Bệnh sụt cân không chủ đích - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sụt cân không rõ nguyên do hoặc sụt cân không chủ đích, đặc biệt là nếu giảm mạnh hay liên tục có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn tiềm ẩn. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh sụt cân không chủ đích - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Sụt cân không rõ nguyên do hoặc sụt cân không chủ đích – đặc biệt là nếu giảm mạnh hay liên tục – có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn tiềm ẩn.

Đây là một dấu hiệu nghiêm trọng, đặc biệt là khi bạn sụt cân tương đối nhiều và không biết lý do. Sụt cân không chủ đích có thể là dấu hiệu của bệnh nặng hoặc chỉ đơn thuần là do một loại virus dạ dày.

Các nhà khoa học không có con số cụ thể giải thích về việc sụt bao nhiêu cân mới được xem là sụt cân không chủ đích. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho rằng việc sụt hơn 5% trọng lượng trong vòng 6 tháng đến 1 năm, đặc biệt với người lớn tuổi, là dấu hiệu bệnh lý. Cân nặng của bạn bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, mức độ hoạt động, sức khỏe tổng thể, tuổi tác, sự hấp thụ chất dinh dưỡng và các yếu tố kinh tế và xã hội.

2. Triệu chứng thường gặp

Trọng lượng cơ thể thường xuyên biến động, nhưng sụt cân không chủ đích, kéo dài và hơn 5% trọng lượng trong 6-12 tháng thì bạn phải lưu ý. Sụt cân nhiều có thể là dấu hiệu của suy dinh dưỡng, khi chế độ ăn uống không có đủ dưỡng chất cần thiết.

Bạn nên đặc biệt chú ý nếu gặp các triệu chứng khác, chẳng hạn như:

Mệt mỏi; Ăn mất ngon; Có thay đổi trong thói quen đi vệ sinh; Có bệnh hoặc nhiễm trùng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nếu bạn bị sụt cân không chủ đích và không rõ lý do, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt là nếu bạn bị mất 5% trọng lượng trong vòng 6-12 tháng. Nếu bạn bị suy nhược, lớn tuổi thì hãy liên hệ với bác sĩ ngay cả khi sụt trên 5%.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Sụt cân không chủ đích có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả y tế và phi y tế. Thông thường, có nhiều yếu tố khiến cơ thể suy yếu và sụt cân, đôi khi bác sĩ không thể tìm thấy nguyên nhân cụ thể.

Ung thư tiềm ẩn thường sẽ có các triệu chứng khác hoặc bất thường trong kết quả xét nghiệm, bên cạnh việc sụt cân không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân tiềm tàng của việc sụt cân không rõ nguyên do bao gồm:

Bệnh Addison (suy thượng thận); Ung thư; Bệnh celiac; Những thay đổi trong chế độ ăn hoặc chán ăn; Những thay đổi về khứu giác, vị giác; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; Bệnh Crohn; Sa sút trí tuệ; Vấn đề nha khoa; Trầm cảm; Bệnh tiểu đường; Suy tim; HIV/AIDS; Tăng canxi máu; Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức); Suy giáp; Một số thuốc; Bệnh Parkinson; Loét dạ dày – tá tràng; Lạm dụng chất gây nghiện (rượu, cocaine, các chất khác); Lao; Viêm loét đại tràng.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh sụt cân không chủ đích?

Bệnh sụt cân không chủ đích rất phổ biến, thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh sụt cân không chủ đích?

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra bệnh sụt cân không chủ đích, chẳng hạn như:

Phiền muộn; Mất cảm giác ngon miệng; Dùng thuốc gây ra khô miệng hoặc đau miệng, gây đau đớn khi ăn uống; Có các bệnh về tim, gan hoặc thận, các bệnh như ung thư và HIV/AIDS. Buồn nôn do hóa trị và xạ trị cho bệnh ung thư có thể làm giảm sự thèm ăn.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh sụt cân không chủ đích?

Bác sĩ sẽ khám để xác định nguyên nhân gây ra bệnh sụt cân bằng cách hỏi các triệu chứng và bất kỳ thay đổi nào trong lối sống gần đây.

Lúc đầu, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, khám lâm sàng và xét nghiệm cơ bản. Nếu bác sĩ cảm thấy chế độ ăn uống hoặc rối loạn tiêu hóa là nguyên nhân gây bệnh, họ sẽ đánh giá về dinh dưỡng, bao gồm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ vitamin và khoáng chất. Các kết quả của xét nghiệm này sẽ xác định xem bạn đang thiếu chất gì hay có thiếu máu không.

Đôi khi, nếu việc đánh giá không có kết quả, bác sĩ sẽ phải quan sát trong một vài tháng. Bạn cần một chế độ ăn uống đặc biệt để tránh sụt thêm cân và lên cân trở lại.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh sụt cân không chủ đích?

Nếu bạn bị thiếu hụt dinh dưỡng, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia dinh dưỡng hoặc đưa ra một chế độ ăn uống giúp khắc phục sự thiếu hụt. Nếu bệnh là do rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh viêm ruột thì bác sĩ có thể yêu cầu bạn áp dụng chế độ ăn uống đặc biệt trong thời gian bị viêm để giúp bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc nếu một rối loạn nội tiết tố gây ra bệnh sụt cân không chủ đích.

Bạn có thể chữa bệnh sụt cân không chủ đích do các bệnh thông thường như cảm cúm, cảm lạnh thông thường hoặc ngộ độc thực phẩm bằng cách nghỉ ngơi tại giường, uống nhiều nước, dùng thuốc và trở lại chế độ ăn uống bình thường khi bạn đã cảm thấy khỏe hơn.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị sụt cân không chủ đích là do một căn bệnh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư thì bạn cần làm thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

Thay đổi chế độ ăn uống thiếu chất bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn; Áp dụng lối sống và thói quen lành mạnh; Tập thể dục thường xuyên hơn để thúc đẩy sự trao đổi chất; Giữ tâm trạng tích cực và tránh lo lắng hay căng thẳng quá mức; Nghỉ ngơi đầy đủ mỗi ngày.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hội chứng Sụt cân không chủ đích, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:12/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM