhiên triệu chứng này cũng có thể bị nhầm lẫn với 1 số bệnh lý khác tại vùng tương ứng. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể đau vùng giữa bụng hoặc bên trái.

Buồn nôn: khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương thì dạ dày sẽ bị kích thích, bệnh nhân luôn có cảm giác buồn nôn, khó chịu. 

Ợ chua: Một số nguyên nhân làm dạ dày tăng tiết dịch sẽ làm mất cân bằng pH dạ dày, dẫn đến chứng trào ngược thực quản gây nên ợ chua.

Chán ăn: Khi dạ dày không hoàn thành nhiệm vụ của mình, người bệnh sẽ không có cảm giác đói. Điều đó dẫn đến người bệnh cảm thấy chán ăn và không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, lâu dần gây suy nhược cơ thể.

Xuất huyết tiêu hóa: Các trường hợp viêm loét dạ dày nặng sẽ gây xuất huyết dạ dày. Biểu hiện là nôn ra máu tươi, phân màu cà phê,… Đây là một dấu hiệu cảnh báo sự nghiêm trọng của chứng đau dạ dày mà bạn không nên xem thường.

Khi có các triệu chứng điển hình của chứng đau và viêm loét dạ dày, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được khám và điều trị sớm. Việc này sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

4. Các vị trí đau dạ dày

Đau vùng thượng vị

Vùng thượng vị được xác định là vùng bụng ở phía trên rốn và dưới xương ức. Khi vùng này bị tổn thương, cơ thể người bệnh sẽ cảm thấy những cơn đau âm ỉ, căng tức và khó chịu. những cơn đau từ vùng thượng vị này có mức độ lan nhanh, nhanh nhất là lan sang vùng lưng và ngực.

Đau vùng bụng giữa

Vùng bụng giữa là vùng có nhiều cơ quan tiêu hóa quan trọng trong cơ thể người. Nếu có biểu hiện đau bụng vùng này, người bệnh nên đi kiểm tra chuyên khoa để có những chẩn đoán chính xác nhất. Tuy nhiên, nếu có hiện trạng đau ở vùng bụng giữa và có các dấu hiệu như khó tiêu, đầy bụng, ợ chua,… thì khả năng cao là bạn đã mắc bệnh dạ dày.  

Đau dạ dày phía trên bên trái

Khi bạn đói, nếu thấy cơ thể xuất hiện tình trạng đau bụng âm ỉ hoặc đau bụng theo cơn ở vị trí bụng bên trái thì rất nhiều khả năng bạn đã mắc bệnh dạ dày. Đừng chủ quan, hãy theo dõi những cơn đau và nhanh chóng đi thăm khám chuyên khoa để có những điều chỉnh phù hợp nhất, tốt nhất cho sức khỏe của bạn.

5. Điều trị bệnh đau dạ dày

Điều trị đau dạ dày sẽ dựa theo nguyên nhân gây bệnh, kết hợp với thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Khi bị đau dạ dày, người bệnh nên đi khám với bác sĩ Tiêu hóa - Dạ dày giỏi để được chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị. 

Một số loại thuốc điều trị đau dạ dày thường được áp dụng như:

Thuốc điều trị axit dạ dày: Axit kích thích mô trong dạ dày dạ dày bị viêm, gây ra đau và viêm nhiễm hơn. Đó là lý do tại sao, đối với hầu hết các loại viêm dạ dày, điều trị bao gồm việc uống thuốc để làm giảm hoặc trung hòa axit dạ dày, chẳng hạn như:

Thuốc kháng axit: Thuốc kháng axit ở dạng lỏng hoặc viên là một điều trị phổ biến cho viêm dạ dày nhẹ. Thuốc kháng axit trung hòa axit dạ dày và có thể giảm đau.

Ức chế histamin H2: Khi thuốc kháng axit không đủ cung cấp cứu trợ, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc khác như cimetidine, ranitidine (zantac),nizatidine hoặc famotidine (pepcid),giúp làm giảm lượng axit sản xuất trong dạ dày... (cần có chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng).

Các loại thuốc ức chế bơm proton: Thuốc ức chế bơm proton làm giảm axit bằng cách chặn các hành động của bơm trong các tế bào tiết axit của dạ dày.

Các loại thuốc để điều trị vi khuẩn HP: Các bác sĩ sử dụng nhiều phác đồ điều trị HP lây nhiễm. Hầu hết sử dụng sự kết hợp của hai loại thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton. Kháng sinh giúp tiêu diệt các vi khuẩn, và các chất ức chế bơm proton làm giảm đau đớn và buồn nôn, chữa viêm dạ dày và có thể làm tăng hiệu quả của thuốc kháng sinh.

Lưu ý: Nếu nguyên nhân gây bệnh dạ dà do vi khuẩn HP, để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc, bệnh nhân đau dạ dày và mọi người không nên sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi mà chỉ dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

6. Biện pháp phòng ngừa bệnh đau dạ dày

Đau dạ dày là tình trạng rất dễ kích hoạt nhưng bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng cách chăm sóc và dự phòng tốt. Dưới đây là những vấn đề cần lưu ý:

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như duy trì những thói quen ăn uống lành mạnh là liều thuốc hiệu quả nhất giúp bạn bảo vệ sức khỏe tiêu hóa. Đồng thời ngăn chặn tình trạng đau dạ dày kích hoạt.

Cần ăn sáng đầy đủ, ăn đúng giờ giấc, đảm bảo ăn chín, uống sôi.

Nên ăn nhiều rau xanh, thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ để tránh áp lực co bóp cho dạ dày.

Tránh uống nước ngọt có gas, rượu bia...

Không ăn bốc, đồng thời tập thói quen vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng kháng khuẩn trước khi ăn.

Hạn chế ăn các loại gia vị cay như tiêu, ớt, mù tạt, đồng thời tránh ăn nhiều đồ chua hay các loại trái cây có vị chua.

Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và chú ý không nên ăn quá nhiều thức ăn 1 bữa.

Bổ sung đủ nước cho cơ thể, tuy nhiên tránh uống nhiều ngay trước và sau khi ăn.

Hạn chế ăn vặt hay ăn các loại đồ chế biến sẵn ở ngoài hàng quán.

Không nên ăn khuya và chú ý dùng bữa tối trước khi đi ngủ ít nhất 2 - 3 tiếng đồng hồ.

Tránh đi nằm ngay hay vận động mạnh khi vừa mới ăn xong.

Chú ý duy trì chế độ ăn nhạt, không nên nêm nếm quá nhiều muối hay gia vị khi chế biến thức ăn.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Tây

Thường xuyên sử dụng thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây đau bao tử phổ biến. Chính vì thế mà người bệnh cần hết sức thận trọng.

Để giảm thiểu tác dụng phụ mà thuốc Tây gây ra cho dạ dày, bạn cần chú ý đến các vấn đề sau:

Tuyệt đối không tự ý mua bất cứ loại thuốc nào để sử dụng, nhất là các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid.

Dùng thuốc đúng liều lượng, tần suất cũng như thời gian mà bác sĩ đã chỉ định.

Tránh uống thuốc khi bụng đói hay ngay trước giờ đi ngủ.

Nên uống thuốc với 1 ly nước lọc đầy để làm giảm tình trạng kích thích niêm mạc dạ dày.

Khi gặp các vấn đề bất thường trong quá trình dùng thuốc, hãy báo ngay cho bác sĩ để được điều chỉnh.

Thiết lập thói quen sinh hoạt lành mạnh

Để ngăn ngừa bệnh đau dạ dày kích hoạt thì việc thiết lập và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh được cho là cần thiết. Điều này không chỉ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà còn tốt cho sức khỏe tổng thể.

Nhanh chóng từ bỏ thói quen hút thuốc lá, thường xuyên thức khuya hay làm việc quá sức.

Ngủ đúng giờ và chú ý đảm bảo giấc ngủ kéo dài khoảng 7 - 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Tập luyện khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày nhằm tăng cường cơ thắt của dạ dày cũng như đường ruột. Đồng thời có thể làm giảm áp lực và căng thẳng lên hệ thần kinh trung ương.

Hít thở sâu và dành thời gian nghỉ ngơi mỗi khi bị lâm vào các tình huống căng thẳng.

Lên kế hoạch giảm cân khoa học và an toàn để phòng ngừa bệnh đau dạ dày.

Đừng chủ quan khi những cơn đau dạ dày thường xuyên kích hoạt. Tốt nhất nên chủ động tìm gặp bác sĩ để có thể xác định rõ nguyên nhân và có phương án can thiệp sớm nhất. Không nghiêm túc điều trị sẽ khiến bạn gặp phải nhiều vấn đề rắc rối, nhất là các biến chứng nguy hiểm.

Với những thông tin cung cấp trên đây, chúng tôi mong rằng bạn đã có những kiến thức hữu ích để có thể kiểm soát căn bệnh này tốt hơn!

Ngày:08/09/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM